Chuyên đề 161: Năm Đức Tin - Lời mời gọi Truyền Giáo
NĂM ĐỨC TIN:
LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO
WGPSG -- Năm Đức Tin mới được khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 2012 vừa qua đang là nền tảng và nguồn gợi hứng cho các chương trình và hoạt động của Giáo Hội hiện nay, cho nên cũng phải là nguồn gợi hứng cho buổi học hỏi của chúng ta chiều nay.
I. NĂM ĐỨC TIN VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO
1. Lý do việc cử hành Năm Đức Tin
Ngay từ những số đầu của Tự sắc “Porta Fidei”, Đức Thánh Cha đã nói đến lý do của việc cử hành Năm Đức Tin. Đó là hoàn cảnh của Giáo Hội đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin sâu rộng (x. PF 2-3).
Một cái nhìn tổng quát cho thấy thế giới hôm nay đang trải qua một cuộc chuyển mình vô cùng rộng lớn và hết sức sâu đậm, làm rúng động các cơ cấu và giá trị văn hóa, xã hội và ngay cả cơ cấu và giá trị tôn giáo. Chỉ nghĩ đến một số hiện tượng đang được cổ võ trên thế giới hôm nay, chẳng hạn, hiện tượng thế tục hóa đang lan tràn khắp nơi, ngay cả trong hàng ngũ các linh mục tu sĩ, theo đó, chính cuộc sống hay nhiều khía cạnh quan trọng của cuộc sống, không còn được nhìn trong mối tương quan với Thiên Chúa, việc thay đổi ý nghĩa và nội dung của hôn nhân và gia đình, việc xóa bỏ sự khác biệt về phái tính, trào lưu coi thường và phá hoại sự sống, việc đối sử với con người như một đồ vật nằm trong tay một người, một nhóm người nhân danh khoa học. Do đó, thế giới hôm nay đang đánh mất nhiều giá trị căn bản nhất và nền tảng nhất của cuộc đời.
Theo Tự sắc “Porta Fidei”, “các Kitô hữu quan tâm nhiều hơn tới những hậu quả về phương diện xã hội, văn hóa và chính trị của sự dấn thân, cứ tưởng rằng Đức Tin là tiền đề hiển nhiên của đời sống xã hội. Nhưng thực tế cho thấy tiền đề ấy không chỉ không còn được coi là hiển nhiên nữa mà nhiều khi còn bị phủ nhận. Trong khi ngày xưa, người ta có thể nhận thấy được một môi trường văn hóa thống nhất, nhắc đến nội dung Đức Tin và những giá trị chịu ảnh hưởng của Đức Tin, và được nhiều người chấp nhận, ngày nay, nơi nhiều bộ phận của xã hội có lẽ không còn như vậy nữa, do cuộc khủng hoảng sâu đậm về đức Tin đã ảnh hưởng tới nhiều người.” (PF 2).
2. Mục đích của Năm Đức Tin
Để trả lời cho tình trạng khủng hoảng Đức Tin rong Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cho cử hành Năm Đức Tin nhắm mục đích canh tân đức tin của mọi thành phần trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể để cho ánh sáng bị che lấp và muối bị lạt” (PF 3). “Cần phải khám phá lại hành trình Đức Tin để làm cho sáng tỏ niềm vui và lòng hăng say, nhiệt tình vì gặp được Chúa Kitô.” (PF 2).
Công việc canh tân Đức Tin có những yếu tố sau đây:
a) Cần phải có một cuộc trở lại chân thật với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại (x. PF 6) để tìm lại được niềm vui và lòng hứng khởi vì được biết Chúa và gặp Chúa (x. PF 2).
b) Cần phải tăng cường việc suy tư để xác tín về Đức Tin, qua việc yêu thích lắng nghe và nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa (x. PF 3), qua việc học hỏi các văn kiện của Công đồng Vaticanô II (x. PF 5) và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (x. PF 11).
c) Tuyên xưng và cử hành Đức Tin tại các nhà thờ cũng như tại tư gia.
d) Sống Đức Tin, tức là đưa Đức Tin vào cuộc sống theo mẫu gương của những chứng nhân của Đức Tin, bắt đầu từ chính Đức Mẹ, qua các Thánh Tông Đồ, các tín hữu đầu tiên, các Thánh Tử Đạo, những tín hữu, nam cũng như nữ, đã dâng hiến cuộc sống trong đời sống thánh hiến, các tín hữu đã sống Đức Tin trong gia đình, nghề nghiệp… (x. PF 13)
e) Hăng say truyền giảng Tin Mừng (PF 7): truyền đạt Đức Tin cho các thế hệ trẻ và cho anh chị em lương dân.
