Cử hành Năm Đức Tin: Tháng 5.2013
Gắn liền với mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh và được tôn vinh là sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chủ đề tháng 5 là: CHÚA THÁNH THẦN LÀM CHO HỘI THÁNH TƯƠI TRẺ. Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này qua 4 tuần lễ:
Tuần 1: Danh xưng và biểu tượng về Chúa Thánh Thần.
Tuần 2: Chúa Thánh Thần trong đời sống Đức Kitô.
Tuần 3: Chúa Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh.
Tuần 4: Chúa Thánh Thần trong đời sống mỗi tín hữu.
TUẦN 1
DANH XƯNG VÀ BIỂU TƯỢNG VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Khai triển
1. Chúa Thánh Thần là danh xưng riêng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bào Chữa (Paracletus), hay còn được dịch là Đấng An Ủi. Khi Chúa Giêsu còn sống với các môn đệ, chính Người là Đấng An Ủi (x. 1Ga 2,1). Khi Người về trời, chính Thánh Thần là Đấng An Ủi. Chúa Giêsu còn gọi Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Ngoài ra trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh xưng khác như Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15), Thần Khí của Chúa (2Cr 3,17), Thần Khí vinh quang (1Pr 4,14).
2. Kinh Thánh dùng nhiều biểu tượng để nói về Chúa Thánh Thần.
Nước: biểu tượng của việc sinh sản và sinh sôi nảy nở của sự sống. Nước rửa tội diễn tả sự tái sinh trong đời sống mới nhờ Chúa Thánh Thần: “Chúng ta đều đã cùng chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí” (1Cr 12,13).
Dầu xức: Chúa Giêsu là Đấng-được-xức-dầu của Thiên Chúa cách độc nhất vô nhị. Xức dầu cũng là dấu chỉ trong bí tích Thêm Sức.
Lửa: biểu tượng cho năng lực biến đổi của Chúa Thánh Thần. Trong lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”.
Áng mây và ánh sáng: hai biểu tượng gắn liền với những cuộc tỏ hiện của Chúa Thánh Thần, vừa mặc khải Thiên Chúa vừa che giấu sự siêu việt của vinh quang Chúa.
Bàn tay: Chúa Giêsu đặt tay để chữa lành các bệnh nhân. Chính qua việc đặt tay của các tông đồ mà Chúa Thánh Thần được ban xuống (Cv 8,17-19).
Chim bồ câu: Khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người. Trong truyền thống ảnh tượng Kitô giáo, chim bồ câu là biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần.
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Hội Thánh muốn nói gì khi tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”?
Thưa: Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng Ngài là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Cực Thánh. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, và “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” (số 136).
Hỏi: Những danh xưng của Chúa Thánh Thần là gì?
Thưa: Chúa Thánh Thần là danh xưng của Ngôi Ba. Chúa Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi và Thần Chân Lý. Tân Ước còn gọi Ngài là Thánh Thần của Đức Kitô, của Đức Chúa, của Thiên Chúa, Thánh Thần của Vinh quang, Thánh Thần của Lời hứa (số 138).
Ý cầu nguyện: Xin ơn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh.
TUẦN 2
CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC KITÔ
Khai triển
1. Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị cho Đức Maria làm Mẹ Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật. Mẹ đã thụ thai Con Một Thiên Chúa trong tác động của Chúa Thánh Thần, của ân sủng thuần túy. Đức Mẹ sinh con mà vẫn đồng trinh, đó là công trình độc nhất vô nhị của Chúa Thánh Thần cùng với sự vâng phục đức tin nơi Đức Maria.
2. Chúa Thánh Thần hiện diện trong toàn bộ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Khởi đầu sứ vụ này, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan. Lúc đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu, và có tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,13-17). Các sách Tin Mừng nói đến thời gian Chúa Giêsu sống cô tịch trong hoang địa, và chính Thánh Thần “đẩy Người vào hoang địa” (Mc 1,12). Trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi thánh, cả Ba Ngôi cùng xuất hiện: “Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói” (Thánh Tôma Aquinô).
3. Chúa Giêsu mặc khải từng bước về Chúa Thánh Thần. Chỉ khi đến giờ Người được tôn vinh, Chúa Giêsu mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến. Nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý, là Đấng Bàu Chữa khác. Ngài sẽ dạy chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Kitô.
Cuối cùng, Giờ của Chúa Giêsu đến (Ga 13,1). Chúa Giêsu phó thác thần khí của Người trong tay Chúa Cha vào đúng lúc Người toàn thắng sự chết bằng cái chết của mình. Khi sống lại, Người “thổi hơi” ban Thánh Thần trên các môn đệ (Ga 20,22). Từ giờ đó, sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần trở thành sứ vụ của Hội Thánh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Chúa Thánh Thần đã hoạt động thế nào nơi Đức Maria?
Thưa: Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ân sủng trên Đức Maria, để Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa nhập thể. Chúa Thánh Thần cũng làm cho Đức Mẹ trở thành Mẹ của Đức Kitô toàn thể, nghĩa là Mẹ của Đức Kitô là Đầu và Mẹ của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô (số 142).
Hỏi: Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong sứ vụ trần thế của Chúa Giêsu?
Thưa: Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong toàn bộ sứ vụ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần trong giáo huấn của Người, hoàn thành lời hứa đã được ban cho các tổ phụ. Người trao ban Thánh Thần cho Hội Thánh vừa được sinh ra, khi thổi hơi trên các Tông Đồ sau khi Người phục sinh (số 143).
Ý cầu nguyện: Xin Thánh Thần Chúa ngự xuống trên chúng con, để chúng con loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho mọi người.
TUẦN 3
CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
Khai triển
1. Hội Thánh được gọi là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thánh Augustinô nói rằng: Cũng như linh hồn đóng vai trò nào đối với thân xác và các chi thể trong thân xác, thì Chúa Thánh Thần cũng đóng vai trò như thế đối với Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể” (Đức Piô XII). Ngài hoạt động bằng nhiều cách: bằng Lời Thiên Chúa là Lời ban sự sống; bằng bí tích Rửa Tội nhờ đó Ngài làm nên Thân Thể Đức Kitô; bằng các bí tích giúp cho các chi thể tăng trưởng và được chữa lành; bằng các nhân đức giúp các tín hữu sống thánh thiện; bằng các đặc sủng. “Ở đâu có Hội Thánh thì ở đó có Thần Khí của Thiên Chúa; và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, thì ở đó có Hội Thánh và mọi ân sủng” (Thánh Irênê).
2. Các đặc sủng là những ân sủng Chúa Thánh Thần ban nhằm canh tân, xây dựng và phát triển Hội Thánh, mưu ích cho con người. Vì thế, không những người lãnh nhận đặc sủng mà mọi phần tử trong Hội Thánh đều phải đón nhận các đặc sủng với lòng biết ơn. Tuy nhiên điều quan trọng là các đặc sủng ấy phải thật sự phát xuất từ Chúa Thánh Thần, và được thực thi đúng với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đức Mến chính là thước đo của các đặc sủng (x. 1Cr 13). “Hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5,22). Cứ nhìn vào những điều này để biết là hoa quả của Thần Khí hay của xác thịt.
3. Do đó, sự phân định các đặc sủng luôn là điều cần thiết. Không có đặc sủng nào được miễn trừ khỏi mối tương quan và sự tuân phục đối với các Mục tử trong Hội Thánh. Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng các mục tử “có thẩm quyền đặc biệt, không phải để dập tắt Thần Khí, nhưng phải thử thách tất cả và giữ lại những gì tốt lành” (Lumen Gentium số 12). Nhờ đó, tất cả các đặc sủng bổ túc cho nhau và cộng tác vào ích lợi chung (1Cr 12,7).
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Tại sao Hội Thánh được gọi là Đền thờ Chúa Thánh Thần?
Thưa: Hội Thánh được gọi như thế vì Chúa Thánh Thần ngự trong Thân thể Đức Kitô là Hội Thánh, nơi Đầu cũng như nơi các chi thể. Ngài cũng xây dựng Hội Thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa, các bí tích, các nhân đức và các đặc sủng (số 159).
Hỏi: Chúa Thánh Thần làm gì trong Hội Thánh?
Thưa: Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh, ban sinh khí và thánh hóa Hội Thánh. Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội nhận lại ân sủng đã bị đánh mất vì tội lỗi. Ngài cho họ sống trong Đức Kitô bằng chính sự sống của Ba Ngôi Cực Thánh. Ngài sai họ đi làm chứng cho chân lý của Đức Kitô, và cắt đặt họ trong những phận vụ khác nhau, để mọi người sinh hoa trái của Thánh Thần (số 145).
Ý cầu nguyện: Xin hiệp nhất chúng con nên một trong Hội Thánh Chúa, để chúng con có thể làm chứng và loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa cho mọi người.
TUẦN 4
CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CÁC TÍN HỮU
Khai triển
1. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, được tràn đầy Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ bắt đầu rao giảng những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2,11), và thánh Phêrô công bố rằng việc tuôn đổ Thánh Thần là dấu chỉ thời đại Mêsia. Lúc đó những ai tin theo lời rao giảng của các Tông Đồ và chịu Phép Rửa, thì họ cũng được lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần (Cv 2,38). Kể từ đó, các Tông Đồ đã đặt tay ban hồng ân Thần Khí cho các tân tòng để kiện toàn ân sủng trong bí tích Rửa Tội (x. Cv 8,15-17). Theo truyền thống công giáo, việc đặt tay này là nguồn gốc của bí tích Thêm Sức, và bí tích này làm cho ân sủng ngày lễ Ngũ Tuần luôn tồn tại trong Hội Thánh. Từ ngữ bí tích Thêm Sức (Confirmatio) muốn nói rằng bí tích này vừa kiện toàn bí tích Rửa Tội, vừa củng cố ân sủng của bí tích Rửa Tội.
2. Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu lãnh nhận sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, nhờ đó có thể dùng lời nói và việc làm mà truyền bá và bảo vệ đức tin Kitô giáo, làm chứng cho Đức Kitô, can đảm tuyên xưng Danh Người và không bao giờ hổ thẹn vì Thập Giá. “Hãy gìn giữ những gì anh em đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín cho anh em, Chúa Kitô đã tăng sức cho anh em, và đã đặt bảo chứng là Chúa Thánh Thần vào trái tim anh em” (Thánh Ambrôsiô).
3. Chúa Thánh Thần là Vị Thầy nội tâm của đời sống cầu nguyện. “Không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Chính Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào nẻo đường cầu nguyện. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu đường lối cầu nguyện, nhưng vẫn chỉ là một Thần Khí hoạt động trong mọi người và cùng với mọi người. Vì thế Hội Thánh thúc giục chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc một hoạt động quan trọng. Lời cầu nguyện đơn giản và trực tiếp nhất là “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”; “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến tràn ngập tâm hồn các tín hữu của Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ”.
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)
Hỏi: Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu?
Thưa: Nhờ các bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong Thân Thể Người. Ân sủng này sinh hoa trái của đời sống mới theo Thánh Thần. Cuối cùng, Chúa Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện (số 146).
Hỏi: Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc cầu nguyện của chúng ta?
Thưa: Vì Chúa Thánh Thần là Vị Thầy nội tâm của đời sống cầu nguyện, nên Hội Thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài Ngài trong mọi hoàn cảnh: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” (số 561).
Ý cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh