Công phúc, công trạng?
WGPSG -- Thần học kinh viện, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô trình bày ơn cứu chuộc duy nhất của Chúa Kitô qua các khía cạnh hy tế, giá chuộc, đền tội và công trạng. Những thuật từ này phản ánh những nền văn hóa đương thời: có những tôn giáo giết sinh vật làm lễ tế thì người ta dễ dàng nhận ra ý nghĩa của “hy tế” (tế vật, lễ toàn thiêu v.v.); sống trong một xã hội có chế độ nô lệ tất sẽ hiểu ngay “giá chuộc” là gì; ý niệm “đền tội” (đền bù thỏa đáng) bắt nguồn từ nền văn hóa coi trọng danh dự; và ý niệm “công trạng” phát sinh từ những văn hóa nặng về pháp lý. Các thuật ngữ này đều được cấu trúc theo phép “nhân hóa”: nhân hóa Thiên Chúa, tức là quan niệm Thiên Chúa xử thế như con người [1].
Thời kỳ Cải Cách (tk. XVI), khái niệm công trạng có liên quan đến một vấn đề là cốt lỏi của những cuộc tranh luận trong thời này: vấn đề công chính hóa. Trong Giáo hội Tin Lành với chủ trương Sola fide (duy đức tin), người ta phủ nhận giáo lý về công trạng, về việc đền tội, về ân xá, về hiệu quả xá tội của hy tế Thánh Thể, về công trạng của các bí tích xét như "opus operatum" v.v. vì cho rằng chúng chẳng ích lợi gì cho ơn cứu độ. Muốn được cứu độ, chỉ cần tin thôi là đủ [2].
Công trạng dịch từ tiếng Latinh là meritum. Trong tiếng Việt có nhiều thuật từ để dịch từ này, như: công lao, công nghiệp, công phúc, công trạng, ...
1. Ý nghĩa thuật từ meritum.
Xuất phát từ tiếng Hy lạp là meros (phần), La ngữ có động từ merere (nhận phần) và danh từ merces (tiền công, tiền trả, phần thưởng) và meritum: Ý nghĩa phổ thông là: (1) Quyền được thưởng do một việc đã làm; (2) Sự trả công mà cộng đồng hay xã hội đánh giá hành động của một thành viên của mình, xét như điều đó tốt hay xấu, đáng được thưởng hay đáng bị phạt. Ý nghĩa Công Giáo là : (3) Phần thưởng Chúa ban cho người thực hành nhân đức.
Quan niệm về công trạng có từ đời giáo phụ Tertulianô, nhưng nền tảng đã có trong Phúc Âm (Mt 5, 3-12; 25, 31-46). Giáo lý Công Giáo dạy rằng: (1) Giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo có một khoảng cách nghìn trùng, nên con người không thể tự ý bắt Thiên Chúa mắc nợ mình, nếu chính Chúa đã không tự ý muốn thế (GLCG 2007); (2) Được hưởng công trạng hay không là tùy vào quyết định tự do của Thiên Chúa, Đấng muốn lấy hạnh phúc bất diệt để ân thưởng những việc lành được làm nhờ ân sủng của Chúa (GLCG 2008); (3) Một người sống tình trạng ân sủng mà làm các việc lành, thì có quyền được “Thiên Chúa ban thưởng cách siêu nhiên. Phần thưởng ban cho các việc lành không phải là do những hành vi ta đã làm được trước khi có ân sủng. Nhưng ân sủng đã được ban không cho ta, trước khi ta làm được việc gì, và nhờ ân sủng đó, ta mới có thể làm những việc ấy một cách xứng đáng” (Cđ. Orange II, DZ 388).
