Đặc sủng dòng Mến Thánh Giá

Đặc sủng dòng Mến Thánh Giá

Đặc sủng dòng Mến Thánh Giá

I. Đặc Sủng Của Các Dòng Tu

Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người hay mỗi Hội dòng vì lợi ích chung. Văn kiện của Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ và Bộ Giám mục đã nói về đặc sủng của đấng sáng lập như sau: “Đặc sủng của các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên.” (MR 11) Đây là một cảm nghiệm đặc biệt về Thần Khí của Đấng sáng lập; qua đó, giúp vị này nhận thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và hoạt động tông đồ.[1] Như thế, đoàn sủng của mỗi dòng tu bao gồm hai khía cạnh: linh đạo (con đường nên thánh riêng của Hội dòng) và sứ vụ.

Mỗi Hội dòng chỉ nhận được một đặc sủng, được ban qua Đấng sáng lập. Đấng sáng lập chia sẻ Đặc sủng (đoàn sủng)[2] này cho cả Hội dòng để mọi thành viên cùng sống đặc sủng ấy và làm phong phú thêm đặc sủng ấy qua dòng thời gian. Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không sống theo đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của nó, và như một hệ quả, mất đi phương hướng của nó. Chìa khóa cho sự phát triển của mỗi hội dòng là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Bởi đó, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các cộng đoàn tu trì phải trung thành với tinh thần, với những ý hướng Phúc âm và gương thánh thiện của đấng sáng lập. Chính ở đây mà các hội dòng tìm thấy nguồn gốc của họ (x. ET 11-12).

Linh Đạo là con đường thiêng liêng, con đường nên thánh. Trong các dòng tu, mỗi hội dòng đều có một linh đạo riêng, một con đường nên thánh riêng do vị sáng lập đề ra qua ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Các Vị sáng lập hoặc dựa vào Tin Mừng để hướng dẫn đời sống thiêng liêng, hoặc chọn một mẫu gương như Mẹ Maria, thánh Giuse, thánh Phaolô,… hoặc chọn sống một mầu nhiệm nào đó để nên thánh, như mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Truyền Tin, mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm Thánh Thể,…

Mỗi dòng có sứ vụ/sứ mệnh riêng biệt. Đây chính là mục đích của vị sáng lập khi thành lập dòng. Mỗi dòng được thành lập để đáp ứng nhu cầu nào đó của Giáo hội hoặc xã hội: dòng Lasan: giáo dục; dòng Gioan Thiên Chúa: phục vụ bệnh nhân; Tu hội Xuân Bích: đào tạo linh mục; dòng Phaolô Thiện Bản: rao giảng Đức Kitô bằng sách báo và các phương tiện truyền thông,… Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, mỗi hội dòng có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (x. VC 19, 72, 46; PC 10, 20; Can 673, 674, 676, 677).

Đức Gioan Phaolô II cũng yêu cầu các hội dòng chú tâm vào việc đào tạo theo đoàn sủng riêng biệt của họ, để họ có thể thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng tùy theo đoàn sủng của mình (x. VC 68, 72). Các hội dòng chỉ có thể trung thành với đặc sủng nguồn gốc khi họ biết thế nào để đọc được những dấu chỉ của thời đại và biết thế nào để đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội trong thời hiện tại. “Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.” (Can 677 §1). Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một hội dòng có thể đem lại cho Giáo hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50).

Trung thành mà không thích nghi vào bối cảnh mới, sẽ dẫn đến chỗ suy tàn; đổi mới mà không bám vào gốc của nó, sẽ dẫn đến chỗ lập nên một hội dòng mới. Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng ta. Điều này có thể là tốt, nhưng nó không phải là mục đích của đấng sáng lập. Nó có thể phá đi những gì đã được dày công xây dựng và làm mất đi đặc tính và căn tính của hội dòng.[3] Mỗi hội dòng cũng có thể có thêm một số hoạt động khác với sứ vụ chuyên biệt của mình, nhưng không nên để cho những hoạt động này trở thành những hoạt động chính. Nên để cho một số phần tử nào đó phụ trách mà thôi. Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt động tông đồ, văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (số 27) đã đưa ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ: (i) muốn ôm đồm mọi hình thức hoạt động tông đồ, (ii) bỏ đi những hình thức hoạt động truyền thống theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời, nhưng lại không hợp với đặc sủng của dòng, (iii) phân tán nhân lực dòng vào những hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng một cách mơ hồ; do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của dòng sẽ bị tổn thương.[4] Muốn có đổi mới, chúng ta cần biết chúng ta là ai. Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội (x. FLC 46).

