Đại hội lần thứ I Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh

Đại hội lần thứ I Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh

WHĐ (6.02.2011) – Sáng 4-02 (mồng hai Tết Việt Nam), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp phái đoàn đang tham dự Đại hội toàn thể Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh, do Đức Hồng y Chủ tịch Raymond Burke dẫn đầu.

Đây là lần đầu tiên ĐTC tiếp các thành viên của Đại hội Tối cao Pháp viện từ sau khi Lex Propria (Luật riêng) dược ban hành năm 2008, cho phép Tối cao Pháp viện được tổ chức Đại hội thường kỳ “nhằm nâng cao chất lượng quản trị nền công lý trong Giáo Hội”.

Đại hội được đặt dưới sự chủ tọa của Đức Hồng y Raymond Burke, Chủ tịch Tối cao Pháp viện. Tham dự Đại hội có 50 vị, gồm các hồng y, giám mục, các viên chức và cộng tác viên của Tối cao Pháp viện.

Trong bài huấn từ, ĐTC nói: “Chức năng của Tối cao Pháp viện không giới hạn trong việc thực thi thẩm quyền tối cao về luật pháp, mà còn phải thể hiện việc quản lý đúng mực đối với nền công lý trong Giáo Hội. Đây quả là một nhiệm vụ tế nhị và liên tục, giúp các tín hữu có được một nền công lý mang tính công bằng, chính xác và hiệu quả, như Tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình yêu) đã nêu.

Cũng trong huấn từ, ĐTC nhắc lại văn kiện này tham chiếu Huấn thị Dignitas Connubii (Phẩm giá của hôn nhân), cung cấp cho các viên chức tòa án một thủ bản về các chuẩn mực vững chắc và nhanh chóng liên quan đến các vụ án hôn phối. Tối cao Pháp viện phải quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động của các tòa án của Giáo Hội tại địa phương cũng như chất lượng của các viên chức, giúp họ thực thi trách nhiệm theo đúng các tiêu chí đặt ra cho các loại án: “Tinh thần chăm lo cho công lý sẽ không được trọn vẹn nếu không có sự bảo hộ của nền pháp chế”. Vì thế ĐTC căn dặn các viên chức Tối cao Pháp viện phải cùng nhau nghiền ngẫm về pháp chế liên quan đến trường hợp error iuris (không biết luật), để đưa ra khuyến cáo với các tòa án địa phương trong các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu”.

Đức Phaolô VI đã trao cho Tối cao Pháp viện việc xử lý “các vụ tranh tụng liên quan đến những quyết định hành chính thuộc thẩm quyền các Bộ thuộc Giáo triều Rôma… Đó là một công tác có tầm quan trọng lớn lao, vì khi sử dụng các công cụ pháp lý cũng cần phải mở ra cho không gian đối thoại và khôi phục sự hiệp thông trong Giáo Hội, dù giải quyết theo hướng hòa giải hay nại đến pháp luật”.

ĐTC nhấn mạnh:

“Sự thật là phải chống lại bất công trước hết bằng những vũ khí thiêng liêng là cầu nguyện, bác ái, tha thứ và thống hối, nhưng cũng không thể gạt sang một bên khả năng và sự cần thiết phải tìm đến con đường giải quyết bằng pháp luật… Cũng có khi không thể giải quyết những tranh cãi bằng đối thoại và hòa giải. Trong những trường hợp như vậy, Tối cao Pháp viện phải hướng đến việc khôi phục sự hiệp thông trong Giáo Hội, đồng thời phải giữ cho vụ việc được khách quan, sao cho phù hợp với lợi ích của Giáo Hội… Trong các vụ án hành chính, Giáo Hội luôn mưu cầu công lý như điểm khởi đầu và là một yêu cầu tối thiểu, hướng đến Đức Ái, tuy nhiên, dù cần thiết nhưng lại chưa đủ nếu đem so với kinh nghiệm sống Đức Ái của Giáo Hội. Dân Chúa không thể đạt đến trọn vẹn căn tính của một cộng đoàn tình yêu, nếu không tính đến những đòi hỏi của công lý”.

(Theo VIS)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top