Chuyên đề 155: Đức tin và khoa học
WGPSG -- Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Khoa học thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi thờ ngẫu tượng và sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.
Mang theo những tâm tư và thắc mắc: làm thế nào để vừa làm khoa học vừa giữ đạo, khoa học và đức tin có thể gặp gỡ nhau được không, làm sao để có thể sống đức tin vững vàng giữa xã hội hiện nay... hơn 300 tham dự viên đã đến giảng đường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận lúc 14g30, ngày 03/11/2012 lắng nghe Cha Giuse Phạm Quốc Văn - OP trình bày về đề tài “Đức tin và khoa học”.
Với lối nói khôi hài, Cha Giuse hướng dẫn tham dự viên từng bước khám phá những trái ngược, sự khác biệt và mối tương quan giữa đức tin và khoa học:
1. Đức tin và khoa học dường như trái ngược nhau?
Dựa vào Sách Sáng Thế Ký, Cha Giuse nêu lên những vấn nạn thường gặp trong Thánh Kinh, tạo nên mối căng thẳng giữa đức tin và khoa học như:
Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo của Người chỉ trong sáu ngày... Ngày thứ nhất Thiên Chúa tạo nên ánh sáng nhưng đến ngày thứ tư Thiên Chúa mới tạo dựng mặt trời và mặt trăng. Điều này vô lý, vì theo khoa học, ánh sáng được phát ra từ mặt trời, làm sao có ánh sáng khi chưa có mặt trời. Cũng vậy, ngày thứ sáu Thiên Chúa mới tạo dựng con người, điều này gợi lên một sự trục trặc trong thuyết tiến hóa của con người... Vậy Thánh Kinh là truyện hoang đường, là truyện cổ tích, nên không có tính khoa học!!!
Ngài tiếp tục quảng diễn, vậy khoa học nói gì về vũ trụ? Ngày nay, các nhà vật lý vũ trụ đã phỏng định tuổi của vũ trụ khoảng 15 tỷ năm, và hầu như họ có thể tái tạo lại được những giai đoạn chính của lịch sử thế giới. Mốc để tính tuổi của vũ trụ kể từ vụ nổ “big-bang” được coi là khởi thủy của thế giới này. Trái đất thuở sơ khai là một quả cầu sôi sục dung nham, với một đại dương nham thạch bất tận. Lúc đó, nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta lên đến 1093 độ C. Với những nhận định trên, cho dù thực tế khoa học có thể kiểm chứng bằng kính viễn vọng, bằng nhiều loại phương tiện hiện đại, nhưng chúng ta có thể tin được bao nhiêu phần trăm?
Như vậy, khoa học và đức tin dường như trái ngược nhau, cũng như hai người điếc nói chuyện với nhau, nhưng chẳng ai hiểu ai! Khoa học nói một đường, Kinh Thánh giải thích một nẻo. Vậy đâu là sự khác biệt giữa đức tin và khoa học? Sự khác biệt này giống như vợ chồng, khi đã hiểu tính khác biệt của nhau rồi thì mới yêu nhau và đi đến sự đồng cảm trong tình yêu “yêu nhau củ ấu cũng tròn”.
2. Sự khác biệt lớn giữa đức tin và khoa học
Nhằm giúp tham dự viên hiểu được nguyên nhân sự khác nhau giữa đức tin và khoa học rằng: Đức tin trả lời vấn nạn “tại sao?”, còn khoa học trả lời vấn nạn “như thế nào?”, cha đưa ra các lập luận sau:
Thánh Kinh không chỉ được hiểu theo nghĩa đen, cụ thể như Chúa đã nói: “Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi... ; Nếu mắt anh làm cớ cho anh nên sa ngã, thì móc nó đi...” (Mc 9,45-46). Vậy thì trên Nước Trời toàn người đui què hay sao. Cũng vậy, câu chuyện “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Trời” (Mt 19,24) nhằm diễn tả việc vào Nước Trời đòi hỏi sự nỗ lực của con người.
Còn dưới góc nhìn của khoa học, ngài trình bày tiếp:
Người phụ nữ có thể vùng lên đòi bình đẳng về quyền lợi, về chức vụ nhưng không thể bắt nam giới mang nặng đẻ đau, không phải lúc nào hai cộng hai cũng bằng bốn.
Trong thơ ca cũng thế, phải tinh ý mới hiểu được, chẳng hạn:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Có được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Làm gì sen có cành, nhưng anh chàng này muốn dấm dớ để tán tỉnh thôi
Ngôn ngữ thi ca, Hàn Mặc Tử viết:
Ai mua trăng ta bán trăng cho
Trăng mà cũng đòi bán.
Chúng ta tự hào là con rồng cháu tiên, là đồng bào với nhau qua truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng sinh trăm con, vậy thì mẹ Âu Cơ là gà vịt chứ đâu phải người. Không ai bảo câu truyện trên phản khoa học nhưng ai cũng biết câu truyện muốn nhắn nhủ điều gì.
Ngài kết luận: Như vậy, đức tin không nhằm trả lời câu hỏi trời đất được hình thành như thế nào, nhưng giải thích tại sao Thiên Chúa lại tạo thành trời đất. Đức tin không phải là một công trình khảo cứu về cấu tạo của con người ra sao, nhưng cho biết tại sao con người hiện hữu, con người từ đâu mà có, sống để làm gì và chết rồi sẽ đi đâu. Khi nhìn về vụ án Galilê, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Kinh Thánh dạy ta biết cách lên trời chứ không cho biết trời được làm bằng gì”. Đức tin tìm hiểu về Thiên Chúa và về những gì Ngài nói với con người nhằm giúp con người đạt tới cùng đích đời mình. Đức tin vén mở cho thấy ý nghĩa của các sự vật, khoa học không làm được như thế.
