Chuyên đề 154: Ý nghĩa Năm Đức Tin và Cánh cửa Đức Tin
WGPSG -- “Cánh cửa Đức Tin” mà Đức Thánh Cha muốn nói tới chính là “cánh cửa” đưa người tín hữu đi vào hiệp thông với Thiên Chúa là Tình Yêu, với Hội Thánh là Mẹ hiền. Là cửa ngõ đưa các kẻ tin vào hành trình đức tin bắt đầu từ ngày lãnh bí tích Rửa Tội (x. Rm 6,4) cho đến hơi thở cuối cùng...
Trong cái nóng oi bức do bị cúp điện, hơn 300 tham dự viên vẫn ngồi kín Giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để chăm chú theo dõi đề tài: “Ý nghĩa Năm Đức Tin và Cánh cửa Đức Tin” do Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia đình TGP TPHCM - diễn giảng lúc 14g30 ngày 27/10/2012.
Mở đầu, Cha Louis nhắc lại mục đích Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ấn định cho Giáo hội Công giáo cử hành Năm Đức Tin nhằm “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Trích Tự sắc Porta Fidei, số 9). Để giúp cộng đoàn hiểu được “Ý nghĩa Năm Đức Tin và Cánh cửa Đức Tin”, ngài hướng cộng đoàn nhìn lại 4 Hiến chế Công đồng Vatican II, như là 4 trụ cột để hướng dẫn chúng ta:
Khi khởi đi từ ánh sáng Chúa Kitô là Đấng đang thanh tẩy, soi sáng và thánh hóa mỗi khi chúng ta cử hành phụng vụ (Hiến chế về Phụng vụ thánh - Sacrosanctum Concilium), và nhờ đến Ngôi Lời Thiên Chúa (Hiến chế về mạc khải - Dei Verbum), Công đồng Vatican II đã muốn đào sâu bản chất mầu nhiệm của Giáo hội (Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân - Lumen gentium) và những quan hệ của Giáo hội với thế giới hôm nay (Hiến chế mục vụ Vui Mừng và hy vọng - Gaudium et Spes).
Từ 4 Hiến chế vừa trình bày, Cha Louis đã phân tích những điều mới mẻ từ Công đồng Vatican II:
Giáo hội là một cộng đoàn
Công đồng đã nhận thức rằng, Giáo hội được khởi đi từ Thiên Chúa Ba Ngôi, là ảnh tượng (icon) của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội được diễn tả như một vòng tròn mà tâm điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi, trong vòng tròn là những người đã chịu Phép Rửa, có cả Đức Maira và làm thành dân Thiên Chúa. Vì thế, các dân tộc trong Giáo hội với nhiều cách phục vụ khác nhau, nhưng xét cho cùng chỉ có một ơn gọi, là trở nên con Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không ngần ngại sử dụng các phương tiện truyền thông, để cập nhật thông tin, để hội nhập và hiệp thông với Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ.
Ngài quảng diễn thêm: Giáo hội hiện nay rất coi trọng vai trò và sự đồng trách nhiệm của giáo dân đối với Giáo hội. Xuất phát từ tầm nhìn về Giáo hội với tình yêu và sự hiệp thông, nhiều giáo dân hiện nay đang theo học các lớp Kinh Thánh, thần học giáo dân... để có đủ kiến thức về giáo lý, và sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, tích cực tham gia mục vụ tông đồ giáo dân...
Tính tập đoàn trong Giáo hội
Bên cạnh đó, minh định rằng Giáo hội toàn cầu được hình thành từ các Giáo hội địa phương, nên Giáo hội toàn cầu muốn hiệp nhất, thì phải chấp nhận sự đa dạng giữa các Giáo hội địa phương và “không bao giờ chủ trương trung ương tập quyền tuyệt đối”, từ đó tính tập đoàn giữa Đức Giáo hoàng và các Đức Giám mục cũng được củng cố và thể hiện tốt hơn, phân quyền về Giáo hội địa phương nhiều hơn, nên Giám mục ngoài việc chăm lo cộng đoàn dân Chúa địa phương, còn có trách nhiệm tham gia vào các quản trị của Giáo hội toàn cầu. Vì bản chất của Hội Thánh xuất phát từ niềm tin, tình yêu nên không thể độc tài trong quản trị Giáo hội.
