Đại hội Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam
ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM
KHÓA III (2009-2012)
* * * * *
Đại Hội LHBTTCVN Khóa III vừa được tổ chức trong hai ngày 17 và 18 tháng 9 năm 2009 tại Trụ Sở Dòng Tên Thủ Đức với sự hiện diện của gần 100 Bề Trên và các vị được Bề Trên ủy quyền, đến từ các Dòng tu, Tu hội và Tu đoàn tông đồ trong cả nước.
Đại Hội được triệu tập nhằm tổng kết hoạt động Ban Điều Hành LHBTTCVN Khóa II (2006-2009), đồng thời đề ra phương hướng hoạt động những năm sắp tới và bầu Ban Điều Hành LHBTTCVN Khóa III (2009-2012).
Ngày thứ nhất của Đại Hội - 17.09.2009
Trong ngày đầu tiên, Đại Hội đã vui mừng tiếp đón Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu, Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sĩ thuộc HĐGMVN đến khai mạc Đại Hội.
Sau lời cầu nguyện mở đầu, Linh Mục Tôma Vũ Quang Trung, Giám Tỉnh Dòng Tên Việt Nam và là Chủ Tịch LHBTTCVN đương nhiệm, đã nhìn lại tổng quát về hành trình phục vụ và nhận định về các hoạt động của Ban Điều Hành trong thời gian ba năm qua.
Qua các chuyến thăm viếng các dòng tu thuộc ba giáo tỉnh Bắc-Trung-Nam, Ban Điều Hành có dịp lắng nghe những thao thức, khó khăn, chia sẻ niềm vui và hy vọng của các anh chị em sống đời thánh hiến đang phục vụ Giáo Hội và con người, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau trên quê hương Việt Nam, một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ và thay da đổi thịt từng ngày để mở ra và hòa nhập với thế giới.
Sự liên kết trở nên hữu hình hơn qua những khóa đào tạo, học hỏi được tổ chức trên cả ba miền đất nước theo mong ước của các vị hữu trách. Đây là những dịp gặp gỡ thật đặc biệt của nhiều anh chị em sống đời thánh hiến từ các địa phương khác nhau. Những cuộc gặp gỡ này, tuy ngắn ngủi, nhưng hết sức cần thiết để giúp nhau kịp thời cập nhật những hiểu biết mới liên quan đến ơn gọi đời thánh hiến và sứ mạng phục vụ. Niềm vui trở nên lớn lao và sâu xa hơn, khi các dịp học hỏi chung lại trở thành cơ hội giúp mọi người hiểu biết nhau hơn, cùng chia sẻ và lắng nghe những kinh nghiệm, những thao thức của nhau để cùng tiến bước với nhau trên mọi nẻo đường phục vụ Thiên Chúa và nhân loại giữa một thế giới đang chuyển biến không ngừng hôm nay.
Ngoài ra, qua việc cử đại diện của Liên Hiệp tham gia các buổi hội thảo quốc tế về ơn gọi và đào tạo tu sĩ do Liên HĐGM Châu Á tổ chức tại Thái Lan và Philíppin thời gian qua, các tu sĩ tại Việt Nam cũng được liên đới và liên kết với mọi tu sĩ tại châu lục của mình trong những vấn đề nóng bỏng của thời đại liên quan đến đời thánh hiến. Những kinh nghiệm được chia sẻ và đúc kết tại các buổi hội thảo quốc tế này đã được những anh chị em tham dự viên thuyết trình lại cho các anh chị em tại quê nhà trong hai Đại Hội Tu Sĩ Toàn Quốc vừa qua được Ủy Ban Tu Sĩ thuộc HĐGMVN tổ chức tại TGM Bùi Chu và trong các khóa học chung.
Các phương tiện thông tin nhanh chóng và hiện đại cũng đã được Ban Điều hành sử dụng để góp phần kiến tạo sự hiệp thông và liên kết anh chị em các dòng tu trong cả nước với nhau sâu xa hơn qua những biến cố vui buồn, thăng trầm trong các cộng đoàn, các dòng tu, các giáo phận và Giáo Hội toàn cầu.
Những dịp gặp gỡ, trao đổi với các vị chủ chăn trong các Giáo Phận là những dịp bắc nhịp cầu liên kết, cảm thông giữa anh chị em tu sĩ với các Giám Mục để có thể dấn thân phục vụ hơn theo tinh thần linh đạo và các đặc sủng riêng của từng hội dòng. Qua đó, kiến tạo sự hiệp thông và liên đới giữa các dòng tu với các vị hữu trách về đường lối mục vụ để cùng cộng tác với nhau trong mọi hoạt động phục vụ Giáo Hội và con người.
Những hướng đi trên đây của Ban Điều Hành Khóa II được Đại Hội mong ước tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ sắp tới. Đại Hội cũng mong LHBTTCVN sớm có được tư cách pháp nhân để các hoạt động phục vụ được hữu hiệu hơn trong mối tương quan với chính quyền các cấp.
Tiếp đến, Đại Hội đã vui mừng lắng nghe Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm chia sẻ với Đại Hội về những quan tâm của ngài liên quan đến việc đào tạo tu sĩ hiện nay. Qua tiến trình đào tạo, làm thế nào để có được các tu sĩ thánh thiện, đồng thời có khả năng đáp ứng được các nhu cầu khẩn thiết của Giáo Hội và xã hội. Ngài mong ước các dòng tu dấn thân hơn nữa trong các hoạt động bác ái xã hội như một con đường loan báo Tin Mừng cụ thể và sống động, nhất là qua việc chăm sóc những người nghèo và những ai bị bỏ rơi. Ngài cũng mời gọi các dòng tu miền Nam quan tâm hơn đến các nhu cầu của anh chị em miền Bắc, nhất là những vùng sâu vùng xa đang khao khát, mong chờ sự hiện diện và trợ giúp hơn nữa của các dòng tu, tu hội, tu đoàn từ miền Nam.
Cùng ngày, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo Phận Tp. HCM, đã đến chia sẻ với Đại Hội những ưu tư của ngài về những thách đố hiện nay đang đặt ra cho anh chị em sống đời thánh hiến trong bối cảnh đất nước đang mở ra với thế giới trong hướng toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đã đi qua những giai đoạn khó khăn trước đây với những phản ứng tự vệ để sống còn. Giờ đây, khi hướng về tương lai, những khó khăn ấy không còn là những cấm đoán trói buộc từ bên ngoài nhưng là sự lôi cuốn và sức thu hút từ bên trong do bối cảnh xã hội đang mở ra với những giá trị mới mẻ, dễ làm chúng ta đi sai lạc con đường của Chúa Kitô.”
Đức Hồng Y mời gọi các tu sĩ cần liên kết với nhau và liên đới với các linh mục, với giáo dân hơn nữa trong sứ mạng phục vụ chung. Cụ thể, ngài khẩn thiết kêu gọi các Bề Trên dòng quan tâm tiếp sức cho số nữ tu ít ỏi đang kiên trì dấn thân phục vụ các bênh nhân nhiễm HIV, AIDS tại cộng đoàn Mai Linh thuộc Trung tâm Trọng điểm cai nghiện ma túy của thành phố tại Bình Phước, một công trình phục vụ tốt đẹp mà nhiều dòng tu đã từng dấn thân cộng tác trong 5 năm qua.
Sau cùng, Đức Hồng Y mời gọi anh chị em tu sĩ quan tâm học hỏi Thông Điệp “Đức Ái trong Chân Lý” (Caritas in Veritate) do ĐGH Bênêđíctô XVI vừa ban hành như một soi sáng giúp mọi người nhận định hướng đi trong những chọn lựa. Nhờ đó, có thể tìm ra những cách thức giải quyết phù hợp trước các vấn đề nóng bỏng và phức tạp trong xã hội và thế giới hiện nay theo tinh thần Tin Mừng và đường lối của Chúa Giêsu.
Ngày thứ hai của Đại Hội - 18.09.2009
Mở đầu cho chương trình ngày thứ hai của Đại Hội, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Giáo Phận Kontum, Chủ Tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng thuộc HĐGMVN, đã đến chia sẻ về những thao thức của ngài về sứ mạng truyền giáo. Ngài kêu gọi mọi người cần duyệt xét lại về sứ mạng quan trọng này, vốn là bản chất của Giáo Hội: “Trong Giáo Hội hiện nay, chỉ có việc cử hành bí tích là được coi trọng. Việc rao giảng bị coi nhẹ hơn. Còn việc bác ái thì bị coi như một hoạt động ngoại khóa, nghiệp dư, tùy thích. Hãy kiểm điểm lại ngân quỹ dành co các việc trên. Quá nhiều tiền để xây nhà thờ và tổ chức các lễ nghi. Ít tiền hơn dành cho việc rao giảng Tin mừng. Còn bác ái, thì như của dư thừa bố thí. Phải chăng vì thế mà Giáo Hội mất sức sống? Phải chăng vì thế mà Giáo Hội mất tính thuyết phục? Bác ái không phải là một bổn phận. Đó là sự sống của Giáo Hội. Quên bác ái, sự sống sẽ suy giảm.”
Với kinh nghiệm dân thấn của một vị chủ chăn trên vùng truyền giáo Tây Nguyên, Đức Cha Micae đã nhấn mạnh đến sự cấn thiết của việc đào tạo chuyên môn để công việc truyền giáo có thể đem lại hiệu quả mong muốn. Trong việc đào tạo, quan trọng hơn cả là đào tạo trái tim: “Những tác viên bác ái, ngoài việc đào tạo nghề nghiệp còn cần đến việc đào luyện con tim: họ cần được hướng dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ này sẽ đánh thức tình yêu trong họ và mở rộng con tim của họ cho tha nhân, đến độ tình yêu tha nhân đối với họ không còn là một giới răn áp đặt tự bên ngoài, nhưng đó là bước tiếp nối của đức tin. Chính đức tin đó hoạt động trong tình yêu“ (x. Thông Điệp Deus Caritas, số 31b)
Ngài đã kêu gọi các tu sĩ dấn thân vào các hoạt động truyền giáo tích cực hơn nữa vì đó là sứ mạng ưu tiên phát xuất từ bản chất của Giáo Hội. Đức Cha đã giúp mọi người đọc lại những biến cố thăng trầm trong lịch sử Việt Nam trong thời gian 60 năm qua để xác tín rằng Thiên Chúa là chủ lịch sử. Ngài dẫn dắt lịch sử để thúc đẩy Giáo Hội lên đường đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến với muôn dân trong những hoàn cảnh khác nhau. Với những kinh nghiệm sống động của một nhà truyền giáo, ngài đã khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa trong tâm hồn của các tham dự viên Đại Hội khi nêu ra những tấm gương truyền giáo sống động của những giáo dân đơn sơ, ít được đào tạo kỹ lưỡng như các tu sĩ, nhưng đầy nhiệt huyết và lòng tin. Họ sẵn sàng đón nhận những hy sinh, thiếu thốn, thiệt thòi, lên đường ra đi đem Lời Chúa đến mọi người, mọi nơi với mong ước mọi người được sống hạnh phúc hơn khi nhận biết Chúa Giêsu yêu thương và đồng hành với họ trong những thăng trầm của cuộc sống làm người hôm nay.
Đại Hội cũng đã duyệt lại và bổ sung danh sách của 30 dòng tu, tu hội, tu đoàn, sẽ đại diện cho toàn thể anh chị em sống đời thánh hiến tham dự Đại Hội Dân Chúa trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
bài liên quan mới nhất
- Cộng đoàn Bác ái Cao Thái: Lịch cấm phòng năm 2022
-
Phát quà Giáng sinh cho trẻ em và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt -
Giáo Xứ Chợ Đũi phát học bổng Mẹ Têrêsa Calcutta -
Văn phòng Ủy Ban Nhân Dân Phường 6 quận Gò Vấp đến thăm và tặng quà Mái Ấm Hà Đông -
Doanh nhân Công Giáo: Tĩnh tâm Mùa Vọng năm 2021 -
Doanh nhân Công giáo: Thư mời Tĩnh tâm mùa Vọng ngày 19-12-2021 -
Cùng thắp lên ngọn lửa Hòa bình Niềm tin và Tình yêu -
Caritas Việt Nam: Thánh lễ cầu nguyện nhân dịp phát động chiến dịch ‘Together we – Chúng ta cùng nhau’ -
Giới Y tế Công giáo TGP.SG: Tĩnh tâm Mùa Vọng 5-12-2021 -
Nội san Lửa Mến tháng 12.2021
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Caritas TGP Sài Gòn: chung tay lan tỏa yêu thương giữa đại dịch covid-19 -
Chuyên đề 150: “Xác định sứ mệnh mục tiêu cuộc đời” -
Thư ngỏ v/v kế hoạch “Mục vụ Chăm sóc các em mồ côi” -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn: Hưởng ứng lời kêu gọi cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung -
Chương trình Lan Tỏa Yêu Thương đợt 4 -
Họp mặt Di dân Phát Diệm tại miền Nam lần thứ 12