Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video)

Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video)

Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video)

Ga 10,1-10

Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.
(Ga 10,10)

Chúa Giêsu đã xác định thật rõ lý do tại sao Ngài đến giữa loài người: “Ta đến để chúng được sống và sống thật dồi dào”. (Ga 10,10)

1. Chúa Giêsu Đến Để Chúng Ta Được Sống

Thiên Chúa muốn sự sống chứ không muốn sự chết như nhiều người có thể vẫn lầm tưởng. Sự sống là giá trị tuyệt đối và cũng là lý do khiến Chúa Giêsu đến với chúng ta. Sự sống là ý muốn cuối cùng của Thiên Chúa.

Bởi thế, sự sống cũng là thực chất của Kitô giáo.

Nhìn bên ngoài, đạo của chúng ta có vẻ phức tạp và hình thức vì có nhiều luật lệ, qui định. Những luật lệ, qui định đó cần thiết, nhưng dầu sao thì cũng chỉ là tương đối. Chúng không phải là những gì cốt yếu và quan trọng nhất. Chúng chỉ là những phương thế phục vụ sự sống.

Nhìn một cách phiến diện, Kitô giáo còn có vẻ tiêu cực vì dạy con người sống khổ hạnh, siêu thoát, thực hành sám hối. Nhưng siêu thoát chưa phải là đích cuối cùng của ta phải hướng tới. Siêu thoát chỉ là phương thế khơi lên sự sống, cũng giống như có cắt tỉa những ngành khô, ngành già, cằn cỗi thì những mầm non đầy sức sống mới có cơ may mọc ra và lớn lên.

Vậy chúng ta đừng lẫn lộn phương thế với mục tiêu. Nếu chúng ta ngừng lại ở lề luật và khổ hạnh thì quả thật chúng ta chưa hiểu Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tới đâu, chưa nắm được thực chất của Kitô giáo. Và như thế, Đạo sẽ trở thành một cái gì gò bó, hình thức, tiêu cực, buộc phải sống tù túng, kiềm chế sự sống, phân li con người... nghĩa là trở nên một gánh nặng phải mang miễn cưỡng, chịu hết nổi.

Thiên Chúa muốn đưa ta đến sự sống. Điều này không thể nghi ngờ. Nhưng sự sống luôn có cái giá của nó. Bao giờ nó cũng đòi hỏi cố gắng, hy sinh. Đó là qui luật chung trong mọi lãnh vực. Muốn sinh mạng được an toàn phải giữ nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Muốn hoàn thành một công trình khoa học phải bỏ công nghiên cứu nhiều năm. Muốn trở thành một con người có giá trị thì phải học hành.

Đây là một câu chuyện có thật đã xảy ra ở Italia.

Một hôm, cha xứ Voiron nói với một bà mẹ:

- Bà hãy cho cháu đi học Giáo Lý đều đặn, nếu không, tôi không thể cho cháu lãnh nhận Bí Tích Xưng Tội, Rước Lễ lần đầu được.

Bà mẹ cục cằn trả lời:

- Thằng bé nhà tôi không cần học Giáo Lý, không cần Rước Lễ, những cây sồi vẫn lớn lên trong rừng kia đâu có đạo nghĩa gì đâu!

Cha xứ trả lời:

- Bà nói đúng, cả những con bò trong chuồng cũng không cần đạo nghĩa gì chứ ?

Hai mươi năm sau, thằng con trai của bà bị toà án tỉnh Assise kết án tử hình vì tội: Hắn đã bóp cổ mẹ hắn cho đến chết chỉ vì mẹ hắn không cho hắn đủ tiền để đi ăn nhậu.

Vâng! Mọi sự đều có cái giá phải trả của nó. Đòi hỏi càng cao thì cái giá phải trả càng đắt. Người ta thường nói tiền nào của nấy. Nếu đã tìm được cái thật quý thì giá nào cũng vẫn phải được coi là rẻ. Trong lãnh vực tôn giáo cũng không thể khác. Chúng ta muốn đạt tới sự sống thì phải sẵn lòng chấp nhận những gì có thể đưa tới sự sống. Khi đã chấp nhận như vậy thì chúng ta sẽ không còn bỡ ngỡ trước Lời Chúa Giêsu khẳng định: Ách của ta thì êm, gánh của ta thì nhẹ.

2. Chúa Giêsu Đến Để Chúng Ta Được Sống Dồi Dào

Giá trị của sự sống tùy thuộc vào phẩm chất của sự sống. Thiên Chúa không muốn ban cho chúng ta một sự sống tầm thường, kém phẩm chất. Ngài muốn ban cho chúng ta sự sống thượng đẳng, hảo hạng. Ngài muốn đưa chúng ta tới tột đỉnh của sự sống. Ngài ban cho chúng ta sự sống của chính Ngài, gọi là sự sống thần linh. Kitô hữu là người được hiệp thông sự sống với Thiên Chúa...được hội nhập, chia sẻ sự sống của chính Ba Ngôi. Chúa ở trong tôi và tôi ở trong Chúa: đó là thực chất của đời Kitô hữu. Để ban sự sống dồi dào cho ta Chúa Giêsu đã phải trải qua sự chết và phục sinh. Chúa Chiên đã hy sinh mạng sống vì chiên. Chúa Chiên đã đi vào cõi sống vĩnh cửu để mở đường cho tất cả đàn chiên vào theo. Chúa Chiên lấy sự sống của chính mình mà ban cho chiên. Điều này được diễn tả rất rõ trong phụng vụ Mùa Phục sinh.

Trải qua sự chết và Phục Sinh, Chúa Giêsu trở thành nguồn sống mới. Chúa Phục Sinh là mạch sống vô tận được khơi lên trong ta. Chúng ta sống trong Ngài, bởi Ngài. Chính nhờ đó mà ta được sống dồi dào. Đó là điều kỳ diệu nhất Thiên Chúa có thể làm cho con người và cũng là đỉnh cao nhất con người có thể mơ ước và đạt tới.

Lạy Chúa Giêsu, có những ngày con cảm thấy đời sống thật nặng nề;
Xin cho con ánh sáng của Chúa để con biết lối mà đi.

Xin cho con sự sống của Chúa để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, niềm vui và sáng tạo. Amen.

Top