Xem như thế thì việc truyền giáo không những là một yếu tố của Năm Đức Tin mà còn là điểm tới của tất cả hành trình canh tân Đức Tin: Canh tân Đức Tin để hăng say truyền đạt Đức Tin cho những thế hệ trẻ và cho anh chị em lương dân. Do đó, trong khi chúng ta nỗ lực canh tân Đức Tin, Năm Đức Tin cũng mời gọi chúng ta canh tân tinh thần truyền giáo để ra đi chia sẻ niềm vui Đức Tin với anh chị em lương dân.
II. “TRUYỀN GIÁO”: Ý NGHĨA VÀ THỰC TRẠNG
1. Ý nghĩa
Việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là nhắc lại và xác định cho rõ ý nghĩa và mục đích của việc truyền giáo. Sau công đồng Vaticanô II, có rất nhiều suy tư và ý kiến về việc truyền giáo. Điều này nói lên sự quan trọng của việc truyền giáo vì chiếm được sự quan tâm của nhiều người và cũng nói lên sự phong phú của công việc vì các suy tư nói đến rất nhiều khía cạnh của việc truyền giáo. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, việc truyền giáo đã gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người nói đến việc truyền giáo, nhưng mỗi người lại gán cho việc truyền giáo một ý nghĩa khác nhau hay thu hẹp hoặc đồng hóa việc truyền giáo với một khía cạnh của nó. Chẳng hạn, người thì đồng hóa việc truyền giáo với việc phục vụ người nghèo, người khác thì đồng hóa việc truyền giáo với việc đối thoại liên tôn hoặc thu hẹp công việc truyền giáo vào công tác hội nhập văn hóa. Do đó, sự phong phú đã trở thành sự hỗn độn và thoái hóa. Chính vì lý do nói trên, cần phải xác định lại ý nghĩa và mục đích của công việc truyền giáo.
Theo hai văn kiện căn bản về việc truyền giáo của Giáo Hội là sắc lệnh “Tới muôn dân” của công đồng Vaticanô II và thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” của ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II, việc truyền giáo là công tác tông đồ hướng đến anh chị em chưa biết và chưa chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà chúng ta thường gọi đơn giản là anh chị em lương dân. Mục đích cụ thể là rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài để người ta biết và tin theo Chúa Giêsu và sau đó, qui tụ tất cả thành những cộng đoàn của những người tin vào Chúa. Đó cũng chính là thiết lập các giáo hội địa phương và củng cố để trở thành những giáo hội địa phương trưởng thành (xem sắc lệnh “Tới muôn dân”, số 6, thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế”, số 33-34).
Vì vậy, tiêu chuẩn để xác định việc truyền giáo không phải là tiêu chuẩn kinh tế (người nghèo hay giầu), xã hội (người bị bỏ rơi, bị áp bức), chủng tộc (sắc dân), nhưng là tiêu chuẩn Đức Tin, tức là người chưa tin và chưa chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Người đó có thể giầu hay nghèo, có thể là người bị bỏ rơi, bị áp bức, nhưng cũng có thể là người quyền thế, có thể là người Tầu, Ấn Độ, hoặc là người Phi châu, có thể là người Kinh hay người dân tộc… Vấn đề căn bản là họ chưa biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
2. Thực trạng truyền giáo theo số thống kê
Tình trạng truyền giáo hết sức phức tạp, nhưng chỉ nhìn vào một số thống kê cũng tạm đủ cho chứng ta một cái nhìn.
a) Thống kê chung các tôn giáo trên thế giới[1]
Dân số | 2000 | giữa 2012 | 2025 | 2000 - 2025 |
| ||||
Dân số toàn cầu | 6,085,572,000 | 7,052,132,000 | 8,002,979,000 | 1,917,407,000 |
Dân số kitô | 2,013,132,000 | 2,325,507,000 | 2,727,153,000 | 714,021,000 |
Dân số không kitô | 4,072,440,000 | 4,726,625,000 | 5,275,826,000 | 1,203,386,000 |
| ||||
Công giáo | 1,052,924,000 | 1,187,637,000 | 1,323,199,000 | 270,275,000 |
Hồi giáo | 1,226,046,000 | 1,583,783,000 | 1,951,389,000 | 725,343,000 |