Cần phải có một số điều kiện để hưởng công trạng siêu nhiên. (1) Trước hết, đó phải là một việc tốt về mặt luân lý, nghĩa là việc phù hợp với luật luân lý về đối tượng, ý hướng và hoàn cảnh. (2) Thứ đến, phải làm việc ấy một cách tự do, không bị áp lực bên ngoài hay nhu cầu bên trong. (3) Rồi đó phải là một việc siêu nhiên, nghĩa là do hiện sủng khơi dậy và hỗ trợ, đồng thời xuất phát từ một động lực siêu nhiên. (4) Cuối cùng, đương sự phải là người còn sống, vì không ai có thể tạo nên công trạng sau khi chết. Nói cách chặt chẽ, chỉ những ai đang ở trong tình trạng ân sủng mới có thể hưởng được công trạng, như Hội Thánh đã định tín (DZ 1576, 1582). Phần thưởng siêu nhiên mà ta được do các công trạng ấy chính là làm tăng ơn thánh hóa, cho hưởng sự sống đời đời (nếu ta chết trong tình nghĩa với Chúa) và vinh quang thiên quốc.
Cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther, bắt đầu từ năm 1967, gắn liền với vấn đề công chính hóa. Hai giáo hội này đã mất trên 3 thập niên đối thoại với thiện chí. Ngày 31/10/1999, ĐHY Edward Cassidy, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Sự Hợp Nhất Kitô Hữu, đại diện Giáo Hội Công Giáo Rôma và Đức TGM Ishmael Noko, Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Luthêrô Thế giới đã bắt tay nhau tại Geneva sau khi cùng ký kết “Bản Tuyên Ngôn chung về Tín lý Công chính hóa” [3], đánh dấu chấm dứt 500 năm phân rẽ quan điểm thần học.
Liên quan đến vấn đề những việc lành và công trạng, Bản Tuyên Ngôn đã nêu ra những điểm đồng thuận và cả những điểm tuy còn khác biệt nhưng hai bên thống nhất tôn trọng và không kết án lẫn nhau nữa.
Những điểm hai bên đã đồng thuận là [4]: (1) Việc công chính hóa được thực hiện hoàn toàn là do ơn Chúa. Nói cách khác: Để được cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. (2) Các việc lành phúc đức là do việc công chính hóa và là hoa trái của việc công chính hóa. (3) Cả Chúa Giêsu lẫn các Sách Thánh đều khuyên giục Kitô hữu hãy làm trổ sinh các việc bác ái.
Những điểm tuy còn khác biệt nhưng hai bên đã thống nhất tôn trọng và không kết án lẫn nhau nữa là:
Theo Công Giáo[5]: (1) Các việc lành phúc đức, được thực hiện nhờ ân sủng và hoạt động của Chúa Thánh Thần, góp phần vào việc lớn lên trong ân sủng, nhờ đó đức chính trực do Thiên Chúa ban cho được bảo tồn, và việc hiệp thông với Chúa Kitô được sâu đậm hơn. (2) Khi nói “công trạng” của các việc lành phúc đức là phần thưởng trên trời được hứa ban cho những việc làm ấy. Chúng ta có ý nhấn mạnh đến trách nhiệm của con người đối với hành động của mình, chứ không đặt vấn đề tính chất nơi những việc làm như là các tặng ân ấy, và càng không chối bỏ việc công chính hóa bao giờ cũng là một ân huệ nhưng không.
Theo người Luthêrô[6]: (1) Con người không thể cộng tác vào việc cứu rỗi của mình, vì là tội nhân. (2) Kitô hữu cần phải hoàn toàn dấn thân sống đức tin của mình, nhưng họ có thể từ chối mọi hoạt động của ân sủng và chỉ có thể lãnh nhận việc công chính hóa một cách hoàn toàn thụ động. (3) Sự sống đời đời, theo Tân Ước, là một ‘phần thưởng’ nhưng không trong việc tín hữu làm trọn lời hứa của Thiên Chúa. Tuy nhiên các việc lành phúc đức của Kitô hữu là hoa trái và dấu chỉ của việc công chính hóa, chứ không phải là các ‘công trạng’ riêng của con người.
2. Nghĩa của các chữ công, trạng, nghiệp, phúc.
2.1. Công, có 8 chữ Hán, trong trường hợp này là chữ 功(công), nghĩa là dt. (1) Thành tích: Công tích. (2) Sự nghiệp. (3) Thành quả: Sự bán công bội (ra công một nửa, thành quả gấp đôi). (4) Việc đáng kể: Công thần. (5) Lễ tang, để tang chín tháng gọi là đại công 大功, để tang năm tháng gọi là tiểu công 小功.
