Đại Chủng viện Thánh Giuse: Tưởng niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu

Đại Chủng viện Thánh Giuse: Tưởng niệm cuộc Thương khó Chúa Giêsu

WGPSG -- Vào lúc 15g00 Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 18.04.2014, Cha giáo Phaolô Nguyễn Đức Nguyên đã chủ sự nghi thức Tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, quý cha giáo, quý cha Tòa Giám mục, quý cha Trung tâm Mục vụ, quý chủng sinh, quý nữ tu và một số giáo dân.

Trong bầu khí trầm lắng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nghi thức được khởi đầu với việc cha chủ sự tiến lên bàn thờ và cùng cộng đoàn phụng vụ hồi tâm, cầu nguyện.

Sau đó là nghi thức Phụng vụ Lời Chúa với ba bài đọc: Is (52,13-53,12); Dt (4, 14-16; 5,7-9), và bài Thương khó Ga (18,1-19,42).

Sau bài Thương khó, cha Phaolô đã diễn giảng về giá trị và ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong chương trình cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người. Những nỗi thống khổ mà Chúa Giêsu phải gánh chịu trong cuộc Thương khó không chỉ dừng lại ở những đớn đau nơi thân xác mà còn là sự thống khổ về tinh thần trước sức nặng của sự dữ và tội lỗi của nhân loại. Thế nhưng, tất cả những khốn khó ấy đã không đè bẹp được ý chí cứu độ của Chúa Giêsu. Trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, dù là người vô tội, Ngài đã đón nhận tất cả những trò nhục mạ, với bao trận roi đòn, và cuối cùng là cái chết treo thân trên thập giá. Cái chết ấy không phải là sự kết thúc của những đau khổ mà Ngài đã chịu đựng và cũng không phải là dấu chấm hết cho một sự việc còn dang dở, nhưng cái chết của Chúa Giêsu là đỉnh cao của tình yêu tự hạ và hy sinh, là một minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa Cha, và tình thương lớn lao của Ngài dành cho nhân loại. Chính khi bị treo trên Thập giá, Chúa đã khai mở cho nhân loại một lối đi mới, dẫn đưa con người lên với Ngài.

Từ cái chết của Chúa Giêsu đã có biết bao người được mời gọi cùng hướng nhìn lên Thánh giá ấy, có biết bao người đang âm thầm vác lấy thánh giá cuộc đời mình bước theo Chúa. Và tất cả những con người ấy đều có chung một niềm xác tín: khi cùng chia sẻ đau khổ với Chúa Giêsu trên Thánh giá thì cũng được thông phần vinh quang với Ngài.

Nghi thức được tiếp nối với 10 lời cầu nguyện cho những nhu cầu của Giáo hội và mọi thành phần trong toàn thể nhân loại.

Kế đến, cha Phaolô tiến về cuối nhà nguyện và long trọng cử hành phần hai: nghi thức Kính thờ Thánh giá Chúa. Sau đó, ĐTGM Phaolô, quý cha, quý chủng sinh cùng cộng đoàn lần lượt tiến lên cung thánh hôn kính Thánh giá Chúa.

Sau phần thứ ba Hiệp lễ, cộng đoàn phụng vụ đã thinh lặng ra về trong tâm tình tiếp tục sống những chặng đàng thánh giá trong đời thường của chính mình một cách có ý nghĩa, nhờ vào sức mạnh từ thập giá tình yêu của Chúa Giêsu – Đấng đã vui lòng chịu chết để cứu chuộc con người tội lỗi chúng ta.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top