Phụng vụ là nguồn mạch đỉnh cao của đời sống Giáo hội
Để tín hữu có điều kiện tham gia vào các nghi thức phụng vụ, Công đồng Vatican II đã đặt trọng tâm là cải cách phụng vụ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý: “Có một mối quan hệ hữu cơ giữa việc canh tân phụng vụ và canh tân đời sống Giáo hội”. Cha Louis nhắc nhở: Thánh Thể là một bữa tiệc mà mọi người đều được mời tham dự. Bữa tiệc Thánh Thể có Chúa Giêsu là chủ tế nhưng cũng là hy tế. Vì thế, trong Thánh lễ, linh mục quay xuống cộng đoàn và cộng đoàn cùng tham dự, quây quần quanh bàn tiệc Thánh Thể bằng ngôn ngữ bản xứ của mình. Do đó, Giáo hội đã dịch Kinh Thánh, các lời trong nghi thức phụng vụ sang tiếng bản xứ để mọi người cùng hiệp thông. Tuy nhiên, không thể nại vì phong tục văn hóa địa phương, mà chúng ta tục hóa Thánh lễ, làm mất đi sự thánh thiêng trong Thánh lễ. Không thể sử dụng âm nhạc, nhạc cụ gây ồn ào, mất sự nghiêm trang trong Thánh lễ.
Vai trò của Kinh Thánh
Cuối cùng, Cha Louis đã nhấn mạnh vai trò của Kinh Thánh rất quan trọng. Ngài nêu lên thực trạng là anh em Tin Lành, họ thuộc và giải thích Kinh Thánh giỏi hơn người Công giáo chúng ta. Vì lẽ đó, Công đồng đã khám phá lại Kinh Thánh, vì Kinh Thánh không phải là cuốn sách nói về Thiên Chúa, mà chính là Thiên Chúa đang ngỏ lời với con người. “Trong sự mạc khải này, chính Thiên Chúa vô hình trong lúc tràn trề yêu thương đã nói với con người như người bạn hữu, đã xử sự với con người để kêu mời họ hiệp thông và để đón tiếp họ” (Hiến chế về mạc khải).
Ngoài ra, Giáo hội cũng nhấn mạnh: Thánh Kinh phải trở thành “linh hồn của toàn bộ thần học”. Có nghĩa là trong tương lai, Kinh Thánh sẽ phải được xem xét, suy tư và thắc mắc vì chính nó; và chỉ sau đó, truyền thống và thần học tín lý mới can thiệp để triển khai và phân tích.
Đó là lý do Công đồng Vatican II đã chú trọng đến việc mời gọi giáo dân tích cực học Kinh Thánh, để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, sống và hăng say loan truyền Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người.
Cuối cùng, Cha Louis đã dựa vào Tự sắc Porta Fidei để đúc kết đề tài: “Cánh Cửa Đức Tin” mà Đức Thánh Cha muốn nói tới chính là “cánh cửa” đưa người tín hữu đi vào hiệp thông với Thiên Chúa là Tình Yêu, với Hội Thánh là Mẹ hiền. Là cửa ngõ đưa các kẻ tin vào hành trình đức tin bắt đầu từ ngày lãnh bí tích Rửa Tội (x. Rm 6,4) cho đến hơi thở cuối cùng.
Trao đổi và kết thúc
Sau giờ giải lao, để trả lời các câu hỏi của tham dự viên, Cha Louis mong muốn mọi tín hữu cùng cộng tác và đồng trách nhiệm với các mục tử trong việc giáo dục đức tin, bằng cách tích cực học Lời Chúa, tham gia các sinh hoạt tông đồ giáo dân... Ngoài ra, qua các công tác bác ái, chúng ta chia sẻ sự khó khăn với những ai đang gặp túng quẫn, để giúp họ cải thiện cuộc sống, vững tâm giữ đạo và sống đạo tốt hơn.
Kết thúc buổi thuyết trình lúc 17g30, Cha Louis đã giải thích ý nghĩa logo Năm Đức Tin. Cộng đoàn hát vang bài “Gặp gỡ Đức Kitô” cùng với quyết tâm thực thi Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mc 6,33).
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12