Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (+video)
LỜI CHÚC TỤNG CỦA ĐỨC MARIA
Lc 1,39-56
A. Bài ca Magnificat của Đức Maria mà chúng ta vừa nghe là lời cầu nguyện khuôn mẫu của hết mọi lời cầu Kitô giáo. Trong bài ca này, Đức Maria hầu như không nài xin gì cùng Thiên Chúa, kể cả những điều chính đáng và cần thiết nhất. Chẳng hạn như xin được bình an, khỏe mạnh trong thời mang thai, xin cho mẹ tròn con vuông khi sinh, xin cho thánh Giuse làm ăn khá giả để nuôi gia đình, xin cho mình được thánh thiện đóng tròn vai trò làm Mẹ Thiên Chúa.
Tất cả những điều đó giả sử Đức Maria có xin thì cũng là chính đáng. Tuy nhiên Người đã không xin vì Người hiểu rằng tạ ơn thì tốt hơn xin ơn. Người chỉ nói lên niềm vui đang dâng lên trong lòng mình, rồi biến niềm vui đó thành lời chúc tụng: "Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Tâm trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa là Đấng Cứu Độ tôi". Lời ngợi khen dâng lên tự phát, nhẹ nhàng, hồn nhiên, không cầu kỳ, gò bó, gọt dũa.
TẠI SAO ĐỨC MARIA CÓ THỂ ĐEM HẾT TÂM TRÍ ĐỂ CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA?
Có hai lý do: Người biết sống phó thác và Người có tâm hồn nhạy cảm.
Trước hết Đức Maria biết sống phó thác
Vào một ngày thu, chim quạ nói chuyện với chim én chưa đầy một tuổi :
- Như tôi thấy, em sắp sửa đi xa phải không? Em đi đâu vậy?
Én trả lời:
- Ở đây trời sẽ lạnh hơn, em chịu lạnh không được, nên sẽ bay đến một miền ấm áp hơn.
Chim quạ chế nhạo:
- Nhưng em mới sinh ra vài tháng thôi, sao em biết có một miền ấm áp hơn để em không vì chết lạnh ?
Én trả lời:
- Thiên Chúa, Đấng đặt trong lòng em cái mong ước tìm về một nơi ấm áp, sẽ không bao giờ phỉnh gạt em đâu. Em tin vào Đấng đó, nên em sẽ bay đi.
Người sống phó thác là người có một niềm tin tương tự như vậy. Người đó luôn biết rằng có Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Mình được che chở, giữ gìn. Điều quan trọng không phải là cái gì sẽ xảy đến, nhưng là mình có tìm thấy ý Chúa trong những điều Chúa cho xảy đến với mình hay không. Nếu có tìm thì sự dữ cũng có thể trở thành sự lành. Và như vậy thì vẫn có thể an tâm.
Người cũng tin chắc rằng: người càng nghèo khó và bất hạnh thì càng được Thiên Chúa che chở, giữ gìn. Bởi thế Người mới nói: "Người nghèo đói được no đầy ơn phúc. Kẻ giàu sang bị đuổi về tay không". Và người khiêm tốn nhận mình thuộc hạng nghèo khó, nghĩa là thuộc hạng người có phúc. Vì thế càng phải chúc tụng Thiên Chúa hơn.
Đức Maria còn có tâm hồn nhạy cảm
Nhạy cảm với cái tốt đẹp và những niềm vui là những điều không thế không có trong cuộc sống. Nếu chỉ thấy toàn đau buồn trong cuộc sống thì không thể chúc tụng mà chỉ có thể buồn chán, than vãn.
Đây là những lời rất hay của một bài thơ
Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.
Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó.
Cuộc sống thì rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.
Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.
Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.
Cuộc sống như một sự bí ẩn, hãy khám phá nó.
Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.
Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.
Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.
Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.
Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.
Và cuộc sống thì vô cùng tuyệt vời, đừng bao giờ phá hủy nó.
Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.
