Cử hành Lời Chúa: Chúa Nhật V mùa Chay năm B
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)
Chủ đề: Biến đổi trong vâng phục
“Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27)
I. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
Các bài đọc của Chúa Nhật hôm nay xoay quanh chủ đề về sự biến đổi trong vâng phục. Chính trong sự vâng phục Thiên Chúa mà con người được biến đổi và cũng chính nhờ sự vâng phục mà Con Thiên Chúa đã đem lại sự giải hòa, ơn cứu độ cho con người.
Bài đọc một trích từ sách ngôn sứ Gê-rê-mi-a. Lời của Thiên Chúa qua ngôn sứ Gê-rê-mi-a đề cập tới việc Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới. Giao ước này khác xa với giao ước cũ mà Thiên Chúa đã kí kết với dân Israel trên núi Xi-nai sau khi dẫn dắt họ ra khỏi Ai Cập. Giao ước cũ được thể hiện cách cụ thể qua những Lề Luật khắc ghi trên hai phiến đá mà Mo-sê đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Thế nhưng dân Israel đã không ít lần bất tuân với những gì mà họ đã cam kết với Thiên Chúa. Giao ước mới mà Thiên Chúa muốn kí kết với dân Ngài là giao ước được Thiên Chúa khắc ghi vào tâm hồn của họ. Trong giao ước Xi-nai, Lề Luật và đường lối của Ngài được khắc trên hai phiến đá; trong giao ước mới, Lề Luật và đường lối của Ngài được khắc ghi vào tâm hồn. Trong giao ước mới, Thiên Chúa muốn con người đi vào mối tương giao thâm sâu với Ngài để họ nhận biết Ngài chính là Thiên Chúa của họ, Thiên Chúa đầy tình thương: “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Giao ước mới có chiều kích nội tâm và thâm sâu. Chính giao ước mới này làm cho họ vâng theo đường lối của Thiên Chúa không chỉ bằng những việc tuân giữ Lề Luật bên ngoài nhưng sự vâng phục của con tim, trong tâm hồn.
Bài đọc hai nói đến việc vâng phục của Đức Giêsu trước kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu đã chấp nhận những đau khổ khi đứng trước biến cố cuộc khổ nạn qua việc dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện và van xin : “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Đức Giêsu luôn luôn thi hành và vâng theo thánh ý của Cha Ngài dù có gặp những thử thách trong sứ vụ của Ngài “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).
Bối cảnh của bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay kể lại việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trong vai trò Đấng Messia. Chính tại Giêrusalem Người đã loan báo về cuộc khổ nạn mà Người sẽ chịu để tôn vinh kế hoạch tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Người ví mình như hạt lúa bị chết đi để được trổ sinh hoa trái. Chính Đức Giêsu đã chấp nhận chết đi vì tội lỗi của con người, để con người có được sự sống vĩnh cửu trong Người. Chính qua hành vi hi sinh của Người mà chúng ta cảm nghiệm tình yêu và sự vâng phục của Người dành cho Thiên Chúa: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1.Thiên Chúa đã thiết lập với mỗi người trong chúng ta một giao ước tình yêu khi chúng ta lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi vào quỹ đạo tình yêu của Ngài để chúng ta cảm nghiệm và sống logic tình yêu của Người, một tình yêu hiến dâng chứ không chiếm hữu cho riêng mình: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Chỉ có tình yêu đích thực này mới làm triển nở hoa trái và lan rộng tình yêu này trong cuộc sống. Chỉ có tình yêu đích thực này mới đem lại ý nghĩa cho đời sống Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng người Kitô hữu không còn là người thuộc về Thiên Chúa nữa nếu họ không yêu thương. Mỗi người chúng ta hãy thực hành lời gọi yêu thương của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) bởi vì chính tình yêu mới làm cho chúng ta vâng phục Thiên Chúa và sống theo Lề Luật của Người.
Vậy chúng ta sống giao ước với Thiên Chúa như thế nào trong đời sống của chúng ta? Giao ước tình yêu này có thực sự khắc sâu vào trong tâm hồn của chúng ta bằng việc chúng ta xác tín rằng chúng ta là những người đã thuộc về Người chứ không thuộc về thế gian? bằng việc chúng ta sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa?
2. Tuần V Mùa Chay là tuần cuối cùng của 40 ngày Mùa Chay, sau đó là Tuần Thánh. Ngay trong Chúa nhật này, Hội Thánh đã hướng lòng chúng ta đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hình ảnh “hạt lúa gieo vào lòng đất phải thối rữa đi mới sinh nhiều bông hạt” giúp người Kitô hữu thấu hiểu và cảm nghiệm ý nghĩa cứu độ của cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu phải trải qua. Sự sống nảy sinh từ sự chết. Thật nghịch lý! Nhưng đó lại là chân lý tự nhiên của sự sống. Thấu hiểu và cảm nghiệm được chân lý ấy sẽ dẫn chúng ta đến lối sống của tình yêu. Hãy quên mình đi và sống cho người khác, bạn sẽ hạnh phúc. “Cuộc sống bi thảm nhất là cuộc sống của những người cứ ngồi đó tự hỏi: tôi có hạnh phúc không? Thông thường chúng ta chẳng có hạnh phúc khi đuổi theo nó. Nhưng hạnh phúc lại đến khi chúng ta quên mình đi để lo cho người khác. Nhiều lần nhiều cách Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng ai tìm kiếm bản thân thì sẽ mất!” (Georges Bernard Shaw).
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu là “hạt lúa” đã chấp nhận thối đi để sinh nhiều bông hạt, đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Trong tâm tình cảm tạ và tin tưởng, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin chân thành:
1. “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn trung thành và hăng say với sứ mạng loan báo và làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
2. “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.” Chúng ta cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm và ưu tiên chọn lựa những chính sách hữu hiệu về xã hội, giáo dục, và y tế… nhằm đem lại cuộc sống ổn định và hạnh phúc cho mọi người.
3. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người trẻ đang phải đối diện với các vấn đề của một xã hội đề cao cá nhân, tôn thờ vật chất; biết khao khát tìm kiếm những gía trị đích thực đem lại cho họ sự sống đời đời.
4. “Xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết noi gương vâng phục của Chúa Giêsu: nhận ra và thi hành thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống và các bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Xin cho chúng con luôn biết vâng phục trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để được thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, và được biến đổi ngày càng nên giống Chúa hơn. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020