Chân dung linh mục Việt Nam: Đức ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh
Đức Ông Giuse Đích NGUYỄN NGỌC OÁNH (1922–2007)
Vị tông đồ nhiệt thành
Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh sinh ngày 10-04-1922 tại làng Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam, quê hương thánh tử đạo Antôn Nguyễn Đích, trong một gia đình công giáo đạo đức gồm 6 người con, 4 trai, 2 gái, trong đó có hai người dâng mình cho Chúa làm linh mục của Tổng giáo phận Hà nội là Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh và linh mục Anphongsô Đích Nguyễn Ngọc Châu.
Tuy ông nội và thân phụ có học thức và vai vế trong xã hội, nhưng gia đình Đức Ông sống đạm bạc thiếu thốn. Nhờ cha già Phêrô Nguyễn Huy Tôn nâng đỡ, cậu Oánh mới được ăn học. Có trí thông minh và ý chí cầu tiến, nên cậu Oánh học hành tiến bộ, thi đâu đậu đấy. Năm 1933, cậu được tuyển vào Tràng tập Hà nội để tìm hiểu ơn gọi. Thấy cậu có lòng đạo đức và quyết chí dâng mình cho Chúa, nên năm 1936 bề trên đã cho cậu vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên. Học hành xuất sắc nên đã được bề trên cho theo học trường Pasteur Hà Nội để thi bằng Tú tài vào năm 1944. Tháng 8 năm 1944 cậu được theo học tại Đại chủng viện Saint Sulpice Liễu Giai.
Tháng 7 năm 1951, sau khi lãnh chức phụ phó tế, thầy Oánh được cử đi du học tại Hoa Kỳ. Tiếp tục học thần học tại Đại chủng viện Saint Meinrad, Indiana, thầy được chịu chức linh mục ngày 03-05-1952. Sau đó, cha Oánh được chuyển đến Đại học Loyola tại Chicago để học môn Xã hội học. Tháng 6 năm 1954 cha tốt nghiệp master về Xã hội học. Đang tiếp tục dọn tiến sĩ thì ngài nhận được thư của cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chuyển đạt lệnh truyền của Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê như sau: “Xin cha biên thư cho các cha Trương, cha Thông, cha Oánh, báo tin cho các cha ấy biết tôi muốn cho các cha ấy về Bắc. Các cha bỏ đi Nam nhiều, thiếu người làm việc. Tôi muốn mở lại các Chủng viện. Tôi để tùy ý các cha, nhưng nếu các cha ấy về, thì tôi vui mừng lắm”.
Nhận được thư ấy, ngài lo âu suy nghĩ rất nhiều. Vì đang học dở dang. Vì hoàn cảnh quê nhà đang rối ren và những người thân thiết đều ngăn cản. Nhưng cha Thông nói với ngài: “Bỏ tất cả mà về, thì được Chúa Thánh Thần”. Thế là hai cha cùng nhau quyết định vâng lời bề trên trở về giáo phận dù rất băn khoăn lo lắng vì biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tháng 9 năm 1955, về đến nhà, ngài lao ngay vào công việc, vừa làm thư ký cho Đức cha, vừa dạy học cho Tiểu chủng viện Gioan, vừa dạy giáo lý cho giới trí thức. Có thể nói các lớp giáo lý này là một thao thức hợp thời nên đã qui tụ được một khối lượng học viên trí thức lớn lao. Mỗi tuần hai buổi qui tụ hàng ngàn sinh viên và giáo viên, lớp giáo lý có kết quả rất tốt. Vì lớp giáo lý có ảnh hưởng sâu rộng nên chính quyền ra lệnh đình chỉ. Ngài lại lui vào âm thầm, tổ chức đào tạo giáo lý viên trong Tòa giám mục.
Thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài, và vì ngài không ủng hộ Ban Liên Lạc Công giáo nên chính quyền quyết định bắt ngài cải tạo tại chỗ. Ngày 16-08-1965, ngài bị quản chế tại Chuôn Trung với kỷ luật nghiêm ngặt: Không được đi ra khỏi thôn. Không được nói chuyện với bất cứ người nào trong thôn. Khách muốn đến thăm phải có phép của công an. Không được làm lễ trước mặt giáo dân.
Tuy bị quản chế nghiêm ngặt, hằng ngày phải chịu đựng những thái độ, lời lẽ nghi kỵ, nhục mạ, luôn bị gọi lên thẩm vấn, điều tra, làm kiểm điểm, làm báo cáo liên tục, ngài vẫn luôn vui tươi. Ngài hăng hái làm việc tay chân như cuốc đất trồng rau, đào giếng. Và nhất là dù bị cấm đoán, ngài vẫn dâng lễ vào lúc 2 giờ sáng để giáo dân có thể tham dự thánh lễ. Ngài dâng lễ rất sốt sắng. Đó là lý do tại sao giáo dân xa xôi cũng đến tham dự thánh lễ vào lúc 2 giờ sáng. Ngài lợi dụng thời gian để cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể. Đó chính là nguồn sống, nguồn sức mạnh nâng đỡ ngài trong thời gian rất khó khăn này.
Trong suốt 20 năm, ngài thường xuyên liên lạc với Đức cha Khuê bằng thư từ hoặc nhắn gửi. Đặc biệt trong những ngày lễ ngày tết không bao giờ ngài quên viết thư chúc mừng Bề trên Giáo phận. Nhận được thư của ngài, Đức cha Khuê đều trả lời với lòng quí mến, rất ưu ái. Ngài cũng thường viết thư trao đổi với Đức cha Thuận đang bị quản chế tại Hà Nội. Để trả lời ngài, Đức cha Thuận cũng thường viết thư cho “em Oanh Sắc” (ý nói cha Oánh).