Ấn giáo | 798,610,000 | 969,602,000 | 1,108,202,000 | 309 592,000 |
Không tôn giáo | 764,483,000 | 661,288,000 | 636,826,000 | -127,657,000 |
Tôn giáo trung quốc | 367,967,000 | 467,216,000 | 479,302,000 | 111,335,000 |
Phật giáo | 366,625,000 | 473,818,000 | 546,590,000 | 179,965,000 |
Đạo truyền thống | 241,554,000 | 264,552,000 | 256,530,000 | 14,976,000 |
Vô thần | 145,375,000 | 136,642,000 | 132,342,000 | -13,033,000 |
Tôn giáo mới | 101,044,000 | 63,220,000 | 64,108,000 | -36,936,000 |
Đạo Sikh[2] | 20,484,000 | 24,585,000 | 29,326,000 | 8,842,000 |
Do thái giáo | 14,035,000 | 14,921,000 | 16,004,000 | 1,969,000 |
b) Thống kê Giáo Hội Công Giáo[3]
DÂN SỐ THẾ GIỚI – TÍN HỮU CÔNG GIÁO
Châu lục | Dân số | Công giáo | Tỷ lệ |
Châu Phi | 993.400.000 | 179.480.000 | 18,07 % |
Châu Mỹ | 921.824.000 | 582.012.000 | 63,14 % |
Châu Á | 4.115.586.000 | 125.860.000 | 3,06 % |
Châu Âu | 710.959.000 | 284.030.000 | 39,95 % |
Châu Đại Dương | 35.830.000 | 9.283.000 | 25,93 % |
TC | 6.777.599.000 | 1.180.665.000 | 17,42% |
LINH MỤC
Châu lục | TC | Linh mục | Linh mục |
Châu Phi | 36.766 | 24.863 | 11.903 |
Châu Mỹ | 122.567 | 81.411 | 41.156 |
Châu Á | 55.441 | 32.517 | 22.924 |
Châu Âu | 191.055 | 133.997 | 57.058 |
Châu Đại Dương | 4.764 | 2.754 | 2.010 |
TC | 410.593 | 275.542 | 135.051 |
DÂN SỐ / TÍN HỮU CÔNG GIÁO CHO MỘT LINH MỤC
Châu lục | Dân số/linh mục | Tín hữu/linh mục |
Châu Phi | 27.022 | 4.882 |
Châu Mỹ | 7.521 | 4.749 |
Châu Á | 49.402 | 2.270 |
Châu Âu | 3.721 | 1.487 |
Châu Đại Dương | 7.521 | 1.948 |
TC | 13.154 | 2.876 |
TU SĨ NAM NỮ
Châu lục | Thầy trợ sĩ | Nữ tu |
Châu Phi | 8.310 | 64.980 |
Châu Mỹ | 16.792 | 198.376 |
Châu Á | 10.050 | 162.261 |
Châu Âu | 17.652 | 294.503 |
Châu Đại Dương | 1.425 | 9.251 |
TC | 54.229 | 729.371 |
GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO VÀ GIÁO LÝ VIÊN
Châu lục | Giáo Dân Truyền Giáo | Giáo Lý Viên |
Châu Phi | 5.237 | 426.788 |
Châu Mỹ | 286.063 | 1.842.449 |
Châu Á | 23.545 | 314.907 |
Châu Âu | 5.091 | 551.451 |
Châu Đại Dương | 290 | 15.482 |
TC | 320.226 | 3.151.077 |
III. TINH THẦN VÀ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO HIỆN NAY TẠI VIỆT NAM
1. Một số ý kiến về dấn thân truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam
a) Nhận xét của trưởng đoàn phụ trách tôn giáo tỉnh Hòa Bình: Giáo Hội Công Giáo không truyền giáo.
b) Những bài viết trên mạng: Có nhiều bài viết về việc truyền giáo tại Việt Nam được đăng trên mạng và một trong những bài viết đó là bài của phó tế FX Trần Kim Ngọc, OP (VietCatholic News 20/08/2010) có đề tựa: “Thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam?” Đề tài là một câu hỏi, nhưng trong thực chất nội dung là một lời xác quyết. Tác giả đưa ra 5 lý do vì sao thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam: 1) Thiếu nhân lực truyền giáo; 2) Thiếu đào tạo; 3) Thiếu tổ chức; 4) Thiếu mục tiêu; 5) Thiếu cộng tác.
2. Một số sự kiện
a) Số thống kê
Năm | 1970 | 1990 | 1993 | 2004 | 2010 |
Dân số | 31.993.143 | 63.286.000 | 70.257.700 | 82.320.147 | 86.927.700 |
Công giáo | 2.679.776 | 4.341.976 | 4.641.677 | 5.667.428 | 6.187.486 |
Tỷ lệ | 8,37% | 6,86% | 6,60% | 6,88% | 7,11% |
b) Nhiều người còn xa lạ đối với Giáo Hội và các biểu tượng của Giáo Hội
Tại Việt Nam, người công giáo thường sinh hoạt rất sầm uất trong những giáo xứ đông đảo và nếu cứ ở trong các giáo xứ đó, xem ra dưới bầu trời này chỉ có người công giáo. Nhưng nếu chúng ta ra ngoài môi trường giáo xứ hay các cơ cấu của Giáo Hội, còn vô vàn người chẳng biết các linh mục, tu sĩ là ai. Các biểu tượng của mình chẳng có ý nghĩa gì với họ. Mình họ còn chưa biết, nói chi Chúa của mình!
