Chúa nhật Phục sinh (+video)
Mc 16,1-8
"Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa.
Chỗ đã đặt Người đây này!"(Mc 16,7)
Anh chị em thân mến
Chúng ta vừa đọc lại một trong những đoạn Tin Mừng quan trọng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Đây là đoạn Tin Mừng đầu tiên truyền đạt lại cho những thế hệ mai sau biết về một biến cố lạ lùng nhất có liên hệ đến một nhân vật cũng lạ lùng vào bậc nhất trong Lịch sử loài người. Đó là sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa của chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng được coi như một bản tự thuật hôm nay lý do là vì chính Gioan là tác giả bản tường thuật này thì ngoài Chúa Giêsu cũng như chính tác giả là Gioan ra, chúng ta còn thấy tác giả đã nhắc đến tên của hai nhân vật cũng rất quen thuộc với chúng ta trong Tin Mừng. Đó là Ông Phêrô và bà Maria Madalena. Trong ít phút suy niệm này tôi chỉ xin được nói về Maria Madalena.
I. Khi suy niệm về màu nhiệm Phục Sinh, tôi tự hỏi tại sao một biến cố quan trọng như thế mà Chúa Giêsu không chọn một người nào quan trong hơn để loan báo mà Chúa lại chọn Maria Madalena? Đang suy nghĩ như vậy thì rất may tôi gặp được một bài thơ được in ở trong tập sách nhỏ được phát cho các linh mục vào dịp Đức Tổng Giám mục J.B Phạm minh Mẫn về nhậm chức tại Giáo phận TP HCM của chúng ta. Bài thơ dài nhưng tôi chỉ xin được trích một ít câu.
"Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Người đã chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Người lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật cà lăm. Thế là Moise đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Người lại chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavid đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội, Người đã chọn một người chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình. Người lại chọn một tên bắt đạo. Đó là Phaolô gốc thành Tarxô.
Vâng kính thưa anh chị em. Nếu chúng ta đọc lại cả Lịch sử Cựu Ước cũng như Tân Ước chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay làm những điều thật khó hiểu như vậy.
II. Như vậy thì thắc mắc của tôi kể như đã được giải đáp một phần nào. Tôi nói là một phần nào thôi bởi vì kính thưa anh chị em, nếu đọc thật kỹ Kinh Thánh, tôi lại thấy Thiên Chúa làm việc một cách hết sức khôn ngoan.
Không phải vô tình mà Ngài đã chọn Abraham. Ngài đã thấy được ở nơi con người này những gì cần thiết cho công việc của Người. Nơi Abraham Thiên Chúa đã tìm thấy được một lòng tin kiên cường không có một sức mạnh nào lay chuyển được. Đó là đức tính cần có cho vai trò của một tổ phụ.
Nơi Moise thì có hơi khác. Trong con người nhút nhát ấy Chúa đã nhìn thấy một tấm lòng lúc nào cũng biết kính sợ Chúa. Chọn ông làm phát ngôn viên Chúa không sợ ông nói bạy.
Còn nơi Đavid Chúa cũng nhìn thấy những đức tính rất đặc biệt của ông. Chúa đã nhìn thấy trong con người nhỏ bé này một ý chí sắt đá và một lòng quả cảm khó có thể tìm thấy được ở nơi những con người khác. Đó là những đức tính cần thiết cho một nhà lãnh đạo.
Nơi Phêrô, Chúa tìm thấy gì nơi con người đã ba lần chối Chúa này. Chẳng cần phải nói anh chị em cũng thấy Phêrô lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho Chúa. Đôi lúc chúng ta thấy ông phán đoán hơi sai ý của Chúa nhưng trong thâm tâm của ông chúng ta thấy lúc nào Chúa cũng là số một đối với ông. Tuy có lỗi lầm nhưng ông vẫn xứng đáng là người để Chúa tin tưởng.
Còn đối với Phaolô chẳng cần phải chứng minh dài dòng. Không ai mà không thấy được sự nhiệt thành và một tâm hồn quảng đại dám sống chết với những điều mình tin nơi con người này. Trước kia ông bắt đạo vì ông chưa biết Chúa là ai. Nhưng khi đã biết được Chúa rồi chúng ta thấy ông đã làm gì cho Chúa. Ông xứng đáng là tông đồ để đem Tin Mừng của Chúa cho những người chưa biết Chúa. Phải có những con người như ông thì mới có thể chu toàn được sứ mạng khó khăn Chúa trao phó.
Vậy thì đối với Maria Madalena, Chúa đã thấy được gì nơi người phụ nữ này?
Chúng ta hãy nhìn lại một một chút về cuộc đời của con người này qua Tin Mừng:
Lần đầu tiên chúng ta gặp được người phụ nữ này ở trong Marco 16,6: người phụ nữ được Chúa trừ khỏi 7 quỉ.
