Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 7: Công việc: thách đố đối với gia đình

Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 7: Công việc: thách đố đối với gia đình

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

8 Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

9 Ðức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 10 Một con sông từ Êđen chảy ra tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh. 15 Ðức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai (St 2, 8-10.15)

17 Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”,

nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi;

ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,

mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.

18 Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.

19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,

cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.

Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 17-19)

D. Giáo lý Thánh Kinh

1. Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen. Vườn ở Êđen là một ơn huệ Chúa ban, là một nơi rất đẹp, nhiều nước tưới cả thế giới. Nhiệm vụ đầu tiên Chúa giao cho con người sau khi tạo dựng là làm việc trong vườn của mình, trồng trọt và chăm nom vườn. Hơi thở sự sống mà Chúa thổi vào con người, làm cho con người giàu tính sáng tạo và sức mạnh, thông tuệ và sức sống, để họ có thể cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài.

Thiên Chúa không ghen tỵ về công trình của họ mà để công trình ấy tùy con người sử dụng, không chút nghi kỵ và rất mực quảng đại. Ngài không chỉ giao cho con người trông nom mọi thụ tạo khác mà còn ban cho họ thần khí để họ tham gia một cách tích cực vào công trình tạo dựng, tạo dựng chúng theo ý định của Người. Thần Khí là nguồn mạch Thiên Chúa đã để trong con người để họ trông nom toàn thể tạo thành cho Người và với Người.

Con người không được tạo nên, như theo quan niệm của một số tôn giáo Đông Phương Cổ đại, để thay thế công việc của các vị thần hay để trở thành những người nô lệ phục vụ thấp hèn nhất của họ. Thiên Chúa muốn tạo dựng con người để họ trông coi thọ tạo thiên nhiên và cộng tác tích cực vào công trình sáng tạo.

Trong truyền thống Thánh kinh công việc tay chân được đánh giá cao và trong các trường đào tạo rabbi chúng được kết hợp với việc học. Ngày nay đứng trước sự người ta ngày càng coi thường đối với một số nghề nghiệp, đặc biệt là những nghề thủ công, thật đúng lúc ta cần khám phá lại giá trị của lao động chân tay. Sự chăm nom và canh tác mảnh vườn trái đất mà Thiên Chúa giao phó cho con người không chỉ liên quan đến trí óc và con tim, nhưng phải dùng đến cả đôi tay. Lao động nông nghiệp và việc sản xuất thủ công và công nghiệp vẫn là hai cột trụ của lao động nhờ đó con người góp phần vào sự phát triển của mỗi người và toàn xã hội. Như Thông điệp Laborem Exercens, số 9 nói: “Lao động là một thiện hảo của con người – là một thiện hảo cho nhân tính – vì qua lao động con người không chỉ biến đổi thiên nhiên để nó đáp ứng nhu cầu của riêng mình, mà còn thực hiện chính mình như là người hay đúng hơn, theo một nghĩa nào đó, ta “trở nên người hơn”.

2. Ðức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen. Thiên Chúa không chỉ trồng một cái vườn, mà còn để cho con người ở đó. Vườn địa đàng được trao phó cho con người để họ sống hiệp thông với nhau và, bằng lao động, chăm lo cuộc sống lẫn nhau. Lao động không phải là một hình phạt của Chúa, như người ta tưởng tượng trong các truyền thuyết cổ xưa, cũng không phải là một tình cảnh nô lệ, như người ta nghĩ trong văn hóa Hy-La. Đúng hơn, đó là một hoạt động căn bản của mỗi người. Thế giới đợi chờ con người bắt tay vào việc. Họ có khả năng và trách nhiệm thực hiện trong thế giới thụ tạo này kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa. Dưới ánh sáng này, lao động là một hình thức con người sống mối tương quan và sự trung thành của mình với Chúa.

