Chủ đề cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018

Chủ đề cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018

Lạy Chúa, tay hữu ngài, đã biểu dương sức mạnh (Xh 15,6)
 
1. Vài nét chấm phá về vùng Caribê.
 
Mang tên một trong những nhóm dân bản địa – người Kalinago, trước đây gọi là Caribs – khu vực Caribê hiện tại là một thực thể đa dạng. Sự lan rộng địa lý to lớn trong vùng bao gồm cả lãnh thổ đảo và lục địa chất chứa một tấm thảm đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ và truyền thống tôn giáo. Đây cũng là một thực thể chính trị phức tạp với nhiều sắp đặt của chính phủ và thể chế, từ những vùng thuộc địa (Anh, Hà Lan, Pháp, và Mỹ) đến những quốc gia theo chính thể cộng hòa.
 
Caribê đương đại được ghi dấu bởi dự án phi nhân về việc bóc lột mang tính thực dân trước đây. Trong việc theo đuổi những mục đích thương mại mang tính xâm lược, những thực dân đã thiết lập những hệ thống tàn bạo, buôn người, lao động cưỡng bức. Ban đầu, những thực hành này bắt nô lệ và giết hại, và trong một số trường hợp tiêu diệt các dân tộc bản địa trong khu vực. Tiếp theo đó là nô lệ Phi Châu và những “nhân công” đến từ Ấn Độ và Trung Hoa.
 
Ở mỗi giai đoạn, những hệ thống của thực dân nỗ lực tước mất những quyền bất khả nhượng của các dân tộc bị xâm chiếm, gồm: căn tính của họ, phẩm giá, quyền tự do và quyền tự quyết. Tình trạng nô lệ của người Phi Châu không đơn thuần là chuyển dịch những lao động từ nơi này đến nơi khác. Trong sự xúc phạm đến phẩm giá con người đã được Thiên Chúa ban tặng, đó là mua bán con người, làm cho một người trở thành tài sản của người khác. Với cách hiểu về nô lệ như một thứ tài sản dẫn đến những hệ lụy từ nỗ lực thực hành làm mất nhân tính người Phi Châu. Bao gồm trong số đó là từ chối quyền thực hành văn hóa và tôn giáo, hôn nhân và đời sống gia đình.
 
Thật đáng tiếc, trong suốt 500 năm thuộc địa hóa và nô lệ, hoạt động truyền giáo của Kitô giáo trong vùng, ngoại trừ một vài tấm gương nổi bật, đã gắn bó với hệ thống phi nhân và trong nhiều cách đã hợp lý hóa và củng cố nó. Trái ngược với những người đem kinh Thánh đến vùng này muốn dùng Kinh Thánh để biện minh cho sự chiếm hữu một dân tộc trong nô lệ, Kinh Thánh trong tay những người nô lệ, đã trở thành nguồn cảm hứng, đảm bảo rằng Thiên Chúa đứng về phía họ, và Thiên Chúa sẽ dẫn họ đến tự do.
 
2. Chủ đề tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018
 
Ngày nay các Kitô hữu vùng Caribê thuộc nhiều truyền thống khác nhau nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trong việc kết thúc nô lệ. Đó là kinh nghiệm duy nhất về hành động của Thiên Chúa đem lại sự tự do. Vì lý do này việc chọn bài ca của Môsê và Miriam (Xh 15,1-11) như chủ đề cho tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2018 được xem là chủ đề thích hợp nhất. Đó là bài ca chiến thắng trên sự áp bức. Chủ đề này được rút ra trong một thánh ca, Tay hữu Chúa, được viết trong một hội thảo của hội nghị các Giáo hội vùng Caribê vào tháng 8/1981, đã trở thành bài hát của phong trào đại kết trong khu vực, đã địch sang nhiều thứ tiếng.
 
Giống như dân Israel, người dân vùng Caribê có một bài ca chiến thắng và tự do để hát và đó là bài hát hiệp nhất họ. Tuy nhiên, những thách đố đương đại một lần nữa đe dọa nô lệ và đe dọa phẩm giá con người đã được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Trong khi phẩm giá con người không thể chuyển nhượng, nó thường bị che mờ bởi tội cá nhân và những cấu trúc xã hội tội lỗi. Trong một thế giới sa ngã, tương quan xã hội thường xuyên thiếu vắng công lý và sự đồng cảm tôn vinh phẩm giá con người. Nghèo đói, bạo lực, bất công, nghiện ngập và sách báo khiêu dâm, đi kèmvới đau đớn, buồn sầu và thống khổ là những kinh nghiệm biến dạng phẩm giá con người.
 
