Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B (+video)
Ga 1,6-8.19-28
“Ông đến để làm chứng,
và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin”.
(Ga 1,6)
1. Trong bài Tin Mừng trên đây, cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần.
Việc nhắc đi nhắc lại như thế chứng tỏ việc làm chứng quan trọng như thế nào trong sứ mạng của Gioan.
Nhìn vào các việc Gioan làm ta có thể nói: Lẽ sống của Gioan là làm chứng.
Ông được sai đến để làm chứng (Ga 1,6-7).
Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng.
Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.
Qua lối sống khổ hạnh khác người, qua lời rao giảng sám hối, và qua lời chứng: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi” (Ga 1,23) đã minh chứng Gioan là vị Tiền Hô của Ðấng Cứu Thế, là chứng nhân của Thiên Chúa. Gioan chỉ đứng ra làm chứng và báo trước ngày Chúa xuất hiện, rồi rút lui vào bóng tối.
Có thể nói, Gioan là người tôi tớ, còn Ðức Giêsu mới là ông chủ, Gioan là đèn soi, còn Ðức Giêsu mới là ánh sáng, Gioan là tiếng kêu, và Ðức Giêsu là Lời hằng sống.
2. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông.
Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai ?
Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: “Tôi không phải là Ðức Kitô” - “Không phải” - “Không”.
Những tiếng không dứt khoát và trung thực.
Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông.
Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môisen.
Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất.
Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai ?
Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô.
Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30).
“Tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
Làm đầy tớ cho Ðức Kitô, ông nhận mình không xứng. Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô.
Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ.
Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.
Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga 3,26).
3. Hôm nay, Ðức Giêsu vẫn còn là Ðấng xa lạ với nhiều người.
Có nhiều người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Ðấng Cứu Ðộ đã đến từ 2000 năm.
Chúng ta hãy xin Chúa biến chúng ta thành những người làm chứng như Gioan, để chúng ta giới thiệu Chúa cho bạn bè Ðấng mà họ đang tìm kiếm.
Ðiều kiện tiên quyết của người làm chứng phải có là sống đúng như chứng từ của mình. J. Basquin nói rất hay: “Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”. Cha Teilhard de Chardin đã cắt nghĩa thêm: “Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta mọi người cũng đoán được có Ðức Kitô”.
Martin Luther King viết rất hay: “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cuộc sống của mình”.
Câu chuyện sau đây được thuật lại trong quyển The Tablet (Tháng 5 năm 1998):
Một cặp vợ chồng trẻ kia đều là bác sĩ. Họ đã học chung với nhau ở Ðại học Y khoa, quen nhau, rồi cưới nhau. Người vợ là công giáo, người chồng thì không. Ðã nhiều lần người vợ cố gắng thuyết phục chồng Rửa Tội, nhưng anh không hề quan tâm, có lẽ vì chưa thấy đạo công giáo có cái gì hay.
Thế rồi trong một đợt thanh lý công nhân viên, người chồng bị bắt đi cải tạo cùng với một số nhà trí thức khác. Người vợ không vào tù nhưng bị làm áp lực bỏ đạo và ly dị chồng. Nhiều nữ bác sĩ khác cùng cảnh ngộ đã đành chiều theo những áp lực ấy. Nhưng bà này vẫn cương quyết sống theo niềm tin và tình yêu của mình, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nhưng một ngày kia, người chồng được trả tự do cùng với nhiều bác sĩ khác. Xảy ra là rất nhiều tình huống trớ trêu dở khóc dở cười: nhiều bà vợ vui mừng vì chồng trở về nhưng không dám đón chồng vì đã trót ly dị. Riêng cặp vợ chồng này thì niềm vui rất trọn vẹn.
Sau đó người chồng xin gia nhập đạo công giáo. Anh đã thấy được giá trị của đức tin và tình yêu hiện thân nơi vợ mình. Ðó là một chứng từ, không phải bằng lời nói suông mà bằng cả cuộc sống.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng và bằng gương sáng đời sống chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm nhường: không hiếu danh cũng chẳng ganh tị, không cao ngạo cũng chẳng cậy uy. Nếu có khi nào thành công việc gì xin cho chúng con biết hướng vinh dự về cho Chúa, để qua đó, người ta nhận biết Chúa là Ðấng quyền năng và yêu thương con người. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)