Công tác cứu trợ nạn đói trong vùng Sừng Phi châu

Công tác cứu trợ nạn đói trong vùng Sừng Phi châu

Phỏng vấn bà Josette Sheeran, Giám đốc Chương trình thực phẩm thế giới, về việc cứu trợ nạn đói trong vùng Sừng Phi châu.

Như chúng tôi đã liên tục loan tin trong các ngày qua, nạn đói trong vùng Sừng Phi châu ngày càng trầm trọng hơn. Hàng trăm ngàn người tuyệt vọng trốn chạy các vùng hạn hán và tìm đến các trại tị nạn ở bên kia biên giới Kenya. Số người tị nạn tìm đến trại tị nạn Dadaab bên Kenya đã vượt qúa con số 400.000. Và mỗi ngày đều có từ 1.500 đến 3.000 người nhập trại.

Những người mới tới được phát cho một phần ăn đủ một tuần, nửa miếng xà bông và các mảnh vải để ngủ rồi được Cao Ủy tị nạn ghi danh. Các nhân viên cứu trợ chạy đua với thời gian để cứu sống các trẻ em thiếu dinh dưỡng kiệt lực. Rất nhiều trẻ em đã chết vì đói khát trên đường tìm đến các trại tị nạn. Cũng có nhiều em bị thú dữ ăn thịt trên đường di cư. Nhiều gia đình đã mất hết con cái sau hàng tuần đi bộ qua các vùng khô cằn không có thực phẩm và nước uống. Hiện nay nạn đói đe dọa 11 triệu người trong đó có 2,4 triệu tại Kenya; 2,85 triệu tại Somalia; 4,56 triệu tại Etiopia; 120 gàn tại Gibuti. Hàng chục ngàn người dân hai nước Uganda và nam Sudan cũng bị đe dọa.

Bà Josette Sheeran, giám đốc Chương trình thực phẩm của Liên Hiệp quốc, đã viếng thăm trại tị nạn Dadaab bên Kenya và gặp gỡ một số các bà mẹ gia đình. Bà bảo đảm các trợ giúp ưu tiên cho các trẻ em. Tuy nhiên vì các hoạt động quân sự tiếp diễn tại Somalia nên Chương trình thực phẩm thế giới sẽ không thể nào đến với 60% trên tổng số 3,7 triệu dân Somalia đang bị nạn đói đe dọa. Phiến quân Hồi thuộc lực lượng Shabaab nhất định không cho đem phẩm vật cứu trợ tới cho dân chúng miền Nam Somalia do họ chiếm đóng và kiểm soát. Họ khẳng định rằng ở đây không có đói kém. Vào tuần trước đây ngày 21-7-2011 phiến quân Shabaab đã bắt cóc bà Asho Osman Aqilo được chỉ định là bộ trưởng của chính quyền lâm thời Somalia, đang khi bà lên xe bus để đến thủ đô Mogadiscio tham dự phiên họp của chính quyền. Hiện nay bà bị quản thúc tại quê sinh là Balad, cách thủ đô 30 cây số. Trong cuộc phỏng vấn của đài Shabelle địa phương bà cho biết đã được đối xử tử tế và có tình trạng sức khỏe tốt.

Trong các thập niên trước đây cũng đã xảy ra các vụ cấm cứu trợ nạn đói trong vùng Sừng Phi châu. Điển hình là trường hợp xảy ra tại Etiopia giữa các năm 1983-1985, khi các phẩm vật cứu trợ đã bị chính quyền độc tài của ông Menghistu sử dụng như dụng cụ kiểm soát dân chúng. Và cuộc chiến của chính quyền chống lại phe đối lập đã khiến cho nạn hạn hán trầm trọng hơn.

Tại Sudan chính quyền Khartum cũng đã cấm không cho chở phẩm vật cứu trợ tới cho dân chúng bị đói trong các vùng kháng chiến chống lại chính quyền trung ương. Trái lại chính quyền thường cố ý để cho tình trạng đói kém kéo dài nhằm gây kiệt quệ cho các bộ lạc Nam Sudan.

