Chân dung linh mục Việt Nam: cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết
Cha Phanxicô Xaviê TRẦN NGỌC KHIẾT (1909–2000)
Người mục tử tận tụy
Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết là chứng nhân một đời mến Chúa - yêu người, tận tụy yêu thương đoàn chiên của mình. Hình ảnh một con người nhỏ bé, đơn sơ, khiêm tốn được ghi khắc trong tâm khảm của mỗi người dân Chúa. Nhắc đến ngài, người giáo dân không thể không nhắc đến hình ảnh một cụ già trèo đèo, lội suối, băng rừng đi tìm kiếm từng con chiên. Nhắc đến ngài, người ta thường nói đến lòng quảng đại, sự hy sinh quên mình vì đoàn chiên, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Dù ngài đã được Chúa gọi về, nhưng hình ảnh một con người, một linh mục đáng kính vẫn sống mãi trong lòng đoàn chiên mà ngài được trao phó.
1. Đôi dòng tiểu sử
Cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết sinh năm 1909, tại giáo họ Thạch Sơn, giáo xứ Hà Thạch, giáo phận Hưng Hóa, là con thứ sáu trong một gia đình có 7 anh chị em (4 trai, 3 gái). Thân phụ là ông cố Phanxicô Xaviê Trần Văn Thạch. Thân mẫu là bà cố Maria Trần Thị Gián.
Năm 1918, khi mới được 9 tuổi, cậu Khiết được gửi vào học tại Tiểu Chủng viện Hà Thạch. Sau khi học xong chương trình văn hóa, chú Khiết được các cố thừa sai dạy Triết học và Thần học.
Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, Tiểu Chủng viện phải đóng cửa, Thầy Khiết được cử đến giúp các giáo xứ Trù Mật, Hoàng Xá, Sơn Dương, Yên Khoái, Sơn Tây, và tiếp tục con đường tu trì như một “thầy giảng”cho đến năm 1971, vào năm 62 tuổi, nên thường được gọi là thầy già Khiết.
Năm 1973, thầy già Khiết được Đức cha Phêrô Nguyễn Huy Quang chọn làm linh mục. Lúc đầu thầy không nhận vì tuổi cao, nhưng sau đó thầy đã vâng lời Đức cha. Ngày 25 tháng 10 năm 1973, thầy già Khiết được trao ban thừa tác vụ linh mục lúc đã 64 tuổi.
Tân linh mục Khiết được cử đến coi sóc các giáo xứ: Nhân Nghĩa, Yên Bái, Yên Bình, Vĩnh Quang, Nghĩa Lộ, Lao Cai, Sa Pa… Địa bàn hoạt động của ngài rộng hàng ngàn cây số vuông.
Ngày 25 tháng 10 năm 1998, ngài kỷ niệm Ngân khánh Linh mục, khi đã được 89 tuổi.
Ngài được Chúa gọi về ngày 22 tháng 04 năm 2000, hưởng thọ 91 tuổi. Ngài được an táng tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Nhân Nghĩa, giáo phận Hưng Hóa.
2. Gương chứng nhân và công việc mục vụ
Sau khi cha già Nghĩa qua đời ngày 06-10-1973, cha Khiết được Đức cha bổ nhiệm coi sóc các giáo xứ thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai). Ngài đã bắt tay vào việc đi tìm gặp những người công giáo trong các cộng đoàn trên 20 năm chưa bao giờ được gặp linh mục. Ngoài ra, cha Khiết còn tìm ra nhiều cộng đoàn tin Chúa nhờ nghe các chương trình phát thanh, chứ chưa hề được ai giảng dạy. Họ tin có Chúa và cùng nhau quy tụ lại đọc kinh, cầu nguyện.
Ngoài việc xây dựng và củng cố đức tin cho các cộng đoàn, cha Khiết cùng với bà con giáo dân đã lấy lại được một số đất đai của các nhà thờ bị chiếm dụng, đã xây dựng lại các cơ sở thờ tự ở Yên Bái và Lào Cai bằng tranh tre, vách đất, những nhà thờ đã đổ nát, hoang tàn vì chiến tranh tàn phá và từ lâu không có linh mục coi sóc.
Cha Khiết không những chỉ dâng lễ ở các nhà thờ giáo xứ như Nhân Nghĩa, Yên Bái, Yên Bình, Vĩnh Quang, Nghĩa Lộ, Lao Cai, Sa Pa…, mà còn thường xuyên đến dâng lễ tại các họ lẻ như Đại Phác, Văn Yên, Hoàng Thắng, Hầu Thào, Lao Chải, Tằng Loỏng, Phình Hồ, Giàng La Pán. Ngài luôn ân cần động viên thăm hỏi bà con giáo dân. Mỗi khi có kẻ liệt, ngài đến tận nơi, đến từng nhà để động viên, yên ủi, không quản đường xa, đêm hôm, giá rét.
Ngoài việc chăm lo cho đời sống tinh thần của giáo dân, cha Khiết còn quan tâm nuôi dưỡng ơn gọi làm linh mục, tu sĩ cho người bản xứ nơi cha coi sóc.
Phương tiện đi lại thời đó chủ yếu bằng xe đạp, bằng ngựa, thuyền, võng, hoặc đi bộ. Đường xá thì xa xôi cách trở, đèo dốc, núi rừng, nhưng cha vẫn không quản gian lao vất vả để tìm đến với đoàn chiên của mình. Gia tài quý nhất của cha là chiếc xe đạp. Có khi cha phải đạp xe vài chục cây số, thậm chí hàng trăm cây số, một thân một mình giữa đường xa vắng vẻ.
Cha không có người giúp việc, phải tự lo cho mình về sức khỏe, về ăn uống và công việc mục vụ. Cha đến với mọi người bằng tình thương và tấm lòng của mình. Cha khiêm nhường bình dị, đi dép cao su, đội mũ lá, khăn vắt vai. Hình ảnh người cha già đáng kính đơn sơ giản dị vẫn được giáo dân say sưa kể lại.
Thay lời kết, xin mượn lời một giáo dân, ông Nguyễn Văn Thơm, nói lên những cảm nhận của ông về cha Phanxicô Xaviê Trần Ngọc Khiết như sau: “Cha già Khiết là một linh mục đạo đức, thánh thiện, chuyên lo giảng dạy đạo thánh Chúa cho mọi người. Cha đã sống nghèo, chia sẻ kiếp nghèo với mọi người dân ở đây. Cha thật sự là một người cha trong gia đình giáo xứ, giáo họ. Cha rất nhân hậu, không bẳn giận, cáu gắt. Tâm đức ngài căn dặn con chiên rất sâu sắc. Cha sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, hòa đồng với người dân đến nỗi nhiều người không nhận ra ngài là linh mục trong cuộc sống đời thường. Ngài là một linh mục gương mẫu sống mãi trong lòng mọi tín hữu nơi đây”.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng