Chân dung linh mục Việt Nam: cha Phêrô Cao Hữu Tạo & cha Phêrô Cao Hữu Hân
Cha Phêrô CAO HỮU TẠO (1863–1961)
và cha Phêrô CAO HỮU HÂN (1865–1965)
Người giáo dân Vinh, Phan Thiết và nhất là giáo dân thuộc các xứ đạo La Gi không ai không biết danh tiếng của hai vị linh mục thánh thiện, nổi tiếng ban nhiều ơn lạ, mọi người gọi các ngài bằng một tên thân mật là “Hai Cha Già”. Đó là hai anh em ruột: linh mục Phêrô Cao Hữu Tạo và linh mục Phêrô Cao Hữu Hân.
Hai linh mục anh em họ Cao:
1/ Linh mục Phêrô Cao Hữu Tạo:
- Sinh năm 1863, tại Cồn Giữa Quảng Bình.
- Thầy giảng giúp Đức cha Louis Pineau Trị 3 năm.
- Chánh văn phòng Tòa Giám mục Xã Đoài 8 năm.
- Chánh xứ Trại Lê, Hà Tĩnh 23 năm .
- Hạt trưởng Xã Đoài 5 năm.
- Hưu dưỡng: tại giáo xứ Tân Yên năm 1937, tại Cự Tân sau năm 1945, tại Thanh Xuân năm 1955.
- Có 5 linh mục nghĩa tử: 4 cha gốc Trại Lê Hà Tĩnh, người cuối cùng là cháu, gốc Gia Hưng, Quảng Bình:
1. Linh mục Nguyễn Lê
2. Linh mục Phêrô Trần Đình Báu (có nghĩa tử là linh mục Trương Bá Cần, tiến sĩ sử học)
3. Linh mục Giuse Nguyễn Khôi
4. Linh mục Thân Văn Huy
5. Linh mục Gioan B. Cao Vĩnh Phan
Hồi làm linh mục văn phòng cho Đức cha Trị, ngài đã đóng vai trò thư ký trong Vụ án quan trọng điều tra lý lịch của 22 vị Tử đạo ở giáo phận Vinh năm 1909. Đồng thời làm linh mục giải tội cho Đức cha Pineau Trị.
Hồi hưu dưỡng tại Thanh Dạ, ngài và em là linh mục Phêrô Cao Hữu Hân (sẽ nói sau) đã lập giáo họ Hiền Môn. Tiếp đó vào miền Nam, tại La Gi hai anh em xây dựng giáo họ Thanh Xuân năm 1955 và nay đã được nâng lên hàng giáo xứ lớn trong giáo phận Phan Thiết. Ngài qua đời sáng ngày 20-05-1961 tại Thanh Xuân, La Gi Bình Thuận và có mộ chung hai anh em dưới Tòa Đức Mẹ giáo xứ Thanh Xuân. Nơi đây, hằng ngày đều có người đến xin khấn “Hai Cha Già” và đều được các ngài bầu cử để lãnh nhận những ơn lành hồn xác. Khi các ngài còn sống tại Thanh Xuân, giáo dân cũng đã đến nhờ các ngài cầu nguyện và xin “thuốc Cụ” về uống để chữa bệnh.
Ngài có tiếng là linh mục thánh thiện, đạo đức, đơn sơ, nghèo khó giống như mẫu linh mục Gioan Vianney bên Pháp.
2/ Linh mục Phêrô Cao Hữu Hân, em ruột:
- Sinh năm 1865 tại Cồn Giữa Quảng Bình.
- Thầy giảng, dạy Tiểu chủng viện Xã Đoài.
- Chánh xứ Trung Nghĩa, chánh xứ Cam Lâm Hà Tĩnh, chánh xứ Tân Yên Nghệ An 1932–1945.
- Hưu dưỡng tại Thanh Dạ Cự Tân. Lập giáo họ Hiền Môn năm 1947.
- Vào Nam hưu dưỡng tại giáo họ Thanh Xuân, La Gi, Bình Thuận năm 1955.
- Ngài chỉ có một linh mục nghĩa tử là cha Phêrô Nguyễn Văn Bường, gốc Mỹ Dụ Nghệ An, chuyên truyền giáo ở Lào và chết tại Lào.
Ngài có tiếng thông minh, uyên thâm, hiếu học, giỏi La ngữ, Hán ngữ, Pháp ngữ. Cuối cùng đang khi mải mê học Anh ngữ thì đã tắt thở trên ghế bố, ngày 7-10-1965, lúc tay còn cầm cuốn Thánh Kinh Anh Ngữ.
Cả hai anh em đồng có một đường lối giáo dục thiết thực và cụ thể. Cha Cao Hữu Tạo như đã nói trên là mẫu gương của lòng sùng kính Đức Mẹ, tôn thờ bí tích Thánh Thể và chịu khó ngồi tòa giải tội bất cứ khi nào, sáng, trưa, chiều, tối. Có khi một đêm chỉ ngủ được vài giờ và thức dậy rất nhanh mỗi khi nghe giáo dân gõ cửa xin xưng tội. Ngài có thể giải tội trường kỳ không cần ăn uống ngủ nghỉ. Đặc biệt trong các ngày lễ lớn: Cấm Phòng, Chầu Lượt, Làm Phúc các giáo họ đến nỗi các linh mục có mặt đều phải khâm phục về sự kiên nhẫn bền sức khi ngài ngồi tòa. Chính vì lý do đó cha được mệnh danh là cha thánh Gioan Vianney ở Việt Nam.
Riêng cha Cao Hữu Hân còn có lòng sùng kính thánh Giuse, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và các thánh Tử Đạo Việt Nam.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo:
Điều đáng kể hơn cả của hai vị linh mục này là giáo dục và đào tạo vì nó có một ảnh hưởng trường kỳ và rất lớn lao.
Chỉ nói riêng ở xứ Tân Yên Quỳnh Lưu, các ngài đã nuôi một thầy dạy tiếng Pháp. Trước một năm khánh thành nhà thờ Tân Yên, năm 1938 các ngài thuê mấy thầy kèn trống từ Phát Diệm vào dạy nhạc và ở cả năm trời để dạy cho các thanh thiếu niên biết cách sử dụng và thành lập hội kèn rất nổi tiếng trong địa phận Vinh hồi đó. Kế đến các ngài cũng nhờ một thầy đồ nho dạy cho những ai trong xứ muốn học.
Các ngài khuyến khích các bậc phụ huynh có con em trong tuổi học hành phải cho đi học để biết đọc, biết viết và có cơ hội sẽ nâng cao tầm học vấn. Các ngài cũng đã khuyến khích các thanh thiếu niên nam, nữ xin gia nhập đời sống tu trì trong chủng viện hoặc dòng tu nam nữ. Vì thế, các ngài đã gửi các em có ý hướng đi học nâng cao tầm hiểu biết tại các trường Hà Nội như trường thánh Tôma hoặc trường các bà sơ thánh Phaolô ít nhiều năm sau đó về truyền đạt lại cho các em trong giáo xứ.
Riêng về con cháu, các ngài nuôi trong nhà và dạy dỗ chu đáo cẩn thận. Các ngài cho học lý thuyết ở trường nhưng khi về nhà bắt làm việc thực tế. Các ngài dạy con cháu học và đọc tiếng Pháp, tiếng La tinh, mặc dầu chính người cháu đọc mà chỉ hiểu đôi chút. Thỉnh thoảng các ngài cho ngừng lại để giải thích những lời hay ý đẹp của bài đọc. Các ngài còn cho học nhạc, học kèn, học trống.
Một lần thấy kết quả cụ thể, các ngài nói lời khuyến khích: “Hai bác thấy cháu cũng biết làm tuy chưa được bằng người ta vì cháu còn nhỏ. Ước mong của hai bác là thấy cháu cố gắng làm việc và học hành cho tốt. Cháu không làm được 10 như người ta, nhưng nếu cháu chịu khó làm được 1, 2, 3 đầy đủ thế là hai bác toại nguyện rồi. Bù công lao của hai bác đã bỏ công dạy dỗ và nuôi cháu mồ côi cha mẹ.”
Lời khuyến khích ấy đã tác động mạnh mẽ, giúp cho người cháu suốt đời tích cực học tập, viết lách, nghiên cứu… Đã có một vài thành quả trông thấy như viết về lịch sử, về Kinh thánh, thơ vè để làm tài liệu giáo dục vì có hướng chuyên về giáo dục và đào tạo như hai bác.
Ngoài ra phải thêm rằng cha Cao Hữu Hân là một con người hiếu học, thức thời, đọc sách báo và nói về kinh tế, xã hội, chính trị. Nhiều lần ngài bày cho cách nghiên cứu về quặng mỏ sắt, than, đồng, chì… Và rất thích về địa lý, về phong thủy. Một lần ngài gọi Trung Quốc là một con cọp đang ngủ chưa thức dậy, còn cổ hủ, chưa tiến bộ, nên trong cuộc chiến tranh Trung Nhật 1939 – 1945 Trung Quốc thua Nhật và Mỹ, Pháp, Anh nhưng rồi đây khi nó thức dậy thì nó là một đối thủ đáng gờm của thế giới.
Lời tiên tri ấy được nói vào năm 1939. Qua 70 năm sau, đến bây giờ Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế thế giới. Đó là chưa nói về văn hóa, quân sự, bom hạt nhân, thám hiểm không gian...
Nhìn quả biết cây:
Trong Phúc Âm Chúa nói: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt, cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây ” (Mt 12, 33). Nhờ lời dạy có cơ sở bền vững như vậy, mà người cháu của “hai cha già” là cha Gioan B. Cao Vĩnh Phan đã viết:
Về lịch sử:
- Lịch sử giáo phận Vinh, 600 trang cỡ lớn in tại California năm 1996
- Đi Tìm Xứ Đạo Đầu Tiên Nghệ An giáo phận Vinh, căn cứ theo Bản Phúc Trình của linh mục truyền giáo dòng Tên Manoel Férreyra viết năm 1676, 300 trang
- Lịch sử giáo hạt Bình Chính, 1999, 500 trang
- Tiểu sử linh mục Phêrô Phêrô Cao Hữu Tạo, 2004, 300 trang, v.v...
Về Kinh Thánh, truyền giáo, giáo dục:
- Đọc và Học Kinh Thánh qua các bản dịch tiếng Việt, năm 2000, 250 trang.
- Trường ca dân Chúa, thơ lục bát, 1650 câu, năm 1970
- Đến với anh em lương dân, năm 2005
- Hái Bông Hồng, năm 2005
- Nhiều bài Góp ý về Bản Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 2007
Đặc biệt năm 1970 viết cuốn “Tết đốt 200 tỉ bạc” theo tỉ giá hồi đó, với mục đích đề nghị cấm đốt mọi thứ pháo dịp Tết Nguyên Đán gây lãng phí và bao tang tóc cho cá nhân xã hội. Được “giải thưởng khuyết khích” của chính phủ thời ấy. 25 năm sau, năm 1995 Trung Quốc ra lệnh cấm đốt pháo, và Việt Nam sau một năm 1996, cũng công bố lệnh cấm đốt pháo.
Năm 1992, Tết Nhâm Thân, viết Bản Thỉnh Nguyện gửi trực tiếp cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cả trăm bản sao gửi cho các Tòa Đại sứ ngoại quốc tại Hà Nội, các Ban Bộ Trung Ương Tỉnh Huyện Xã và các cơ quan tôn giáo trong nước, ngoài nước kêu gọi khẩn cấp kiến thiết lại con đường xe hơi Phan Thiết – Mũi Né do bà Lục Thị Đậu xây dựng từ năm 1922 để cứu sống cho 45 ngàn dân địa phương lâu nay bị bỏ rơi. Kết quả là năm 1994, Nhà Nước đời thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho làm lại, tiếp đó nhiều chương trình đầu tư nước ngoài ồ ạt đến tăng cường biến Mũi Né – Rạng trở nên chẳng những một trung tâm du lịch hấp dẫn của Bình Thuận và còn cho toàn quốc không kém gì Nha Trang, Vũng Tàu. Thực tế hôm nay đang chứng minh cho lời yêu cầu đó.
Kết luận:
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đền ơn đáp nghĩa. Những dòng này được viết ra để làm thành một bài tạ ơn đối với sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, cùng là một lời tri ân chân thành đối với các đấng tiền bối để gương lại cho các thế hệ mai sau.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng