Cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và người không Kitô

Cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và người không Kitô

Một số nhận định của ông Peter Berger, giáo sư xã hội học, về cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và các người không Kitô.

Ngày 21-2-2011, 27 vị ngoại tưởng của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu đã thông qua nghị quyết mạnh mẽ lên án những hành vi bạo lực và khủng bố chống lại các Kitô hữu và các nơi thờ phượng của họ, cũng như chống lại các tín hữu Hồi giáo và các cộng đồng tôn giáo khác. Liên Hiệp Âu châu cũng lên án sự kiện tại một số miền trên thế giới nạn bất bao dung tôn giáo đang lan tràn, và tái khẳng định rằng ”tự do tôn giáo là một quyền đại đồng liên quan tới tất cả mọi người và cần phải được bảo vệ tại bất cứ đâu. Mọi người thuộc các tôn giáo thiểu số đều có quyền thực hành đạo của mình và tự do làm việc thờ phượng cá nhân hay cộng đoàn, mà không sợ trở thành mục tiêu của các biểu lộ bất bao dung và các tấn kích.

Tuy trên thế giới hiện nay có 200 triệu Kitô hữu bị bách hại và kỳ thị trong các nước có chế độ cộng sản vô thần cũng như trong nhiều quốc gia Ả rập Hồi giáo và cả tại các quốc gia Tây âu Kitô nữa, nhưng Kitô giáo không ngừng cổ võ và đối thoại với mọi tôn giáo khác. Đây cũng là lý do sự hiện hữu của Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác và với cả những người vô tín ngường đã được đề ra trong Công Đồng Chung Vaticăng II và đã được các vị Giáo Hoàng đặc biệt là Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI liên tục đẩy mạnh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ông Peter Berger, giáo sư xã hội học, về cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô và các người không Kitô.

Giáo sư Peter Berger sinh tại Vienne, thủ đô nước Áo, năm 1929 và di cư sang Hoa Kỳ khi còn nhỏ tuổi. Hiện nay ông là một trong các chuyên viên xã hội tôn giáo học nổi tiếng nhất thế giới. Giáo sư Berger đã từng dậy các môn tôn giáo, xã hội học và thần học tại đại học Boston từ năm 1981, và đã xuất bản nhiều khảo luận được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới.

Trong số các khảo luận nổi tiếng nhất phải kể đến các bài như: “Một vinh quang trong qúa khứ xa xôi. Có đức tin trong thời đa nguyên”, “Các vấn đề đức tin. Một tuyên xưng nghi hoặc của Kitô giáo”. Khảo luận nền tảng nhất tựa đề ”Tiếng sột soạt của các thiên thần”, trong đó giáo sư Berger trình bầy sự hiểu biết mới về ”sự thánh thiêng trong xã hội hiện đại” chống lại thuyết tục hóa.

Hỏi: Thưa giáo sư Berger, tại sao giáo sư lại cho rằng đa nguyên tôn giáo là một cơ may rất lớn đối với Kitô giáo?

Đáp: Đa nguyên tôn giáo là một cơ may rất lớn đối với Kitô giáo, vì nó đặt để Kitô giáo vào trong một xã hội giống xã hội của các Tông Đồ đầu tiên, một xã hội phong phú cho việc loan báo đức tin có thể trở thành mới mẻ và lôi cuốn.

Hỏi: Trong bài “Có phải Mỹ châu tôn giáo, còn Âu châu thì đời không?” giáo sư đã viết rằng: “Chủ thuyết thiên quang luận Pháp đã bài giáo sĩ một cách rất tàn bạo, và một phần đã chống lại Kitô giáo”. Trong khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã mời gọi “nới rộng lý trí”, vì coi lý trí là một đồng minh của đức tin, chứ không phải là kẻ thù. Giáo sư có nhận định gì về lập trường này của Giáo hội Công giáo?

Đáp: Liên quan tới vấn đề lý trí đối thoại với những người xa lạ với một niềm tin tôn giáo, theo tôi thấy, Giáo hội Công giáo có một lợi thế lớn, nhưng cũng có nguy cơ rơi vào một bất lợi lớn. Lợi thế đó là truyền thống lâu dài về triết lý duy lý. Nó được kín múc ra từ các Giáo Phụ, qua các nhà Kinh Viện cho tới ngày nay. Tất cả truyền thống này đã luôn luôn bao gồm việc sử dụng lý trí trong mọi duyệt xét của đức tin. Đây là một tiến trình ích lợi cho cuộc đối thoại với bất cứ ai được chuẩn bị dấn thân trong một diễn văn duy lý. Điều bất lợi, theo thiển ý tôi, có thể là ở điểm này: Giáo hội bước vào trong mọi cuộc đối thoại với sự tự cao cho rằng chỉ có mình là chiếm hữu được tràn đầy mức độ của sự thật, trong khi tất cả mọi người khác cùng lắm chỉ chiếm hữu được một mức độ thấp kém hơn. Dĩ nhiên, điều này được nhận ra rõ ràng trong kiểu Giáo hội tỏ ra nhân nhượng với những người khác. Ẩn dụ ”Sân của người ngoại giáo”, theo tôi, minh họa một cách trực tiếp điểm bất lợi này.

Hỏi: Tại sao vậy, thưa giáo sư?

Đáp: "Sân của dân ngoại” trong đền thờ Giêrusalem đã là khu vực bên ngoài dành riêng cho những người không được phép vào trong khu vực dành cho tín hữu Do thái. Ngoài ra, lại còn có một khu vực chỉ dành riêng cho vị tư tế. Nói cách khác, nó diễn tả biểu tượng không gian của một tình trạng thấp kém. Tôi không có nghi ngờ nào đối với điều Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã muốn diễn tả khi dùng ẩn dụ này, nghĩa là người đã muốn mở ra một không gian đối chiếu thực thụ. Mặc dù vậy điều này có thể khơi dậy cảm quan thấp kém nơi những người không Công giáo.

Hỏi: Trong khảo luận tựa đề ”Sự lạc lối của con người tân tiến”, giáo sư nói tới các dịp thuận tiện, mà thuyết da nguyên cống hiến cho tôn giáo. Giáo sư lý luận rằng với việc đánh mất đi sự kiện đức tin, tín hữu trở thành một khả thể phong phú hơn cho ngày nay. Như thế, các thần học gia không phải sợ hãi thuyết đa nguyên. Tại sao vậy?

Đáp: Khuynh hướng đa nguyên, nghĩa là sự đồng hiện hữu của nhiều quan điểm khác nhau về thế giới và hệ thống giá trị bên trong xã hội, theo tôi, là một hậu qủa không thể tránh được của sự tân tiến. Điều này bắt buộc các cá nhân phải có các lựa chọn, vì không có định nghĩa nào về thực tại có thể được coi là đã được chiếm hữu. Và điều này cũng bắt buộc các cơ cấu tôn giáo trở thành các hiệp hội tự nguyện, trong trường hợp điều kiện đó có đồng ý hay không với sự tự nhận diện tôn giáo của chúng. Tôi tin rằng tiến trình này, trong thực tế, là dữ kiện tích cực đối với tôn giáo, bởi vì đức tin được chấp nhận một cách có tự do và ý thức thì tốt hơn là đức tin được tuyên xưng như một điều ngẫu nhiên từ lúc sinh ra.

Hỏi: Vậy thì đâu là các hậu quả của một tiến trình như thế đối với Kitô giáo thưa giáo sư?

Đáp: Sự kiện khá lạ lùng: tình trạng tân tiến này đưa chúng ta trở lại với thời các thế kỷ đầu của Kitô giáo, khi tuyên xưng đức tin Kitô không phải là điều được coi như là thủ đắc, mà là cái gì mới mẻ và gây đảo lộn. Tôi không thấy tại sao chúng ta lại phải than phiền sự kiện ở trong một tình trạng giống với tình trạng thời thánh Phaolô Tông Đồ, khi thánh nhân rao giảng tại Athènes là thành phố đa nguyên thời đó. Nếu chủ thyết đa nguyên không đưa tới các phản ứng bạo lực chống lại thánh nhân hay không đưa tới khuynh hướng cực đoan, thì chúng ta phải coi đó là việc cơ cấu hóa sự tự do tôn giáo. Trên làn sóng của chủ thuyết thiên quang luận Giáo hội Công giáo từ lâu đã chiếm hữu được một quy chế độc quyền tôn giáo trong nhiều quốc gia, và có trong tay một biện minh thần học của quy chế đó (sự lầm lẫn không có các quyền), cũng như đã kháng cự lại tư tưởng thiên quang luận về tự do tôn giáo, ít nhất cho tới thời Công Đồng Chung Vaticăng II, khi lập trường này được vĩnh viễn sát nhập vào trong giáo huấn xã hội của Giáo hội.

Hỏi: Giáo sư khẳng định rằng luận thuyết của sự tục hóa chủ trương nhiều sự tân tiến hơn và ít tôn giáo hơn, là sai lầm, xét vì” tiếng sột soạt của các thiên thần” - để kể ra một trong các bài khảo luận nổi tiếng của giáo sư - nghĩa là sự trở lại của Thiên Chúa. Thế mà lại có nhiều nhân vật của tư tưởng đời như Christopher Hitchens, Richard Dawkins và các người khác - lại cho rằng sự sinh ra của tôn giáo là một nguy cơ đối với Tây Phương. Giáo sư có đồng ý như thế không?

Đáp: Tùy theo loại tôn giáo mà chúng ta tìm thấy trước mặt. Khuynh hướng tôn giáo qúa khích chiến đấu chắc chắn là một điều nguy hiểm rồi, xét vì nó chiếm hữu tiềm lực dẫn đưa chúng ta tới chỗ độc tài. Tôi không nghĩ rằng Kitô giáo, trong bất cứ hình thái phố biến nhất nào của nó trên thế giới ngày nay, là một đe dọa tương tự như khunh hướng hồi cuồng tín, ở bất cứ đâu trên thế giới này. Có một trường hợp có thể nảy sinh bên trong Chính thống giáo đông phương, chẳng hạn như với Chính Thống giáo là quốc giáo tại Nga. Trái lại, khuynh hướng hồi giáo đấu tranh đặt để chúng ta trước một sự đe dọa lớn. Thế rồi Ấn giáo cũng có thể trở thành một đe dọa.

Hỏi: Từ một quan điểm xã hội học, giáo sư cảm thấy nên khuyên Giáo hội Công giáo điều gì trong cuộc đối thoại với những người không tín ngưỡng?

Đáp: Tôi nghĩ rằng không có công thức giới hạn nào cho cuộc đối thoại với những người không tin. Tôi đã đưa ra vài chỉ dẫn trong cuốn sách mới xuất bản của tôi, viết chung với ông Anton Zijderveld, tựa đề ”Lời chúc tụng của sự nghi ngờ”. Có một giả thiết đó là việc chấp nhận tình trạng đa nguyên hiện đại cũng như việc phối hợp giữa sự trung thành có lý luận đối với đức tin và sự tôn trọng đối với các người khác.

Các vấn nạn và các đề tài chính vẫn như thế. Tất cả phát xuất từ những câu hỏi mà con người đã luôn luôn đặt ra như: có một ý nghĩa siêu việt đối với điều kiện sống của con người hay không, và làm sao chúng ta có thể đạt tới nó? Lý trí không chiếm hữu được khả thể cống hiến cho chúng ta bất cứ câu trả lời chung kết nào, nhưng nó có thể giúp chúng ta trong việc tìm kiếm câu trả lời. Tôi cảm thấy rất gần gũi với một câu nói của ông Al-Ghazali, một nhà tư tưởng hồi thuộc thế kỷ XII, là người đã tìm đưa khuynh hướng thần bí Sufi vào trong truyền thống triết lý hồi. Sau khi khẳng định rằng lý trí không bao giờ có thể giải thích được trung tâm của kinh nghiệm thần bí, ông nói rằng không vì thế mà chúng ta không sử dụng lý trí trong việc suy tư về kinh nghiệm thần bí, bởi vì lý trí là cái thang của Thiên Chúa trên trái đất.

(Avvenire 23-2-2011)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top