Chân dung linh mục Việt Nam: cha Phêrô Nguyễn Bá Đương
Cha Phêrô NGUYỄN BÁ ĐƯƠNG (1925–1986)
Linh mục thánh thiện
“Một linh mục thánh thiện”: đó là lời Đức cha cố Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp viết về cha Phêrô Nguyễn Bá Đương trong sổ linh mục đoàn giáo phận Vinh.
Cha Phêrô Nguyễn Bá Đương sinh ngày 11 tháng 12 năm 1925 tại giáo xứ Hướng Phương (Quảng Bình) trong một gia đình truyền thống đạo hạnh; vào Trường Tập Xuân Phong năm 1937. Trong thời gian học tại các trường Tiểu chủng viện, Đại chủng Viện Xã Đoài, học lực của thầy Đương thường được xếp nhất nhì trong lớp.
Ngày 1 tháng 2 năm 1959, thầy Phêrô Nguyễn Bá Đương chịu chức linh mục cùng với 5 thầy khác mà sau này đã được trao phó nhiều trọng trách khác nhau; trong đó có Đức cố Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp, cha cố Phêrô Hoàng Bảo - nguyên Tổng đại diện, cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền - nguyên Bề Trên Đại chủng viện Xã Đoài.
Sau khi thụ phong linh mục, cha Phêrô Nguyễn Bá Đương được Bề trên đặt phụ trách giáo xứ Hội Yên, Xuân Kiều. Cuối tháng 8 năm 1959, ngài về làm giáo sư Tiểu chủng viện Xã Đoài, đến năm 1964 làm giáo sư Đại chủng viện Xã Đoài. Ngày 20 tháng 11 năm 1970 bị bắt tại Đại chủng viện và bị đem đi “cư trú bắt buộc” tại giáo xứ Trung Hoà (Thanh Chương – Nghệ An). Ngài ở Trung Hoà với cha già Phêrô Nguyễn Đoài quản xứ này. Đầu năm 1974, cha già Đoài nghỉ hưu, Cha Phêrô được bề trên giáo phận đặt làm quản xứ Trung Hoà và qua đời tại đây ngày 16 tháng 12 năm 1986.
Gần 30 năm làm linh mục, cha Phêrô đã để lại những mẫu gương sáng của người mục tử thánh thiện với những nét đặc biệt sau đây:
1. Đầy lòng yêu mến Giáo Hội
Cha Phêrô lãnh chức linh mục trong thời gian giáo phận Vinh gặp nhiều sự khốn đốn nhất. Với tư cách là người đào tạo linh mục, khi thấy nhiều chủng sinh và cả anh em linh mục phải bỏ quê mẹ di cư vào Nam, số khác bám trụ quê hương thì bị bắt đi vào các trại cải tạo lao động… Trước tình cảnh ấy, ngài đã viết nhiều bài hát để củng cố niềm tin yêu, hy vọng và can đảm trước thử thách, toát lên tâm hồn của người linh mục luôn biết bám chặt vào Mẹ hiền Giáo Hội mà tiến bước. Ngày nay những bài hát ngài sáng tác vẫn còn nung nấu nơi nhiều người trẻ thêm lòng yêu mến Giáo Hội Chúa và kiên vững trong Đức Tin.
Đối với cha, dù Giáo Hội có bị bắt bớ và khó khăn cách nào thì nét đẹp Đức Ái sẽ làm cho Giáo Hội luôn bền vững: “Cờ Vàng-Trắng tung ngàn ánh quang thái bình, dẫn đưa bao người thoát ách lầm than… Cờ Bác ái tung phất phới trên Kinh đô Ngàn năm hùng tráng. Toàn thế giới Công giáo hướng về nơi châu thành ngàn năm”. Nhờ những bài hát này mà rất nhiều chủng sinh, linh mục và giáo dân thời đó đã thêm tin tưởng, can đảm vượt qua thử thách và hiên ngang làm chứng cho Đức tin.