c) Những nỗ lực truyền giáo
Tuy chưa có một tài liệu nghiên cứu quy mô về công cuộc truyền giáo hiện nay tại Việt Nam, những tin tức và mẩu truyện vụn vặt cho thấy là cũng có nhiều cố gắng truyền giáo tại nhiều giáo phận, nhất là những giáo phận miền Cao nguyên nơi có nhiều anh chị em dân tộc, hoặc những nơi xa xôi như Miền Tây. Chúng ta có thể nhắc lại những ghi nhận truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu trong cuốn “Nhật ký truyền giáo” của ngài.
d) Tinh thần và công tác truyền giáo tại các giáo xứ
Nhìn sơ đồ công tác thực hiện Sứ Mệnh loan báo và làm chứng Tin Mừng của thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” (Số 33-34)
Vì tình trạng di chuyển của dân chúng trong thời đại mới này, trong các giáo xứ, nhất là những giáo xứ thành thị, có tất cả 5 nhóm người này và do đó, cần thiết phải thực hiện tất cả 5 loại công tác tông đồ. Tuy nhiên, thường thì các công tác tông đồ tại các giáo xứ và của nhiều dòng tu chỉ gói ghém trong công tác mục vụ. Công tác tân phúc âm hóa và truyền giáo ít khi được nói đến. Ý thức và dấn thân cho công tác tân phúc âm hóa và cho việc truyền giáo tại Việt Nam chắc chắn là có, nhưng xem ra mới chỉ là tinh thần và dấn thân của một số cá nhân hay nhóm các tín hữu chứ chưa phải là tinh thần chung của Giáo Hội Việt Nam.
Như vậy, về tinh thần và nỗ lực truyền giáo tại Việt Nam, chúng ta không thể nói cách đơn giản là “có” hay “không”, mà “có” và “không”, tuy chữ “không” có phần to hơn chữ “có”. Nhưng nếu nói về tinh thần và dấn thân truyền giáo của các giáo xứ và các cộng đoàn dòng tu xem ra chữ “không” lại to hơn nữa.
Nhìn vào Giáo hội tại Việt Nam, chúng ta thấy có một hình ảnh hết sức mâu thuẫn: một đàng đây là một Giáo hội hết sức linh động, đầy sức sống; đàng khác Giáo hội đóng khung trong môi trường của mình. Tôi có cảm tưởng như nhìn thấy một đập nước. Dưới thung lũng thì đầy nước, nhưng lượng nước lớn lao đó lại bị kìm hãm trong thung lũng, không thể nào tràn lan ra ngoài để tưới mát những vùng đất chung quanh đang khô cằn. Cái gì đang ngăn cản không cho nguồn nước chảy tràn ra ngoài? Đây là câu hỏi cần phải được trả lời. Chúng ta không có thời giờ để phân tích thấu đáo vấn đề, nhưng ít nữa, cần nêu ra vấn đề để mời gọi và thúc đẩy suy tư tìm kiếm của nhiều người.
IV. MỘT SỐ MÔI TRƯỜNG TRUYỀN GIÁO ĐẶC BIỆT TRONG TƯƠNG LAI
Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều môi trường truyền giáo, nhưng có lẽ cần để ý đặc biệt đến bốn môi trường sau đây. Chúng vừa là thách đồ, vừa là cơ hội cho việc truyền giáo:
b) Dân chúng tại các thành thị
Khi nói đến công tác truyền giáo, người ta thường nói đến “vùng sâu, vùng xa” và nói đến dân nghèo, trẻ em bị bỏ rơi. Dĩ nhhiên đây là một thành phần rất đáng được để ý, nhưng đối tượng cần được chú ý hơn trong công tác truyền giáo có lẽ là những người sống tại các thành thị, nhất là giới trí thức và giầu có. Một đàng vì họ là những người có khả năng chi phối cuộc sống của xã hội, đàng khác, chính những người nghèo và dân sống vùng thôn quê cũng ngước nhìn lên họ với lòng ao ước và thèm khát, muốn bắt chước họ. Chính thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” cũng xác định điều này:
“Trong quá khứ, công tác truyền giáo thường được thực hiện nơi những vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa những trung tâm sinh hoạt và khó khăn về giao thông, về tiếng nói và về khí hậu. Hôm nay hình ảnh truyền giáo có lẽ đang thay đổi: nơk đáng chú ý có lẽ phải là những thành phố lớn, nơi phát sinh những phong tục và mẫu sống mới, những hình thức văn hóa và truyền thông mới có ảnh hưởng lớn đến dân chúng. Dĩ nhiên “sự lựa chọn những kẻ rốt cùng” không cho phép chúng ta làm ngơ đối với những nhóm người sống bên lề xã hội, nhưng cũng phải nhớ là không thể rao giảng Tin Mừng cho những cá nhân hay nhóm người thấp hèn, nếu bỏ qua những trung tâm nơi phát sinh, có thể nói, một nhân loại mới với những mẫu phát triển mới. Tương lai của các quốc gia trẻ đang thành hình tại các thành phố.” (SMĐCT, số 37).