Như thế làm việc không phải là cùng đích của cuộc sống. Nó luôn được coi cách chính đáng chỉ như là phương tiện. Sự hiệp thông và chia sẻ trách nhiệm của con người với Đấng Tạo Hóa mới là cùng đích. Nếu lao động mà trở thành cùng đích, thì nó biến thành một ngẫu thần, và như thế lao động của con người không còn là cộng tác với Thiên Chúa như Ngài đòi hỏi. Thiên Chúa không chỉ đòi hỏi con người lao động nhưng yêu cầu họ “lao động bằng cày cấy và canh giữ” công trình tạo dựng của Chúa. Con người không chỉ tự thân làm việc, mà cộng tác với công trình của Thiên Chúa. Thế nhưng, việc cộng tác này là tích cực và có trách nhiệm, bởi lẽ, để tránh lười biếng và thực hành siêng năng, con người đã “làm việc”: họ “cày cấy và canh giữ” đất đai.

Lao động được dự kiến dành cho con người trong vườn Êđen là công việc của người nông dân, chủ yếu là chăm nom đất đai để được phì nhiêu, hạt giống được gieo vãi trong đó trổ sinh muôn hoa trái dồi dào. Phát triển thế giới thiên nhiên mà không biến nó thành dị dạng, làm giàu từ những quy luật vốn được ghi trong thiên nhiên, dấn thân phục vụ nhân loại, phục vụ mọi người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, hành động để giải thoát con người khỏi mọi hình thức nô lệ ngay cả nô lệ lao động: đó là một số nhiệm vụ được giao cho con người để họ góp phần vào việc biến nhân loại thành một đại gia đình duy nhất.

3. Để họ cày cấy và canh giữ đất đai. Trong khi trình thuật tạo dựng thứ nhất (St 1) trình bày con người thống trị muôn thú và làm bá chủ trái đất, trong trình thuật thứ hai (St 2) người ta muốn nói đến việc gieo giống và việc canh tác. Và nếu như trong trình thuật thứ nhất người ta không có ý nói đến một sự thống trị độc đoán, mà đúng hơn nói đến vương quyền của một vị vua quảng đại chỉ tìm kiếm lợi ich cho dân của mình một cách khôn ngoan và công bình, trong trình thuật thứ hai người ta nói đến sự kiên nhẫn và hy vọng, trong khi chờ đợi hoa trái.

Trong thời gian chờ đợi, con người được yêu cầu sống đức trung tín, giống như nhân đức được đòi hỏi ở những người, tại Israel, lo việc phục vụ tôn giáo trong đền thờ. Hơn nữa, sự siêng năng làm việc của con người đòi hỏi tính khiêm tốn của người nông dân chăm nom đất đai để đoán biết làm sao canh tác nó tốt hơn, giống như sự khiêm hạ của người thợ mộc đục xẻ gỗ mà vẫn tôn trọng các đường vân của nó.

Sự khai thác đúng đắn nguồn tài nguyên trái đất bao hàm việc bảo vệ công trình tạo dựng và liên đới với các thế hệ tương lai. Một ngạn ngữ Ấn độ dạy rằng chúng ta “không bao giờ được nghĩ rằng mình được thừa hưởng trái đất này từ cha ông chúng ta mà là đảm lấy nó để chuyển giao lại cho con cái chúng ta”. Nhiệm vụ bảo vệ trái đất đòi hỏi ta phải tôn trọng thiên nhiên, nhìn nhận trật tự theo ý muốn của Tạo Hóa. Như thế, lao động của con người mới thoát khỏi nỗi cám dỗ phung phá tài nguyên và làm biến dạng vẻ đẹp của hành tinh trái đất, trái lại sẽ làm cho nó trở nên, theo ước mong của Thiên Chúa, khu vườn chung sống và là nơi hòa hợp gia đình nhân loại, được Cha trên trời chúc phúc.

4. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn. Nguy cơ lao động trở thành ngẫu tượng cũng đáng cho gia đình phải lưu tâm. Điều đó xảy ra khi công việc chiếm vị trí tuyệt đối trổi vượt hơn các mối quan hệ gia đình, khi cả hai vợ chồng bị choán bởi lợi nhuận kinh tế và đặt hạnh phúc của mình chỉ ở nơi sung túc vật chất. Mối nguy của người lao động ở mọi thời là quên Thiên Chúa, để mình bị hút hoàn toàn bởi những bận tâm trần thế, với xác tín là nơi đó người ta có thể thỏa mãn mọi ước muốn. Để tránh khỏi những lạc hướng này, cần có sự cân bằng đúng mực trong làm việc, điều đó đòi hỏi gia đình biết phân định những chọn lựa giữa việc nhà và việc nghề nghiệp. Về mặt này, nguyên tắc vốn chỉ giao phó việc nội trợ và trông nom nhà cửa cho người phụ nữ có vẻ bất công. Cả gia đình phải dấn thân vào nhiệm vụ này theo một sự phân chia nhiệm vụ công bằng. Trái lại, về hoạt động nghề nghiệp, dĩ nhiên làm sao vợ chồng cần thống nhất với nhau tránh việc vắng nhà quá lâu. Tiếc thay, trong thực tế nhu cầu chu cấp nuôi sống gia đình rất thường không để cho đôi vợ chồng có thể chọn lựa một cách khôn ngoan và hài hòa.

Bỏ bê đời sống đạo đức và gia đình là đi ngược lại giới răn yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân, là giới răn mà Đức Giêsu đã chỉ ra như giới răn đầu liên và lớn nhất (x. Mc 12,28-31). Nhận ra tình yêu của Chúa Cha với mọi ơn Ngài ban, sống trong chân trời như thế là điều Thiên Chúa mong ước đối với mỗi gia đình. Nhận ra tình yêu của Cha trên trời và sống tình yêu đó dưới thế là ơn gọi riêng của mỗi gia đình.

Sự mệt nhọc là thành phần làm nên lao động. Trong thời đại hiện nay sống theo kiểu muốn “mọi sự và ngay lập tức”, việc giáo dục lao động “đổ mồ hôi” xem ra được Chúa quan phòng. Điều kiện cuộc sống trên trái đất, vốn chỉ tạm thời và luôn mong manh, cả đối với với gia đình, gắn liền với sự mệt nhọc và đau khổ, nhất là liên quan đến công việc phải làm để mưu sinh. Sự khó nhọc trong lao động trở nên có ý nghĩa và được xoa dịu khi nó được đảm nhận không phải vì lý do để làm giàu ích kỷ cho bản thân, nhưng để chia sẻ nguồn tài nguyên cuộc sống, bên trong và ngoài gia đình, nhất là với những người nghèo hơn, phù hợp với hướng chảy phổ quát của phúc lợi.

Đôi khi cha mẹ thái quá muốn tránh cho con cái mọi thứ nhọc nhằn. Họ không nên quên rằng gia đình là trường dạy lao động đầu tiên, nơi đó người ta học chịu trách nhiệm về mình và về những người khác trong môi trường sống chung. Đời sống gia đình, cùng với những việc nhà, dạy cho người ta biết quý trọng sự mệt nhọc và củng cố ý chí hướng đến phúc lợi cộng đồng và lợi ích chung.

E. Lắng nghe giáo huấn của Giáo hội

Người Kitô hữu nhìn nhận giá trị của lao động, nhưng cũng biết nhìn thấy trong đó cả những sự biến dạng do tội lỗi gây ra. Bởi thế gia đình Kitô hữu đón nhận lao động như một sự quan phòng đối với cuộc sống của mình và của những người thân trong gia đình. Nhưng gia đình phải tránh biến lao động thành một giá trị tuyệt đối và xem khuynh hướng này, một khuynh hướng khá phổ biến ngày nay, như là một trong những cám dỗ thờ ngẫu tượng của thời đại. Đó không chỉ là một xác tín khác. Cám dỗ đó áp đặt cuộc sống gia đình bộc lộ một chọn lựa ưu tiên. Gia đình phải bận tâm, như Thông điệp Laborem Exercens số 9 diễn tả, làm sao để trong “lao động, nhờ đó mà giá trị vật chất được thăng hoa, phẩm giá của chính con người không bị giảm thiểu”.

Lao động: một thiện hảo cho con người và cho phẩm giá của con người

Tuy nhiên, với tất cả sự khó nhọc này – và có lẽ, theo một nghĩa nào đó, nhờ đó – lao động trở thành một điều thiện hảo cho con người. Nếu điều thiện hảo này bao gồm dấu chỉ của một “thiện hảo khó nhọc” (bonum arduum), theo kiểu nói của thánh Tôma, điều này không làm mất tính chất thiện hảo của nó đối với con người. Và nó không chỉ là một điều thiện hảo “hữu ích” hay “sinh ích”, mà còn một thiện hảo “xứng đáng”, nghĩa là tương xứng với phẩm giá của con người, một thiện hảo diễn tả phẩm giá và làm gia tăng phẩm giá đó. Muốn xác định rõ hơn ý nghĩa đạo đức của lao động, trước hết người ta cần phải ý thức chân lý này. […]

Không xem xét điều này người ta không thể hiểu được ý nghĩa của đức siêng năng, nhất là người ta không thể hiểu tại sao sự siêng năng lại là một đức tính. Thật vậy, nhân đức, như một thái độ luân lý, là điều mà nhờ đó con người trở nên tốt xét như là con người. Sự kiện này hoàn toàn không thay đổi bận tâm chính đáng của chúng ta, là làm sao để trong lao động, nhờ đó mà giá trị vật chất được thăng hoa, phẩm giá của chính con người không bị giảm thiểu. Hơn nữa, ai cũng biết người ta có thể sử dụng lao động chống lại con người theo nhiều cách khác nhau, người ta có thể hành phạt con người với hệ thống lao động khổ sai trong trại tập trung, người ta có thể biến lao động thành một phương tiện áp bức con người, và sau cùng người ta có thể theo nhiều cách bóc lột lao động, nghĩa là bóc lột người lao động. Tất cả những điều này được đặt ra vì nghĩa vụ luân lý là làm sao nối kết đức tính siêng năng với trật tự xã hội của lao động, vốn là điều giúp con người “trở nên người hơn” trong lao động, chứ không thoái hóa vì lao động, làm tổn hao không chỉ sức khỏe thể lý (điều nay ít ra theo một mức nào đó, là không thể tránh khỏi), mà nhất là khắc ghi phẩm giá và chủ thể tính, cái thuộc về riêng con người. [Laborem Exercens, 9]

F. Câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Chúng ta có biết nâng đỡ nhau trong những nhọc nhằn nghề nghiệp liên hệ không?

2. Chúng ta có quan tâm tìm kiếm những cơ hội để cùng làm những việc lao động chân tay không?

3. Con cái chúng ta có hiểu sự nhọc nhằn của lao động và giá trị của tiền bạc kiếm được nhờ công việc và mồ hôi nhọc nhằn không?

4. Chúng ta có biết chia sẻ các thu nhập từ công việc chúng ta cả đối với những người nghèo không?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Khủng hoảng kinh tế tác động đến đời sống của các gia đình chúng ta như thế nào?

2. Trong các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta có bận tâm đến bao nhiêu người thất nghiệp, hay chỉ làm một công việc tạm bợ, ít tiền hay mất vệ sinh không?

3. Gia đình có thể thực hiện được những chọn lựa cụ thể nào để giáo dục những trẻ nhỏ biết “bảo vệ công trình thiên nhiên”?

4. Những hình thức nô lệ trong thế giới lao động còn tồn tại không? Làm sao để chiến thắng nó, đương đầu với nó và vượt qua nó?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top