 Theo tông huấn về Đời sống thánh hiến, căn tính của đời sống thánh hiến là thánh hiến (mục đích của thánh hiến là nên thánh qua việc bắt chước Đức Kitô sống trinh sạch, khó nghèo và vâng lời) và sứ vụ (x. VC 32- 35, 76). Mỗi dòng tu cũng có căn tính riêng, được định hình bởi Đặc sủng của Đấng sáng lập: Linh đạo (con đường nên thánh) và sứ vụ. Như vậy, các tu sĩ đều có chung một con đường nên thánh: bắt chước Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc sống 3 Lời Khuyên Phúc Âm. Mỗi dòng tu lại có một con đường nên thánh riêng (linh đạo).

II. Đặc Sủng Dòng Mến Thánh Giá

1. Linh đạo:

Đức cha Lambert de la Motte lập một Hội dòng mang tên Mến Thánh Giá. Đây cũng chính là linh đạo của dòng. Để sống linh đạo này, các nữ tu Mến Thánh Giá phải hướng trọn lòng trí và cuộc sống vào Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất.

Lúc mới lên 9 tuổi, khi suy niệm sách Gương Phước, giải thích về câu

Tin mừng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9, 23), Đức cha Lambert đã được ơn Chúa thúc đẩy để chọn con đường nên thánh bằng con đường khổ giá. Đây chính là một cảm nghiệm/ kinh nghiệm về Thần Khí của Đức cha Lambert. Từ đó, Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh đã dần dần lôi cuốn, chiếm đoạt tâm trí, lối sống, hoạt động tông đồ của ngài và thôi thúc ngài lập nên một Hội dòng quy tụ những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu.[5]

Đức cha Lambert quyết tâm noi theo Đức Giêsu-Kitô: bị bắt bớ, sỉ nhục, chế giễu, đánh đòn, vác thập giá ….nhưng vẫn không kêu ca, không hề thốt ra một lời, như con chiên hiền lành bị đem đi giết (x. Is 53,7-8). Đức cha Lambert quả quyết: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người đã qua đời trong các thế kỷ trước đây, hoặc đang sống trong hiện tại, hoặc sẽ sinh ra cho đến tận thế, là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu-Kitô mà thôi.”[6] Đức Cha Lambert còn nhấn mạnh đây là con đường nên thánh đúng nhất mà tại sao “nhiều người đi tìm ở đâu đâu những phương thế dẫn tới sự công chính, chứ không tìm nơi thánh giá.”[7]

Trong cuộc hành trình truyền giáo ở Viễn đông, lúc dừng chân ở thủ đô Thái Lan, ngài đã tĩnh tâm 40 đêm ngày và đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất đặc biệt: ngài muốn chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu, thông dự vào cuộc thương khó của Chúa bằng việc đánh tội hằng ngày, “để long trọng suy tôn hy lễ Thánh Giá cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy lễ bàn thờ, đó là phải có sự đau khổ. Đây là bí quyết mới mẻ làm hài lòng Đức Giêsu-Kitô.” Ngài sống khiêm nhường; luôn cầu nguyện, chiêm niệm về con đường khổ giá; thường xuyên đánh tội, chế ngự thân xác, ăn chay, kiêng thịt và rượu để đền tội và đồng lao cộng khổ với Chúa trong công cuộc cứu độ. Ngài không ngừng tạ ơn Chúa khi gặp đau khổ và hăm hở bước theo Chúa trên con đường khổ giá để làm sáng danh Chúa. Ngài hy sinh cầu nguyện cho lương dân được ơn trở lại với Chúa.[8]

Đức cha Lambert không chỉ vui vẻ đón nhận những đau khổ Chúa gửi đến, mà ngài còn làm thay cho Chúa, tạo ra những đau khổ bằng cách cho Chúa mượn thân xác để Chúa tiếp tục bị sỉ nhục, chế giễu, vác thập giá[9]:

- Khi còn làm nghề luật sư, ngài bị ngã ngựa trên đường đi ăn tiệc cưới, dù mũ đội đầu bị bay mất và trang phục bị vấy bẩn, ngài vẫn để vậy và bước vào phòng tiệc cưới dưới cái nhìn khinh bỉ của mọi người.