Nhiều thách đố đương đại là sự thừa hưởng di sản của một quá khứ thuộc địa và mua bán nô lệ. Tâm thức tập thể bị thương tích được thể hiện trong những vấn đề xã hội liên quan đến thiếu lòng tự trọng, băng đảng, bạo lực gia đình, và các mối quan hệ gia đình bị hủy hoại. Mặc dù di sản của quá khứ, những vấn đề này cũng trầm trọng hơn bởi thực tế hiện nay mà nhiều người gọi đó là nét đặc trưng như chủ nghĩa thực dân mới. Trong những hoàn cảnh hiện nay, dường như là không có thể đối với nhiều quốc gia trong khu vực thoát khỏi nghèo đói và nợ nần. Hơn nữa, ở nhiều nơi còn có một khuôn khổ lập pháp còn sót lại tiếp tục phân biệt đối xử.
 
Tay hữu Chúa đã đưa dân ra khỏi kiếp nô lệ, tiếp tục trao ban niềm hy vọng và can đảm cho Israel, cũng như thế Thiên Chúa tiếp tục đem niềm hy vọng cho các Kitô hữu vùng Caribê. Họ không phải là nạn nhân của hoàn cảnh. Làm chứng nhân cho nhiềm hy vọng chung này, các giáo hội đang làm việc cùng nhau để phục vụ cho tất cả các dân tộc trong vùng, nhưng cách đặc biệt cho những người bị thương tổn nhất và bị quên lãng. Trong lời thánh ca, “tay hữu Chúa đang gieo trong vùng đất chúng ta, những hạt giống tự do, hy vọng và tình yêu”.
 
3. Suy tư Kinh Thánh và Mục vụ về bản văn (Xh 15,1-21)
 
Sách Xuất Hành đưa chúng ta qua 3 giai đoạn: cuộc sống của Israel tại Ai Cập (Xh 1, 1 – 15, 21); Cuộc hành trình của Israel qua hoang địa (Xh 15, 22 – 18, 27); và kinh nghiệm Sinai (Xh 19-40). Bản văn được chọn, “bài ca tại biển đỏ” được Môsê và Miriam hướng dẫn, chi tiết những sự kiện dẫn đến sự cứu độ của Dân Chúa khỏi nô lệ. Sách Xuất hành dừng ở đây, kết thúc giai đoạn một.
 
- “Đây là Thiên Chúa tôi, và tôi sẽ ca ngợi Người” (15, 2)
 
Câu 1-3 của chương 15 nhấn mạnh việc ca ngợi Thiên Chúa: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi, Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng” (15, 2). Trong bài ca, được Môsê và Miriam hướng dẫn, dân Israel hát lên ca ngợi Thiên Chúa đã giải thoát họ. Họ nhận ra rằng chương trình và mục đích của Thiên Chúa giải thoát dân không có thể bị cản trở hoặc thất vọng. Không có sức mạnh nào, ngay cả chiến mã của Pharaô, đội quân và quyền lực quân sự có thể làm nản lòng ý muốn của Thiên Chúa giải thoát dân được tự do (15,4-5). Trong tiếng hát ca ngợi của niềm vui, Kitô hữu từ nhiều truyền thống khác nhau nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng cứu độ tất cả chúng ta, chúng ta vui mừng Ngài đã giữ lời hứa, và tiếp tục đem ơn cứu độ đến cho chúng ta qua Thánh Thần. Trong sự cứu độ mà Ngài đem đến, chúng ta nhận ra rằng Ngài là Chúa chúng ta và tất cả chúng ta là dân của Ngài.
 