Phải là những người biết nhạy cảm mới có thể cảm nghiệm được những giá trị của những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Đức mẹ luôn nhạy cảm với các ơn mà Thiên Chúa ban cho mỗi ngày. Những ơn này Chúa thường ban một cách thật kín đáo qua một cuộc sống không có gì là hào nhoáng. Ơn của Chúa không bao giờ thiếu, nhưng phải biết nhận ra. Cần có mắt thật tinh, lòng thật ngay. Mắt tâm hồn Đức Maria luôn thật tinh và lòng Người thật ngay vì thế Người nhận thấy đời mình tràn đầy ơn phúc :"Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả".
Ngoài những ơn cá nhân Đức Maria còn nhạy cảm với những ơn Thiên Chúa ban cho toàn dân mình suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Ơn Chúa bao trùm tất cả lịch sử Israel, từ Abraham cho đến muôn đời. Đó cũng lại là một lý do để dâng lời chúc tụng.
B. CẦU KHẨN NHƯ ĐỨC MARIA
Lời cầu của Đức Maria thật khác xa với lời cầu của chúng ta. Sự thật là ít khi chúng ta chúc tụng Chúa. Chúng ta thường bận rộn vì bản thân mình thay vì nhìn lên Chúa. Khi cầu nguyện chúng ta hay than thở vì số phận, liệt kê nhiều yêu sách, kể nể hết điều bất hạnh này đến những điều bất hạnh khác. Chính vì thế mà lời cầu của chúng ta thật nghèo nàn, buồn thảm, ít giá trị.
Lý do dẫn tới tình trạng này là vì lời cầu của chúng ta thiếu hai điều kiện thiết yếu vốn có một cách tuyệt vời nơi Đức Maria.
Trước hết là thiếu tinh thần phó thác. Chúng ta chưa tin thật rằng chúng ta được Thiên Chúa dẫn dắt, lèo lái trên đường đời, chưa nhìn thấy cái phúc lớn đó của mình. Như vậy làm sao có thể sẵn lòng chúc tụng Thiên Chúa. Trái lại lời chúc tụng sẽ tự nhiên dâng lên từ thâm tâm nếu chúng ta có cái nhìn như thánh Phaolô : Ngài xác tín rằng mọi sự đều sinh ích cho ai yêu mến Thiên Chúa, kể cả gian truân, thử thách, hiểm nguy. Xác tín như vậy thì lòng không thế nao núng trước bất cứ tình huống nào và tự nhiên sẽ trở thành lời chúc tụng.
Thứ đến là thiếu tâm hồn nhạy cảm - Chúng ta thường để cho lo âu, phiền muộn che lấp sự tốt lành và lòng yêu thương của Chúa. Nếu lúc nào tâm trí cũng bị ám ảnh bởi bộ mặt đen tối, bởi những bất hạnh có thật hay không có thật của cuộc sống thì sức đâu mà vui và nói lên được lời ca tụng.
Chúng ta thường lơ đãng không nhận ra những món quà quý giá Chúa gửi cho chúng ta mỗi ngày. Những món quà đó Ngài thường gửi một cách kín đáo, lẫn lộn trong những sự việc hỗn tạp đủ loại mỗi ngày. Chỉ khi nào chúng ta chịu lắng nghe lời nói thì thầm của Thánh Thần và chú tâm nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa ẩn giấu bên trong và dằng sau mỗi sự việc thì lúc đó chúng ta mới cảm thấy vui và có thể dâng lời chúc tụng.
Phải nhìn nhận rằng cách chúng ta cầu nguyện và cách chúng ta sống gắn liền nhau. Sống cách nào thì sẽ cầu nguyện cách ấy. Cách cầu nguyện phản chiếu cách sống của mỗi người. Điều đó có nghĩa là chỉ khi nào chúng ta theo gương Đức Maria trong cách sống của Người thì chúng ta mới có thể theo gương Người trong cách cầu nguyện của Người.
Tại hòn đảo xinh đẹp thuộc mạn nam đảo Sicilia nước Ý, có một nhà ẩn sĩ sống trong một hang động. Sự khắc khổ và những giờ cầu kinh lâu giờ của ông đã thu hút rất nhiều khách thập phương Công giáo cũng như Hồi Giáo. Bí quyết của ông thật đơn giản, ông phân hang động thành hai ngăn cách biệt nhau:
- Một ngăn ông đựng bàn thờ cho Chúa.
- Còn ngăn kia ông dành cho Đức Mahômét.
Khi có thập tự quân Công giáo đến thăm thì ông mời đến ngăn có bàn thờ Đức Kitô. Còn khi có một người Hồi Giáo ghé qua thì ông lại chỉ nơi cầu nguyện dành cho Mahômét. Cứ thế tín đồ của cả hai tôn giáo đều quí mến ông.
Thế nhưng một ngày kia, tình cờ đi qua hang động, một người lính thập tự viễn chinh Công giáo bắt gặp nhà ẩn sĩ đang phủ phục trước bàn thờ dành cho Mahômét. Không còn tự chủ được vì cảm thấy bị lừa gạt từ bấy lâu nay, người lính thập tự Công giáo đã tuốt gươm chém vào người ẩn sĩ. Quằn quại trong vũng máu, lúc đó nhà ẩn sĩ mới sám hối về hành động hai mặt của mình. Ông lê lết đến trước bàn thờ Chúa Giêsu để xin Ngài tha thứ những lỗi lầm của mình. Thế nhưng cùng lúc ấy, một người lính của Hồi giáo cũng đi qua nơi đó, hắn đưa gươm kết liễu cuộc đời của ông và chửi thề như sau: “Nào hãy xem Chúa của người Kitô giáo có cứu lấy ngươi không, hỡi tên phản bội?”
Câu chuyện của nhà ẩn sĩ trên đây có thể gợi lên hai thứ ngăn kéo trong cuộc sống của Kitô hữu chúng ta. Một thứ ngăn kéo dành cho nhà thờ. Còn ngăn kéo kia hoàn toàn xa lạ và lắm khi đối nghịch với những gì chúng ta tuyên xưng, cuộc sống hai mặt ấy một cách nào đó cũng là một cách chối từ Thiên Chúa.
Lạy Chúa xin cho con đủ can đảm để tuyên xưng Chúa trong cuộc sống thường ngày trước mặt thế gian, xin ban thêm sức mạnh, nghị lực để con dám thực hành những điều Chúa đã dạy, xin ban thêm ơn để con dám sống như Chúa Giêsu đã sống. Amen!
NGÀY 21 THÁNG 12
Lc 1,39-45
"Em thật có phúc, vì đã tin rằng
Chúa sẽ thực hiện
những gì Người đã nói với em."
(Lc 1,45)
1. Sau khi đã đón nhận Chúa vào lòng, giờ đây Mẹ Maria đem Chúa đến cho người khác. Khi Chúa đến trong tâm hồn ai thì thường Chúa cũng mở rộng tâm hồn của người ấy, để họ cũng nghĩ đến những người chung quanh. Thí dụ trong Tin Mừng, chúng ta thấy khi Chúa đến với ông Giakêu thì tâm hồn của ông được mở rộng ra để hướng về những người khác ngay. "Tôi sẽ lấy một nửa gia tài tôi mà giúp kẻ nghèo và nếu tôi làm thiệt hại ai, thì tôi sẽ đền gấp bốn". (Lc 19,8)
Nghĩ đến kẻ khác, đến với kẻ khác, đó là dấu chỉ có Chúa hiện diện ở trong tâm hồn. Chính vì thế mà sau khi được thụ thai Chúa Giêsu và khi biết bà chị họ của mình đang cần một sự giúp đỡ, thì mẹ đã lên đường ngay, không một chút chần trừ do dự. Biết tìm đến với những người khác nhất là những người ở trong những hoàn cảnh khó khăn đó là dấu chỉ của một tâm hồn có Chúa.
Mỗi khi lần chuỗi thứ hai của năm sự vui chúng ta ngắm “thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”.
Đức Bà đi viếng bà thánh Isave, để biểu lộ lòng yêu người cho chúng ta bắt chước.
Hồi đó, -Mẹ Têrêsa Calcutta kể- nhằm lúc thành phố Calcutta thiếu đường ăn thì có một em bé chừng bốn tuổi đem đến cho tôi một chén đường và bảo tôi:
- Thưa mẹ, con đã nhịn ăn đường suốt một tuần nay, xin mẹ hãy dùng ít đường này cho trẻ mồ côi của mẹ.
Một em bé mới có bốn tuổi mà có được cử chỉ như thế thì thật anh hùng biết bao! Em đã học được bài học yêu thương đến độ dám hi sinh cả những gì mình cần thiết cho các em nhỏ khác.
Rồi một dịp khác, em bắt tôi đem rá gạo ra vo để nấu cơm cho cả nhà ăn. Nhưng rồi bất chợt có một người đàn ông đến gặp tôi và nói:
- Thưa mẹ, gần đây có gia đình người Hinđu có tám đứa con, mà cả tuần nay họ không có gì ăn cả.
Lập tức tôi bưng rá gạo đi theo người đàn ông ấy và tìm đến nhà người Hinđu kia. Bước vào túp lều lụp xụp, tôi bắt gặp những khuôn mặt xanh xao và cơn đói lúc đó đang hành hạ họ. Không cầm lòng được, tôi trao hết rá gạo cho bà ta. Bà này cảm động đón lấy rá gạo, rồi lập tức ngồi xuống chia làm hai phần. Sau đó, bà bưng một nửa ra đi… và một lúc sau, bà trở lại, tôi ngạc nhiên hỏi bà:
- Bà đi đâu vậy? Đem gạo cho ai?
- Họ cũng đói lắm!
- Nhưng họ là ai?
- Họ là những gia đình Hồi giáo. Họ cũng có những đứa con đói khổ như con. Họ ở bên kia đường, và cả tuần nay, họ cũng không có gì ăn cả.
Đọc lại câu chuyện này sao nhiều lúc tôi cảm thấy buồn cho mình. Mình là người có đạo mà nhiều khi còn thua những người không có đạo nhiều quá.
2. Có một câu châm ngôn mà người ta hay nói cho nhau nghe mỗi khi hội họp “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”.
Vâng! “Niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”.
Trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của Edmondo De Amicis tôi đọc được một lá thư của một người mẹ gửi cho người con. Bà viết như thế này: "Mẹ viết thư này để con đọc. Sáng nay ở trường về, con đi trước mẹ mấy bước. Mẹ thấy con đã đi ngang qua một người đàn bà đáng thương đang bế trên tay một đứa bé xanh xao và ốm yếu. Người ấy xin con tiền. Con đã nhìn sừng sững vào bà ta và con đã không cho gì hết dù mẹ biết con đang có tiền trong túi.
Nghe mẹ bảo đây con! Đừng bao giờ dửng dưng đi qua trước những người nghèo khổ đang ngửa tay xin mình giúp đỡ và nhất là trước một người mẹ xin một đồng cho con của mình. Con hãy nghĩ đi: biết đâu đứa bé ấy đang đói. Hãy nghĩ đến nỗi khắc khoải của người đàn bà đáng thương ấy.
Hãy nghe lời mẹ dạy con đây. Thỉnh thoảng con phải biết chia sẻ một đồng tiền từ túi của con, đặt nó vào lòng bàn tay của một cụ già không nơi nương tựa, một bà mẹ không có bánh ăn, một đứa trẻ không cha không mẹ.
Con phải biết rằng: con chẳng thiếu thốn chi hết, còn người nghèo thì thiếu thốn mọi thứ. Trong lúc con ước mong được sung sướng thì họ chỉ cần cầu xin cho khỏi chết đói. Thật là buồn khi thấy giữa bao nhiêu ngôi nhà giàu có, giữa bao nhiêu trẻ em ăn mặc đẹp, lại có những người đàn bà và trẻ em không có gì để ăn cả...
Con hãy suy nghĩ đi, và đừng bao giờ con hành động như buổi sáng hôm nay nữa con nhé..."
Vâng! Chúng ta hãy biết chia sẻ vì “niềm vui nếu biết đem chia sẻ sẽ tăng lên gấp đôi và nỗi buồn nếu được chia sẻ sẽ vơi đi một nửa”. Amen.