- Có lần ngài cải trang thành người nghèo để đi ăn xin trong suốt một ngày với bao khinh bỉ và sỉ nhục của những người qua lại.

- Để chuẩn bị lãnh chức linh mục, ngài đã thực hiện một cuộc hành hương “khổ nhục” từ Caen đến Rennes, khoảng 120km: ngài cải trang thành người quê mùa, ăn mặc rách rưới để được người ta khinh chê, sỉ nhục…

- Vì bác ái, ngài giúp một thiếu nữ nghèo đem giấy tờ cho thừa phát lại. Ông này hiểu lầm ngài là một tay trung gian ăn huê hồng. Ngài không cải chính, nhưng rất vui mừng vì bị hiểu lầm như thế.

Đức cha Lambert, trong cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, không ngớt lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”.[10] Ngài mong được chết một cách đau đớn vì Chúa Kitô.[11]

Đức cha Lambert đã lập nên Hội dòng những người yêu mến Thánh Giá để ‘chuyên chú tưởng nhớ và noi theo cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu-Kitô mỗi ngày.”[12] Chính ngài đã sống linh đạo Mến Thánh Giá này và trở thành mẫu mực cho con cái của ngài.[13]

Tóm lại, để sống linh đạo Mến Thánh Giá: “Đức Giêsu-Kitô Chịu- Đóng- Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”

- Yêu mến Thánh Giá, hằng ngày suy niệm/chiêm niệm về con đường khổ giá mà Chúa đã đi từ lúc Chúa bị bắt đến lúc Chúa chịu chết trên thập giá (bị bắt như một tội nhân, bị phản bội, bị kết án bất công, bị khạc nhổ, sỉ nhục, đội mão gai, chế giễu, đánh đòn, vác thập giá lên núi Sọ, bị ngã nhiều lần, bị đóng đinh và chết trên thập giá).

- Noi theo/bắt chước Đức Giêsu-Kitô trên con đường khổ giá, làm thay cho Chúa, cho Chúa mượn thân xác để tiếp tục hy sinh bằng cách ăn chay hãm mình, chế ngự thân xác, vui vẻ chấp nhận những đau khổ về tinh thần (bị hiểu lầm, chống đối, sỉ nhục, chỉ trích, …) cũng như những đau khổ thể xác (phục vụ quên mình, bệnh tật, lao nhọc,….) để Chúa tiếp tục dùng con đường khổ giá cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, càng bắt chước Đức Kitô, càng nên giống Đức Kitô, càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua con đường khổ giá để cứu chuộc nhân loại, càng thánh thiện.[14]

Như vậy, từ chiêm niệm trong lòng dẫn tới hành động bên ngoài và giống như Đức cha Lambert[15], các nữ tu Mến Thánh Giá có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống và hoạt động trong tôi” (Gl 2, 20) và “hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì thân mình Người là Hội thánh” (Cl 1, 24).

Đối với dòng Mến Thánh Gia, chiêm niệm và truyền giáo luôn gắn chặt với nhau. Khi sống linh đạo Mến Thánh Giá (suy niệm/chiêm niệm và hy sinh hãm mình), các nữ tu Mến Thánh Giá luôn hướng đến việc cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân (sứ vụ số 1).

2. Sứ vụ

Mục đích/sứ vụ lập dòng được Đức cha Lambert ghi vào trong Luật Tiên Khởi dòng nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, chương 3:

1. Tất cả những người đi theo nếp sống này phải liên lỉ kết hợp nước mắt, việc suy gẫm cầu nguyện và hãm mình đền tội với công nghiệp của Đức Kitô, để cầu xin Thiên Chúa ban ơn ăn năn trở lại cho lương dân trong ba miền truyền giáo thuộc quyền các vị đại diện Tông Tòa, cách riêng ở Đàng Ngoài.

