Chúa nhật 22 Thường Niên - năm C (+video)
Lc 14,1.7-14
"Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11).
Chẳng cần phải nói nhiều, rõ ràng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa muốn dạy chúng ta về sự khiêm nhường.
1. Thiên Chúa yêu thích sự khiêm nhường. Nhưng khiêm nhường là gì? Sống khiêm nhường là sống như thế nào?
+ Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động không dám nhận trách nhiệm - trách nhiệm làm người ở đời và trách nhiệm làm con Thiên Chúa.
Khiêm nhường lại càng không phải là đeo vào cho mình một thứ mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác, làm cho người khác phải để ý đến mình.
Trong Tin ,Mừng đã nhiều lần Chúa đã cảnh cáo mấy ông Biệt phái và luật sĩ về cái tội này: "Họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi ở cỗ nhất trong bàn tiệc chỉ với một mục đích là làm cho người ta dễ chú ý đến mình". Đó là một thứ mặt nạ của sự kiêu ngạo.
Khiêm nhường là biết can đảm nhận lãnh những trách nhiệm cũng như biết cậy nhờ vào ơn của Chúa mà cố gắng chu toàn.
Tấm gương của Abraham trong Cựu Ước là một thí dụ.
Abraham ý thức rất rõ ông chỉ là tro bụi trước mặt Chúa, nhưng lại rất chân thành, dám cả gan nhận lấy trách nhiệm, mạnh dạn mặc cả với Chúa về số người công chính cần phải có để xin Chúa tha cho thành Sôđôma và Gomôra.
Giêrêmia đã từ chối việc Thiên Chúa chọn ông làm ngôn sứ - lấy lý do là mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6). Nhưng khi đã nhận trách nhiệm Chúa trao thì ông đã trở thành người hết sức khiêm tốn và can đảm.
Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:
- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói:"Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!" Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói: "Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất".
Lời Đức Mẹ: "Chúa hạ kẻ quyền thế khỏi địa vị của họ và nâng các kẻ khiêm nhường lên" (Lc 1,52).
Vâng! Phải có một lòng khiêm nhường chân thực mới có thể sống được như thế.
+ Theo Cha Mark Link thì khiêm nhường là một cái gì sâu xa và đẹp đẽ hơn như chính Lời Chúa đã nói: "Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường" (Mt 11,29). Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ." (Mt 20,28)
Vậy thì sống khiêm nhường là sống như Chúa đã sống, không phải cho mình nhưng là cho người khác.
Khiêm nhường là biết dùng những khả năng Chúa trao không phải để làm vinh danh cho riêng mình nhưng là mưu ích cho người khác.
Hà khưu Thượng nhân hỏi Tôn thúc Ngao:
- Có ba điều chuốc vạ vào thân ông đã biết chưa?
+ Tôi chưa được biết.
- Tước vị cao người ta ganh. Quyền thế lớn người ta ghét. Lợi lộc nhiều người ta oán.
+ Không phải như thế: Tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường. Quyến thế tôi càng lớn tôi càng ở khiêm cung. Lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho người chung quanh. Như thế, thì làm sao mà thiên hạ có thế oán tôi được!
Đó là một trong những cách sống khiêm nhường như Chúa đã sống.
+ Nhiều người còn định nghĩa khiêm nhường là biết chấp nhận sự thật. Đây là một việc thường không dễ dàng. Chấp nhận sự thật thường đi đôi với việc phải điều chỉnh lại cách sống của mình.
Triết gia Diogenes sống với một con chó trong một cái thùng gỗ bên vệ một con đường. Ông hạn chế đến mức tối đa những nhu cầu cần thiết đến nỗi cái chén múc nước ông cũng ném đi khi thấy hai bàn tay bụm lại cũng hứng được nước.
Nghe danh nhà hiền triết, một hôm vua Alexandre Le Grand đứng cạnh cái thùng và lễ độ lên tiếng:
- Tiên sinh cần gỗ, quả nhân xin...
Triết gia trả lời:
- Ta cần ngươi đứng tránh ra để nắng có thể dọi vô cửa thùng của ta.
Tên tùy tùng của nhà vua rút gươm ra toan chém, nhưng vua gạt đi và nói:
- Nếu ta không là Alexandre thì ta muốn làm Diogenes.
Sau đó bằng một giọng điệu của bậc làm thầy, Alexandre nói với tên lính hầu cận:
- Người sinh ra ta là cha của ta: Đó là Hoàng đế Philipphê. Người dạy ta biết sống cho xứng đáng là Thầy của ta: Đó là Aristote.
Ông ngụ ý muốn nói: Ông muốn nhận Diogenes là thầy của mình.
Thật là khiêm nhường!
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết trở nên đơn sơ bé nhỏ,
để nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy được sự hiện diện của Chúa hoạt động trong đời con.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)