Công bố Tự Sắc của Đức Thánh Cha thành lập Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng

Công bố Tự Sắc của Đức Thánh Cha thành lập Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng

VATICAN. Ngày 12-10-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã cho công bố Tông Thư Tự Sắc của ngài về quyết định thành lập Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Tự sắc mang tựa đề ”Ubicumque et semper” (ở mọi nơi và mãi mãi), trong đó sau khi nhắc đến nghĩa vụ ngay từ đầu của Giáo Hội rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, ĐTC nói đến hiện tượng nhiều nước Kitô giáo kỳ cựu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của trào lưu tục hóa, xa lìa đức tin Kitô, trào lưu vô thần thực hành lan tràn cùng với sự dửng dưng đối với tôn giáo. Ngài viết: ”Một đàng nhân loại ngày nay được những lợi ích tỏ tường do những biến đổi xã hội, những tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật.. và Giáo Hội được kích thích nhiều trong việc làm chứng về niềm hy vọng của mình (Xc 1 Pr 3,15), nhưng đàng khác người ta nhận thấy có sự đánh mất đáng lo âu về ý nghĩa thánh thiêng, và người ta đi đến độ đặt lại vấn đề về những nền tảng trước kia không hề bị tranh cãi, như niềm tin nơi một Thiên Chúa đấng sáng tạo và quan phóng, mạc khải của Chúa Giêsu Kitô đấng cứu độ duy nhất, và quan niệm chung về những kinh nghiệm cơ bản của con người như sinh, tử, sống trong một gia đình, sự tham chiếu luật luân lý tự nhiên.. Một số người chào mừng những điều này như một cuộc giải phóng, nhưng chẳng bao lâu người ta thấy rõ sa mạc nội tâm nảy sinh tại nơi mà con người muốn mình là tác nhân duy nhất tạo nên bản tính và vận mậnh của mình, người ta không còn điều làm nền tảng cho mọi sự nữa”.

Trong phần đề ra các qui định, Tự Sắc của ĐTC trình bày 4 điều khoản theo đó, Hội đồng Tòa Thánh mới lập có mục đích khích lệ suy tư về những đề tài tái truyền giảng Tin Mừng, cũng như đề ra và cổ võ những hình thức và phương thế thích hợp để thực hiện công trình đó (Art 1,2).

Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng hoạt động trong sự cộng tác với các cơ quan khác của Giáo triều Roma và nhắm phục vụ các Giáo Hội địa phương, nhất là tại những miền thuộc truyền thống Kitô đang có hiện tượng tục hóa (Art. 2).

Trong số các công tác chuyên biệt của Hội đồng, đặc biệt có:

- đào sâu ý nghĩa thần học và mục vụ của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng (Art 3,1);

- cộng tác chặt chẽ với các HĐGM có cơ quan đặc trách về vấn đề này, để cổ võ và tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phổ biến và thực hiện giáo huấn của các Giáo Hoàng về những đề tài có liên quan tới việc tái truyền giảng Tin Mừng (Art 3,2);

- quảng bá và hỗ trợ những sáng kiến liên quan tới việc tái rao giảng Tin Mừng đang diễn ra tại các Giáo Hội địa phương và thăng tiến các sáng kiến mới, kêu gọi sự can dự tích cực của các dòng tu, tu đoàn tông đồ và hội đoàn giáo dân (Art 3,3);

- nghiên cứu và tạo điều kiện cho việc sử dụng các hình thức truyền thông mới mẻ như phương tiện để tái truyền giảng Tin Mừng (Art. 3,4).

- Cổ võ việc sử dụng Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như một tài liệu trình bày thiết yếu và đầy đủ về nội dung đức tin cho con người thời nay (Art. 3,5)

Sau cùng, Tự Sắc qui định rằng về cơ cấu, giống như các Hội đồng khác của Tòa Thánh, Hội đồng tái truyền giảng Tin Mừng do một vị TGM làm Chủ tịch, với sự trợ giúp của một Tổng thư ký, một phó Tổng thư ký, và một số viên chức thích hợp. Hội đồng có các thành viên và có thể có vị các cố vấn riêng.

Tự sắc mang chữ ký của ĐTC ngày 21-9-2010 và bắt đầu có hiệu lực sau khi được đăng trên báo Quan sát Viên Roma của Tòa Thánh, nghĩa là từ ngày 13-10-2010.

Cũng nên nhắc lại rằng ngày 30-6 năm nay, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Rino Fisichella làm Chủ tịch tiên khởi của Hội đồng Tòa Thánh tân lập này. Đức TGM nguyên là Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống kiêm Viện trưởng đại học Giáo Hoàng Latarano ở Roma. (SD 12-10-2010)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top