Chuyến viếng thăm đảo Chypre của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
WHĐ / Tổng hợp (3.6.2010) – Sáng thứ ba 1-6, linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, đã họp báo giới thiệu chuyến tông du đảo Chypre của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI (diễn ra từ thứ sáu 4 tới Chúa Nhật 6-6-2010).
Một cuộc viếng thăm mang tính lịch sử
Đây là lần đầu tiên có một Giáo hoàng tới đảo và nơi đây cũng từng là chặng đầu tiên của cuộc hành trình truyền giáo của thánh Phaolô. Đức giáo hoàng sẽ là vị khách mời của Đức Tổng giám mục Chính Thống giáo Chrysostomos ở Chypre, của chính quyền tại đây và dĩ nhiên, của cộng đồng nhỏ bé người công giáo.
Georgios Poulides, đại sứ của Chypre cạnh Tòa Thánh, trong bài trả lời phỏng vấn của Rodolfo Casadei, đăng trên tuần báo Tempi của Italia, cho biết Chypre là một nước trong Cộng đồng châu Âu đang trên đà phát triển mạnh về mặt kinh tế và có một nền dân chủ vững vàng. Việc đảo Chypre gắn với Cộng đồng châu Âu đánh dấu một quá trình thực hiện một mục tiêu được theo đuổi từ lâu, đặt Chypre vào đại gia đình châu Âu, vào đúng chỗ của nó xét theo lịch sử và văn hóa của nước này. Như vậy, vẫn theo vị đại sứ này, người dân Chypre mong muốn gia nhập Cộng đồng châu Âu không phải vì lý do kinh tế hay chính trị, mà là vì một môi trường an ninh mà tiếc thay, các tổ chức quốc tế khác đã không cung cấp khi họ cần. Như mọi người đều biết, gần một phần ba lãnh thổ nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ 1974.
Theo nhận định của vị đại sứ, cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI có một tầm quan trọng lịch sử vì được coi như một đỉnh điểm của một quá trình ủng hộ kéo dài Tòa Thánh Vatican dành cho Chypre. Nền ngoại giao của Vatican luôn đề cao luật pháp quốc tế, các quyết định của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền vốn kêu gọi Thổ rút quân khỏi Chypre. Chính vì vậy mà Đức giáo hoàng đã chấp nhận lời mời thăm đảo của chủ tịch Christofias, (nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất là thành viên của một đảng cộng sản trong Cộng đồng châu Âu, từ 24-2-2008) và của Đức Tổng giám mục Chrysostomos II.
Đây cũng là chuyến tông du mang nặng tính cách “Phaolô”, như chuyến tông du ở Malta vậy.
Một cuộc viếng thăm có tính đại kết
Theo đại sứ nhận định trong bài trả lời phỏng vấn, chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng có tầm quan trọng đặc biệt đối với cuộc đối thoại đại kết. Giáo hội Chypre đóng một vai trò quan trọng trong số các giáo hội Chính Thống và từ lâu, đã muốn duy trì tầm quan trọng này trong cuộc đối thoại đại kết. Thật vậy, ngay sau khi được bầu, Đức Tổng giám mục mới Chrysostomos II đã đến Vatican và mở đầu cho một thời kỳ mới trong quan hệ với Công giáo. Mấy tháng sau đó, ngài đã trở lại Italia để tham dự Ngày Hòa bình thế giới do Cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức với sự có mặt của Đức giáo hoàng trong ngày đầu làm việc. Rồi vào tháng mười một năm 2008, các ngày làm việc này được tổ chức tại Chypre và không lâu sau đó Ủy ban thần học hỗn hợp Công giáo-Chính thống giáo nhóm họp tại Pafos để bàn về vị trí đứng đầu của Giáo hoàng.
Với việc tham gia tích cực của Giáo hội Chypre vào cuộc đối thoại đại kết, không chỉ tất cả các giáo hội và các thượng phụ thuộc ngôn ngữ Hy Lạp tham gia một cách đầy đủ cuộc đối thoại với Giáo hội công giáo mà Chypre cũng đã góp phần vào việc mở đường đến với các Giáo hội chính Thống slavơ bởi vì Giáo hội Chypre luôn giữ các quan hệ rất tốt đẹp với tòa Thượng phụ Matxcơva.
Đối với cộng đồng Công giáo ở Chypre
Cũng trong cuộc viếng thăm này, Đức giáo hoàng sẽ trao tài liệu làm việc của Thượng hội đồng về Trung Đông sẽ nhóm họp vào tháng Mười tại Roma cho các vị có trách nhiệm của các Giáo hội công giáo hiện diện tại phương Đông Kitô giáo. Linh mục Lombardi nhấn mạnh: “Đây sẽ là một trong những khoảnh khắc quan trọng của chuyến tông du này”. Tài liệu được viết bằng bốn thứ tiếng, -Anh, Pháp, Italia và Ả Rập,- sẽ được trao cho các thành viên của hội đồng tiền Thượng hội đồng gồm bảy Thượng phụ của vùng Trung Đông và ba vị đứng đầu các cơ quan của Vatican đặc biệt có liên quan trong việc soạn thảo (các cơ quan phụ trách sự Thống nhất các Kitô hữu, các Giáo hội Đông phương, Đối thoại liên tôn).
Thánh lễ chúa nhật 6-6, tại Cung Thể Thao “Eleteria” ở Nicosie, sẽ là đỉnh điểm của ba ngày này.
Đức giáo hoàng sẽ ngụ tại Tòa khâm sứ Nicosie, nằm trên “đường xanh”, vùng đệm dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc giữa Cộng hòa Hy Lạp Chypre và các lãnh thổ do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 1974, tức một phần ba của đảo. Tuyệt đại đa số người Kitô hữu tại đảo thuộc giáo hội Chính Thống giáo, một số nhỏ công giáo latinh, người Armêni, và đặc biệt người Maronit có mặt tại đảo từ nhiều thế kỷ nay hay mới du nhập.
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19