Đại diện Tòa Thánh Vatican nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: “Hãy nắm bắt thời cơ”

Đại diện Tòa Thánh Vatican nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc: “Hãy nắm bắt thời cơ”

ĐTGM nói: đã đến lúc phải vượt ra khỏi  cuộc chiến tranh lạnh

WGPSG / ZENIT -- New York ngày 30-9-2009, (Zenit.org).- Đại diện Tòa Thánh Vatican tai Liên Hiệp Quốc đưa ra nhận xét rằng: các quốc gia cần sự tin tưởng và sự an ninh để vượt ra khỏi những ảnh hưởng kéo dài của cuộc chạy đua vũ trang trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh.

ĐTGM Dominique Mamberti, Thư ký văn phòng Quan hệ Vatican và các quốc gia, đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 24-9, hối thúc HĐBA hãy “nắm bắt thời cơ”, và trở thành “thành viên ủng hộ vững chắc, đưa ra lý do tiến đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”

ĐTGM nhận định rằng: những nỗ lực hạn chế vũ trang hạt nhân của LHQ mới chỉ đạt được mức "đưa vấn đề vào trong hồ sơ đặc biệt”, nhưng nay đã đến lúc phải đạt được thoả thuận toàn cầu về việc kiểm soát vũ trang ấy.

ĐTGM nói: “Vũ khí hạt nhân đã tấn công phá hoại cuộc sống trên hành tinh này, phá hoại ngay chính hành tinh của chúng ta, và như thế, cũng phá hoại quá trình phát triển không ngừng của trái đất. Tự bản chất, vũ khí hạt nhân không chỉ tai hại mà còn tàn sát.”

Khi nhắc đến việc dùng vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ đã dẫn đến kỷ nguyên “chiến tranh lạnh”, và điều đó không còn có thể biện minh được nữa trong thời đại chúng ta, Tòa Thánh đã mạnh mẽ ủng hộ việc cần phải điều chỉnh lại những học thuyết quân sự chủ trương tiếp tục dựa trên vũ khí hạt nhân như là phương tiện bảo vệ an ninh, hoặc thậm chí như là thước đo quyền lực; những học thuyết ấy rõ ràng đã là những nguyên nhân chính cản trở việc thực hiện giải trừ và không phổ biến võ khí hạt nhân, và như thế gây ra nguy hại cho sự toàn vẹn của Hiệp ước “Không phổ biến võ khí hạt nhân.”

Thế giới phải phát triển

ĐTGM Mamberti khẳng định rằng: “Thế giới ngày nay đòi hỏi một tài năng lãnh đạo đầy can đảm, dám giảm thiểu hoàn toàn vũ khí hạt nhân đến con số không.”

Ngài nhận định rằng: “Để đạt được điều này, các quốc gia cần có sự tin tưởng và an ninh. Những vùng “không vũ khí hạt nhân” là ví dụ điển hình cho sự tin tưởng, sự tự tin, và sự khẳng định rằng: hòa bình và an ninh vẫn có được mà không cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân.”

Đại diện Vatican ghi nhận rằng: “Chiến dịch Ngày Hòa bình Thế giới 21-9 đã chọn khẩu ngữ viết tắt WMD: Weapons of Mass Destruction (Vũ khí huỷ diệt hàng loạt) để đổi thành WMD: We Must Disarm: (Chúng ta  phải giải trừ vũ khí).

Ngài nói: “Tòa Thánh chia sẻ và khen ngợi sứ điệp mạnh mẽ này, một sứ điệp cần được âm hưởng trong mọi cuộc tranh luận về giải trừ vũ khí, dẫn đến việc kiến tạo môi trường thuận tiện bảo đảm cho sự tiến bộ của loài người.”

Và Ngài nói thêm: “Giải trừ vũ khí và sự phát triển có liên quan với nhau và bổ túc cho nhau. Do đó, với chiến dịch WMD: We Must Disarm: (Chúng ta  phải giải trừ vũ khí),  tất cả chúng ta có thể thêm vào WMD: World Must Develop (Thế giới phải phát triển) để hướng về sự tiến bộ của nền văn hóa hòa bình, và đạt được mục tiêu phát triển về lợi ích bền vững của từng thành viên trong đại gia đình nhân loại, và cho những thế hệ tương lai được sống trong một thế giới hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top