c) Dân chúng sống trong các tòa nhà cao ốc
Ở nhiều nơi nhưng đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, Saigòn và cả Bà Rịa, Vũng Tầu, người ta thấy đang mọc lên đầy dẫy những tòa nhà cao ốc và những khu dân cư dành riêng cho người giầu, những chuyên viên, những thương gia. Đa số những người này là anh chị em lương dân. Đây sẽ là những thế giới riêng biệt và những người sống trong những môi trường này sẽ tách mình khỏi những sinh hoạt và liên hệ bình thường để trở thành những ốc đảo riêng tư. Làm sao để tới được những người trong môi trường này và làm thế nào để có thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ? Đây là một vấn đề rất lớn của công việc truyền giáo trong tương lai và đòi hỏi một suy tư để tìm câu trả lời thích hợp ngay từ bây giờ.
d) Hiện tượng di dân
Một môi trường mới khác đang trở thành một thách đố lớn lao cho công tác truyền giáo là môi trường của hiện tượng di dân. Thực ra hiện tượng di dân đã được nhiều người nói đến từ lâu, nhưng thường được nhìn dưới góc cạnh kinh tế, xã hội, luân lý. Ở đây, chúng ta nhìn vấn đế dưới góc cạnh truyền giáo.
Hiện tượng di dân đặt ra nhiều vấn đề cho Giáo Hội và xã hội, nhưng đối với sứ mệnh truyền giáo, đây lại là một cơ hội lớn. Qua hiện tượng di dân, Giáo Hội không cần đi tìm đồng bào lương dân, nhưng chính đồng bào lương dân đến với Giáo Hội và họ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận những nghĩa cử của tình yêu, của lòng thương mến. Đây là dịp may để Giáo Hội loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa đối với nhân loại khổ đau và thiếu thốn. Một khi người ta đã ổn định, có gõ cửa người ta cũng không mở! Nhưng xem ra, Giáo Hội đang để lỡ những cơ hội bằng vàng.
e) Giới trí thức và văn nghệ sĩ
Người ta thường nói “tư tưởng điều khiển hành động”. Ngoài ra, các ngành nghệ thuật, nhất là ngành ca, vũ, nhạc kịch lôi cuốn và ảnh hưởng sâu đậm vào lòng người. Do đó, giới trí thức và văn nghệ sĩ là những người tạo dư luận và lôi cuốn xã hội. Một ông tướng đánh trận, nếu sai lầm sẽ tiêu hủy một đạo quân; một nhà chính trị nếu sai làm sẽ làm tan hoang một quốc gia; một người làm văn hóa, nghệ thuật nếu sai lầm sẽ làm bại hoại thế giới, nhiều thế hệ. Nhưng nhiều khi những giới này lại là giới sống xa cách Giáo Hội và là giới đang bị ảnh hưởng sâu đậm của trào lưu tục hóa, hay hơn nữa, chính họ là những người tạo ra trào lưu tục hóa. Công tác truyền giáo và tân phúc âm hóa không thể làm ngơ hay coi thường giới trí thức và văn nghệ sĩ.
V. NHỮNG TÁC ĐỘNG CANH TÂN DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO
Như chúng ta đã nói ở trên, tình trạng Giáo Hội Việt Nam có thể ví như một đập nước, nhưng nước bị ứ đọng, không chảy đi để tưới mát những vùng đất chung quanh, có khi rất khô cằn. Chúng ta cũng có thể ví hoàn cảnh này như một bình gas. Chất gas đã có đầy bình, nhưng vẫn chưa bốc cháy để hâm nóng nước và thổi cơm vì còn thiếu một tia lửa. Đối với việc dấn thân truyền giáo, sức bật là gặp được nguồn hạnh phúc trong việc sống đạo và xóa bỏ các nghi vấn như những vật cản. Đó là hai khía cạnh của các suy tư dưới đây, mong đóng góp cho một tác động cụ thể để khơi lên hào khí truyền giáo nơi mọi anh chị em giáo dân.
1. Khơi lên niềm vui hanh phúc sống đạo
Nhiệt huyết truyền giáo phát xuất từ niềm vui Đức Tin, từ tâm hồn hạnh phúc trong đời sống Đức Tin của mình. Có hạnh phúc thực khi gặp được một người mình thương mến và người đó thương mến mình. Những lý do khác, chẳng hạn, giầu có, ăn uống, chơi vui giải trí, có thể làm cho niềm vui sống Đạo được dễ dàng hơn, nhưng cũng có nguy hiểm là sẽ làm cho tắt mất niềm vui mới nhen nhúm. Người ta thường nói: “Hai trái tim vàng trong túp lều tranh”. Khi thương yêu nhau, dù chỉ có túp lều tranh cũng vui, cũng hạnh phúc; khi không có tình thương thì có ngồi trên nhung lụa và ăn bát bằng vàng cũng buồn, cũng chán và có khi còn đau khổ nữa. Do đó, có hạnh phúc thực trong đời sống Đức tin và ơn gọi linh mục, nếu gặp được Chúa và hiểu được là Chúa thương yêu mình hết tình. Do đó, cố gắng giữ gìn tình nghĩa với Ngài và sẵn sàng sống chết cho Ngài, chứ không phải chỉ tin vào mấy tín điều, giữ mấy điều luật hay làm điều này điều kia có ích lợi cho cộng đoàn và cho tha nhân. Dĩ nhiên, những điều đó cũng rất quan trọng, nhưng nếu không có việc gặp gỡ chính Chúa, thì mới chỉ có vỏ mà chưa có ruột.