2. Đầy sức lôi cuốn lòng người
Trong những năm bị “quản chế” rồi sau đó quản xứ Trung Hoà, cha Phêrô có sức lôi cuốn lạ thường đối với các anh em linh mục và chủng sinh. Trung Hoà là một giáo xứ nằm ở miền cực Tây của giáo phận Vinh, đường sá đi lại rất khó khăn, đò giang cách trở. Thời đó, việc đi lại của các linh mục và chủng sinh bị hạn chế, vậy mà nhiều chủng sinh linh mục vẫn cố tìm đến với cha Phêrô để được ngài khuyên bào trong đời sống đạo, theo đuổi ơn gọi trước những khó khăn thử thách. Thêm vào đó cha Phêrô còn âm thầm dạy triết học, thần học cho nhiều chủng sinh sau những năm dài ở tù trở về đang kiên trì trong ơn gọi, với mục đích là chờ thời thuận tiện giáo phận sẽ có ngay nhân sự.
Giáo dân trong vùng, các giáo xứ trong hạt, trải dài trên một địa bàn rộng lớn luôn tìm đến với cha Phêrô mong được nghe những lời khuyên bảo đầy tinh thần Phúc Âm và được thêm đức tin trước thử thách gian nan.
Điều đặc biệt là từ năm 1976, chính quyền địa phương bắt buộc giáo dân phải di dời xa nhà thờ xứ từ 3-6 km, chỉ còn nhà thờ Trung Hoà giữa bãi ngô mênh mông, vậy mà sáng tối, nhà thờ giáo xứ Trung Hoà vẫn luôn đầy người đến đọc kinh, tham dự Thánh Lễ. Dù phải đi lại rất khó khăn, bị để ý và kiểm soát nghiêm nhặt, nhưng giáo dân Trung Hoà từ già đến trẻ, trời mưa hay nắng, nóng nực hay rét mướt, sáng tối họ vẫn luôn đến đầy trong nhà thờ Trung Hoà, quanh cha kính yêu của mình. Trong nhà xứ ngày nào cũng có người đến làm việc để làm bớt đi sự cô quạnh. Họ cảm thấy vui khi đến phiên mình được vào làm việc tại vườn nhà xứ.
Năm 1986, khi biết mình mắc bệnh ung thư, cha Phêrô luôn chuẩn bị sẵn sàng giờ Chúa gọi. Chính ngài đã ghi âm những lời trăn trối đầy lòng đạo đức thánh thiện và yêu thương dân mình. Sau này khi nghe lại những lời trăn trối ấy, nhiều người tội lỗi biết đường hoán cải, kẻ khô khan thêm lòng mến Chúa, những người đạo đức lại thêm nhân đức hơn. Ngài biết giữa bối cảnh đầy khó khăn, linh mục thiếu hụt chưa có người bù đắp, mà ngài ra đi là một đau thương cho giáo xứ Trung Hoà, ngài đã trấn an dân ngài với niềm hy vọng vào ngày: “Phút tối tăm nhất báo tin giờ sắp sáng. Đã mưa nhiều là nắng mãi sắp liên”.
Ngày 16-12-1986 cha Phêrô Nguyễn Bá Đương ra đi bình an trong sự tiếc thương vô hạn của anh em linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân giáo phận Vinh.
Vì chính quyền không cho an táng tại vườn nhà thờ, nên giáo xứ Trung Hoà phải an táng thi hài cha Phêrô tại nghĩa trang xa giáo xứ hơn 3 km. Đám tang của ngài đã trở thành cuộc rước lớn với dòng người kéo dài gần 3 km. Không chỉ có người công giáo mà cả đến bà con lương dân phải mang xe đạp trên vai để băng qua những cánh đồng lầy lội theo linh cữu ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Đã 23 năm trôi qua, cha Phêrô Nguyễn Bá Đương vẫn luôn là mẫu gương về đời sống thánh thiện đầy nhiệt thành trong sứ vụ linh mục cho linh mục đoàn giáo phận Vinh.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng