Chân dung linh mục Việt nam: Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Đậu

Chân dung linh mục Việt nam: Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Đậu

Hội đồng Giám mục Việt Nam khi triển khai Năm Linh Mục đã muốn thu thập những tấm gương linh mục Việt Nam trải dài trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam, ít nữa mỗi giáo phận giới thiệu hai gương mặt nổi bật của giáo phận mình. Giáo phận Đà Lạt đã mau mắn để giới thiệu chân dung của nhà truyền giáo vĩ đại Đức cha Gioan Baotixita Cassaigne. Và khi nhìn vào hàng linh mục của mình đã qua đời, giáo phận Đà Lạt thấy cần phải giới thiệu hai con người linh mục mang hai sắc thái bổ túc cho nhau: một con người linh mục của những chức vụ và công việc nổi trội: cha Phaolô Nguyễn Văn Đậu, và con người linh mục kia là của những công việc âm thầm như người gieo giống trong Tin Mừng: cha Giuse Phùng Thanh Quang (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100304/4161); và vì thế trong bài này chúng tôi xin ghi lại những ký ức về cả hai con người mà theo thiển nghĩ không thể tách rời trong cuộc sống của một linh mục hôm nay.

Cha Phaolô NGUYỄN VĂN ĐẬU (1912 – 2001)

Cha sinh năm 1912 tại xứ Hiệp Hòa, tỉnh Long An. Trong gia đình có 10 anh chị em. Ngài là người thứ 7. Người anh sát với ngài là cha Nguyễn Huỳnh Điểu, cha sở nhà thờ Chánh tòa giáo phận Sài Gòn nhiều năm.

Chịu chức linh mục năm 1938.

Được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu chủng viện Sài Gòn.

Nhưng do quan điểm quốc gia dân tộc, ngài phải ra khỏi chủng viện cùng ngày với cha Phaolô Nguyễn Văn Bình (là Tổng Giám mục Sài Gòn 1960) để đi làm cha xứ Bảo Lộc từ 08-12-1949, còn cha Bình về Cầu Đất: khi đó đều là những giáo xứ ít người ở miệt cao nguyên.

Tổng đại diện giáo phận Ðà Lạt từ năm 1961
Nhiếp chính giáo phận Ðà Lạt từ 05-09-1973
Rời Bảo Lộc về phục vụ giáo phận Sài Gòn từ 1975
Cha sở Mạc-ti-nho 1975-1998
Nghỉ hưu tại giáo xứ Chánh tòa Sài Gòn từ 1998
Chúa gọi về: 08-01-2001
An táng tại nghĩa trang các linh mục tại Lái Thiêu: 11-01-2001.

Cha Phaolô là vị linh mục rất có uy tín, được quý mến và kính nể trong đạo cũng như ngoài đời.

Ngài là linh mục có quyết tâm xây dựng một giáo xứ theo sát bước tiến triển của Giáo Hội toàn cầu qua nỗ lực giải thích và áp dụng huấn quyền của Công Đồng. Suốt trên 10 năm sau Công Đồng, Ngài đã lần lượt giải thích các văn kiện chính yếu của Công Đồng mỗi 3g chiều Chúa Nhật hằng tuần cho giáo dân.

Là một linh mục mà mọi người dễ tiếp cận để có được những hướng dẫn cho cuộc sống, có cuộc sống đơn sơ, thắng thắn, nhưng hiền hòa tế nhị, là người của Hòa bình và Hòa giải.

Là linh mục rất trung thành trong việc ngồi tòa, và đều đặn trong việc dạy giáo lý cho trẻ em và người lớn. Đọc kinh Nhật Tụng rất đúng giờ, trừ một đôi lần có khách hay công việc bất ngờ, ngoài ý muốn. Rất có lòng yêu mến Thánh Thể và tôn kính Đức Mẹ. Theo thói quen, ngủ trưa dậy thì ra ngồi ghế dựa, đọc nhật báo, sau đó lần chuỗi (trừ thứ bảy, đọc xong báo thì cầm sách nguyện ra ngồi vào tòa giải tội, vừa lần chuỗi hoặc đọc sách nguyện vừa chờ người tới xưng tội). Ngài đã có sáng kiến đi tìm chỗ, vận động tiền, rồi đứng ra xây đài dâng kính Mẹ ở trung tâm đèo Bảo Lộc, đặt tên là “Đài Đức Mẹ Suối An Bình”.

Tối nào cũng vậy, xem tin tức trên tivi xong là rút vào phòng, ngồi vừa hút thuốc lá vừa dọn bài giảng. Không bỏ qua bài nào. Dọn và viết ra giấy đàng hoàng.

Ngài có tình huynh đệ với anh em linh mục không phân biệt đối xử, không có sự kỳ thị, ngay cả với những anh em không cùng quan điểm.

Ngài quan tâm rất nhiều đến những nỗ lực bác ái tông đồ dành cho người nghèo, quan tâm và tìm cách giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, những chị em “lỡ làng”. Ngài có sáng kiến và đứng ra mua đất, lo kinh phí xây dựng “Trung Tâm Bảo Trợ Simon-Hòa” ở khu vực giáo xứ Thiện Lộc hiện nay, giao cho các dì hội dòng Mến Thánh giá Chợ Quán phụ trách, làm nơi nương tựa tạm trú cho các chị em lầm lỡ, và nhận những con rơi của họ làm con nuôi.

Ngài có công rất lớn trong việc tìm kiếm, thương lượng, thu xếp, ổn định nơi ăn chốn ở và thờ tự cho bà con di cư năm 1954 đến vùng Blao, vùng trong cũng như vùng ngoài, đặc biệt là vùng ngoài tức Tân Bùi, Tân Hà, Thánh Tâm.

Ngài cũng đã đứng ra cùng với chính quyền lo cho bà con Việt kiều bị “cặp-duồn” ở Campuchia chạy hồi hương về định cư tại chỗ mà bây giờ gọi là Nam Phương.

Ngài cũng rất quan tâm đến việc truyền giáo cho anh chị em dân tộc bản địa: thiết lập trung tâm ngay tại khu vực giáo xứ Bảo Lộc, sau khi tìm được đất rộng rãi và thuận lợi hơn, Ngài mới cùng cha Laurensô di dời Trung Tâm về khu vực giáo xứ Thiện Lộc. Là Tổng đại diện, cùng với Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, ngài luôn mong muốn và mời gọi anh em linh mục dấn thân trong cánh đồng truyền giáo này.

Ngài biết kêu gọi và tạo sự hợp tác của mọi thành phần dân Chúa cho Giáo Hội. Có lẽ người giáo lý viên giáo dân đầu tiên được ân thưởng huân chương Tòa Thánh là thầy Anrê Bảng, đã do ngài nâng đỡ dẫn dắt, sống, làm việc, và chết trong nhà xứ của ngài. Ngài cũng tạo điều kiện cho các sinh hoạt của Công Giáo Tiến Hành được phát triển mạnh mẽ.

Để nói về ngài có lẽ không lời nào có thể chính xác hơn lời của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục giáo phận Đà Lạt trong thánh lễ an táng cho ngài: “Đời sống bác ái, hiền hòa, bao dung và khó nghèo của cha cố Phaolô cho thấy là đời sống mới theo như Tin Mừng loan báo không phải là điều vọng tưởng, nhưng là khả thi. Cha cố Phaolô đã trở thành nhân tố làm cho một miền rừng thiêng, nước độc, ít dân cư trở thành một vùng công giáo trọng điểm ngày nay. Tất cả là cuộc sống mới theo Tin Mừng mà cha cố đã kiên trì làm chứng”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top