Vì vậy, để sống Đạo hạnh phúc, cần phải vươn lên trên các yếu tố phụ để tìm ra sợi giây thân tình riêng nối kết mình với Chúa Giêsu. Còn gì hạnh phúc hơn được làm con Chúa Cả Trời Đất! Còn gì hạnh phúc hơn khi biết mình được Chúa Cả Trời Đất thương yêu và yêu đến độ đã sai Con Một của mình xuống thế làm người để chia sẻ thân phận làm người để cứu vớt và để thông truyền đời sống thần linh cho những ai tin vào Ngài và đón nhận Ngài (x. Ga 1,12; Ga 3,16-18). Còn gì hạnh phúc hơn khi vì Chúa, mình có thể thương yêu, giúp đỡ và tha thứ cho những người chẳng phải máu mủ, ruột thịt gì với mình! Không hạnh phúc sao được, khi lòng mình như mở rộng ra cõi trời mênh mông bát ngát của con tim thần linh Thiên Chúa!
2. Thắp lên ngọn lửa yêu thương
Nhiệt huyết truyền giáo phát sinh từ suối nguồn tình yêu của Thiên Ch1ua đối với nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Do đó, để truyền đạt Tin Mừng và tình yêu của Chúa cho anh chị em lương dân và làm cho họ hiểu được Chúa là Đấng Cứu Độ, các tín hữu của Chúa phải được đổ đầy tình yêu của Chúa đến độ trở thành hiện thân của tình yêu của Ngài cho anh chị em lương dân. Chỉ có tình yêu mới chinh phục và xây đắp.
Đọc cuốn sách “Dân Làng Hồ”, tức là Dân Kontum, diễn tả cuộc đời và hoạt động của các cha thừa si đầu tiên lên đó để đem Tin Mừng cho anh chị em Dân Tộc, chúng ta có thể hiểu được phần nào tình yêu truyền giáo. Khi thấy mình không được anh chị em Dân Tộc hiểu và đón nhận mà trái lại còn chạy trốn, các ngài thốt lên như sau: “Ôi ! Biết bao lần trong các dịp chúng tôi đi quan sát trong vùng, khi thấy anh chị em Thượng chạy trốn thì con tim chúng tôi như lại rướm máu, lẽ nào đã không quặn đau? Chúa Giêsu nhân hậu đã nói với người đàn bà xứ Samaria : "Nếu ngươi biết được ân huệ của Thiên Chúa, nếu ngươi biết được ai đang nói với ngươi "Hãy cho Ta uống nước" thì có lẽ chính ngươi phải xin và Người đó sẽ cho ngươi nước hằng sống." Những lời nói dịu dàng này thường đến trong tâm trí tôi. Đôi khi, vì không thể làm cho anh em Thượng hiểu được mình, cũng không làm sao cho tiếng nói của mình đến tai họ được, tôi phải la lên từ xa với những kẻ đang chạy trốn, cho dù họ chẳng nghe : "Hỡi người anh em dân tộc đáng thương và yêu quí ! Giá mà anh em biết được tôi thương yêu anh em và muốn làm điều tốt lành cho anh em ! Giá mà anh em biết được vì lòng thương yêu anh em, tôi đã không quản ngại nhọc nhằn vất vả, đã vượt biển cả, coi thường bão tố ! Giá mà anh em biết được tổ quốc tôi phồn vinh như thế nào mà tôi đành lìa bỏ chỉ vì anh em ! Ôi, giá mà anh em biết được mẹ của tôi, một người mẹ tốt lành, thánh thiện ở cách xa đây sáu nghìn dặm mà tôi đã phải nói lời vĩnh biệt xa lìa bà với con tim quặn đau! Và tất cả mọi việc đó chỉ vì yêu quí anh em, thương anh em, mà anh em lại chạy trốn tôi, lại sợ hãi tôi, một người bạn tốt nhất của anh em!"[4] (P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, TGM Kontum, nxb Đà Nẵng, 2008, trg. 67)
3. Làm sáng tỏ các nghi vấn
Nhiệt huyết truyền giáo lắm khi bị cùn lụt vì những mặc cảm gây ra bởi những hiểu lầm, những nghi vấn. Vì giới hạn thời gian, chúng ta chỉ phân tích hai nghi vấn thường được nghe trong khi tiếp xúc với anh chị em lương dân.
a) Có người nói rằng Đạo Công Giáo là đạo nước ngoài, không phải đạo của người Việt Nam
Nếu nói theo địa dư thì Đạo Công Giáo phát xuất ở ngoài nước Việt Nam nên có thể nói là đạo nước ngoài. Nhưng đâu phải chỉ có Đạo Công Giáo mới là đạo nước ngoài. Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ và vào Việt Nam qua hai ngả: Tàu và Cao Miên. Như vậy, đạo Phật cũng là đạo nước ngoài; Khổng giáo và Lão giáo đến từ nước Tàu, cũng là đạo nước ngoài; Hồi giáo đến từ Ả rập Trung Đông cũng là đạo nước ngoài.
Nếu nhìn sâu hơn thì thấy là trong một tôn giáo có hai phần: phần tinh anh là yếu tố thiêng liêng; phần cụ thể là những cách diễn tả yếu tố thiêng liêng. Phần tinh anh thiêng liêng thì không có trong có ngoài. Đâu có một con tim đón nhận thì đó là nhà. Còn những diễn tả cụ thể thì mang tính chất văn hóa của người đã sống và truyền cho mình. Do đó, đạo Công Giáo có những cách diễn tả theo văn hóa Do Thái và La-Hy; đạo Phật có những cách diễn tả theo văn hóa Ấn Độ và đạo Phật vào Việt Nam qua ngả Trung quốc nên cũng có thêm những yếu tố văn hóa Tàu; đạo Khổng và đạo Lão thì có cách diễn tả theo truyền thống Trung quốc…
Nhưng đâu có phải hễ cái gì của nước ngoài là xấu đâu. Ngày nay người ta còn chuộng đồ ngoại nữa là khác. Trong đời thường, đàn ông Việt Nam đi giầy tây, đeo cravatte, đàn bà mặc váy đầm. Những thứ đó đâu có phải của Việt Nam, vậy mà người ta vẫn thích mặc. Dầu sao, mỗi người cần phải diễn tả cái phần thiêng liêng tinh thần của Đạo theo văn hóa của mình. Vì vậy, Đạo Công Giáo trên khắp thế giới, trong mấy chục năm vừa qua, đã cố gắng diễn tả Đức Tin theo văn hóa mỗi nơi. Tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo đã có rất nhiều cố gắng từ nhiều thế kỷ để diễn tả Đức tin của mình theo cách thức Việt Nam, chẳng hạn, Dâng Hoa, Vãn Hoa, Thánh Lễ bằng tiếng Việt Nam, các bài hát đạo, các kinh bằng tiếng Việt… Khi tôi đi thăm viếng Thái Lan, một Đức Cha Thái kể với tôi là ngày lễ sinh nhật của Vua Thái, các tôn giáo họp nhau để cầu nguyện cho Vua Thái. Chỉ có người công giáo Thái là cầu nguyện bằng tiếng Thái, còn các tôn giáo khác cầu nguyện bằng tiếng nguyên gốc của tôn giáo đó, không phải là tiếng Thái. Người công giáo bị chê trách là theo Đạo nước ngoài, nhưng lại là những người duy nhất dùng tiếng của mình để cầu nguyện! Hoàn cảnh này, biết đâu cũng chẳng phải là hoàn cảnh Việt Nam?
b) Theo Đạo Công Giáo có phải từ bỏ ông bà, cha mẹ và bất hiếu không?
Người ta hay nói là theo đạo phải bỏ Ông Bà. Câu nói này nghe cứ như một truyện huyền thoại, nhưng người ta cứ lặp đi lặp lại mà không kiểm chứng hư thực. Theo Đạo Công Giáo, không những không được bỏ ông bà, cha mẹ, mà đạo hiếu còn là một bổn phận nền tảng được diễn tả bằng nhiều cách.
- Đạo Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ
- Trong Kinh Thánh, có rất nhiều đoạn sách dây các tín hữu phải thảo kính cha mẹ. Ở đây, chúng ta chỉ trích một đoạn của sách Huấn Ca, được đọc trong phụng vụ ngày lễ kính Thánh Gia Thất: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3,2-6.12-16).
- Giới Răn thứ bốn
Đạo Chúa có 10 Giới Răn, trong đó 3 Giới Răn đầu nói về bổn phận đối với Thiên Chúa và 7 Giới Răn sau nói về bổn phận đối với loài người và Giới Răn đầu tiên của 7 Giới Răn này là Giới Răn thứ IV dạy phải “Thảo kính cha mẹ”.
- Cầu nguyện cho ông bà tổ tiên mỗi ngày
Ngày nào trong Thánh Lễ, linh mục cũng cầu nguyện cho Tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời. Trong Thánh Lễ, không những mỗi tín hữu cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình mà cả những anh em công giáo khác cũng cầu nguyện cho tổ tiên ông bà của mình và mình cũng cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ. Như vậy, chữ hiếu của người công giáo được nhân lên gấp nhiều triệu lần.
