Cuộc biểu tình ở Ai Cập dưới mắt người Công giáo
WHĐ (12.02.2011) – Sau hơn hai tuần diễn ra cuộc biểu tình của người dân Ai Cập, Tổng thống Hosni Moubarak đã chấp nhận từ chức vào thứ Sáu 11-02, kết thúc 30 năm đứng đầu Nhà nước Ai Cập (1981-2011).
Trang tin điện tử của Tòa Thượng phụ Giáo chủ Công giáo La tinh Giêrusalem (LPJ), ngày 10-02-2011, ngay trước khi ông Moubarak tuyên bố từ chức và vừa khẳng định sẽ tại vị cho đến tháng 9-2011, đã đăng bài bình luận “Cuộc cách mạng Ai Cập ngày 25 tháng Giêng 2011”.
Đây là bài được viết ngay tại Alexandria (Ai Cập) của linh mục Henry Boulad, SJ, giám đốc Trung tâm văn hóa Dòng Tên ở Alexandria, và ông Soliman Shafik, nhà báo, nhà phân tích chính trị.
Hai tác giả đã trình bày bối cảnh cuộc cách mạng chống lại ông Moubarak, mô tả thái độ của các tầng lớp dân chúng, gợi lên mối quan hệ giữa các tôn giáo và đặc biệt tình cảnh của các tín hữu Công giáo Ai Cập.
Được biết, Giáo Hội Công giáo tại Ai Cập chủ yếu thuộc Giáo Hội Công giáo Đông phương, với các nghi lễ Copte, Melkite, Chaldée, Syria, Arménia, và duy nhất một Giáo phận Tông tòa La tinh Alexandria.
WHĐ xin giới thiệu bản chuyển ngữ bài viết nói trên. Những tiểu đề do người dịch - Đức Thành - đặt.
* * *
Cuộc cách mạng Ai Cập ngày 25 tháng Giêng 2011
Đã được dự báo, được chuẩn bị, lên kế hoạch và được loan báo, cuộc cách mang này là kết quả của một hành trình dài, một cuộc thai nghén từ lâu. Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho chúng ta: Ai đứng đằng sau cuộc nổi dậy này? Đâu là những nhân tố tác động thực sự? – Phong trào Những người Anh em Hồi giáo? Hay Cơ quan tình báo Mossad? Người Mỹ chăng? Hay là Phương Tây? Hoặc một tác nhân nước ngoài nào đó?... Hoặc, rất đơn giản, chính người Ai Cập đã nổi dậy bởi họ đã phải đối phó quá nhiều, đau khổ quá nhiều, chịu đựng quá nhiều, họ là những người không chịu bị nghiền nát, bị bóc lột và áp bức nữa – thế là bùng lên cuộc cách mạng.
Giới trẻ - Những người khai sinh cuộc cách mạng
Nhân dân nổi dậy… Nhưng là nhân dân nào? Không phải là nhân dân bé nhỏ nhất đã luôn sống trong sợ hãi và tuân phục… mà là giới trẻ - nói chính xác hơn, những người trong độ tuổi 25-35 – hôm qua tốt nghiệp đại học nhưng vẫn thất nghiệp, thất vọng, không việc làm, không nhà cửa, không chút hy vọng vào tương lai. Những người trẻ này, bỏ lại đàng sau nền giáo dục học đường làm mụ mẫm con người, những khẩu hiệu tôn giáo trống rỗng, những khuôn khổ xã hội và đạo đức chỉ làm tha hóa con người…, họ đi tìm con đường và ý nghĩa cuộc sống qua Internet, YouTube, Facebook và Twitter… Những người trẻ này mở mắt, vểnh tai suốt ngày đêm để ngấu nghiến, hấp thu, tiếp nhận mọi điều thế giới ngày nay chào mời trên mạng điện tử, cả cái tốt lẫn điều tệ hại nhất. Có những người trẻ đã du học nước ngoài, học đại học Mỹ và ôm giấc mộng khai phóng và hiện đại hóa… Đó là những người trẻ có tinh thần cởi mở, khai phóng, có khả năng suy nghĩ và đầu óc phê phán – chính họ đã soạn thảo, tổ chức và khai sinh cuộc cách mạng này.