- “Lạy Chúa, tay hữu Ngài, đã biểu dương sức mạnh” (15,6). Sự giải thoát và ơn cứu độ của Dân Chúa đến qua quyền năng Thiên Chúa. Tay hữu Chúa có thể hiểu vừa như một chiến thắng chắc chắn trên kẻ thù, và như sự bảo vệ dân riêng Ngài không mệt mỏi. Bất chấp sự quyết tâm của Pharaô, Thiên Chúa nghe tiếng kêu của dân Ngài và sẽ không để dân bị hư mất vì Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Bằng cách chế ngự gió và biển, Thiên Chúa cho thấy ý muốn của Ngài bảo vệ sự sống và tiêu diệt bạo lực (Xh 15,10). Mục đích của việc cứu độ này là để thiết lập Israel như một dân ca ngợi nhận biết tình yêu bền vững của Thiên Chúa.
 
Sự giải thoát đem hy vọng và một lời hứa cho dân. Hy vọng bởi vì một ngày mới đã bắt đầu khi đoàn dân có thể tự do thờ phượng Thiên Chúa và nhận ra tiềm năng của họ. Đó cũng là một lời hứa: Thiên Chúa của họ sẽ cùng đi trong cuộc hành trình của họ và không sức mạnh nào có thể hủy diệt mục đích của Thiên Chúa dành cho họ.
 
- Thiên Chúa có dùng bạo lực để chống lại bạo lực không?
 
Một số giáo phụ đã giải thích câu chuyện xuất hành như một ẩn dụ cho đời sống thiêng liêng. Augustinô, là một thí dụ, đã xác định kẻ thù bị ném vào biển sâu không phải người Ai Cập, nhưng là tội lỗi. “Tất cả tội lỗi trong quá khứ của chúng ta, anh em thấy, nó đang dồn ép chúng ta từ phía sau, nó bị nhấn chìm và xóa sạch trong Bí tích Rửa tội. Những điều tăm tối này của chúng ta đã bị dẫm đạp lên bởi những thần ô uế như những con ngựa của chúng, và như những kỵ sĩ, họ thúc chúng đi bất cứ nơi nào họ thích. Đó là lý do tại sao vị tông đồ gọi họ là ‘những kẻ cai trị của bóng tối này’. Chúng ta được giải thoát khỏi những điều này qua Bí tích Rửa tội, như qua biển đỏ, như được gọi bởi vì đã được thánh hóa bằng máu của Chúa Giêsu bị đóng đinh ...” (Bài giảng 223 E)
 
Augustinô đã thấy câu chuyện vượt biển đỏ như khuyến khích Kitô hữu hy vọng và kiên trì hơn là tuyệt vọng vì sự theo đuổi của kẻ thù. Đối với Augustinô, phép rửa là biến cố then chốt trong việc thiết lập căn tính đích thật của mỗi người như một chi thể thuộc Thân mình Chúa Kitô. Augustinô phác họa song song giữa con đường giải thoát Israel qua biển đỏ và con đường của dân Kitô giáo trong phép rửa. Cả hai cuộc hành trình giải thoát đều đưa đến một cộng đoàn thờ phượng. Như thế Israel có thể tự do ca ngợi bàn tay cứu độ của Thiên Chúa trong bài ca chiến thắng của Miriam và Môsê. Sự cứu độ của họ thiết lập những người Israel nô lệ trở nên thành viên của dân duy nhất của Thiên Chúa, hiệp nhất với bài ca ngợi được hát lên.
 
- Hiệp nhất
 
Xuất Hành 15 cho phép chúng ta thấy con đường hiệp nhất phải đi qua một trải nghiệm chung về đau khổ. Việc giải thoát Israel khỏi nô lệ là biến cố nền tảng trong hiến pháp của dân này. Đối với các Kitô hữu, tiến trình này đạt đỉnh điểm với mầu nhiệm nhập thể và vượt qua. Mặc dù sự giải thoát, cứu độ là sáng kiến được Thiên Chúa thực hiện, Thiên Chúa dấn thân vào những lãnh vực của con người để thực hiện mục đích và kế hoạch để cứu độ dân Ngài. Kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội, chia sẻ sứ mệnh hòa giải của Thiên Chúa, nhưng những chia rẽ của chúng ta cản trở việc chúng ta làm chứng và sứ mệnh cho một thế giới cần sự chữa lành của Thiên Chúa.
 
Hội đồng Tòa Thánh về hiệp nhất Kitô giáo

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top