Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn của đạo hữu Cao Đài
“Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn”
tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận
ngày kỷ niệm sự kiện Assisi 27-10-2011
Kính thưa:
- Quý Đức Cha,
- Linh Mục PX Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo Phận Tp.HCM,
- Quý Ngài tôn túc, trưởng thượng đại diện các tôn giáo,
- Quý Linh Mục và Nữ Tu,
- Quý Huynh Tỷ,
Kính thưa Hội Nghị,
Theo chủ đề “chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ liên tôn” trong buổi Hội Ngộ Chung Tay Xây Dựng Bình An kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ Átxidi 1986-2011, tệ hữu hân hạnh chia sẻ với Hội Nghị câu chuyện vui mới cách nay đúng mười ngày.
8 giờ 15 sáng thứ Hai, ngày 17-10-2011 vừa qua, từ Tòa Giám Mục Long Xuyên, Đức Giám Mục GB Bùi Tuần điện thoại cho tệ hữu. Đức Cha bảo rằng Ngài vừa đọc bài Góc Nhà của tệ hữu trên tuần báo Công Giáo và Dân Tộc số 1829. Ngài tỏ ý hoan hỷ về bài viết ấy cũng như những bài Góc Nhà khác mà hàng tuần tệ hữu có cơ hội chia sẻ đều đặn với bạn đọc Công Giáo trong tinh thần đối thoại liên tôn.
Cuối câu chuyện, Đức Cha đã dùng một hình ảnh rất cụ thể khiến tệ hữu ghi nhớ và thấm thía.
Chúng ta đều biết rằng từ tháng 9 đến nay, khu tứ giác Long Xuyên đang chịu lũ lụt tàn phá nặng nề, gây tổn hại rất lớn. Nguyên do là là bị vỡ đê bao.
Từ thực trạng đau buồn này trong đời sống kinh tế - xã hội, Đức Cha liên tưởng đến thực trạng buồn đau của đời sống tinh thần hay tâm hồn con người hiện nay. Do đó, Đức Giám Mục Bùi Tuần bảo với tệ hữu như sau: “Các đê bao bây giờ vỡ hết cả rồi. Anh cũng như chúng tôi, chúng ta phải hợp sức nhau để cùng be bờ, cùng bồi đắp lại cho vững chắc…”
Tệ hữu xin phép mượn lại hình tượng đê bao của Đức Cha Bùi Tuần để bày tỏ tình cảm mặn mà của tệ hữu đối với con đường đối thoại liên tôn tại Thành Phố này mà Đức Hồng Y và Tòa Tổng Giám Mục đã triển khai rất kết quả, với một bộ phận đặc nhiệm được Đức Hồng Y thành lập vào ngày 05-12-2009, là Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn do Linh Mục PX Bảo Lộc làm Trưởng Ban.Ở đây, khi nói rằng tệ hữu có tình cảm mặn mà với con đường đối thoại liên tôn, thì xin thưa hoàn toàn không phải là ngôn từ hoa mỹ phát ra từ “cái thanh la phèng phèng, hay chũm chọe xoang xoảng” như lời răn của Thánh Phaolô.
Thật vậy, chính nguồn giáo lý Cao Đài với tinh thần hòa đồng tôn giáo, với chủ trương vạn giáo nhất lý, với phương châm “gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý” để cùng chung tay bắc “nhịp cầu giáo lý xây non nước, guồng máy thiên nhiên dựng đạo đời”,(1) thì tệ hữu cũng như mọi người đạo Cao Đài đều thấm nhuần, đều mặn mà, đều sâu đậm tình cảm với con đường đối thoại liên tôn để các nền chánh pháp trên quê hương yêu dấu chúng ta có cơ hội đồng tâm“chung tay xây dựng bình an”.
Kính thưa toàn thể Quý Ngài tôn túc, trưởng thượng đại diện các tôn giáo đang hội ngộ hôm nay để cùng “sống tinh thần Átxidi” theo sáng kiến của Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn,
“Tinh thần Átxidi” là thuật ngữ do Đức Chân Phước, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã sáng tạo cách nay đúng 25 năm, và hiện nay Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đang làm sáng tỏ tinh thần Átxidi của vị tiền nhiệm dưới ánh sáng linh đạo hòa bình, linh đạo Phúc Âm của Thánh Phanxicô Átxidi.