2. Dạy các thiếu nữ, giáo cũng như lương, những điều nữ giới cần biết. Nếu vì tình huống hiện nay xảy đến cho đạo Thánh không thể làm được, chị em hãy nhớ rằng khi hoàn cảnh cho phép, thì đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình.

3. Săn sóc những phụ nữ, thiếu nữ đau ốm bệnh tật cả giáo lẫn lương. Nhờ cơ hội đó khuyên bảo họ lo phần rỗi và trở lại với Chúa.

4. Cố gắng rửa tội cho những trẻ nhỏ lâm cơn nguy tử, kẻo chúng chết mà không được nhận ơn Thánh tẩy.

5. Dùng mọi cách kêu gọi những người phụ nữ và thiếu nữ trụy lạc trở về nếp sống lương thiện.

Qua mục đích số 2, số 3 và số 5, Đức cha Lambert đã chọn đối tượng phục vụ của Hội dòng là phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo: dạy dỗ, săn sóc và cải hóa họ. Ngài nhấn mạnh đó là một trong những nhiệm vụ chính của Hội dòng (số 2). Đây chính là nét tạo nên căn tính của Hội dòng, tạo nên sự khác biệt với các dòng khác. Có thể nói đặc sủng/đoàn sủng của dòng Mến Thánh Giá là dạy dỗ, săn sóc và cải hóa các phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo. Nói các khác, dòng Mến Thánh Giá được lập nên là để phục vụ các phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo.

Đức cha Lambert còn hiểu rõ hoàn cảnh của xã hội Việt nam đang và sẽ bị cấm cách đạo, nên ngài nhắn nhủ “khi hoàn cảnh cho phép” thì phải chú tâm vào sứ vụ chính này. Đây cũng là điều mà công đồng Vatican II kêu gọi các dòng tu phải khám phá lại tinh thần và mục đích của Đấng sáng lập (x. PC 2b). Thư Đức Thánh Cha Nhân Dịp Năm Về Đời Sống Thánh Hiến 2015 kêu gọi những người sống đời thánh hiến “dấn thân canh tân đoàn sủng, kiểm điểm sự trung thành đối với sứ mạng đã được ủy thác, tiếp tục làm phong phú và thích nghi, nhưng không đánh mất đi căn tính của mình.

Chính Đức cha Lambert đã thi hành sứ vụ này:[16]

- Sau khi tốt nghiệp trung học, ngài đã tham gia Hiệp Hội Thánh Thể với một trong những mục đích của Hiệp Hội là “giúp hoàn lương những thiếu nữ trụy lạc.”

- Sau khi chịu chức linh mục năm 1655, ngài thành lập một “trung tâm tiếp đón những phụ nữ hư hỏng.”

Các nữ tu Mến Thánh Giá từ buổi đầu đã chú tâm vào phục vụ phụ nữ và thiếu nữ lương cũng như giáo. Theo bài viết “350 năm Dòng Mến Thánh Giá: Sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá, 16/06/2020”:

- Một đóng góp hữu ích của các nữ tu Mến Thánh Giá là công việc dạy dỗ các thiếu nữ. Trong thư ngày 02/06/1830 gửi cho Hội Truyền Bá Đức tin, Đức Cha Taberd cho biết đang có 16 Nhà dòng Mến Thánh Giá, “tất cả các nhà này sẽ đón nhận các người cùng giới để dạy dỗ và đào tạo họ các công việc thích hợp”. Những người trẻ này, sau khi về lại nhà mình, sẽ trở thành những người mẹ tốt của gia đình, và qua gương sáng cũng như qua những lời dạy dỗ của họ, sẽ là gương mẫu và sự nâng đỡ cho bạn hữu.

- Trong những lúc đồng bào gặp cảnh đói khổ vì thiên tai, các nữ tu hy sinh một phần nhà của mình để đón tiếp các phụ nữ đau yếu và các trẻ mồ côi.

- Đức Cha Retord kể lại trong thư gửi cho cha Laurent ở Lyon vào tháng 01/1846: “Họ đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, giúp chúng tôi dạy dỗ các phụ nữ dự tòng.”

