Chương trình Sân Chư dân: Cuộc đối thoại với những người không tin

Chương trình Sân Chư dân: Cuộc đối thoại với những người không tin

Chiều 18-03, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, linh mục Laurent Mazas, FSJ, Giám đốc Chương trình Sân Chư dân, và ông Stanislas de Laboulaye, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Vatican, đã trình bày sáng kiến ​​mang tên Sân Chư dân (Parvis des gentils), gồm hai ngày đối thoại (24 và 25 tháng 3) giữa các tín hữu và những người không tin, tổ chức tại Paris.

Trước hết, ĐHY Ravasi nhắc lại: “Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, Giáo Hội quyết tâm bắt tay thực hiện một phương thức mới về đối thoại, trao đổi và hành động chung giữa các tín hữu và những người không tin. Công cuộc này được ĐTC ủy thác cho Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa… Lấy lại hình ảnh Sân Chư dân ngày xưa, một không gian rộng rãi cạnh Đền thờ Giêrusalem, dành cho những cuộc thảo luận giữa người Do Thái và chư dân không phải Do Thái, phương thức này đã gợi ý khai sinh Chương trình Sân Chư dân. Bổ túc cho cuộc đối thoại liên tôn diễn ra trong nhiều thập niên qua, sáng kiến tổ chức Sân Chư dân chính là quyết tâm dấn thân lâu dài và sẽ liên quan đến nhiều người trên thế giới, đến các tín hữu và những người không tin”.

ĐHY nói thêm: “Sáng kiến này mong muốn góp phần đưa ra giải đáp cho những câu hỏi lớn về hiện hữu của con người, đặc biệt về đời sống tinh thần, vốn cần phải được xem xét một cách hiệu quả và thảo luận trong xã hội với sự vận dụng lý trí chung nhất”.

ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa nhấn mạnh:

“Cái hàng rào ngăn cách Sân Chư dân, biểu tượng chia cắt tính linh thánh, phân biệt các chủng tộc đã bị gỡ bỏ bởi Đức Kitô, Đấng không muốn có bất kỳ hàng rào ngăn cản nào để người Do Thái và không Do Thái có thể gặp gỡ nhau trong sự hòa điệu. Ngày nay, các tín hữu và những người không tin đứng trên những mảnh đất khác nhau, không được lui vào chủ trương cô lập sự thánh thiêng như những người theo chủ nghĩa thế tục, chẳng biết đến gì khác, hoặc tệ hơn, bài xích, xúc phạm như liên minh giáo điều chủ nghĩa vẫn muốn thực hiện.

Hẳn là chúng ta không nên cào bằng những khác biệt, loại bỏ những xung khắc về quan niệm, bỏ qua những bất đồng… nghĩa là những tư tưởng và phát biểu, những công trình và sự lựa chọn có thể đối mặt nhau và cả gặp gỡ nhau nữa.

Có lẽ ngày nay người ta chấp nhận cuộc đọ sức tay đôi (song đấu) giữa các Kitô hữu và chư dân… nhưng trái lại, Dự án Sân Chư dân lại muốn đề nghị giải pháp song ca, trong đó các bè có thể thuộc các âm vực tương phản, như bè nam trầm và bè nữ cao, nhưng lại tạo ra hòa điệu mà không làm mất căn tính riêng của mỗi giọng, nghĩa là không làm mất bản sắc trong một tích hợp lớn lao về mặt nhận thức”.

Phiên khai mạc hội thảo Sân Chư dân sẽ khai mạc vào 24-03 tới tại trụ sở UNESCO, dưới sự chủ tọa của bà Giám đốc Irina Bokova và sự hiện diện của các nhà ngoại giao và đại diện văn hóa khắp thế giới. Sáng hôm sau, tại Sorbonne, sẽ diễn ra các phiên làm việc khác nhau, còn buổi chiều hội thảo tại Institut de France và Collège des Bernardins. Ngày làm việc sẽ kết thúc với một lễ hội dành cho công chúng, đặc biệt mở rộng cửa đón các bạn trẻ, được tổ chức tại sân trước Nhà thờ Đức Bà. Một màn hình khổng lồ sẽ cho phép mọi người có thể theo dõi bài phát biểu của Đức Thánh Cha, ngài sẽ nêu rõ ý nghĩa và sứ vụ của sáng kiến tổ chức hội thảo Sân Chư dân của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa.

(Theo VIS)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top