Chúa nhật 23 Thường niên năm B (+video)
Mc 7, 31-37
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
ông làm cho kẻ điếc nghe được,
và kẻ câm nói được.”
(Mc 7, 38)
Tin mừng hôm nay kể phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm lại vừa điếc.
Nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng. Chúng được ví như hai cánh cửa được mở ra để tiếp xúc với thế giới bên ngoài: Nói là cánh cửa mở lòng ra tiếp xúc với thế giới chung quanh, và nghe là cánh cửa mở ra để đón nhận thông tin bên ngoài. Ai bị điếc, không nghe được, thường ngượng nghịu trước đám đông, nên thường sống thinh lặng, cô đơn. Câm không nói được thường phải dùng cử chỉ để diễn tả tư tưởng ý muốn của mình, nên cũng ngại ngùng và mắc cỡ. Câm và điếc thì thật là khổ. Thế nên, nghe được, nói được là hai hồng ân Chúa ban cho con người để giao tiếp, cảm thông với nhau.
Qua phép lạ này, Chúa muốn nhắc nhở cho chúng ta về sự câm điếc tinh thần. Chúng ta vẫn có thể nghe được bình thường, nhưng lại điếc vì không nghe hay không muốn nghe Chúa nói khi cầu nguyện, khi nghe giảng dạy. Chúng ta điếc khi vợ chồng không biết nghe nhau, cha mẹ không nghe con cái, con cái không nghe cha mẹ. Chúng ta điếc khi không nghe tiếng Chúa nói trong lương tâm bảo ta làm điều lành tránh điều xấu. Chúng ta điếc khi giả lơ trước lời van xin kêu cứu của những người bất hạnh đang cần ta giúp đỡ...
Có một ông vua nọ bị dân gán cho một căn bệnh hiểm nghèo, đó là “Tứ chứng nan y” gồm: Mù, què, câm, điếc.
Một hôm, một người vào cung vua, yết kiến. Vua hỏi:
- Nhà ngươi vào gặp ta chắc có chuyện gì?
- Tâu bệ hạ - người đó thưa lại - hạ thần nghe rằng bệ hạ đang mang một căn bệnh rất hiểm nghèo là “Tứ chứng nan y” nên hạ thần vào thăm bệ hạ.
Nghe thế, nhà vua liền nổi giận quát:
- Kẻ nào dám bịa đặt bảo ta bị bệnh? Chân tay mắt mũi ta lành lặn thế này mà bảo ta mù, què, câm, điếc sao?
Người kia liền tâu:
- Thần nghe thiên hạ đồn như vậy, nay gặp vua mới biết sự thực. Nhưng xét lại, thì tin đồn ấy cũng chẳng sai.
Nhà vua chặn lời và nói:
- Vậy ngươi hãy chỉ cho ta xem nào!
- Tâu bệ hạ, thứ nhất dân kêu kiện nhiều mà bệ hạ không thèm trả lời, không giải quyết, nên bọn họ tưởng bệ hạ bị câm. Thứ hai, giặc ngoại bang tràn lan muốn xâm chiếm đất nước, nhân dân hoang mang lo sợ, kêu cầu nhà vua, mà vua không lo gì hết, nên họ tưởng là nhà vua họ bị điếc. Thứ ba, cuộc sống của bệ hạ thì quá sung sướng, trên nhung dưới lụa, còn ngược lại, dân chúng sống trong cùng cực, đói khổ. Họ không hề thấy bệ hạ dòm ngó gì đến họ, cũng chẳng thèm quan tâm lo lắng đến đời sống của họ, nên họ tưởng bệ hạ bị đui. Và cuối cùng, vì họ không bao giờ thấy bệ hạ ra khỏi cung điện, mà ngày đêm chỉ biết ăn chơi với các cung phi, nên họ tưởng là bệ hạ bị què!
Vâng! Ở đời chẳng thiếu gì những cảnh như vậy.
Còn câm thì sao? Chúng ta nói được bình thường nhưng lại thường câm vì không cầu nguyện, thưa chuyện với Chúa, dâng lời ca tụng ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa vì những ơn huệ Chúa ban. Chúng ta thường câm những lúc cần phải làm chứng về Chúa trước mặt người khác. Với những người thân trong gia đình, chúng ta thường không biết nói để cảm thông, khích lệ, khuyên răn nhau khi thấy những điều sai điều quấy. Chúng ta thường không nói để hòa giải, xin lỗi khi lầm lỡ. Với những người chung quanh, chúng ta thường rất tiết kiệm lời nói khi phải khen ngợi cách chân thành, để đem lại niềm vui, hy vọng cho tha nhân.
Carnégie thuật lại rằng: Một bà kia đã dọn cho nam giới trong gia đình bà: chồng và các con trai của bà, một bàn ăn rất lịch sự, đầy hoa, nhưng có một nắm cỏ khô trong mỗi dĩa.
- Sao thế, hôm nay dùng cỏ khô à?
- Ồ, không đâu! Tôi sẽ đưa thức ăn lên ngay lập tức. Nhưng hãy nghe tôi nói một điều: Từ bao nhiêu năm trời, tôi đã nấu nướng cho các “người”, tôi đã cố gắng thay đổi món ăn, bữa thì món cơm, bữa thì món hầm, bữa khác thì món quay hoặc món “ragu”. Không bao giờ các “người” nói: “Ngon quá! Bà chiều chúng tôi quá”. Hãy nói lên một tiếng chứ, tôi đâu phải là đá! Người ta không thể làm khi không thấy một dấu cám ơn, một lời khuyên khích hay khen thưởng.
Vâng! Hãy nói lên những gì cần phải nói để cuộc sống này được tốt đẹp hơn.
Hãy biết nói lên những lời chia sẻ chân thành và những lời cảm thông để làm cho cuộc sống này có được nhiều niềm vui hơn.
Xin Chúa chữa bệnh điếc tinh thần của chúng ta để chúng con biết nghe Lời Chúa, nghe nhau, nhất là lắng nghe những lời van xin trợ giúp của người đang cần chúng xon. Xin Chúa chữa bệnh câm tinh thần của chúng con để chúng con biết ca tụng Chúa, biết khích lệ, an ủi, khuyên bảo, hòa giải những người trong gia đình, những người chung quanh. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)