Trước năm 1975, các Hội dòng Mến Thánh Giá đã có nhiều cơ sở để phục vụ đối tượng này. Sau năm 1975, tất cả các phương tiện để thi hành sứ vụ của các dòng tu đã được quốc hữu hóa như: trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà cô nhi, trại phong, …Hoạt động tông đồ của các dòng tu bị hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các dòng tu chỉ cố gắng sao cho có thể sống còn. Không còn phương tiện để thi hành sứ vụ chính, các tu sĩ làm bất cứ công việc gì để có thể tồn tại. Đây thực sự là giai đoạn khủng hoảng về căn tính của các dòng tu. Trải qua một giai đoạn dài như thế, các dòng tu có thể dần dần mất ý thức về sứ vụ chính của mình, những tu sĩ trong giai đoạn này không thể sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển đoàn sủng của mình như định nghĩa về đặc sủng được nói đến ở trên. Và như vậy, họ không thể truyền lại cho thế hệ kế tiếp một cách chính xác và trung thành. Và nếu các dòng tu còn ý thức về sứ vụ, nhưng điều kiện không cho phép, các dòng tu cũng gặp rất nhiều khó khăn để thi hành sứ vụ riêng biệt của mình. Và hậu quả là nhiều dòng tu ngày nay thi hành những sứ vụ giống nhau. Nhiều hội dòng cố gắng thích nghi vào trong bối cảnh mới, nhưng cũng không dễ dàng. Điều quan trọng là thích nghi vào môi trường mới thế nào mà vẫn giữ được căn tính của Hội dòng. Đối với các Hội dòng Mến Thánh Giá, giai đoạn hiện nay là thời điểm mà Đức cha Lambert đã tiên đoán “khi hoàn cảnh cho phép”, giúp các nữ tu Mến Thánh Giá chú tâm vào sứ vụ chính của họ.

Đoàn sủng của dòng Mến Thánh Giá là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam. Các nữ tu dòng MTG đã sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo hội Việt Nam; cùng với Giáo hội Việt Nam trải qua những thăng trầm, với 350 năm hiện diện, “liên lỉ kết hợp nước mắt” như chính lời Đức cha Lambert đã viết trong Luật Tiên Khởi, có lúc phải mục nát đi để sản sinh những hoa trái như ngày hôm nay. Có thể nói rằng lịch sử Dòng MTG gắn liền với lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Ngày nay, có 30 hội dòng MTG với các nữ tu hiện diện khắp nơi trong nước và ngoài nước. Nhiều dòng tu phát xuất từ các dòng MTG hay lúc đầu được các nữ tu MTG giúp hình thành và đào tạo như dòng Con Đức Mẹ Nam Vang, Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương, Con Đức Mẹ Đi Viếng, Con Đức Mẹ Mân Côi, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, Nữ Vương Hòa Bình,…

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF
Nguồn: Dòng Thánh Gia Việt Nam

 

[1]  X. Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ. Rôma, 1993, tr. 577- 578.

[2] Các đặc sủng được ban là để phục vụ lợi ích chung, phục vụ cộng đoàn, nên còn được gọi là Đoàn sủng.

[3] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection. Ireland: St Pauls, 1994, tr. 171.

[4] Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 762- 763.

[5] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte”, 1998, tr. 8, 31, 35, 61, 104-105.

[6] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 84, x. tr. 96-97, 117-118.

[7] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 84.

[8] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 17, 31- 32, 46, 53, 56, 58, 82, 93, 105, 106, 107, 117; x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 91, 93.

[9] X. Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998,  tr. 10- 11, 53, 54, 104-105, 127; x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 145- 147.

[10] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 47.

[11] x. Lm. Đào Quang Toản, Đặc Sủng Mến Thánh Giá, tr. 160- 161.

[12] Luật Tiên Khởi dòng nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu-Kitô, chương 2

[13] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 63.

[14] Giống như con đường nên thánh của tất cả các tu : càng bắt chước Đức Kitô, càng nên giống Đức Kitô, càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc sống Ba Lời Khuyên Phúc Âm, càng thánh thiện.

[15] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá,Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 56, 105.

[16] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá, Tiểu Sử- Bút Tích của Đức Cha Phêrô- Maria Lambert De La Motte, 1998, tr. 9, 11.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top