3. Mối tương quan giữa đức tin và khoa học
Qua những lập luận trên, Cha Giuse Phạm Quốc Văn đưa ra những mối tương quan giữa đức tin và khoa học. Ngài quảng diễn:
- Đức tin vào Thiên Chúa - tri thức đức tin
Đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Con người biết mở lòng ra để tin, thì sẽ đón nhận được sứ điệp của Ngài, với niềm hy vọng mình sẽ tìm gặp được ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Nếu biết dấn bước vào trong con đường Ngài vạch cho, nếu biết sống kinh nghiệm đức tin, thì lúc đó, người có lòng tin sẽ xác tín, cảm nghiệm được là mình đang sống trong chân lý.
Chính Thiên Chúa đã nói với con người, ta gọi đó là mạc khải. Lý trí con người có thể mở ra để đón nhận và hiểu biết mạc khải đó là một tri thức đức tin. Nếu con người đón nhận và sống đức tin của mình, thì đức tin sẽ soi sáng cho trí tuệ người tin: điều đó đòi phải có kinh nghiệm về đời sống Kitô đích thực.
- Niềm tin vào khoa học - tri thức khoa học
Từ khoa học bao hàm một lãnh vực rộng lớn của tri thức con người, trải dài từ các khoa toán học trừu tượng nhất cho tới các ngành khoa học nhân văn (như tâm lý học, xã hội học, v.v…). Ở đây, xin được giới hạn chỉ bàn đến các khoa học tự nhiên: tức là các khoa nghiên cứu về vật chất và sự sống; bởi vì, trong hai phạm vi ấy, đối tượng nghiên cứu là những vật thể cụ thể và có thể thí nghiệm được.
Nhà khoa học chọn đối tượng mình muốn nghiên cứu, khởi đi từ một sự kiện, từ một hiện tượng tự nhiên, bằng phương pháp thí nghiệm nhiều lần trong một môi trường cụ thể, từ một kết luận tạm thời, nhà khoa học suy đoán ra những hậu quả mà một khi đã được các cuộc thí nghiệm xác minh, thì sẽ trở thành những bằng chứng xác nhận cho giả thuyết người khảo cứu đã đưa ra. Đối với nhà nghiên cứu khoa học, tính xác thực là những gì đã trở thành hiển nhiên qua nghiệm chứng. Tính xác thực (certitude) hiển nhiên ấy làm nền tảng cho niềm xác quyết của nhà khoa học, ta gọi đây chính là tri thức khoa học.
- Sự gặp gỡ giữa tri thức khoa học và tri thức đức tin
Cho đến thế kỷ 16, kiến thức của loài người về vũ trụ còn thuộc loại hiểu biết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hơn là căn cứ vào công trình khảo nghiệm khoa học. Bên Tây phương, các người làm khoa học thường xuất thân từ giới tu hành, hoặc là từ giới những người Công giáo học thức. Đối với họ, không thể có chuyện đối chọi, tương phản giữa khoa học và đức tin, bởi vì, như Thánh Augustinô nhận định, dù là qua công trình tạo dựng hay là qua mặc khải cứu độ, thì cũng chỉ cùng một Thiên Chúa duy nhất ngỏ lời với chúng ta mà thôi.
Mặt khác, khoa học cũng phải chấp nhận giới hạn của mình. Có những thực tại mà khoa học không bao giờ vươn tới được, chẳng hạn như: tình cảm, vẻ đẹp, thi ca, các lựa chọn luân lý… Nhưng chỉ nơi Thiên Chúa mới có thể giải đáp cho ta được. Có thể nói đức tin và khoa học có những khác biệt nhau, nhưng không chống đối nhau. Theo Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc dự án giải mã gen người: “Khoa học và đức tin cả hai đều đưa ra những cách thức khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để trả lời cho những câu hỏi lớn nhất của thế giới và cả hai có thể cùng tồn tại trong tâm trí một người ham học hỏi tri thức sống trong thế kỷ XXI”.
4. Kết luận
Sau gần ba giờ cùng trao đổi và lắng nghe ý kiến của các tham dự viên, Cha Giuse đã đúc kết bằng ba điểm chính sau:
- Đức tin và khoa học khác biệt nhưng bổ túc cho nhau, không đối chọi nhau. Hơn nữa, khoa học đóng vai trò thanh luyện đức tin và làm cho đức tin mỗi ngày vững mạnh, sáng suốt hơn. Đức cố Giáo hoàng Phaolô II đã nói: “Khoa học thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch khoa học khỏi thờ ngẫu tượng và sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.
- Không thể làm khoa học nửa vời và sống đức tin đại khái! Nhà bác học vĩ đại Louis Pasteur đã nói: “Một sự hiểu biết khoa học nhỏ nhoi sẽ tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng một sự hiểu biết khoa học tường tận sẽ mang chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn”.
- Khoa học gia không nhất thiết phải là kẻ vô thần, có khi họ là Kitô hữu thánh thiện. Louis Pasteur là giám đốc viện nghiên cứu khoa học nhưng cũng là người biết lần hạt Mân côi.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12