Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A (+video)

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A (+video)

Chúa nhật 4 Mùa Chay năm A (+video)

Ga 9,1-41

“Lạy Chúa, con tin”
(Ga 9,37).

Câu chuyện Đức Giêsu chữa một anh mù bẩm sinh là một câu chuyện rất đẹp trong Tin Mừng.

1. Con đường đi tới ánh sáng của người mù hôm nay gồm nhiều bước, những bước của anh mù và những bước của Chúa Giêsu.

 Bước 1: “Đức Giêsu nhìn thấy” (câu 1): Cuộc hành trình bắt đầu bằng cái nhìn này, cái nhìn của Chúa đi trước cái nhìn của con người.

 Bước 2: “Đức Giêsu thoa vào mắt người mù”(câu 7): sự tiếp xúc giữa Chúa Giêsu với bệnh nhân phải được coi là thần dược.

 Bước 3 “Ngài bảo: Hãy đi rửa ở hồ Silôê” (câu 7a): Đức Giêsu sai ta đi đến một nơi đã có sẵn từ lâu, nhưng nơi này chỉ có năng lực cứu chữa nhờ việc anh thi hành ý Chúa.

 Bước 4 “Người mù đi đến đó” (câu 7b): Bước đầu tiên của con người là sự vâng phục và phó thác. Đây là bước rất cần thiết.

 Bước 5 “Tôi đã nhìn thấy” (câu 11), “Ngài là một ngôn sứ” (câu 17): Liền theo sau hồng ân nhận được là việc làm chứng cho Đấng mà ta tin, cho dù việc này dẫn đến cái giá phải trả là bị đuổi ra ngoài (câu 34).

 Bước 6 “Đức Giêsu đến gặp anh” (câu 35): Đến đây Đức Giêsu ban cho anh một thị giác còn quý hơn thị giác của cặp mắt anh, đó là thị giác của đức tin: anh tuyên xưng: “Lạy Chúa, con tin”(Ga 9,37).

2. Đó là câu chuyện người mù trong Tin Mừng. Còn người mù hôm nay là ai ?

Trong tập truyện có tựa đề: “Một trăm lẻ một giai thoại về Thiền”, tác giả Xendaki có ghi lại câu chuyện sau đây:

Thời xa xưa, mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật thường dùng những chiếc lồng đèn. Một đêm kia, một người mù đến thăm một người bạn. Lúc ra về thấy người mù đi hai tay không, người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh ta. Nhưng người mù từ chối và hỏi:

- Đối với một người mù như tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì ?

Người bạn trả lời:

 - Tôi vẫn biết rằng, anh không cần lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm đèn trong tay thì kẻ khác sẽ không thấy anh và có thể sẽ đụng vào anh.

Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về. Đi được một đoạn đường, người mù bị một kẻ đi đường tông vào mình. Không tự chế được, người mù quát tháo inh ỏi:

 - Bộ đui sao ? Không thấy chiếc lồng đèn tôi đang cầm đây sao ?

Người kia bình tĩnh phân trần:

 - Này ông bạn, ông bạn đang cầm lồng đèn. Nhưng ngọn đèn bên trong đã tắt rồi.

Thế là người mù có cầm đèn cũng không thấy đường. Còn người sáng mắt lại không thấy đèn của người mù. Vậy ai mới thật là người mù ?

Rõ ràng là để thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân.

Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân.

Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân.

Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.

Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.

Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.

Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.

Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.

Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án.

Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người cùi trên thế giới, đã thuật lại câu chuyện về một người phong cùi sau đây:

Từ nhiều năm nay, anh ta sống chui rúc trong một túp lều tăm tối, cách xa với ánh sáng. Đôi mắt anh trở nên mù lòa và không chỉ có đôi mắt anh chìm ngập trong bóng tối, mà chính tâm hồn anh cũng bị dày đặc trong bóng đêm âm u. Anh ta tự chôn vùi mình dưới đáy mồ!

Hằng ngày có một người nữ tu đến tẩy rửa và băng bó các vết thương cho anh và anh chấp nhận sự chăm sóc đó với ý nghĩ để người nữ tu được nở nụ cười mãn nguyện. Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết là anh ta không bao giờ muốn ra khỏi túp lều tối tăm của mình. Nhưng tôi vẫn tiến tới gần con người khốn khổ ấy. Tôi đưa tay ra nắm lấy cánh tay của anh và dìu anh đứng dậy. Chúng tôi cùng bước ra khỏi túp lều tăm tối. Vừa tới ngưỡng cửa, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua các khe nhỏ, anh ta vụt có một cử chỉ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi túp lều, giữa khoảng sân tràn ngập ánh sáng, anh ta bỗng kêu lớn: “Tôi thấy!

Kể từ khi bóng tối của căn bệnh phong cùi phủ xuống đời anh, thì đây là lần đầu tiên anh cảm nhận được thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Rồi với tất cả sức lực còn lại, anh ta đã thét to lên với cây cỏ, với núi rừng, với trời đất và với tất cả mọi người: “Tôi thấy! Tôi thấy rồi!”.

Lạy Chúa
Xin mở mắt con để cho con được thấy. Amen.

Top