Trong dải Gaza bên Palestina các tổ chức nhân đạo quốc tế và các tổ chức phi chính quyền đã không làm gì để ngăn cản lực lượng Hamas phân chia các phẩm vật cứu trợ như họ muốn. Và như thế các phẩm vật cứu trợ không luôn luôn đến tay những người cần được trợ giúp. Đôi khi các tổ chức này tự nguyện làm như thế để có thể tiếp tục hiện diện trong vùng.

Bên Pakistan trong trận lụt hồi năm ngoái, trong khi tổ chức Caritas cứu trợ dân chúng tị nạn không phân biệt tôn giáo, thì người ta khám phá ra rằng có 200.000 tín hữu Kitô và 150.000 tín hữu Ấn giáo đã không được các nhân viên chính quyền phân phát phẩm vật cứu trợ như họ làm đối với các người Hồi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn bà Josette Sheeran, giám đốc tổ chức Chương trình thực phẩm thế giới của Liên Hiệp Quốc, về việc cứu đói trong vùng Sừng Phi châu. Trong các ngày này bà đang có mặt tại Somalia để phối hợp công tác cứu trợ.

Hỏi: Thưa bà Sheeran, bà đã thấy gì trong thủ đô Mogadiscio?

Đáp: Tại Mogadiscio, tôi đã gặp một phụ nữ đã mất hết con, khi bà và các con bỏ các vùng bị hạn hán để đi tìm thực phẩm. Các con của bà đã chết vì đói khát. Có rất nhiều người trong vùng Nam Somalia quá yếu, không thể đương đầu với chuyến đi tìm thực phẩm. Vì thế chúng tôi phải tìm cách đến với họ.

Hỏi: Sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lên tiếng khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp dân chúng vùng Sừng Phi châu, bà có hy vọng vào một sự huy động của cộng đồng quốc tế hay không?

Đáp: Các lời kêu gọi của Đức Thánh Cha là một trợ giúp rất lớn và cũng là một lời cảnh cáo mạnh mẽ. Tất cả chúng ta đều phải dấn thân, các chính quyền cũng như các cá nhân. Các dấu chỉ của tình liên đới quốc tế đang chuyển động và đã được nhận ra, nhưng vẫn còn có rất nhiều điều phải làm. Công việc của chúng tôi trong vùng Sừng Phi châu là để cứu trợ nạn đói cho tới cuối năm nay, nhưng ngân quỹ thiếu hụt 342 triệu mỹ kim, cần được mau chóng bổ túc.

Hỏi: Thưa bà, đâu là các nguyên nhân đã gây ra nạn đói kém trong vùng Hạ Shabelle và Bakool?

Đáp: Đây là một việc khẩn cấp nảy sinh từ nạn hạn hán và giá cả thực phẩm cũng như giá xăng dầu gia tăng nhiều quá. Tuy nhiên còn có các xung khắc, chiến tranh và sự kiện không có thể đến các vùng này để cứu trợ dân chúng.

Hỏi: Như thế thì tổ chức Thực phẩm thế giới đang phối hợp công tác cứu trợ ra sao?

Đáp: Tổ chức Thực phẩm thế giới đang tìm các phương cách khác để có thể đến với dân chúng bị đói như mở các cầu không vận và các con đường chuyển vận trên đất liền để đem phẩm vật cứu trợ tới trung tâm các vùng có nạn đói và tạo ra các điều kiện hoạt động, kể cả việc lo lắng an ninh cho các nhân viên nữa. Tại Somalia chúng tôi đang cứu trợ 1,5 triệu người, nhưng trong các tuần tới đây chúng tôi sẽ cứu trợ 2,2 triệu người, mà trước đây chúng tôi đã không thể tới với họ được tại miền nam. Chúng tôi sẽ gửi phẩm vật cứu trợ tới Mogadiscio bằng máy bay. Đây là loại thực phẩm có chất dinh dưỡng rất cao cho các trẻ em là thành phần bị thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng thê thảm này.

