Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn: Cầu nguyện cho ơn gọi
WGPSG -- “Mỗi ơn gọi trong Giáo hội bắt nguồn từ khóe nhìn đầy thương xót của Chúa Giêsu.” Ý tưởng này của Sứ điệp ngày Quốc tế Ơn gọi 2016 đã đặc biệt được nhấn mạnh trong buổi canh thức và cầu nguyện - nhân ngày Quốc tế Ơn gọi lần thứ 53 - được tổ chức vào lúc 19g00 ngày 13.04.2016 tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Buổi cầu nguyện có chủ đề: “Những Sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót”. Đây là một hoạt động mang tính truyền thống từ nhiều năm qua, nhằm mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tái khám phá ơn gọi của người Kitô hữu, đặc biệt năm nay còn nhắn nhủ mọi người sống và cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót trong “Năm Thánh Lòng Thương Xót.”
Hơn 500 người đến tham dự buổi cầu nguyện tạo nên bầu khí đại gia đình giáo phận hướng về ngày Quốc tế Ơn gọi. Hiện diện trong buổi canh thức và cầu nguyện có Cha Gioakim Trần Văn Hương - Giám đốc Đại Chủng viện (ĐCV) Thánh Giuse Sài Gòn, quý cha giáo ĐCV, các cha giáo Trung tâm Mục vụ, các sư huynh Dòng Lasan, các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres, dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, các Chủng sinh 7 khóa của Đại Chủng viện và anh em dự bị của Tổng Giáo phận TP.HCM, cùng các nhân viên Ban Đời sống của chủng viện. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các em lễ sinh Gx. Bùi Phát, Gx. Thánh Phaolô Bình Tân và các giáo xứ khác.
Buổi canh thức và cầu nguyện do các chủng sinh ĐCV thực hiện, đã giúp cộng đoàn cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót qua ơn gọi người Kitô hữu nói chung, cách riêng ơn gọi đời sống thánh hiến. Biết bao con người sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa kêu mời, bước theo con đường Thầy Giêsu đã đi, để dấn thân phục vụ tha nhân, trở nên những “Sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót”.
Huyền nhiệm Ơn gọi
Phần diễn nguyện “Lạy Chúa, con đây!” - mở đầu buổi canh thức - đã dẫn dắt cộng đoàn cảm nghiệm về sự huyền nhiệm của ơn gọi. Ơn gọi không chỉ là ý muốn và cố gắng của con người nhưng là từ thánh ý của Thiên Chúa, dẫn con người bước vào đời sống mới, và việc con người chọn bước theo chính là lời đáp trả. Như trường hợp của cậu bé Samuel, Chúa kêu gọi trong âm thầm, và Samuel dần dần khám phá Ơn gọi rõ hơn nhờ đối thoại với vị đại diện của Chúa (1Sm 3,3b-10.19).
Nhìn lại Sứ điệp Ngày Quốc tế Ơn gọi năm 2016
Tiếp theo cộng đoàn được nghe và xem minh họa bằng hình chiếu giới thiệu Sứ điệp Ngày Quốc tế Ơn gọi năm 2016. Với chủ đề “Giáo hội, Mẹ của các Ơn gọi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở nền tảng căn bản của Ơn gọi, đó là: “Mỗi ơn gọi trong Giáo hội bắt nguồn từ khóe nhìn đầy thương xót của Chúa Giêsu”, và các Ơn gọi này được nảy sinh, phát triển và trưởng thành trong lòng Mẹ Giáo hội. Các Ơn gọi cần đặt mình trong các mối tương quan, không chỉ một mình với Chúa mà còn với những “Người cùng ơn gọi”, với các vị đồng hành và nhất là toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.
Chia sẻ của quý tu sĩ
Sau đó, Ban Tổ chức đã cho trình chiếu một số chia sẻ của quý tu sĩ về Lòng Thương Xót của Chúa đối với ơn gọi của họ, cùng những sáng kiến cụ thể của một số Hội dòng, nhằm giúp cộng đoàn cảm nghiệm về Lòng Thương Xót.
“Thiên Chúa giàu lòng thương xót là Thiên Chúa của Người Kitô hữu. Một Thiên Chúa được mạc khải như là Cha nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con của Ngài" - Chính Thiên Chúa là Cha đã làm cho chúng ta sống lại trong Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô (Ep 2, 5). Cảm nghiệm về điều này, nữ tu Maria Goretti Nguyễn Thị Phi - Bề trên cộng đoàn Ánh Linh - Dòng Đức Bà, chia sẻ: “Tôi thấy lúc nào Chúa cũng thương mình hết, dù cho mình có giới hạn có tội lỗi, Chúa vẫn thương và nâng đỡ. Vì thế, trong đời sống ơn gọi, tôi cảm thấy rất vui, lúc nào thấy Chúa cũng thương mình và tình thương đó mình đem đến chia sẻ cho người khác, nhất là trong sứ vụ giáo dục của mình.”
Cùng chung suy nghĩ, nữ tu Maria Têrêsa Vũ Thị Ngọc Bảo - Bề trên tổng quyền Dòng nữ Đaminh Bà Rịa tâm sự: “Tôi có rất nhiều yếu đuối, lỗi lầm nhưng Thiên Chúa luôn luôn khoan dung và thứ tha, Thiên Chúa cũng đòi hỏi tôi nhìn lại con người của mình, để có thể sửa đổi từng ngày, từng phút”. Nữ tu Têrêsa chia sẻ thêm: “Cha mẹ tôi mất từ rất sớm, tám anh chị em mồ côi nhưng Chúa vẫn thương để tôi tiếp tục con đường của mình. Đôi khi muốn quay về cùng với anh chị em nhưng nghĩ rằng Chúa sẽ là chỉ đạo không phải mình muốn là mình có thể giải quyết được tất cả, và tôi cảm nhận được lòng thương xót Chúa với bản thân và gia đình.”
Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, các Hội dòng đã có những việc làm rất thiết thực. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy - Dòng Ngôi Lời giải bày: “Trong suốt mùa Chay này, tôi không sử dụng phần tráng miệng, tiết kiệm số tiền đó như là một hy sinh nho nhỏ. Trong mùa Chay, tôi đóng góp được gì thì bỏ trong một cái hộp. Thông thường trong dịp Phục sinh, tôi tổ chức một buổi dã ngoại, nhưng năm nay quyết định không đi dã ngoại, dành số tiền đó cộng thêm số tiền nhịn ăn tráng miệng để đi thăm một cơ sở từ thiện nào đó như một cách bày tỏ lòng thương xót, một cách cụ thể cho những người kém may mắn hơn mình.”
Chứng tá Lòng Thương Xót
Để giúp cộng đoàn cảm nghiệm hơn nữa về Lòng Chúa thương xót, Ban Tổ chức cũng giới thiệu cùng cộng đoàn về những ngọn lửa của lòng nhiệt thành dấn thân nơi các linh mục và tu sĩ đang ngày đêm miệt mài trong ơn gọi và sứ vụ của mình để trở nên những sứ giả của Lòng Chúa Xót Thương. Đó là phòng khám Nhân đạo Kênh 7, Tân Hiệp, Kiên Giang, thuộc Giáo phận Long Xuyên.
Phòng khám do Cha cố Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh sáng lập từ năm 1990, lúc đầu chỉ với 3 gian nhà lá nhằm phục vụ nhu cầu cho những người dân nghèo khổ tại chỗ và các xã xung quanh nhờ vào nghề thuốc gia truyền của Cha cố Thịnh. Điều đặc biệt ở đây là có đến 5 tôn giáo cùng làm việc chung với nhau để giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo, gồm: Phật giáo, Hòa Hảo, Tin Lành, Cao Đài và Công giáo. Mỗi tôn giáo phụ trách một mảng. Họ cộng tác hài hòa và làm việc rất tích cực.
Bệnh xá không lớn nhưng mỗi năm có 16.000 bệnh nhân đến điều trị. Không phải vì miễn phí mà họ đến, nhưng họ tìm đến vì nhận ra rằng nơi đây có hiệu quả chuyên môn và y đức cao, nhờ kết hợp vừa làm việc, vừa cầu nguyện xin ơn trợ giúp.
Phòng khám Kênh 7 là thế đó, có thể nói cơ sở vật chất còn nghèo nàn nhưng tình thương con người dành cho con người thì chất chứa không vơi.
Cầu nguyện và kết thúc
Buổi gặp gỡ được khép lại lúc 21g10 với phần lắng đọng cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu. Nến Phục sinh được rước đến giữa cộng đoàn tham dự. Sau phần công bố Phúc Âm theo Thánh Luca và lời cầu nguyện chung, những ánh sáng lung linh được thắp lên hòa với lời bài hát “Thắp sáng lên”, như mời gọi mọi người hãy ra đi, dấn thấn trở nên “Những Sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót”, loan báo Tin Mừng, sẵn sàng phục vụ tha nhân, làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 26-12-2021 đến 1-1-2022
-
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng sinh 2021 -
Phái đoàn chính quyền thành phố chúc mừng Giáng Sinh 2021 và năm mới 2022 đến đồng bào Công Giáo -
Thánh lễ Tạ ơn của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài-Gòn ngày 19.12.2021 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 20-12-2021 đến 25-12-2021 -
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ mừng 50 năm hiện diện (1971-2021) -
70 Tình nguyện viên tu sĩ đến phục vụ tại 4 bệnh viện điều trị covid 19 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C (2021) -
Hội nghị ‘tri ân’ các tôn giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống Covid -
Phái đoàn Nhà Nước chúc mừng Giáng Sinh đồng bào Công giáo Thành phố
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn đón Tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến từ ngày 20.4.2020 đến 26.4.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Phụng vụ trực tuyến từ 01-8-2020 đến 08-8-2020 -
Khóa Thường huấn Linh mục Sài Gòn 2019 -
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn: Chương trình Lễ đêm Giáng sinh 2020