- Tháng các Linh Hồn
Mỗi năm Giáo Hội dành trọn tháng 11, gọi là Tháng các Linh Hồn hay Tháng các Đẳng, để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mọi người thân thuộc đã qua đời. Chiều ngày 1 hay 2 tháng 11, nghĩa trang người công giáo rộn ràng như ngày Tết, nhưng cũng linh thiêng và đầm ấm vì tất cả gia đình dắt nhau ra viếng mộ ông bà cha mẹ và đọc kinh cầu nguyện cho các ngài.
- Những dịp kỷ niệm
Trong năm, vào dịp kỷ niệm của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người công giáo thường xin lễ cầu nguyện cho các ngài.
- Ngày Mồng Hai Tết
Riêng tại Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục đã quyết định dành ngày Mồng Hai Tết để cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Thường tại các giáo xứ, giáo dân tham dự Thánh Lễ ban sáng tại nhà thờ để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ còn sống. Thánh lễ ban chiều, thường được cử hành tại nghĩa trang để cầu nguyện cho tổ tiên và ông bà, cha mẹ đã qua đời. Cũng như ngày mồng 2 tháng 11, vào dịp này, giáo dân tham dự Thánh Lễ rất đông, có khi còn đông hơn ngày mồng 2 tháng 11 vì là ngày nghỉ. Người ta có thể chứng kiến một khung cảnh rất cảm động, linh thiêng và đầm ấm gia đình. Trước Thánh Lễ, con cái, cháu chắt tụ họp chung quanh ngôi mộ của cha mẹ, ông bà cắm hoa, thắp hương và cầu nguyện trước Thánh Lễ.
- Đạo Chúa cấm những hành vi, lễ nghi mê tín dị đoan
Giáo Hội cấm những lễ nghi, phong tục tôn kính tổ tiên có tính cách mê tín, dị đoan, chẳng hạn vấn đề dâng cúng đồ ăn cho tổ tiên. Trước đây Giáo Hội cấm hành động này vì trong tâm thức lúc đó, người dân tin là ông bà về ăn và người ta tôn thờ ông bà như một vị thần có quyền ban phát ơn huệ cho con cái, chứ không phải là những vị thánh tốt lành, có thể bầu cử cho con cháu trước Tòa Chúa. Bây giờ tâm thức của dân chúng đã thay đổi. Người ta coi đó là những cách tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Do đó, những nghi thức, phong tục này lại được Giáo Hội cho phép.
Như vậy, Giáo Hội không những không cấm mà còn khích lệ và bó buộc tỏ lòng tôn kính ông bà tổ tiên. Hơn nữa, trong khi đạo hiếu trong văn hóa Việt Nam đặt nền tảng trên chính tổ tiên, đạo hiếu của người công giáo vươn lên hẳn một bậc: đây là lệnh truyền của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mọi người, kể cả các tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình.
Giáo Hội chỉ cấm các thái độ, phong tục và hình thức diễn tả mê tín, dị đoan đi ngược lại Đức Tin Công Giáo. Ở khía cạnh này, cũng có thể xảy ra những hiểu lầm về ý nghĩa của những phong tục, lễ nghi. Không những trong quá khứ mà ngay cả trong thời đại này, các ý kiến về ý nghĩa một số phong tục hay nghi lễ cổ truyền theo văn hóa cũng không luôn hòa đồng với nhau.
Thay kết luận
Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi chỉ cầu mong và nguyện xin để buổi học hỏi và gặp gỡ hôm nay khơi lên được lòng thao thứ truyền giáo thúc đẩy mọi tín hữu của Chúa được cộng tác tích cực vào các sáng kiến làm chứng cho Chúa và đem Tin Mừng của Ngài đến các anh chị em lương dân, nhất là những anh chị em lương dân chúng ta có dịp gặp gỡ và quen biết trong các giao tiếp và trong công ăn việc làm.
Chú thích
[1] International Bulletin of Missionary Research (David B. Barrett & Todd M. Johnson), January 2012 vol. 36, n. 1, p. 29.
[2] Trong khi các tôn giáo khác, người ta dễ có một số ý niệm, ít là khái quát, đạo Sikh, ít người biết đến. Đạo Sikhs được sáng lập bởi Nanak (1469-1538) bên Ấn Độ trong bối cảnh của Ấn giáo và Hồi giáo. Giáo lý lấy chính yếu từ khuynh hướng Bakhti của Ấn giáo và thêm một ít của khuynh hướng huyền bí Sufi của Hồi Giáo. Tên Sikhs lấy từ chữ Sanskrit có nghĩa là môn đệ, tức là những môn đệ của Nanak.
[3] Annuarium Statisticum Ecclesiae 31/12/2011.
[4] P. Dourisboure, Dân Làng Hồ, TGM Kontum, nxb Đà Nẵng, 2008, trg. 67.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12