Trong thuật từ công trạng, công có nghĩa là việc đáng kể (4).
2.2. Trạng, chỉ có 1 chữ Hán狀, nghĩa là dt. (1) Dạng bên ngoài: Kỳ trạng bất nhất (hình dạng khác nhau). (2) Tờ ghi để nhớ: Công trạng (bản ghi công). (3) Tình hình: Trạng huống. (4) Văn thư trình bày sự việc: Tố trạng. (5) Bằng giấy: Uỷ nhiệm trạng. (6) Đỗ đậu thi đình: Đỗ trạng. tt. (7) Diển tả: Bất khả danh trạng (không lời nào kể xiết).
Nghĩa Nôm: dt. (1) Có điểm hơn người: Trạng rượu. (2) Tên loại cây có cành đỏ: Cây trạng nguyên.
Trong thuật từ công trạng, trạng có nghĩa là tờ ghi để nhớ (3).
2.3. Nghiệp, có 4 chữ Hán, đây là chữ業, nghĩa là: dt. (1) Việc thành công lớn, sự nghiệp, công lao: Sáng nghiệp. (2) Chương trình học: Tốt nghiệp. (3) Nghề: Các hãng các nghiệp. (4) Tài sản: Gia nghiệp. (5) Công cuộc kinh doanh: Nghiệp chủ. (6) Việc làm để kiếm ăn: Thất nghiệp. (8) Việc làm vào những giờ rảnh: Nghiệp dư. (9) Duyên kiếp trước để lại, từ ngữ Phật học: Nghiệp chướng. đt. (10) Chọn nghề: Nghiệp nông. Pht. (11) Đã, rồi.
Trong thuật từ công nghiệp, nghiệp có nghĩa là việc thành công lớn (1).
2.4. Phúc, có 14 chữ Hán, đây là chữ 福, nghĩa là dt. (1) Những sự tốt lành. (2) Thịt phần tế. (3) Rượu tế còn thừa. (4) Vén vạt áo (lối đàn bà lạy). (5) Họ Phúc. đt. (6) Phù hộ: Phúc trợ. tt. (7) May mắn: Phúc tướng.
Trong thuật từ công phúc, phúc có nghĩa là những sự tốt lành (1).
3. Nghĩa các thuật từ công lao, công trạng, công nghiệp, công phúc.
- Công lao: việc vất vả đáng ghi nhớ.
- Công nghiệp: việc thành công lớn, đáng kể.
- Công trạng: bản ghi việc đáng kể
- Công phúc: những điều tốt lành đáng kể.
Theo chúng tôi từ công lao nói về công sức chung chung mà thôi. Còn hai thuật từ công nghiệp và công trạng có ý nghĩa tương đồng với nhau, chỉ những công việc vất vả nào đó - không nhất thiết là hành vi luân lý - đáng tưởng thưởng và ghi nhớ. Những thuật từ này thường được sử dụng để dịch thuật từ meritum trong Công Giáo[7]. Ngày nay, từ công nghiệp ít được hiểu theo nghĩa ta quen hiểu trước đây (merit), nhưng thường được hiểu như kỹ nghệ (industry), nghĩa là “ngành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân hiện tại, có nhiệm vụ khai thác tài nguyên thiên nhiên, chế biến tài nguyên và các sản phẩm nông nghiệp thành tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùn[8]”, (ví dụ: phát triển công nghiệp). Vì vậy, nên chăng chúng ta tránh dùng thuật từ công nghiệp để khỏi mang nghĩa hàm hồ.
Từ công phúc không thấy có trong các từ điển ngoài Công Giáo, nhưng được sử dụng trong giới Công Giáo[9], có lẽ đây là một thuật ngữ riêng của Công Giáo.
Chúng ta lưu ý đến chữ phúc trong thuật từ này. Dựa trên mặt chữ, có thể hiểu công phúc là “những điều tốt lành đáng kể”. Việc đáng kể ở đây là một hành vi nhân linh, có tính luân lý: tốt lành. Mặt khác, theo triết lý Đông phương, phúc bao hàm tất cả những điều thiện hảo mà con người có thể hình dung hay mơ tưởng. Kinh Thi chia ra năm phúc: (1) Trường thọ (sống lâu dài, không đoản mệnh), (2) Phú quý (tiền của rất nhiều, địa vị tôn quý), (3) Khang ninh (thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên lành), (4) Hiếu đức (tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh), (5) Thiện chung (‘chết lành’: có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình).
Theo Lục thư, chữ phúc (福) thuộc “hình thinh[10]”. Viết bộ thị (示còn đọc là kỳ) và thinh “bức” (畐bị), có nghĩa là phù hộ, thần ban điều lành giúp con người, nên viết bộ thị (示) và dùng “bức” (畐) với âm “bị”, có nghĩa là “mãn” (nghĩa là có đầy đủ, không gì không thuận lợi là phúc), tức là: trời đất ban xuống những điều tốt lành để thoả mãn nguyện vọng của con người, nên dùng thinh bức畐.
Thuyết Văn dùng chữ phúc với nghĩa là “bị” (bị là mọi việc đều thuận lợi). Chữ phúc (福) đọc âm “phúc”, có nghĩa là mình xin cho được nhiều phúc.
4. Kết luận.
Thuật từ công phúc có ý nghĩa súc tích hơn là công nghiệp và công trạng, vừa nói lên ‘công trạng’ của con người đã làm việc lành phúc đức đáng thưởng, đồng thời cũng hàm chứa ý niệm việc lành phúc đức đó có khởi nguyên từ ân sủng của Thiên Chúa: “Các việc lành phúc đức là hoa trái của việc công chính hóa”, và “việc công chính hóa được thực hiện hoàn toàn là do ơn Chúa”. Như thánh Augustinô đã nói: “Eorum coronando merita Tua dona coronas: Khi tuyên dương công phúc của các ngài, Chúa tuyên dương chính hồng ân của Chúa[11]”.
Như vậy, công phúc diễn tả tình trạng con người trước mặt Thiên Chúa, dù có công gì đi nữa, cũng nhờ ơn phúc của Chúa mà thôi. "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Chúa ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi". (1Cr 15,10)
___________________________________________________
Chú giải:
[1] x. F. Gĩmez Ngơ Minh S.J.: SUY TƯ THẦN HỌC NGÀY NAY VỀ ƠN CỨU ĐỘ, Hợp Tuyển Thần Học, Số 29&30, năm XI (2001), trang 494-500.
[2] xem. Hervé Coathalem, THÉOLOGIE PROTESTANTE, Giáo hồng học viện Đà Lạt, 1968, trang 4-5.
[3]xem:http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/chrstuni/documents/rc_pc_chrstuni_doc_31101999_cath-luth-joint-declaration_en.html.
[4] xem: Joint Declaration On The Doctrine Of Justification: Tuyên Ngôn chung về Tín lý Công chính hóa, số 19 và 37.
[5] sđd., số 38.
[6] sđd., số 21 và 39.
[7] Ví dụ: Các bản dịch THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II (Lumen Gentium, Số 49, 60); SÁCH LỄ RÔMA 1971, 1992, 2005 (Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh I, Kinh Nguyện Thánh Thể I, Số 86, 96); SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO của UB.GLĐT, 2010, Số 2006-2011 vv...
[8] Hoàng Phê (chủ biên), Viện Ngôn Ngữ Học, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb Đà Nẵng, 2005.
[9] Ví dụ: Lm. Hồng Phúc, CSsR, ĐIỂN NGỮ ĐỨC TIN CÔNG GIÁO, 1996; Bản dịch SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO của UB Giáo Lý GP. TPHCM, 1997, Số 2006-2011; TOÁT YẾU SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO của UB.GLĐT, 2007, Số 426.
[10] Sáu quy tắc tạo nên chữ Hán gọi là Lục thư: Tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thinh, chuyển chú và giả tá.
[11] J.P. Migne, Patrologia latina 37, 1321.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh