Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Giản

Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Giản

Cha GIUSE NGUYỄN TIẾN GIẢN (1941 – 1988)

Một đời gian khó
Cha Giuse Nguyễn Tiến Giản được nhiều người trong giáo phận Bắc Ninh nhận định là con người đã sống đúng như tên gọi của ngài: giản dị, đơn sơ, trong sáng, khiêm nhường… Trong suốt đời linh mục, cha đã cho thấy hình ảnh của một chủ chiên luôn nhiệt thành và âm thầm thực thi sứ vụ Chúa trao phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là những lúc sống đời sống một người công nhân công trường biết bao khó khăn và cám dỗ, cũng như những lúc thực thi sứ vụ của người linh mục với biết bao khó khăn vất vả nhưng ngài vẫn luôn cho thấy một con người luôn sống Tin Mừng yêu thương.
Cha Giuse Nguyễn Tiến Giản sinh ngày 11-10-1941 trong một gia đình đạo đức tại giáo xứ Tử Nê, giáo phận Bắc Ninh. Năm 1956, cậu Giản được gửi đi tu học tại Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội. Năm 1960, Tiểu Chủng viện bị buộc phải đóng cửa, cậu đành phải rời Nhà trường và trở về gia đình tiếp tục tự học triết và thần học.
Trong hoàn cảnh xã hội vô cùng khó khăn tăm tối, thì đêm 13-7-1964, trong căn nhà nguyện nhỏ hẹp chưa đầy 8m2 tại Tòa Giám mục, Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, giám mục giáo phận Bắc Ninh, đã truyền chức linh mục cho thày Giản khi thày mới 23 tuổi. Lễ truyền chức diễn ra âm thầm, đơn giản, không kèn trống, hương hoa.
Vì hoàn cảnh xã hội gian khó, nên tuy đã lãnh nhận thiên chức linh mục, cha Giuse Nguyễn Tiến Giản không được dâng lễ công khai. Là một linh mục, thay vì được Đức Giám mục sai đi phục vụ giáo xứ, thì ngày 4-10-1965, cha Giản lại bị chính quyền tỉnh Hà Bắc lúc đó quyết định “sai đi” làm công nhân giao thông cầu đường trong phong trào “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”! Cha Giản đương nhiên trở thành “linh mục thợ” bất đắc dĩ vì chỉ được làm thợ, chứ không được làm lễ! Thiên chức linh mục của ngài cùng với việc cử hành các bí tích phục vụ cộng đoàn bị khép lại vô thời hạn. Thay vào đó là đời sống của người công nhân lang thang nay đây mai đó.
Tuy nhiên, mọi sự đều sinh ích lợi cho những người yêu mến Chúa. Chính khi sống trong môi trường của những thanh niên xung phong, cha Giản lại có dịp để sống đời sống chứng nhân Tin Mừng yêu thương. Cha luôn sống tinh thần bác ái Kitô giáo và tìm cách đưa tinh thần hướng thiện vào lao động và các phong trào văn nghệ của công nhân. Đời sống chung với những người công nhân không thiếu những cám dỗ gọi mời, nhưng nhờ ơn Chúa và nhờ đời sống nội tâm sâu sắc, cha vẫn luôn giữ được lòng trung thành với Chúa, với lý tưởng cha đã chọn.
Với tinh thần làm muối, làm men và ánh sáng trong môi trường sống, cha không những đã giữ được lý tưởng linh mục của mình mà còn luôn được mọi người xung quanh yêu mến. Từ một đối tượng phải cảnh giác, một thành phần đáng phải đưa đi cải tạo, thì chỉ sau một thời gian sống chung, cha Giản đã trở thành người “có cảm tình nhất” nơi mọi cán bộ và anh em công nhân. Để rồi vào ngày chia tay cha Giản đầu năm 1973, trước đông đảo nhiều người, ông thủ trưởng đơn vị đã nói đầy vẻ khâm phục và kính trọng: “Chúng tôi vui mừng được tiễn anh Giản về Toà Giám Mục để “thăng quan tiến chức”, nhưng cũng rất buồn vì tình cảm anh em sống gắn bó với nhau 8 năm trời nay phải xa cách. Cảm ơn anh đã để lại cho chúng tôi một tấm gương sáng trong cuộc sống”. Sau 8 năm lao động vất vả trong các công trường, cha Giản được trở lại Tòa Giám Mục.
Ngày 2-1-1974, cha Giản chính thức được chính quyền tỉnh Hà Bắc công nhận là linh mục và bắt đầu công khai thi hành sứ vụ linh mục của mình. Sau đó, cha được Đức Giám mục giáo phận đặt làm cha quản hạt giáo hạt Bắc Giang trải rộng khắp tỉnh Bắc Giang, gồm 8 giáo xứ và 46 họ đạo với khoảng 10 ngàn giáo dân. Giáo hạt Bắc Giang lúc đó là một vùng vô cùng khó khăn cả vật chất lẫn tinh thần; các nhà thờ thì bị tàn phá gần hết, chỉ còn lại 4 ngôi nhà thờ vững chắc, còn giáo dân vùng này vẫn được coi là vùng khô khan nhất giáo phận, hơn nữa lại có nhiều thành phần ra sức chống phá đạo. Các hội đồng giáo xứ hầu hết đều có người của Mặt trận gây nhiều khó khăn cho việc điều hành giáo xứ.
Ngày 25-04-1975, sau khi lãnh nhận phép lành của Đức Giám mục giáo phận và chào mọi người, cha Giản buộc túi balô vào xe và đạp xe một mạch vượt quãng đường 20 km đến nhận giáo xứ Bắc Giang. Không có cảnh tưng bừng đón chào cha xứ mới, mà đập vào mắt là cảnh giáo xứ hoang tàn khủng khiếp đã khiến cha phải rơi lệ. Nhà thờ xứ bị bom phá sập, đất đai nhà xứ bị một số giáo dân lấn chiếm, chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà xứ 5 gian mà sau này được sử dụng làm nhà thờ. Mấy bà giáo dân đạo đức nghẹn ngào thưa với cha xứ mới: “Giáo xứ chúng con đổ nát lắm cha ơi”!
Giữa cảnh hoang tàn, cha Giản đã cùng với giáo dân thu dọn, xếp lại những viên gạch nơi nhà thờ đổ nát, bắt đầu xây dựng lại giáo xứ. Từ đó, chính trên nền nhà thờ đổ nát này đã là nơi hội tụ tin yêu của hàng ngàn tín hữu trong giáo hạt Bắc Giang vào những ngài đại lễ. Tưởng cũng nên biết những qui định khắt khe của chính quyền trong những năm tháng linh mục của cha Giản như: ấn định thời gian cho mỗi buổi kinh lễ; không được dạy giáo lý hay tổ chức hội họp các đoàn thể Công giáo; khi tổ chức lễ lớn, cha xứ và hội đồng giáo xứ phải làm đơn xin phép chính quyền và các tín hữu tới dự lễ không được ngủ đêm trong khu nhà thờ, nhà xứ; linh mục xứ đi đâu và làm gì phải trình báo và công an cho phép mới được đi. Nhiều năm, cha bị cấm không được về Tòa giám mục Bắc Ninh hiệp thông tham dự thánh lễ Truyền Dầu thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, những qui định khắt khe như thế vẫn không thể cản bước cha đi đến với đoàn chiên của ngài. Cha còn có một cuốn sổ ghi chi tiết tình hình sống đạo vẽ sơ đồ đường đi lối xóm của từng xứ họ.
Giữa muôn vàn khó khăn, cha Giản đã mạnh mẽ cổ võ việc suy tôn Lời Chúa nơi các họ đạo, để nhờ Lời Chúa mà xây dựng sự hiệp nhất và nuôi dưỡng tín hữu sống tinh thần Tin Mừng. Đồng thời, cha dành nhiều thời gian để đào tạo và huấn luyện những tông đồ giáo dân nhiệt thành. Trước tiên là các hội đồng giáo xứ, cha có lịch trình gặp gỡ họ hàng tháng để huấn luyện họ hiểu biết thêm giáo lý, xây dựng đời sống đức tin trưởng thành, làm gương mẫu cho giáo dân và can đảm làm việc mục vụ được giao. Có một số thành viên hội đồng giáo xứ ban đầu thuộc thành phần chống đối, thì sau mấy năm làm việc với cha, họ đã trở thành những con người nhiệt tình, hết mình vì đạo Chúa.
Cùng với việc huấn luyện hội đồng giáo xứ, cha tụ họp và đào tạo những người nam người nữ muốn tận hiến đời mình làm việc tông đồ phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội. Cha cũng trực tiếp giảng dạy những môn học cần thiết cho các người trẻ có ý hướng đi tu, nhất là thăng tiến họ về đời sống nhân bản và tu đức. Nhiều người trong số này hiện nay đã trở thành linh mục và tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong cánh đồng truyền giáo của giáo phận.
Trong khi thi hành mục vụ, cha Giản đã sáng tác nhiều bài hát, vần thơ diễn tả nội dung Tin Mừng một cách đơn sơ, dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ. Trong dịp Tuần Thánh, cha có nhiều sáng kiến mục vụ diễn tả cuộc thương khó và phục sinh Chúa Kitô đánh động lòng người. Đặc biệt trong dịp này, cha có thể ngồi tòa giải tội hầu như thâu đêm nhiều ngày để giải tội cho tín hữu từ nhiều nơi kéo đến.
Không chỉ quan tâm đến việc cử hành các bí tích và nâng đỡ đời sống tâm linh của người tín hữu, cha Giản còn có những sáng kiến nhằm phát triển đời sống kinh tế cho những người nghèo. Thấy giáo dân mình lam lũ làm việc vất vả mà vẫn cứ nghèo, không đủ ăn, cha đã chỉ cách và cấp vốn nhỏ cho họ làm ăn. Cha chắt chiu từng đồng để có tiền âm thầm cấp vốn cho những gia đình nghèo mua trâu bò, mua lợn gà để chăn nuôi sinh lời. Sau khi cha qua đời nhiều người đã đến xin hoàn vốn cho Tòa Giám Mục.
Thế rồi, cuộc đời luôn có những bất ngờ ngoài mong muốn của con người. Ngày 4-8-1988, cha Giuse Nguyễn Tiến Giản đã đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông khá bất ngờ bởi lẽ ngài là người nổi tiếng cẩn thận và điềm tĩnh. Nhiều người nhận xét: cha Giản cái gì cũng nhanh: nhanh trí, nhanh tay, nhanh làm linh mục, nhanh chạnh lòng thương và cũng nhanh ra đi! Cái chết của cha như một hi tế dâng lên Thiên Chúa. Mới ở tuổi 47, cha đã giã từ mọi người đi về Nhà Cha, nhưng hình ảnh một linh mục tài đức mãi in sâu vào tâm khảm bao người còn ở lại. Tín hữu giáo phận Bắc Ninh vẫn không thể nào quên hình ảnh một linh mục giữa muôn vàn gian khó, vẫn cứ trung kiên suốt một đời sống tinh thần Tin Mừng: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống vì người mình yêu”.


 

GP Bắc Ninh

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top