Hỏi: Thưa bà Sheeran, bà đã nói rằng đây là việc cứu trợ nhân đạo rất nguy hiểm. Từ năm 2008 đã có 14 nhân viên và các cộng sự viên của tổ chức Thực phẩm thế giới của Liên hiệp Quốc bị thiệt mạng. Các binh sĩ của lực lượng Al Shabaab ban đầu đã đồng ý cho mở các đường dây để chuyển đồ tiếp tế, nhưng ngày 22-7 vừa qua phát ngôn viên của họ lại thu hồi lệnh nói trên. Nhưng tổ chức Liên Hiệp Quốc đã minh định rằng sẽ tiếp tục công tác cứu trợ. Như vậy quý vị sẽ làm gì?

Đáp: Thật ra, Somalia là một trong các nơi nguy hiểm nhất thế giới. Chúng tôi đã lượng định một cách tích cực từ phía các lực lượng kiểm soát phần lớn miền Nam Somalia, và biết rằng các nhân viên cứu trợ nhân đạo có thể trở lại làm việc tại đây trong những vùng trước đây họ không kiểm soát được. Giờ đây chúng tôi đang thử xem có thể cung cấp các phẩm vật cứu trợ một cách nhanh chóng chừng nào có thể để bảo vệ sự sống của dân chúng và các nhân viên hay không.

Hỏi: Cuộc khủng hoảng lương thực có thể lan tràn sang cả các nước láng giềng hay không thưa bà?

Đáp: Nếu không có một sự can thiệp quyết liệt của toàn cộng đoàn quốc tế, thì sẽ có nguy cơ trong một thời gian rất ngắn chưa đầy hai tháng - như vị điều hành công tác cứu trợ của Liên Hiệp Quốc tại Somalia báo động - tình hình sẽ trở nên thê thảm trong tất cả 8 vùng miền Nam Somalia. Hiện nay đã có 3,7 triệu người Somali đang cần được trợ giúp thực phẩm, và đa số 2,5 triệu người đang sống tại miền Nam Somalia. Nhưng cũng có hàng triệu nạn nhân của hạn hán mất mùa trong các nước Kenya, Etiopia, Uganda và Gibuti nữa. Tổng cộng tất cả lên tới 11 triệu người cần được trợ giúp khẩn cấp.

Hỏi: Viễn tượng giá cả thực phẩm trong các vùng bị đói kém hiện nay ra sao?

Đáp: Các cộng đoàn sống về nghề chăn nuôi và nghề nông bị thiệt hại nặng nề hơn cả vì nạn hạn hán mất mùa. Trong một vài vùng bên Kenya và mạn Đông Etiopia hơn 15% gia súc bị chết. Tại Kenya giá bắp đã tăng 138% cao hơn giá cả trung bình trong 5 năm qua. Và đương nhiên là chúng tôi phải can thiệp ngay lập tức, nhưng cũng phải trợ giúp các dân tộc này tạo ra các điều kiện để đương đầu với những gì có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi phải củng cố các hệ thống bảo vệ xã hội, yểm trợ thực phẩm học đường, phát triển một chương trình trợ giúp mạnh mẽ đối với các trẻ em bé bỏng nhất.

Hỏi: Thưa bà đã không có ai báo động trước nạn đói kèm này hay sao?

Đáp: Có chứ. Tổ chức Chương trình thực phẩm của Liên hIệp quốc đã báo động ít nhất từ 6 tháng trước đây là các dân tộc vùng Sừng Phi châu sẽ gặp nạn đói kém trầm trọng. Hồi tháng 5 vừa qua tôi đã viếng thăm hai nước Kenya và Somalia. Các dấu hiệu của nạn đói kém đã rất hiển nhiên. Nhưng mà trước đó hồi tháng 11 năm 2010 và hồi tháng 6 năm nay 2011 chúng tôi đã lập lại các báo động khẩn cấp ấy. Và từ nhiều tuần qua mọi người đều nhận ra một cách thật rõ ràng là từ 60 năm qua đây là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong vùng Sừng Phi châu.

(Avvenire 23-7-2011; 17.20.24-7-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top