Trong Luca 8,23, bà cùng với một số các bà khác đi theo giúp Chúa và các tông đồ trong công việc truyền giáo.
Với Mt 27,56 thì chúng ta thấy bà có mặt ở dưới chân cây Thánh giá của Chúa Giêsu cùng với Đức Mẹ, thánh Gioan và một vài người phụ nữ khác khi Chúa chịu đóng đinh trên Thập giá.
Theo Mt 26,61 và Mc 15,47 thì bà đã có mặt ở mồ Chúa ngay lúc vừa tảng sáng
Mt 28,1 và Lc 24,10 còn cho chúng ta biết bà đến viếng mồ Chúa cùng một người khác cũng có tên là Maria vào buổi sáng sớm ngày Chúa sống lại.
Và Ga 20,1118 cho chúng ta biết một chi tiết đặc biệt hơn: bà được Chúa Giêsu đích thân hiện ra và bà nhận ra Chúa khi Chúa gọi tên bà.
Kính thưa anh chị em có lẽ bằng ấy sự việc cũng đủ để chúng ta thấy được con người này là một con người như thế nào.
Nói một cách thật vắn tắt thì đây là một con người đã được Chúa phục sinh.
Đó là lý do tại sao Chúa đã chọn chị để loan báo cho toàn thể nhân loại một Tin Vui vĩ đại nhất trong Lịch sử loài người: Đó là việc Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại để trở thành Cứu Chúa của mọi người.
III. Vâng! Chúa đã sống lại và Người mãi mãi là Cứu Chúa của tất cả chúng ta.
Mẹ thánh Têrêsa là một trong những nhân vật nhận được nhiều giải thưởng và bằng cấp danh dự nhất. Năm 1973, mẹ được quận công Phillip, với tư cách là chủ tịch danh dự của đại học Kempet bên Anh quốc trao cho mẹ bằng tiến sĩ danh dự về thần học. Mẹ trở về nhà vào giữa buổi trưa, dân chúng và ký giả đứng trực sẵn trước của nhà. Một ký giả đã đặt câu hỏi như sau:
- Đâu là động lực đã thúc đẩy mẹ bắt tay vào công việc phục vụ người nghèo? Điều gì đã gợi hứng và nâng đỡ mẹ trong suốt những năm qua?.
Người ký giả và dân chúng hy vọng sẽ có một câu trả lời dài dòng với những lời giải thích thỏa đáng. Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, mẹ Têrêsa đã chỉ đáp lại gọn gàng, vắn tắt bằng một tiếng ngắn ngủi: "Chúa Giêsu”.
Vâng! Đối với mẹ, hai tiếng Giêsu đã quá đủ để giải thích về niềm tin, sự dấn thân, lòng can đảm, tình yêu, lòng nhiệt thành và những thành quả mẹ đạt được. Tất cả đều tùy thuộc vào Chúa Giêsu. Mỗi một cố gắng, mỗi một hy sinh đều được thực hiện vì Ngài. Tất cả cả vì Chúa Giêsu, đó là khẩu hiệu và cũng là câu tâm niệm trong từng phút giây của Mẹ. Điều đó không chỉ có nghĩa Mẹ làm mọi sự vì Chúa Giêsu và cho Chúa, mà còn có nghĩa là để cho Chúa Giêsu sống và hoạt động trong Mẹ.
Tất cả vì Chúa Giêsu thưa anh chị em
Hãy để cho Chúa Giêsu sống và hoạt động trong chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu hướng chúng ta đến điều thiện.
Hãy để cho Chúa Giêsu khơi dậy những tư tưởng cao đẹp trong chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu thực hiện những hành động bác ái qua chúng ta.
Hãy để cho Chúa Giêsu bổ túc những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Ngài qua những hy sinh nhẫn nhục từng ngày của chúng ta.
Hãy để cho sự phục sinh của Ngài chiếu sáng trong niềm tin yêu, hy vọng của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A (+video)
-
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Thứ Bảy tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 26 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 21 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 16 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Lá năm C (+video) -
Chúa nhật 5 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 4 mùa Chay năm C (+video) -
Chúa nhật 3 mùa Chay năm C (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Thứ Năm tuần Thánh: Thánh lễ Tiệc Ly (+video)
-
Thứ Tư Lễ Tro (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A (Lm.ĐTQ) -
Thứ Ba tuần 15 Thường niên (+video) -
Thứ Bảy tuần Thánh (+video) -
Thánh lễ Giao thừa Kỷ Hợi (2020) (+video) -
Suy niệm Lời Chúa: Chúa nhật XII Thường Niên năm A -
Thứ Sáu tuần Thánh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Tro (+video) -
Thứ Năm tuần 23 Thường niên (+video)