Buổi hội ngộ liên tôn hôm nay tại đây quả thật là một cột mốc lịch sử (a historic milestone) trên lộ trình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuộc hành hương tìm kiếm chân lý, công lý và hòa bình giữa một thế giới đang đổi thay với tốc độ chóng mặt.
Cơn đổi thay chóng mặt cả thế giới này đã và đang tiếp tục phá vỡ những đê bao che chở cho nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống của loài người thời đại. Có lẽ chưa bao giờ tâm hồn con người mỏng giòn lại hư hao và rục rã thảm hại đến mức “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn) như hiện nay. Nhưng cũng chính lúc tăm tối này lại đang bừng lên ánh sáng hy vọng của đức tin từ ơn cứu độ của Phật, của Trời, của Chúa…
Theo Dịch lý, cùng ắt biến, biến ắt sẽ hanh thông. Thánh giáo Cao Đài nhìn thực trạng thế giới quay cuồng ngày nay theo chiều hướng đó, gọi nó là biến dưỡng. Biến để mà đổi mới, mà tái tạo; và dưỡng tức là dưỡng nuôi cho những mầm mống tốt đẹp phát triển lên và thay thế những cái cũ kỹ mục ruỗng phải bị đào thải.
Thế nên, trong một thánh giáo Cao Đài ngày 17-02-1969, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy rằng “Trong hiện tình nhân loại phân tranh chiến đấu, đó chính là sở vật thực tại đang biến dưỡng.” Trong sự biến dưỡng này các tôn giáo cần biết kết hợp thành một “thực thể Đạo cứu thế”. Nhưng, nếu “tôn giáo hiện hữu còn tranh chấp, là chưa tạo được một thực thể Đạo thuần chánh để cứu thế.” (2)
Tóm lại, được hân hạnh hội ngộ hôm nay để cùng với Hội Nghị này góp phần làm sáng tỏ “tinh thần Átxidi” và cùng “sống tinh thần Átxidi”, tệ hữu chân thành cầu nguyện Đức Tây Phương Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni Phật, cầu nguyện Đức Giêsu Gia Tô Giáo Chủ, cầu nguyện Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, và cầu nguyện tất cả các Đấng Thiêng Liêng cao cả của các đức tin khác nhau hãy cùng ban ơn lành đến tất cả những bậc chân tu hướng đạo, những vị lãnh đạo tôn giáo để tất cả các Ngài đều sớm thành công trong sứ mạng cứu thế của mình trước nguy cơ hấp hối của hành tinh này.
Kinh Lăng Nghiêm có lời thần chú: Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân. Nghĩa là đem hết tấm lòng ra phụng sự cõi trần, như thế ắt được gọi là báo ân Phật.
Tư tưởng nhân bản này phù hợp với lời Đức Chúa dạy (Matthêu 25, 40):
“Ta bảo thật các ngươi: bất kỳ việc gì các ngươi đã làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Thánh giáo ngày 07-3-1974, các vị Tiền Bối mở đạo Cao Đài nhắc nhở:
“Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.”
Vì vậy, tệ hữu xin kính thành cầu nguyện con đường đối thoại liên tôn mà Đức Hồng Y và Tòa Tổng Giám Mục đã và đang xây đắp sẽ là con đường thẳng tắp và bằng phẳng, sẽ nở rộ hoa thơm tươi thắm suốt cả hai bên đường, để cho con đường cao cả và rất phù hợp thời đại này càng sớm đi sâu vào lòng người, càng sớm xóa nhòa những tự tôn ngăn cách, sớm nối con tim liền với con tim, ngõ hầu các tôn giáo, các chánh pháp cùng nhau siết chặt tay xây dựng đất nước quê hương yêu dấu của chúng ta thành một thiên đàng tại thế gian, một niết bàn cực lạc giữa cõi ta bà.
Xin cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành đến toàn thể Quý vị.
27-10-2011
----------------------------------------
(1) Thánh giáo Cao Đài.
(2) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Mậu Thân – Kỷ Dậu 1968-1969, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 110.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah