Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C (+video)
Lc 3,1-6
“Có tiếng người hô trong hoang địa:
hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi”. (Lc 3,4)
Các nhà kinh tế và chỉnh trang lãnh thổ đều đồng ý rằng: Muốn phát triển những miền rừng rậm, hoang dã nào đó thì việc đầu tiên phải làm là mở đường. Đường mở tới đâu thì cảnh âm u, tiêu điều sẽ bị đẩy lùi dần tới đó. Dân chúng sẽ kéo đến lập nghiệp, sự sống sẽ bừng lên, văn minh sẽ lan tới. Nhờ giao lưu với những vùng đông dân cư, chấm dứt được tình trạng cô lập.
Người Kitô hữu cũng phải làm một việc tương tự: mở đường cho Chúa đến với chính mình để thoát khỏi tình trạng bị cô lập.
Vâng! quả thực là đang có rất nhiều người trong chúng ta sống cô lập. Chúng ta là Kitô hữu mà nhiều lúc chúng ta sống như thể không có Chúa, hoặc không cần đến Chúa. Sống như thế là tự cô lập mình.
Thái độ cô lập như vậy là một sự tự sát. Nếu như con người không thể sống thiếu dưỡng khí thì họ cũng không thể sống không có Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là dưỡng khí của con người. Thiếu dưỡng khí thì sẽ chết ngạt. Thiên Chúa chính là sự sống và là nguồn cứu độ của ta. Không có Chúa, sự sống của ta chỉ là sự chết trá hình và cuộc đời của ta chỉ là một cơn hấp hối kéo dài.
Vậy để cho ánh sáng và sự sống của Chúa có thể tràn tới với ta, ta phải mở đường cho Chúa. Nếu đã có đường nhưng đường còn quanh co, gồ ghề thì cần sửa lại. Cuộc chuyển hướng này có thể diễn tiến theo từng giai đoạn.
Trước hết hãy can đảm thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi. Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi lâm vào tình trạng bế quan tỏa cảng, nhưng có thể mắc kẹt bằng nhiều cách khác. Ta muốn đón Chúa, thấy cần đón Chúa, nhưng lại chưa sẵn sàng đoạn tuyệt với tội lỗi.
Vào đời Chiến Quốc bên Trung Hoa, nhà du thuyết Tô Tần khi sang Nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.
Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.
Vua Sở bảo:
- Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?
Tô Tần thưa:
- Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?
Vua Sở khẩn khoản nói:
- Xin mời tiên sinh cứ ở lại, giờ thì quả nhân đã hiểu ra rồi.
Một đất nước mà vật giá đắt đỏ: “Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông đã nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa.
Uốn nắn đường cho ngay thẳng, bạt chỗ cao, lấp chỗ trũng... để Chúa có thể đến được. Đó là những gì Gioan đề nghị với chúng ta.
Bước tiếp theo là cần khơi lửa mến lên trong lòng mình. Sạch tội đã là một bước tiến đáng kể, nhưng cũng vẫn chưa đủ. Có biết bao người sạch tội nặng, nhưng lòng vẫn nguội lạnh, hững hờ. Không xa Chúa hẳn, nhưng cũng chẳng gần Ngài bao nhiêu. Còn thiếu một nỗ lực tích cực hướng tới sự thánh thiện, còn sống theo thời vụ, mưa nắng đan xen, chưa thấy Thiên Chúa là niềm khao khát lớn nhất của đời mình, đồng thời cũng chưa thấy Chúa là nguồn cảm hứng vô tận của mình.
Trong những điều kiện như vậy, chúng ta vẫn còn phải mở rộng đường cho Chúa đến, càng ngày càng rộng. Càng ngày càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn. Được tràn đầy Thiên Chúa bao nhiêu càng thêm khao khát bấy nhiêu. Như vậy, cuộc đời mới được biến đổi thành một Mùa Vọng trường kỳ và liên tục.
Khi nhà danh họa Leonardo da Vinci vẽ bức tranh “Bữa Tiệc ly” của Chúa Giêsu, thì xảy ra có chuyện bất bình với một người ông không ưa. Ông đã cãi vã với người đó và đã đi đến chỗ xô xát nhau. Sau cơn giông tố đó, ông vào trong phòng làm việc của mình, cầm cọ lên định vẽ gương mặt của Chúa Giêsu, nhưng nghĩ tới nghĩ lui mà không thể phác họa nên được một nét nào. Ngồi mãi không vẽ được, buộc lòng ông phải quyết định làm một việc mà ông tin chắc nó sẽ giúp ông vẽ được gương mặt Chúa... Ông đặt cọ xuống, đi thẳng đến nhà người ông vừa ẩu đả và làm hòa với người đó. Sau đó, ông trở lại phòng làm việc, và vẽ được gương mặt Chúa dễ dàng.
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.
Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.
Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn tự kiêu.
Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa dù có phải đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)