Chúa nhật 29 Thường niên năm B (+video)
Mc 10,35-45
“Vì Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).
Đoạn Tin Mừng này gợi lên câu hỏi: Chúng ta phải đi theo Chúa Giêsu trong tinh thần nào?
Câu chuyện bà Dêbêđê và hai con Giacôbê và Gioan giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
Bà mẹ và hai con vừa tham lam vừa ngây thơ. Tham lam vì muốn chiếm hai chỗ cao nhất trong Nước Trời. Ngây thơ vì nghĩ rằng trong Nước Trời cũng có những chỗ béo bở, nhiều bổng lộc cần chiếm lấy để hưởng thụ.
Chúa Giêsu đã dội một gáo nước lạnh vào lòng tham nóng bỏng đó. Ngài khước từ dứt khoát điều họ nài xin: “Ngồi bên hữu hay bên tả Ta là thuộc quyền Cha Ta” (Mc 10,40). Ngược lại Ngài hứa ban cho họ điều mà họ chẳng muốn chút nào: “Chén Ta uống các con cũng sẽ uống. Phép rửa Ta sắp chịu các con cũng sẽ chịu.” (Mc 10,39) Chén đây là cuộc khổ nạn, còn phép rửa đây là sự chết.
Quả thật Chúa Giêsu không mang lại cho những ai theo Ngài của cải và sự thịnh vượng trần thế, nhưng Ngài cho người đó được chung hưởng sự sống, tình yêu, ơn cứu độ, và hạnh phúc trường sinh. Nhờ đó mỗi người thực hiện được vận mệnh vĩnh cửu của mình. Được như vậy là quá nhiều rồi, chẳng có mối lợi nào lớn hơn.
Têrêsa là nữ tu dòng Đức Bà Loretto người Albani, được sai sang phục vụ người nghèo ở Ấn Độ. Tại đây, chị chứng kiến cảnh nghèo đói thê thảm, cảnh trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, cảnh người già bệnh tật nằm chết bên những đống rác. Xúc động trước cảnh tượng đó và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chị lăn xả vào việc phục vụ. Chị lập trung tâm tiếp đón những người hấp hối để săn sóc họ, hầu họ được chết và được chôn cất như một con người. Lập nhà trẻ mồ côi. Xây bệnh viện, xây trường học. Công việc ngày càng nhiều. Chẳng bao lâu một dòng mới ra đời: Dòng Nữ tử Thừa sai Bác ái. Ngoài ba lời khấn như các dòng khác, còn có lời khấn phục vụ người nghèo. Hiện nhà dòng có mặt trên 132 quốc gia. Chị Têrêsa được cả thế giới biết tiếng và thân thương gọi là mẹ Têrêsa. Người ta bảo mẹ là Thiên thần giáng thế. Mẹ được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó giải Nobel hòa bình là cao quý nhất. Năm 1997, khi mẹ qua đời, 80 nguyên thủ quốc gia đến dự đám tang. Nước Ấn Độ, đa số là Ấn Độ giáo, vốn chả ưa gì Công giáo, nhưng đã chôn cất mẹ theo nghi thức quốc táng, 21 phát đại bác đã tiễn đưa linh hồn mẹ về Thiên Đàng. Mẹ là nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Vì sao, thưa vì mẹ khiêm tốn phục vụ những người nghèo túng, cùng khổ nhất bằng tình thương vô vị lợi.
Như vậy, dầu cuộc sống có chịu thua thiệt, nhưng xét cho cùng thì đâu có thua thiệt gì. Trái lại một cuộc đời như vậy là một cuộc đời thành tựu. Chẳng có thể có môt sự thành tựu nào lớn và quan trọng hớn vì đây là một sự thành tựu vĩnh cửu.
Nhân ngày phong chân phước cho mẹ Têrêsa Calcutta, Chúa nhật 19.10.2003, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 bắt đầu bài giảng: “Ai muốn làm lớn hãy làm đầy tớ anh em” (Mc 10,44). Với niềm xúc động đặc biệt, hôm nay chúng ta tưởng nhớ mẹ Têrêsa, một người đầy tớ vĩ đại của người nghèo, của Giáo hội và của toàn thế giới. Đời sống của mẹ là một bằng chứng cho nhân phẩm và phục vụ khiêm tốn. Mẹ đã chọn để trở nên không chỉ là kẻ hèn mọn nhất, nhưng trở thành đầy tớ của những kẻ hèn mọn nhất. Như một người mẹ thực sự đối với những người nghèo, mẹ đã cúi xuống với những người đang chịu đau khổ với những hình thức khác nhau của sự nghèo khổ. Sự vĩ đại của mẹ hệ tại ở khả năng cho đi mà không tính toán. Cuộc đời của mẹ là một sự công bố sống động và can đảm của Tin Mừng.
2. Dĩ nhiên, đi theo Chúa thì phải đi trên con đường Chúa đi. Con đường đó Chúa đã nói thật rõ: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cứu độ muôn người” (Mc l0,45).
Vị sáng tập Cộng đoàn Emmau là cha Pière, chuyên lo phục vụ người nghèo. Cha kể lại:
- Một trong những cộng sự viên đắc lực nhất của tôi là một cựu tù nhân lang thang không nhà không cửa. Người đàn ông này thất vọng chán đời đến nỗi dùng dao cắt mạch máu trên tay mình để tự vẫn. Thấy vậy, có người điện thoại cho tôi hay. Tôi lập tức đến nơi, thấy người đàn ông với cánh tay máu chảy đầm đìa. Tôi không an ủi mà nói như ra lệnh: “Anh không được tự vẫn. Còn rất nhiều người kém may mắn hơn anh. Họ đang cần sự giúp đỡ của anh. Và chính tôi cũng đang bệnh và tôi cần đến anh”.
Nghe những lời đó, người đàn ông với đôi mắt lờ đờ bỗng sáng lên. Anh để cho người ta băng lại vết thương, và từ đó trở thành cộng sự viên đắc lực của cha Pière, tận tụy hy sinh phục vụ người nghèo khổ bất hạnh.
Lạy Chúa xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)