Công nghị Giáo phận: hy vọng và lo âu

Công nghị Giáo phận: hy vọng và lo âu

Năm Thánh rồi Đại Hội Dân Chúa, Thư Chung rồi Công Nghị Giáo Phận, các sự kiện lớn cứ đắp đổi theo nhau như một dòng sông yên bình. Dân Chúa đã quen với các từ “Năm Thánh, Đại Hội và Thư Chung”, nhưng còn lạ lẫm với từ “Công Nghị”. Thực ra, Công nghị Giáo phận không phải là điều mới mẻ trong sinh hoạt của Giáo Hội, nó đã được quy định khá đầy đủ trong giáo luật (các điều 460-468). Theo đó, công nghị là cuộc họp gồm các linh mục và các tín hữu được chọn trong giáo phận nhằm mục đích giúp giám mục trong việc mưu ích cho cộng đoàn giáo phận. Có thể nói quyết định mở Công Nghị, đúng một năm sau Đại Hội Dân Chúa, là một quyết định có đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” bởi Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa như vẫn âm vang trong lòng mọi người và tất cả vẫn mong đợi được thấy hoa trái của những biến cố lịch sử này.

Công nghị Giáo phận còn ở phía trước nhưng như thể đã bắt đầu từ hôm nay, khi các giáo hạt như Hóc Môn, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Sàigòn-Chợ Quán, Phú Thọ, Tân Sơn Nhì, Gò Vấp, Chí Hòa, Phú Nhuận … lần lượt tổ chức những buổi học hỏi Thư Chung, trao đổi và góp ý cho Công Nghị. Thêm vào đó, các tổ chức mục vụ như hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, ca viên …, các tổ chức tông đồ giáo dân như giới doanh nhân, giáo chức …, các đoàn thể như Cùng Theo Chúa, Hiệp Hội Thánh Mẫu … và cả ủy ban Đoàn Kết cũng có những sinh hoạt tương tự. Nghe đâu ban Phụng Tự cũng đang soạn một kinh nguyện giúp cộng đoàn cầu nguyện cho Công Nghị, ban Truyền Thông chuẩn bị một Logo, ban Thánh Nhạc sáng tác một bài hát cho Công Nghị. Các giáo hạt và các giáo xứ, các ban mục vụ và các tổ chức mục vụ cũng như tông đồ như bắt đầu chuyển động, chuẩn bị xa cho Công Nghị Giáo Phận vào tháng 11 sắp tới.

Nếu những biến chuyển tích cực trên đây cho ta thêm niềm tin tưởng và hy vọng vào Công Nghị, thì những chuyển biến có phần chậm chạp, thậm chí tiêu cực, cho ta nhiều nỗi lo. Lo lắng bởi cho đến nay, ngoài một vài đóng góp ý kiến mang tính cá nhân, ban Thư ký Công nghị vẫn chưa nhận được một bản phúc trình chính thức nào từ những đơn vị đã tổ chức học hỏi và hội thảo. Nhiều giáo hạt vẫn chưa thấy tiến hành học hỏi Thư Chung và góp ý cho Công Nghị, nhiều giáo dân trong các giáo xứ vẫn chưa biết đến Công Nghị, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cấp giáo hạt phát biểu mang tính cá nhân hơn là đại diện, kết cuộc “những người nghèo, những kẻ rốt hết” trong cộng đoàn vẫn chưa có được tiếng nói, đồng nghĩa những ý kiến đóng góp cho Công Nghị có thể bị giới hạn trong thiểu số “toàn tòng” hay “mộ đạo” mà thôi. Điều khiến ta lo lắng hơn xuất phát từ những phát biểu có thể là vô tình nhưng gây nản lòng không ít cho nhiều người, chẳng hạn những phát biểu như: “kết cuộc rồi cũng chẳng tới đâu!”, “rồi xem, cũng thế thôi!”, “cuối cùng, đâu cũng vào đó!”… Thiếu niềm tin và hy vọng, các hoạt động chuẩn bị cho Công Nghị chỉ là hình thức, tốn công sức và tiền của mọi người.

Tuy nhiên, những tiếng nói “nghịch chiều” cũng nhắc nhớ và đòi hỏi chúng ta nắm vững và đi sâu vào trọng tâm của Công Nghị là “đổi mới” và đổi mới ở cả hai chiều sâu và chiều rộng: “Ở chiều sâu, là đổi mới con tim … thoát khỏi sự kiềm tỏa của lòng tham sân si cùng tính đối kháng cố hữu, để nội tâm được tự do sống ‘đạo yêu thương’ … và cùng nhau phục vụ công ích … Ở chiều rộng, là đổi mới hiện trạng đời sống gia đình và cộng đoàn, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội: nỗ lực giúp nhau thoát khỏi những căng thẳng và bất ổn, để xây dựng một cộng đoàn yêu thương, hiệp thông, hiệp nhất, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành sứ vụ loan Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương cho mọi người” (Đức Hồng Y GB, Lời mời gọi đổi mới, lời mở).

Như thế, Công Nghị vừa là thách đố vừa là cơ hội, để chúng ta thể hiện mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là xây dựng cộng đoàn hiệp thông, hiệp thông với Chúa cũng như với nhau. Nhờ ơn Chúa giúp và nhờ sự nhiệt thành cộng tác của mọi tín hữu, chúng ta hy vọng Công Nghị sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Để được như vậy, Công Nghị chắc hẳn không thể kết thúc với những tuyên ngôn hay quyết nghị, nhưng phải được tiếp nối bằng một kế hoạch mục vụ chung làm nền tảng cho các hoạt động mục vụ, cách riêng việc phối hợp giữa các ban hay tổ chức mục vụ trong giáo phận. Như thế, dòng sông sẽ chảy mãi, mang theo nhiều phù sa mầu mỡ bồi đắp cho mảnh đất quê hương.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Trưởng ban Thư ký Công nghị

Top