Những “nhân vật” trong cuộc cách mạng
Thế nhưng, vừa mới chào đời, cuộc cách mạng đã sớm bị phong trào Những người Anh em Hồi giáo lừa gạt, tìm cách chế ngự, biến thành công trình của mình, đánh cắp cuộc cách mạng do những người trẻ phát kiến và tạo lập. Vì vậy, cuộc cách mạng này, một đằng do chính những người trẻ xây dựng và thực hiện, đằng khác, là Phong trào Những người Anh em Hồi giáo chiếm làm của riêng …
Còn ai nữa? Những ai là các nhân vật chủ chốt trong cuộc biến động đang diễn ra tại Ai Cập?
Chắc chắn phải kể những người trong giới cầm quyền – trước tiên là Tổng thống. Họ là những người không muốn từ bỏ vị trí của mình. Họ cố bấu víu, bám chặt chiếc ghế đã giành được trong nhiều thập niên. Tập đoàn cầm quyền này thường gian manh, tham nhũng, nhiều đặc quyền đặc lợi, làm giàu tiền tỉ trên dân nghèo, bây giờ cảm thấy tất cả mọi đặc quyền đang lìa bỏ mình, bèn tìm cách phản ứng và đối phó. Rõ ràng tập đoàn cầm quyền này đứng đằng sau vụ tấn công tàn bạo ngày 2-02 vừa qua (cuộc tấn công vào những người biểu tình này đã bị Liên Hợp Quốc lên án - ND), trong sự kiện này, những kẻ quá khích trang bị gươm, súng, cưỡi ngựa và lạc đà đã điên cuồng xông vào đám đông trong tay không một tấc sắt vốn đã chọn lựa một cuộc cách mạng ôn hòa, đặt nền tảng trên sự đối thoại và đàm phán.
Trong thực tế, những kẻ kích động bạo liệt này nhận lương không chỉ từ tập đoàn cầm quyền, mà còn từ các trùm tư bản thương mại, kỹ nghệ và tài chính đang hưởng lợi từ “hệ thống”. Băng nhóm này khó mà nhả mồi và rõ ràng đã huy động đám côn đồ chẳng cần biết niềm tin hay pháp luật, chỉ nhắm làm cho người dân sợ hãi và thẳng tay bẻ gẫy quyết tâm của họ.
Còn những kẻ chủ chốt nào nữa?
Có lẽ đó là một số nhân tố nước ngoài đang trục lợi, thừa nước đục thả câu. Nhưng họ cũng chỉ là thiểu số không mạnh.
Cuối cùng, là những kẻ côn đồ, băng đảng, du đãng đã thừa cơ cướp bóc các cửa hàng, nhà dân, trấn lột người qua đường… và những kẻ lợi dụng tình thế lộn xộn để đầu cơ.
Còn ai nữa?
Quân đội! Vâng, đúng vậy! Đến nay, quân đội vẫn giữ nhiệm vụ bảo vệ trật tự, đứng ở thế trung lập, gần dân, đối thủ của Phong trào Những người Anh em Hồi giáo và sẽ chống lại một cách quyết liệt nếu Phong trào này cố giành chính quyền. Liệu sẽ có một chế độ độc tài quân sự như đã từng có và từng đưa chúng ta vào trại lính như sau cuộc đảo chính 1952 chăng? Có thể lắm chứ? Hoặc sẽ còn những kịch bản khác nữa?
Các Giáo Hội Kitô trong biến động thời cuộc
Những người Công giáo – bao gồm hàng giáo phẩm, giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và giáo dân – đều giữ một sự im lặng khôn ngoan và náu mình trong các nhà thờ, xem lễ, đọc kinh.
Tuy nhiên, mới đây Đức Thượng phụ Giáo chủ Công giáo nghi lễ Copte đã phá vỡ sự im lặng bằng một tuyên bố trấn an và hứa sẽ ủng hộ và cầu nguyện cho Tổng thống Moubarak.
Còn Giáo hội Chính thống Copte, vốn chiếm đa số trong số các Giáo Hội Kitô tại Ai Cập nhưng hiện đang bị phân hóa hơn bao giờ hết. Hàng giáo phẩm của Giáo Hội này đang lo tìm người kế vị trong bối cảnh cuối trào của giáo chủ Chenouda. Vị giáo chủ này cũng đã phát biểu ca ngợi Tổng thống và hứa cầu nguyện cho ông, gây một nỗi thất vọng lớn cho các tín hữu vốn không hài lòng và cho rằng giáo chủ của mình đang gây thiệt hại nặng nề khi cố giữ lấy vị trí. Các tín hữu Chính thống giáo Copte cho rằng, ngài giáo chủ cần giữ vị thế trung lập hơn nữa, để sau này không phải trả giá về việc đã hợp tác với “chế độ cũ”.
Đa số các Kitô hữu – trừ một số nhà hoạt động hoặc các trí thức dấn thân – thường đứng ngoài các xáo trộn chính trị, và có lẽ, do nhận được những hướng dẫn của hàng giáo phẩm. Trong thực tế, các Kitô hữu sống trong sợ hãi và luôn mường tượng trường hợp xấu nhất sẽ xảy đến cho mình, một khi Phong trào Những người Anh em Hồi giáo nắm chính quyền. Còn lúc này, tạ ơn Chúa, chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến tôn giáo, mặc dù cảnh sát không còn bảo vệ các nhà thờ và tu viện nữa.
Bây giờ nói đến nhân vật chính cuối cùng và cũng là thứ nhất của các sự kiện: người dân.
Người dân hoàn toàn bất ngờ trước việc các lực lượng trị an đột nhiên biến mất cũng như đám phạm nhân xổng tù, trước hết đã phải kinh hoàng đối mặt với đám cướp giật càn quét khắp thành phố, nhưng rồi cũng mau chóng lấy lại bình tĩnh, liệu cách đối phó. Các ủy ban dân phòng được lập ra khắp nơi, chiếm các vị trí trong các tòa nhà, góc phố, để bảo vệ mình, gia đình, của cải, điều phối giao thông, thu gom rác thải.
(…)
Ai Cập sau cuộc cách mạng?
Làn sóng đoàn kết ở cấp cơ sở đã lan rộng khắp các tầng lớp trong xã hội, tạo nên một tình huynh đệ lạ lùng, cho thấy người dân Ai Cập thật tốt lành. Một người phụ nữ vừa nói với tôi (tác giả): “Ai Cập là thế đó! Người Ai Cập là thế đó! Họ không phải là những kẻ trộm cắp, cướp bóc, phá hoại mà là những người nghèo có trái tim vàng chỉ mong được sống trong hòa bình và tình huynh đệ”.
Chúng ta mong chờ chế độ mới sẽ không còn những cuộc đấu tranh đảng phái, tôn giáo, và ước mong chế độ mới sẽ giúp chúng ta xây dựng nền “thống nhất quốc gia” - đối với nhiều người, cho đến nay, dường như vẫn còn là một điều không tưởng. Tôi tin rằng, điều hôm nay còn là không tưởng sẽ thành hiện thực của ngày mai…
Tôi cũng vừa thấy, vào sáng nay (4-02-2011), một dấu chỉ mang tính tiên tri đã diễn ra tại quảng trường Tahrir (Cairo), khi một rừng người cùng giơ tay hô vang: “Tất cả chúng ta là một”.
Alexandria, 04 Tháng Hai 2011
Henry Boulad, SJ, giám đốc Trung tâm văn hóa dòng Tên tại Alexandria.
Soliman Shafik, nhà báo, nhà phân tích chính trị.
(Theo LPJ)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19