Chúa nhật 15 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 15 Thường niên năm B (+video)

Chúa nhật 15 Thường niên năm B (+video)

Mc 6, 7-13

"Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối."

(Mc 6,12)

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa sai 12 các tông đồ đi thực tập truyền giáo. Đây là lần thực tập đầu tiên. Cũng có thể coi đây là cuộc thử nghiệm. Vì là cuộc thực tập đầu tiên và vì các tông đồ mới bước vào cuộc, cho nên trước khi ra đi, Chúa đã đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể và cần thiết cho các ngài.

1-  Họ phải giảng điều gì và phải giảng như thế nào?

+ Về nội dung lời giảng, thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Nội dung này cũng chính là nội dung mà Chúa Giêsu (Mc 1,15) và Gioan tẩy giả đã rao giảng cho mọi người (Mc 1,4). Và đây cũng chính là nội dung mà Hội Thánh sẽ tiếp tục rao giảng sau này cho đến ngày tận thế.

+ Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn giảng:

a/ bằng việc làm chứng (c 7: Họ đi từng nhóm hai người, đúng quy định của luật Môisê về điều kiện để sự làm chứng giá trị)

b/ bằng việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ qủy”)

c/ bằng việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).

+ Về tác phong người của người rao giảng. Có thể tóm lược trong hai điều: Nghèo khó và luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng.

2. Cách rao giảng.

Cách giảng hữu hữu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là chính cuộc sống của mình và cuộc sống tốt nhất đối với Chúa là cuộc sống nghèo và luôn biết tin tưởng vào Chúa.

Đã có lần Lênin nói về Thánh Phanxicô Assisi với những người nghe ông như thế này: "Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy cũng đủ rồi” (Trích “mỗi ngày một niềm vui”)

Vâng! Chẳng có chứng tá nào bằng chứng tá của cuộc sống.

Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ, ông Gordon Marsuel đã xin một tín đồ Ấn độ giáo, đến sống bên cạnh để dạy ông học tiếng bản xứ. Nhưng tín đồ Ấn này từ chối, anh ta nói:

- Thưa Ngài, tôi không thể đến dạy tiếng bản xứ cho ngài, vì lẽ tôi không muốn trở thành Kitô hữu.

Nhà truyền giáo trả lời:

- Tôi muốn học tiếng bản xứ để có thể giao tiếp với những người chung quanh để hiểu biết họ hơn, chứ không nhằm bắt họ trở lại với đạo Chúa.

Nhưng người tín đồ Ấn giáo đáp lại:

- Thưa ngài, tôi biết vậy. Nhưng đối với tôi, tôi nhận thấy rằng: không một ai có thể sống bên cạnh ngài mà không bị ngài cảm hóa để tin vào Chúa. Tôi không thể dạy ngài vì tôi đã nghĩ, không thể nào sống bên cạnh ngài mà không trở thành Kitô hữu.

3. Còn chứng nhân của Chúa ngày hôm nay.

Lacordaire từng nói: “Kitô hữu là một người đã được Chúa Giêsu Kitô phó thác những người khác cho mình.”

Công Đồng Vaticanô II trong hiến chế Ad Gentes số 2 xác định thật rõ "Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành phải truyền giáo, vì chính Hội Thánh bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, theo ý định của Chúa Cha".

Bằng cách nào đây?

Chắc chắn cũng không có cách nào khác hơn là cách chính Chúa Giêsu đã làm và các tông đồ của Người đã noi gương.

Một ngày kia Đức Hồng y Hume, trong một buổi thuyết giảng về việc rao truyền Phúc âm, đã nói rằng: "Muốn cho sứ điệp được lắng nghe, người rao giảng cần phải có những đức tính cần thiết như thành thật, thâm tín, vui tươi. Tiên quyết ở đây hẳn không phải là một giáo trình, một giáo sư, một lối biện bác. Người nghe thường lưu tâm trước hết đến lời nói chân thành, mức độ thâm tín được bộc lộ trong cuộc sống, niềm vui tuôn tràn từ tận đáy lòng và mong được chia sẻ vì yêu thương của người rao giảng".

Đức Phaolô VI: “Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy ấy là những chứng nhân"

Còn đức Hồng Y L.J. Suenens một trong những guơng mặt nổi bật nhất của Công Đồng chung Vaticano II thì quả quyết:Người ta chỉ có thể tin vào sứ điệp Kitô giáo một khi môn đệ Chúa Kitô thực hiện đức tin của mình trong cuộc sống hằng ngày. Con người ngày nay chán ngán các lý thuyết ý thức hệ hoặc lối nói quảng cáo. Nên, việc loan báo Phúc âm phải nhập thể, phải gắn liền với thực tế."

Chính đời sống đem lại cho lời nói sức thuyết phục. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để trở nên một Phúc âm sống mà mọi người đọc được.

Khi diễn tả về những đòi hỏi phải làm chứng nhân bằng đời sống, Wallace E. Norwood đã bộc lộ tâm tình của mình qua một bài thơ khá hay làm cho nhiều người phải suy nghĩ.  Bài thơ đó có tên "Chính bạn là Cuốn Phúc âm".

Đây là câu truyện đẹp nhất kể cho nhân loại
Đã được viết lại từ thuở thật xa xưa
Bởi Máthêu, Marcô, Luca và Gioan
Để mạc khải về Chúa Kitô và sứ  mạng Ngài trên trần thế.
Còn bạn, bạn cũng viết Phúc âm, mỗi ngày mỗi chương;
Bằng chính cuộc sống của mình, tệ hại hay ngay lành là tuỳ ở bạn
Khi kẻ khác đọc, họ sẽ nghĩ gì về cuốn Phúc âm do bạn viết?
Phúc âm là truyện tình tuyệt diệu,
Rạng chiếu nơi cuộc sống thần thánh Chúa Kitô.
Ôi chân lý ấy ước gì còn kể lại
qua truyện đời của bạn và của tôi.
Bạn vẫn viết, viết cho người khác, mỗi ngày một chữ,
Hãy cố làm sao cho chữ bạn viết thật ngay lành,
Vì Phúc âm gần nhất mà người ta đọc được,
Lại là Phúc âm mà chính đời bạn viết nên".

Quả đúng như vậy thưa anh chị em. Mỗi người chúng ta phải là một cuốn Phúc âm sống. Đó là cách thức hay nhất qua đó chúng ta có thể đem Chúa Giêsu đến với mọi người.

Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:

- Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.

Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:

- Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!.

Thánh Phanxicô đáp:

- Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan.

Chúng ta hãy rao giảng. Chẳng cần phải đi đâu xa. Hãy rao giảng ngay cho những người trong gia đình của chúng ta, những người trong khu xóm của chúng ta, trong chỗ chúng ta làm việc, với những người chúng ta có dịp gặp gỡ hằng ngày. Hãy rao giảng cho họ về một cuộc sống không phải là một cuộc sống giầu sang, nhiều tiền nhiều bạc, cũng không phải là một cuộc sống đầy ắp những tiện nghi vật chất, lúc nào cũng hợp mốt hợp thời, nhưng là một cuộc sống có ý nghĩa, đáng nể phục và là một cuộc sống đáng sống, đáng sống ngay tại đời này và nhất là đời sau khi chúng ta lìa bỏ tất cả để trở về với Chúa là Cha đầy lòng yêu thương chúng ta. Amen.

Top