Ngài vừa khiêm tốn vừa cương quyết trong thái độ đối với chính quyền. Khiêm tốn nên không bao giờ chống đối hay có ý tưởng oán thù, trái lại luôn chấp hành mọi chỉ thị của Nhà Nước. Nhưng cương quyết thi hành nhiệm vụ linh mục, không tán thành Ủy ban Liên Lạc Công giáo và không bao giờ chịu tố cáo những người xưng tội, những người con linh hướng của ngài. Ngài đã viết trong bản tự kiểm: “Tôi nhiệt liệt ca ngợi những công trình xây dựng làm cho dân giầu nước mạnh. Còn chủ nghĩa xã hội xây dựng trên nền móng duy vật, tôi nhận thấy điều đó không hợp với tín ngưỡng của tôi tin có một Thiên Chúa sáng tạo vạn vật, có linh hồn bất tử và có thưởng phạt đời sau”. “Đối với các linh mục trong Ủy ban Liên Lạc, tôi mến trọng các ngài… nhưng đứng về phương diện Giáo Hội, tôi không đồng ý với các ngài được”. “Chính quyền có nhắc đến tên những anh Đông, Hùng, Hưng, Bích, Thành, Tiến hiện đang bị bắt giữ. Tôi biết những người đó vì họ có đến với tôi về việc đạo, thuộc phạm vi lương tâm liên quan đến linh hồn thiêng liêng của họ. Nói về họ ngược với lương tâm tôi là một người cha thiêng liêng, là một linh mục của các linh hồn, không hợp với luật đạo chúng tôi”. “Tôi kính nể và tôn trọng chính quyền. Tôi cũng muốn làm đầy đủ nghĩa vụ thiêng liêng của một linh mục đối với Thiên Chúa và đối với các linh hồn” (Tự kiểm ngày 05-04-1965 tại Sở Công an Hà Nội). Trong những năm tháng bị quản chế và cả sau này, không bao giờ ngài có lời lẽ oán thù, bực tức, ngay cả nói xấu Nhà Nước cũng không.
Sau 20 năm bị giam lỏng, ngài được tự do vào năm 1985 để đi coi xứ Hà Thao, tiếp tục dạy Đại chủng viện, đặc trách người dân tộc Mường vùng Hòa Bình và làm thư ký cho Hội đồng Giám mục.
Sở dĩ ngài được giao nhiều công việc vì có nhiều khả năng, nhưng trên hết vì ngài là người luôn vâng lời và nhiệt thành việc tông đồ. Nhưng dù làm việc gì, ngài cũng luôn khiêm tốn, đơn sơ và nhiệt thành. Tuy lớn tuổi và ở xa chủng viện, nhưng ngài luôn đi xe ôm để đi dạy và không bao giờ bỏ mất giờ nào. Ngoài việc dạy dỗ trong Chủng viện, ngài cổ võ ơn kêu gọi và giúp các thanh niên thiếu nữ đi học đại học. Có thể nói các con cái thiêng liêng của ngài là những người đầu tiên được học đại học.
Vùng Hòa Bình còn rất khó khăn, nhưng ngài liên tục vào thăm người dân và làm mọi việc có thể làm để phục hồi những xứ đạo đã bị tàn phá trong chiến tranh. Bị chính quyền cấm đoán, nhưng ngài vẫn kín đáo lui tới. Biết bao lần xe bị chặn bắt. Biết bao lần phải vào trụ sở Ủy ban để làm việc và ngồi chờ hết ngày giờ. Biết bao lần bị khiển trách. Nhưng ngài vẫn hăng hái nhiệt thành lo cho vùng Hòa Bình. Bị cấm sửa chữa nhà thờ, ngài đã cho đốt đèn âm thầm làm trong đêm tối. Bị ngăn cấm dạy giáo lý, ngài đưa người dân tộc Mường ra Hà Thao để dạy giáo lý cho họ. Ngài tuyển chọn các học sinh người dân tộc Mường, lo cho các em được đi học và khuyến khích các em dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Kết quả ngài đã gây dựng được 2 linh mục và 2 nữ tu người dân tộc Mường.
Tuy có vị trí đáng kính trong Giáo Hội nhưng ngài luôn nêu gương về đời sống đơn sơ khiêm nhường. Đơn sơ khó nghèo trong việc sử dụng của cải. Ở căn nhà đơn sơ. Dùng những dụng cụ đơn sơ. Y phục rất đơn sơ. Đơn sơ khó nghèo cả trong tinh thần từ bỏ danh vọng chức quyền. Sau khi làm thư ký cho Hội đồng Giám mục một thời gian, ngài tự ý rút lui để nhường chỗ cho người khác. Được phong tước Đức Ông nhưng không bao giờ ngài tự xưng là Đức Ông, không bao giờ mặc áo viền tím. Nhiều người ngưỡng mộ xin ngài kể lại cuộc đời của ngài cho mọi người biết, ngài luôn trả lời: “Mình thế nào thì mọi người đã biết cả rồi”.
Vị tông đồ luôn hăng say nhiệt thành với công việc mục vụ đã an nghỉ trong Chúa lúc 2 giờ sáng ngày 13-08-2007 tại Hà Thao, hưởng thọ 86 tuổi.
Thật là một tấm gương chói sáng. Vì thế ngài luôn luôn được bề trên, anh em và học trò ngưỡng mộ, yêu mến và mong muốn bắt chước.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng