Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Antôn Den (Học)
Cha ANTÔN DEN (1903 - 1987) GP. Kontum
Cha Antôn Den là một trong ba người đầu tiên thuộc sắc tộc Bahnar được phong chức linh mục (1932) trên Miền Truyền giáo Kontum, sau 84 năm Tin Mừng được gieo vãi nơi đây, kể từ ngày thày phó tế Nguyễn Do, theo lệnh Đức cha Đại diện Tông tòa Stêphanô Cuenot (Thể), thành công trong việc mở đường đưa các vị thừa sai xâm nhập vùng Tây Nguyên (1848). Qua cuộc sống hiền lành, khiêm nhường và tận tụy hy sinh trong việc mục vụ, và qua những công trình to lớn của ngài có liên quan đến tôn giáo và văn hóa, ta có thể coi ngài là một trong những gương mặt linh mục tiêu biểu của giáo phận Kontum. 1. Gia đình
Gia đình cha Den theo đạo Công giáo từ thời ông nội của ngài, là ông Bâu. Chuyện kể rằng 2, năm 1856, ông Bâu, người Bahnar làng Kontum 3, có đứa con trai bị lở miệng, hôi thối lắm. Một hôm, Cha Hòa đi dạo vào làng, thấy nó, hỏi nó là con ai. Khi nghe là con của ông Bâu, ngài liền lên nhà hỏi thăm và nói với ông sao con đau như vậy mà không lo chạy chữa cho nó, để vậy chắc nó sẽ chết… Ông Bâu thưa mình đã tốn kém nhiều rồi, song tiền mất tật mang, không được gì. Cha hỏi ông mua thuốc gì mà tốn dữ vậy? Ông thưa rằng đâu có thuốc thang gì, chỉ rước Bơjâu (phù thủy) cúng vái xin thần linh cho nó khỏi, tốn bao nhiêu là bò, là heo, là dê, nhưng hết của thì có, còn bệnh nó chỉ trơ trơ, chẳng biết sao nữa! Cha nghe vậy động lòng thương, an ủi và khuyên giải cho ông hiểu việc cúng quải là vô ích và tốn kém mà thôi, vì Bơjâu chỉ phỉnh phờ để kiếm chác; nếu có theo đạo kính thờ Đấng Tạo Hóa thì Ngài sẽ phù hộ cho. Khi ấy ông Bâu không nói gì, nhưng suy nghĩ trong lòng có lẽ Chúa của kẻ có đạo có khi lại linh hơn chăng. Sau cuộc nói chuyện đó, cha ra về và lo kiếm thuốc chữa cho thằng bé. Cách vài hôm, cha trở lại gặp những người có thế giá trong làng và khuyên họ theo đạo. Chẳng có ai muốn, ngoại trừ ông Bâu… Cha Hòa vui mừng lắm, lo dạy dỗ, chăm nom, cùng lo săn sóc thuốc thang cho đứa nhỏ. Chẳng bao lâu, nhờ Ơn Trên, nó được lành, nhưng đành phải mang tật sứt môi, vì bị lở nặng quá. Người trong làng gọi đứa nhỏ ấy là Huêng (bởi tiếng hueh là sứt mẻ). Về sau, Huêng khôn lớn, lập gia đình, giữ đạo hẳn hoi và sinh được thầy Chơrơng, giúp việc nhà trường Kontum cùng linh mục Antôn Den.
2. Thân thế
Antôn Den,sinh ngày 13 tháng 6 năm 1903 tại họ đạo Kontum, thời cha Bề Trên Vialleton (Truyền) làm chánh xứ, là con ông Huêng và bà Oih.
Năm 1912, cậu Den được cha sở lúc đó là cha Giuse Décrouille tuyển chọn và giới thiệu cho cha Martial Jannin (Phước), giám đốc Trường Á Thánh Cuenot. Cậu Den được chính thức ghi danh vào lớp học sinh mới, theo học lớp do cha Bober (bok Ber) và chú Luen, chú Xonh và chú Dơu phụ giúp 4.
Năm 1914, cha giám đốc Jannin gởi ba em học sinh là Antôn Den, Giuse Châu và Phêrô Hóa đi tu làm linh mục. Cả ba em này đều xuất thân từ làng Kontum. Sáng thứ hai ngày 2 tháng 11 năm1914, ba em đã từ giã các cha, các thầy, cha mẹ, bà con và bạn bè ra đi xuống miền xuôi tu học tại Tiểu chủng viện Làng Sông, thuộc Hạt Tông Tòa Đông Đàng Trong, sau này là Quy Nhơn (1924). Buổi chia tay diễn ra rất cảm động 5.
Năm 1923, sau gần 10 năm học tập tại Làng Sông, ba thầy Antôn Den (Học), Giuse Châu và Phêrô Hóa đã được Đức cha Đại diện Tông tòa Đông Đàng Trong gởi qua học tại Đại chủng viện Penang (Mã Lai). Về học tập và tu đức, ba thầy được Bề Trên và các cha giáo đánh giá cao: giỏi về sinh ngữ, nhất là cổ ngữ Latinh; các môn triết và thần học không thua kém các bạn đồng lớp; đời sống đạo đức thì gương mẫu, được mọi người khen ngợi và mến thương.
Năm 1930, sau khi học xong các môn triết và thần học tại Penang, ba thầy về nước và trở lại Miền Truyền giáo Kontum để thực tập cuộc sống mục vụ tương lai. Cha Bề Trên Miền đã phân chia các thầy đi giúp ở những nơi cần thiết: thầy Antôn Den tại Dak Kơna, thầy Giuse Châu tại vùng Jrai-Habâu và thầy Phêrô Hóatại vùng Plei Pơnuk (Plei Rơngol Khop).
Năm 1931, ba thầy trở lại Đại chủng viện Đại An (Quy Nhơn) để học thêm tiếng Việt, chuẩn bị thụ phong linh mục.
Ngày 29 tháng 6 năm 1932, ba thầy người sắc tộc lần đầu tiên được tiến chức: Thầy Antôn Den cùng với hai thầy Giuse Châu và thầy Phêrô Hóa nhận thánh chức linh mục từ tay của Đức cha Jannin (Phước), vị giám mục tiên khởi của Hạt Tông Tòa Kontum vừa được tách ra khỏi Hạt Tông Tòa Quy Nhơn (18-01-1932). Đây là ngày trọng đại và vui mừng cho toàn thể Hạt Tông Tòa, ghi dấu ấn một hoài bão đã thành hiện thực. Tờ Báo Tòa Thánh đã đăng hình và viết bài có tựa đề “Linh mục Bahnar đầu tiên”. Nhưng đây là khởi đầu cuộc hành trình mới vừa đầy vinh dự lại vừa đầy thách đố cho cuộc sống của ba tân linh mục người sắc tộc đầu tiên.
3. Công tác mục vụ
1933 – 1934: Cha Antôn Denđược đặt làm cha phó Habâu, giúp Cha Corompt (Hiển) coi sóc 8 họ đạo chung quanh.
1934-1936: Phụ trách Kon Mahar gồm 10 họ đạo.
1936-1938: Phụ trách Kon Long Buk gồm 6 họ đạo.
1938-1939: Cha phó Kontum.
1939-1941: Phụ trách Kon Mơnei Kơtu gồm 10 họ đạo.
1942: Phụ trách Dak Mut gồm 10 họ đạo.
1943: Phụ trách Kon Hơring gồm 14 họ đạo.
1944: Phụ trách Kon Du gồm 7 họ đạo.
1945: Phụ trách Plei Jơdrâp gồm 7 họ đạo.
1946: Phụ trách Plei Rơhai gồm 8 họ đạo.
1853: Trở về phụ trách Kon Mahar gồm 10 họ đạo.
1955: Phụ trách Kon Mah gồm 10 họ đạo.
1956: Về dạy học tại trường Cuenot.
Trong thời gian này, cha khởi sự dịch bộ Kinh Thánh sang tiếng Bahnar; viết báo Hlabar Tơbang; dịch các sách Phụng Vụ, sách Kinh, Hạnh Các Thánh, sách Giáo Lý, các bản Thánh Ca; hiệu chính Từ Điển Bahnar-Việt vừa để đáp ứng nhu cầu Phụng vụ, vừa nâng cao sự hiều biết cho anh em dân tộc;
1978: Sau khi Trường Cuenot bị trưng dụng, cha qua sống bên nhà xứ chính tòa Kontum cho đến lúc qua đời.
1987: 18 giờ 30, ngày 17 tháng 10, ngài trút hơi thở cuối cùng, thọ 84 tuổi, với 55 năm linh mục.
Cha Antôn Den sống lâu hơn hai vị linh mục Bahnar đồng sự. Ngài là linh mục Bahnar đầu tiên tại Việt Nam, có một chỗ đứng và vai trò đặc biệt trong lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam nói chung và tại Giáo phận Kontum nói riêng.
Khi còn trẻ, cha đã âm thầm, tận tụy trong sứ vụ mục vụ trực tiếp trong các buôn làng xa xôi, với bao vất vả và hiểm nguy. Sau đó, cha đã dâng hiến trọn cuộc đời còn lại cho công tác dịch thuật Kinh Thánh, hiệu chính các bản văn Phụng Vụ và chuyển đạt Lời Chúa hoặc Lịch Sử Địa Phận qua sách báo như Tờ Nguyệt San Échos hay Hlabar Tơbang.
Những năm tháng cuối đời, cha đã dành trọn ngày sống để tiếp đón anh em thuộc các dân tộc Bahnar, Xơđang, Rơngao, Jrai... từ khắp nơi trong giáo phận tuốn về. Trong tình thân thương, thể hiện qua những hy sinh và phục vụ, cha đã ban cho họ bí tích Hòa Giải, Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Mỗi giây phút trong cuộc đời của cha như là những hạt thánh đức kết thành tràng chuỗi yêu thương, hy sinh và quên mình.
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- “Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình
-
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
Karl Rahner -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Vinh Sơn Hoàng Trọng Quỳnh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014) -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng