Cuộc sống của một Hồng Y trong cảnh cách ly xã hội ở Roma
Nằm gọn trong lãnh thổ nước Ý, các sinh hoạt của Vatican, tuy là một nước độc lập, cũng tùy thuộc rất nhiều vào các cơ chế của Ý, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, kể lại cuộc sống của ngài giữa mùa đại dịch.
4 tuần cách ly
Tính đến chúa nhật Lễ Lá 5-4-2020, nước Ý ở trong tình trạng cách ly xã hội được 4 tuần lễ, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Coronavirus. Vatican cũng chấp nhận và áp dụng các biện pháp do chính phủ Ý ban hành để đối phó với đại dịch này, đặc biệt là tại các thánh đường, ngưng cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự. Quảng trường và Đền Thờ thánh Phêrô cũng bị đóng cửa, như các biện pháp nhiều nơi khác đang áp dụng. Các cơ quan của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican cũng hạn chế tối đa số nhân viên làm việc tại chỗ. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh tiếp tục hoạt động ở mức tối thiểu để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ. Và thực tế là các hoạt động này bị giảm đến mức thấp nhất.
Phỏng vấn ĐHY Koch
Trong bối cảnh này, hãng tin Công Giáo Thụy Sĩ (cath.ch) mới truyền đi cuộc phỏng vấn một Hồng Y đồng hương của họ, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, về cuộc sống và hoạt động cũng như tâm tình của ngài trong thời kỳ cách ly xã hội hiện nay.
ĐHY Kurt Koch là người Thụy Sĩ Đức, mới mừng sinh nhật thứ 70 hôm 15-3 vừa qua (1950-2020), nguyên là một giáo sư thần học tín lý tại Đại chủng viện Lucerne, trước khi được chọn làm GM giáo phận Basel, cách đây 25 năm (1995). Đây là giáo phận lớn nhất tại Thụy Sĩ với 1 triệu 60 ngàn giáo dân, bao trùm 11 bang của nước này. Cách đây 10 năm (2010), Đức Cha Koch được ĐGH Biển Đức 16 thăng TGM và mời về Vatican để phụ trách Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô.
”Thứ Sáu Tuần Thánh” kéo dài
Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Koch gọi tình trạng cách ly xã hội ở Roma, ở Vatican, là một ”Thứ Sáu Tuần Thánh kéo dài”. Giữa mùa xuân, có một trạng thái ”vật vờ' lạ kỳ bao phủ thành Roma. Đại lộ Hòa Giải (Via della Conciliazione) nối liền Quảng trường Thánh Phêrô với con sông Tevere, từ cửa sổ Văn phòng của ĐHY Koch nhìn xuống, thường là nơi đi dạo của hàng ngàn du khách, nay trống vắng, các tiệm bán đồ kỷ niệm đóng cửa từ lâu, các quán nước cũng vậy.
Hạn chế đi lại
Trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng Hiệp nhất Kitô, ĐHY Koch thường dành một nửa thời gian của ngài để đi công vụ trên thế giới, nhưng bây giờ vì Coronavirus, ngài chỉ đi bộ mỗi ngày từ căn hộ của ngài trong tòa nhà của Bộ giáo lý đức tin, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô tới văn phòng, một quãng đường chưa tới một cây số.
Các hoạt động bị cản trở
Tình trạng cách ly xã hội hiện nay cản trở rất nhiều hoạt động của Hội đồng do ĐHY Koch điều khiển. Ngài cho biết cốt yếu hoạt động đại kết là đối thoại, nhưng đối thoại đâu có thể làm một mình. Các cuộc viếng thăm của những đại diện các Giáo Hội Kitô từ nước ngoài đến Vatican, các cuộc hội họp làm việc bị hoãn lại vô thời hạn. Nhưng đàng khác, ĐHY Koch cũng nhận thấy các Giáo Hội Kitô bày tỏ tình liên đới với nhau trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo ĐHY, sự hưởng ứng của các hệ phái Kitô trên thế giới đối với đề nghị của ĐTC Phanxicô cùng đọc kinh Lạy Cha chung lúc 12 giờ tại mỗi địa phương ngày 25 tháng 3 mới đây, Lễ Đức Mẹ Truyền Tin, là một thí dụ điển hình và thật cảm động.
Trong những ngày trước đó, ĐHY Koch đã ngồi trong văn phòng viết thư mời gọi các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô trên thế giới tham gia buổi đọc kinh Lạy Cha này với ĐTC và các tín hữu Công Giáo. Thật là một cuộc biểu dương tinh thần đồng loạt. ĐHY cho biết ”hầu hết mọi người đã gửi thư hưởng ứng”.
Ảnh hưởng của Covid-19
ĐHY Koch vốn là người thầm lặng và kín đáo, nhưng cũng là người thường tìm đến tha nhân. Vì thế, ngài cho biết chưa bao giờ sống trong tình trạng cách ly xã hội như hiện nay. Theo ĐHY, cuộc khủng hoảng hiện nay có ảnh hưởng tới những thái độ, thói quen xã hội của dân chúng và nhất là tới trọng tâm của sứ điệp Kitô. ĐHY nói: ”Coronavirus chứng tỏ rằng chúng ta không nắm mọi sự trong tay”. Đây cũng là một lời mời gọi chúng ta hãy ”xét lại những ưu tiên trong cuộc sống chúng ta”.
Làm sao nói về Thiên Chúa trước đại dịch Covid-19?
Về phương diện thần học, ĐHY Koch so sánh đại dịch Covid-19 hiện nay với cuộc động đất khủng khiếp ngày 1-11 năm 1755 tại vùng Lisboa thủ đô Bồ đào nha làm cho khoảng 90 ngàn người chết trên tổng số 275 ngàn dân cư. Thiên tai ấy đã nêu lên vấn nạn cơ bản hơn bao giờ hết trong lịch sử trí thức ở tây phương: cụ thể là làm sao nói về Thiên Chúa đứng trước những đau khổ lớn lao như vậy.
Theo ĐHY Koch, câu trả lời cho vấn nạn đó ở trong sự kiện Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, đã đích thân tham dự vào đau khổ của con người. ”Đó là sứ điệp mạnh mẽ nhất mà Kitô giáo có thể mang lại, nhất là trong thời điểm hiện nay”. Nhưng công bố sứ điệp ấy bằng lời nói và các bí tích là một trong những khó khăn hiện thời. Như các chức sắc và các LM khác, ĐHY Koch cũng không được phép cử hành các thánh lễ và bí tích công cộng. Hiện thời ngài chỉ cử hành thánh lễ trong nhà nguyện riêng thuộc căn hộ của ngài với 2 nữ tu người Ấn độ giúp việc.
ĐHY Koch cho biết trong thời điểm đại dịch này, dân chúng càng tỏ ra dè dặt hơn, tránh các tiếp xúc với nhau. ”Hiện thời tất cả đều yên tĩnh, và bạn cảm thấy mình sống một mình”. Không còn những cuộc viếng thăm đột xuất, không có những hoạt động trong Cộng đoàn Teutonico nói tiếng Đức trong nội thành Vatican.
Cuộc sống thường nhật
Mỗi ngày ĐHY Koch cử hành thánh lễ ban sáng, và ban chiều ngài dành một giờ để suy niệm trong nhà nguyện. Phần còn lại dành để làm việc. Ngài không có thói quen ngủ trưa như dân Ý. Hai lần mỗi tuần, ĐHY đi dạo trong vườn Vatican, thật là một đặc ân, vì các công viên tại Roma đều bị đóng cửa.
Dầu sao, trong tư cách là một người của Giáo Hội, đối với ĐHY Koch, sự kiện phải giảm bớt công việc trong những tuần lễ này là một cơ may để suy niệm: ”Số lượng giờ rảnh bạn có, được đầu tư nhiều hơn vào việc cầu nguyện... Tình trạng hiện nay tuy buồn thảm, nhưng chắc chắn. Chúng ta ở trong những bàn tay tốt lành.. được những sức mạnh cao cả từ nhân bảo bọc, bạn tin tưởng và yên hàn”.
ĐHY Koch gợi lại bài thơ của Dietrich Bonhoeffer, nhà thần học Tin Lành, sáng tác vài tháng trước khi bị Đức quốc xã hành quyết, biểu lộ niềm hy vọng Phục Sinh: ”Sự chết chỉ là tiếng nói tiền cuối cùng - Thiên Chúa dành cho mình tiếng nói cuối cùng, và điều này có nghĩa là sự sống” (Cath.ch 31-3-2020)
bài liên quan mới nhất
- Thoáng nhìn lại 8 năm cải tổ Giáo triều của ĐTC Phanxicô
-
Sứ điệp và Phép lành Urbi et Orbi Giáng Sinh 2021 -
ĐTC Phanxicô giảng lễ đêm Giáng Sinh: Tìm thiên đàng nơi người nghèo -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2022 -
12 sự kiện quan trọng của Vatican trong năm 2021 -
Đức tin cụ thể: những cử chỉ nhỏ theo lời kêu gọi của ĐTC trong dịp lễ Giáng Sinh -
Cuộc phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma -
ĐTC gặp giới trẻ ở Hy Lạp -
Thánh lễ tại Thính phòng Megaron -
ĐTC gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên của Hy Lạp
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Linh mục trên tàu du lịch nâng đỡ tinh thần hành khách trong nỗi lo sợ virus corona -
Năm Thánh Giuse: Những điều người Công giáo cần biết -
Coronavirus: Tiếng khóc từ Italia -
Truyền hình trực tiếp Phép Lành “Urbi et Orbi” vào thứ Sáu 27.3.2020 -
Truyền hình các nghi lễ Đức Thánh Cha cử hành trong Tuần Thánh và Phục Sinh 2020 -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người phụ nữ đã nắm chặt tay ngài vào đêm giao thừa dương lịch -
ĐGH Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân nhiễm virus Corona -
Tìm hiểu Ơn Toàn Xá trong mùa đại dịch Covid -19