NGÀY 22 THÁNG 12
Lc 1,46-56
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi." (Lc 1,47)
Bài Ca Magnificat
1. Chúng ta noi gương Đức Maria để biết cám ơn Chúa, vì Chúa hơn là vì những ơn ta được. Hãy tập cho mình có tâm tình cảm tạ tri ân mỗi khi chúng ta được thụ ơn.
Có hai người bộ hành đi trong một khu rừng rậm rạp. Đó là hai ông cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng, ông cụ và đứa cháu đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Uống xong ông cụ nói:
- Cám ơn dòng suối nhỏ nhé!
Đứa cháu thấy vậy thì cười. Ông cụ hỏi:
- Sao cháu lại cười?
Đứa cháu trả lời:
- Có gì mà ông phải cám ơn dòng suối? Nó có phải là người đâu? Nó không nghe được lời ông nói, nó không hiểu được lời cám ơn của ông.
Ông cụ tỏ vẻ suy nghĩ. Giòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong rừng... Sau một hồi lâu im lặng, ông bảo:
- Thế đấy, giòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như có một con sói đến uống nước, có thể nó không biết cám ơn giòng suối. Nhưng chúng ta không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ… Cháu có biết con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không?
Đứa bé trầm ngâm. Nó chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu:
- Cháu ơi, con người nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành...chó sói!
2. Bài ca Magnificat là những lời bộc phát tâm tình hân hoan hiếu thảo chan chứa của kẻ chịu ơn đối với Đấng ban ơn.
Mỗi lần đến với Chúa qua những việc đạo đức, chúng ta cũng cần phải nhận ra những ơn Chúa ban để khơi dậy niềm tin cậy mến và tâm tình hân hoan hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Đấng đầy lòng nhân lành và luôn yêu thương chúng ta.
Sách gương Chúa Giêsu khuyên: "Hãy biết ơn vì những ơn nhỏ, bạn sẽ đáng được ơn lớn.
Dầu Chúa phạt, Chúa đánh, bạn cũng hãy tạ ơn Chúa; vì không có gì Chúa để xảy đến mà không cốt mưu phần rỗi cho ta."
Bài Magnificat là bài ca tụng những kỳ công lạ lùng của Thiên Chúa đã làm để cứu chuộc nhân loại. Những sự lạ lùng của thời Cựu Ước như việc tạo dựng vũ trụ (St 5,9), phép lạ Xuất hành (Xh 3,24), việc ban hành lề luật. Đó là những kỳ công Chúa đã làm v.v... (Tv 119,18), nhưng ở nơi Đức Maria, Thiên Chúa còn làm những điều cao cả hơn nữa: Người đã cho Đấng Cứu Thế sinh ra làm người.
Chúng ta cần phải biết nhạy cảm để khám phá ra những kỳ công lạ lùng của Thiên Chúa nơi vũ trụ vạn vật, nơi xã hội và con người, nơi Hội Thánh, nơi những Kitô hữu, nơi chính bản thân mình để ca tụng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Bài ca Magnificat còn là bài ca, ca tụng sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã thương yêu những kẻ nghèo hèn khiêm nhu. Chính vì khó nghèo khiêm nhu mà người ta biết đặt tất cả lòng tín thác vào một mình Thiên Chúa và tùy thuộc Người. Chính vì thế mà lòng đạo đức được nảy nở. Sau này trong bài giảng về những mối phúc thật, Chúa Giêsu đã công khai chúc phúc cho những hạng người đó. Như vậy là từ đây những kẻ nghèo khó, dốt nát, hèn yếu trên đời này không còn là những kẻ khốn nạn phải thất vọng, từ đây họ được Thiên Chúa yêu thương, nâng đỡ, bênh vực và che chở.
Mục sư Thomas Collins kể lại rằng: Một gia đình nơi ông phục vụ có một thiếu phụ sống rất bi quan và luôn cảm thấy rằng, Chúa đã bỏ mình. Một hôm, mục sư Collins gặp thiếu phụ đang bế con, ông bảo bà:
- Bà hãy buông đứa bé xuống đất đi?
Thiếu phụ nhìn mục sư ngạc nhiên không hiểu tại sao ông lại nói như thế?
Mục sư lại bảo:
- Nếu có ai trả cho bà một số tiền lớn để buông đứa bé cho cháu rơi xuống sàn nhà, bà có chịu làm không?
Hơi tức giận, thiếu phụ nói:
- Dù cho người ta có cho tôi nhiều tiền như sao trên trời, tôi cũng không đời nào buông con tôi cho nó rơi xuống đất và phải chịu đau đớn như vậy.
Lúc ấy, mục sư ôn tồn bảo:
- Bà có nghĩ là tình thương của bà đối với đứa trẻ này lớn hơn tình thương của Thiên Chúa đối với con cái của Người chăng?
Nghe vậy thiếu phụ liền bừng tỉnh.
Hãy noi gương Đức Mẹ biết tin tưởng phó thác đời mình cho tình thương của Thiên Chúa chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ phải thất vọng.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
NGÀY 23 THÁNG 12
Lc 1,57-66
"Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?
Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em." (Lc 1,66)
1. Sau những tháng ngày tối tăm trong lòng mẹ, Gioan Tiền Hô đã chào đời giữa niềm vui chào đón của gia đình, của gia tộc và của làng xóm. Có lẽ niềm vui của họ đầu tiên chỉ vỏn vẹn trong việc có được một cậu con trai nối dõi tông đường, một cây gậy để chống lúc tuổi già. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho họ những điều còn hơn lòng họ mong ước: không những họ được thoát khỏi những điều sỉ nhục không còn son sẻ mà con của họ còn trở thành “vị Tiền Hô của Đấng Tối Cao”.
Đọc lại tiểu sử của Gioan, chúng ta thấy Ngài đã được sinh ra cho một sứ mệnh đặc biệt: con sẽ là tiên tri của Đấng Tối Cao. Gioan đã hết lòng hết dạ với sứ mệnh của mình. Ông đã sống thật can đảm, không sợ quan quyền, vua chúa, được mọi người kính nể, đến nỗi có người đã lầm tưởng ông chính là Đấng Cứu Thế.
Để chu toàn được sứ mệnh cao cả đó, Gioan đã tự nguyện sống một cuộc sống khắc khổ và hy sinh. Ngài sống khó nghèo như Chúa Giêsu. Ngài rao giảng thẳng thắn không vị nể ai; Ngài bị bắt và bị giết một cách nhục nhã như Chúa Giêsu. Gioan Tẩy Giả rõ ràng là hình ảnh của Chúa Giêsu sau này
2. Kitô hữu chúng ta học được những gì nơi Gioan Tẩy Giả?
Con người không phải là một con số vô danh giữa đám đông loài người. Khi sinh ra, mỗi người đều được Chúa trao cho một sứ mạng, một ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc đời. Ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa cuộc đời của Gioan là làm Tiền Hô cho Chúa Cứu Thế. Còn ơn gọi, sứ mạng và ý nghĩa đời tôi là gì?
Sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng là sứ mạng làm chứng. Làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Làm Kitô hữu hôm nay thật không dễ dàng gì. Khủng hoảng gia đình ngày càng tăng; cuộc sống càng ngày càng phức tạp; đạo đức suy đồi; giáo dục con cái trở thành một thách thức; xã hội đầy hận thù chia rẽ; đời sống đức tin và đạo đức đang giảm sút đáng lo; tất cả đều thay đổi một cách quá mau lẹ. Trước những khó khăn của cuộc sống như thế, nhiều Kitô hữu cảm thấy chới với, hoang mang.
Chúng ta phải làm gì bây giờ? Hãy quay về với những lời rao giảng cũng như gương sống của Gioan Tẩy Giả. Hãy bắt đầu nơi chính mình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hãy trở lại với một cuộc sống gương mẫu cho con cái mình cũng như cho xã hội hôm nay. Can đảm sửa mình, can đảm sống gương mẫu, đó là lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay.
Thứ đến là phải luôn ý thức về tình thương của Chúa.
Mỗi người chúng ta đều có thể mang tên Gioan (nghĩa là “Chúa thương”) bởi vì mỗi người đều là một tác phẩm của tình thương Chúa. Nếu chúng ta biết nhìn, chúng ta sẽ thấy cả cuộc đời của chúng ta là một hồng ân. Tất cả là hồng ân bởi vì:
Chúng ta đã được sinh ra với đôi mắt nằm phía trước để luôn nhìn sự việc đang diễn ra thay vì cứ ngoái nhìn lại những điều đã qua.
Chúng ta đã được sinh ra với đôi tai - một bên trái và một bên phải - để có thể nghe cả hai phía, để nghe đủ những lời ca tụng cũng như những lời phê bình, để phân biệt đúng sai.
Chúng ta đã được sinh ra với một bộ óc nằm dưới hộp sọ, cho dù có nghèo đi chăng nữa chúng ta vẫn luôn giàu có vì chẳng ai có thể lấy cắp được bộ óc sản sinh ra nhiều suy nghĩ và ý tưởng độc đáo của ta.
Chúng ta đã được sinh ra với đôi vai nối liền đôi tay để gánh vác những nhiệm vụ trọng trách. Hơn nữa, một để giúp đỡ bản thân, một để giúp đỡ người khác.
Chúng ta đã được sinh ra với một đôi chân dài và lớn để đi nhiều nơi, để mắt được quan sát, để trí não được mở mang.
Nhưng chúng ta chỉ sinh ra với một cái miệng, vì miệng là vũ khí sắc bén. Nó có thể làm tổn thương, đau lòng hay giết chết kẻ khác. Hãy ghi nhớ câu nói: nói ít, nhìn thấy và lắng nghe nhiều.
Chúng ta được sinh ra với chỉ một trái tim nằm sâu trong lồng ngực, nhắc nhở ta phải trân trọng và biết yêu vô điều kiện.
* Cuối cùng, như Giacaria khi miệng được mở ra, ông nói được và ngay lập tức ông dâng lời chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1,64)
Hãy tập cho mình có thói quen: trước khi làm một điều gì phải biết cầu nguyện, cầu xin Chúa cho mình vượt qua mọi chướng ngại và không bao giờ biết đến thất bại. Nếu có thành công, hãy vui mừng và tạ ơn Chúa. Và nhỡ có khi thất bại, chúng ta cũng đừng nản chí buồn lòng hay là nghĩ Chúa đã bỏ rơi mình. Đừng bao giờ oán trách Chúa cũng như mọi người. Hãy tin vào đường lối Chúa dẫn chúng ta đi.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối của Chúa và cho con theo đúng đường lối Người truyền dạy, để không ngừng chúc tụng Chúa, Đấng cứu chuộc con. (Epphata)
NGÀY 24 THÁNG 12
Lc 1,67-79
"Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel
đã viếng thăm cứu chuộc dân Người." (Lc 1,68)
1. Bài ca của Giacaria gồm những ý lớn sau đây:
* Thiên Chúa đã thực hiện Lời hứa Cứu độ mà Ngài đã hứa từ ngàn xưa với các tổ phụ và qua miệng các ngôn sứ.
* Hôm nay Con Thiên Chúa là “Vầng Đông” đã xuất hiện, mở màn một kỷ nguyên mới.
* Gioan sẽ là Tiền Hô cho Ngài: mở lối cho Ngài đi, và báo tin vui cứu độ cho nhân loại.
Trong lời kinh trên đây, Giacaria như đại diện gia tộc và dân Israel tán tụng lòng từ bi của Thiên Chúa bắt đầu từ việc cứu rỗi muôn dân. Đối với dân Do Thái đã hơn ngàn năm trông đợi qua các tiên tri, giờ đây họ cảm thấy nỗi khát mong tột độ đã chín mùi. Đối với nhân loại phải trải qua những chuỗi thế kỷ dài đằng đẵng đến tuyệt vọng vì tội lỗi, thì lòng họ như những thửa đất ruộng nứt nẻ hạn hán chờ mùa mưa, họ như bệnh nhân ung thư chờ ngày được giải phẫu. Và đã tới thời gian viên mãn (Ga 14,4), Thiên Chúa đã biểu lộ lòng yêu thương bao la hải hà của Ngài.
2. Đây là bài ca được Phụng vụ chọn cho chúng ta đọc buổi sáng lúc bắt đầu một ngày mới. Việc chọn lựa này nhằm nhắc chúng ta:
a/ Hãy sống một ngày trong ánh sáng của “Vầng đông” Chúa Cứu Thế.
b/ Hãy sống như Gioan: mở lối cho Chúa đến thăm anh chị em mình và loan báo tin vui cứu độ cho họ.
3. Bài ca cũng cho chúng ta thấy một bức tranh lớn về những chặng đường mà mỗi Kitô hữu phải trải qua.
a. Phải có một sự sửa soạn: cả cuộc sống là một sự chuẩn bị đưa ta đến với Chúa Cứu Thế. Khi Ignatiô còn trẻ, chàng chỉ mong trở thành một quân nhân, nhưng một tai nạn xảy ra, chàng bị thương phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày. Chàng đọc sách, hết sách đời đến sách đạo, cuối cùng, chàng đổi thay và trở nên một bậc thánh. Có người đã nhận định về chàng: “Anh ta đã muốn kiến tạo mình trước thời gian, nhưng chàng không thể hoàn thành chương trình cho đến khi năm tháng đã trôi qua.” Trong cuộc sống, Thiên Chúa vẫn khiến mọi sự hiệp lại để đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu.
b. Phải có sự hiểu biết: Một sự thật đơn giản là loài người không biết Thiên Chúa ra sao cho đến khi Chúa Giêsu đến. Người Hi-Lạp nghĩ đến một Thiên Chúa không tình cảm, vượt quá mọi nỗi buồn vui, nhìn xuống loài người với vẻ lạnh lùng xa cách, không tìm được một sự trợ giúp nào ở đó. Người Do Thái nghĩ đến một Thiên Chúa khắt khe chỉ lo ban bố luật pháp, đóng vai quan tòa và chỉ lo gieo rắc các mối đe dọa thôi. Chúa Giêsu đã đến nói rằng: Thiên Chúa là tình yêu và trong kinh ngạc sâu xa, con người chỉ có thể thốt lên rằng: “Chúng tôi chưa hề biết một Thiên Chúa như thế bao giờ.” Một trong những chức năng lớn của mầu nhiệm Nhập thể là đem loài người đến sự hiểu biết Thiên Chúa.
c. Có sự tha thứ: chúng ta cần biết rõ, tha thứ không chỉ là tha hình phạt, mà còn tái lập mối quan hệ. Chúng ta không thể tránh thoát khỏi hậu quả của tội lỗi. Chiếc đồng hồ không thể quay ngược lại, nhưng ơn tha thứ của Thiên Chúa đem chúng ta ra khỏi hậu quả của tội lỗi, khỏi sự thù nghịch và được bước vào mối tương giao thân mật với Ngài. Thiên Chúa không là Đấng khiến chúng ta sợ hãi, nhưng là Đấng yêu thương mọi người.
d. Có sự bước đi trong bình an. Bình an trong tiếng Do Thái không chỉ là thoát khỏi cảnh rối loạn mà còn bao gồm những gì tạo nên hạnh phúc cao quí nhất cho con người. Nhờ Chúa Cứu Thế, con người mới có khả năng bước đi trong những nẻo đường dẫn đến sự sống và không bao giờ còn đi trên những lối dẫn đến sự chết. Nhờ Chúa Cứu Thế con người tìm lại được sự sống đích thực của mình.
4. Và cuối cùng, bài ca cũng cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của ánh sáng.
Frank Mihalic đã mô tả về ánh sáng với những lời thật súc tích như sau: "Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng, ta mới thấy được sự vật quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần chết mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng."
Lạy chúa Giêsu, xin giúp con toả lan hương thơm của Chúa nơi con sống.
Xin ánh sáng Chúa dọi sáng qua con và ở lại nơi con, để mọi tâm hồn con tiếp xúc sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện nơi con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)