Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam lần thứ V
WHĐ (09.11.2015) – Trong bối cảnh của Năm Đời Sống Thánh Hiến, Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam đã nhóm họp Đại hội lần thứ V tại Toà Giám mục giáo phận Xuân Lộc từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 11 năm 2015 với chủ đề “Sứ mạng ngôn sứ của đời thánh hiến”. Kết thúc Đại hội, Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp đã có Bản đúc kết và Tâm thư gửi đến các Anh Chị em Tu sĩ tại Việt Nam sau đây:
***
ĐẠI HỘI LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM
LẦN THỨ V - NHIỆM KỲ 2015-2018
Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam lần thứ V – nhiệm kỳ 2015-2018 được tổ chức tại Toà Giám mục Giáo phận Xuân Lộc trong bối cảnh của Năm Đời Sống Thánh Hiến từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 11 năm 2015, với chủ đề: “Sứ mạng ngôn sứ của đời thánh hiến”.
1. Có 167 đại biểu tham dự là các Bề trên và đại diện Bề trên thuộc các đơn vị Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn Tông đồ trong toàn quốc.
2. Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam lần thứ V - nhiệm kỳ 2015-2018 vui mừng chào đón:
- Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc và Đức ông Vinh sơn Đặng Văn Tú, Tổng Đại diện giáo phận Xuân Lộc
- Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ / HĐGMVN, đã đến chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội và chia sẻ với Đại hội đề tài: Người Lãnh đạo như lòng Chúa mong ước
- Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phó giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo /HĐGMVN, đã hiện diện và chia sẻ đề tài: Sứ mạng và tu đức Lãnh đạo trong Cộng đoàn
- Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sàigòn - Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã đến chủ sự và giảng lễ Thánh lễ Bế mạc Đại hội
- Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Toà Thánh Tại Việt Nam, đã đến và ngỏ lời với Đại hội
- Đức Tổng giám mục J.R. Carballo Tổng thư ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, đã đến tham dự, chia sẻ đề tài: Cám dỗ và con đường tương lai, đồng thời trực tiếp giải đáp nhiều vấn nạn liên quan đến đời sống Thánh hiến.
3. Đại hội đã lắng nghe cha Giuse Trần Hoà Hưng, cựu Chủ tịch Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam, trình bày về Tâm thư của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam gởi Anh Chị Em Tu sĩ Việt Nam, và dành nhiều thời giờ để thảo luận trao đổi, góp ý về nội dung, hình thức của Tâm thư với ban soạn thảo, đồng thời đã biểu quyết thông qua việc gởi Tâm thư của Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam cho Anh Chị em Tu sĩ tại Việt Nam.
4. Đại hội cũng đã nghe cha Giuse Phan Trọng Quang, đại diện Ban Điều Hành Liên Hiệp, báo cáo Tổng kết hoạt động và về Quỹ tài chánh của Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam nhiệm kỳ IV (2012-2015).
5. Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng cấp Việt Nam nhiệm kỳ V đã bầu ra Ban Điều Hành mới cho nhiệm kỳ V (2015-2018) với thành phần nhân sự như sau:
Ban Thường vụ:
- Chủ tịch: Cha Giuse Phạm Thanh Liêm, Giám tỉnh Dòng Tên
- Phó Chủ tịch 1: Cha Giuse Nguyễn Văn Quang, Giám tỉnh Dòng Don Bosco
- Phó Chủ tịch 2: Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga, Giám tỉnh Dòng Đức Bà
- Tổng thư ký: Cha Giuse Phan Trọng Quang, Dòng Thừa Sai Đức Tin
Ủy viên các khối:
- Đại diện Khối Dòng Giáo Hoàng Nam: Sư huynh Phêrô Nguyễn Văn Phát, Giám tỉnh Dòng La san
- Đại diện Khối Dòng Giáo Hoàng Nữ: Nữ tu Rosa Vũ Thị Kim Liên, giám tỉnh Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ
- Đại diện Khối Dòng Giáo Phận Nam: Cha Giuse Đỗ Duy Châu, Bề trên Dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo
- Đại diện Khối Dòng Giáo Phận Nữ: Nữ tu M. Rosa Vũ Thị Loan, Bề trên Tổng Quyền Dòng Mân Côi Chí Hoà
- Đại diện Khối Tu Hội, Tu Đoàn Nam: Cha Antôn Đoàn Văn Vinh, Bề trên Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa
- Đại diện Khối Tu Hội, Tu Đoàn Nữ: Nữ tu Têrêsa Đinh Thị Bạch Huệ, Tổng phụ trách Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa
6. Đại hội đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về việc điều chỉnh quy chế của Liên Hiệp; việc tham gia Liên hiệp của các Dòng tu, Tu hội, Tu đoàn mới; việc đăng ký hoạt động cho các Dòng tu mới; về những hoạt hoạt động của Liên Hiệp trong thời gian tới; những vấn đề liên quan đến việc đào tạo và huấn luyện giới Tu sĩ, đặc biệt là đối với các Tu sĩ trẻ; đồng thời giao trách nhiệm cho Ban Điều Hành nhiệm kỳ V (2015-2018) đưa ra chương trình và kế hoạch thực hiện.
7. Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2018 đã khép lại, nhưng những thành quả và bầu khí hiệp thông huynh đệ đầy tình thân ái của Đại hội, chắc chắn sẽ đem lại cho các thành viên của Liên Hiệp và giới tu sĩ tại Việt Nam một niềm vui và một sự hứng khởi mới trong sứ vụ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân trong vai trò “đánh thức thế giới”, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy những người sống đời Thánh hiến tại Việt Nam, càng ngày càng trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.
Lm Giuse Phan Trọng Quang
Tổng thư ký LHBTTCVN
***
TÂM THƯ LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VIỆT NAM
GỬI ANH CHỊ EM SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
Anh chị em tu sĩ thân mến,
Đại hội Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2018 tại Toà Giám mục Xuân Lộc từ ngày 04 đến 06 tháng 11 năm 2015 xin được gửi tới anh chị em lời chào thân ái trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng luôn mời gọi chúng ta theo sát Người.
Nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến, chúng tôi xin chia sẻ với anh chị em một vài suy tư chân thành.
1. Hồng ân đời sống Thánh hiến
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương ban cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam nhiều ơn gọi tu sĩ, linh mục. Đó là hồng ân đặc biệt Chúa ban cho Giáo Hội, cách riêng cho các hội dòng.
a. Ơn Gọi là Quà Tặng của Thiên Chúa
Mỗi người chúng ta đã được Chúa Giêsu kêu gọi để sống với Người, học hỏi nơi Người và để Người sai đi loan báo Tin Mừng (x. Mc 3,14-15). Trong khi ấy, chúng ta cũng ý thức rõ ràng mình là những kẻ yếu đuối, tội lỗi và không xứng đáng lãnh nhận tiếng gọi của Người. Thật thế, ơn gọi Chúa ban mãi mãi là ân sủng nhưng không. Thiên Chúa luôn đi bước trước và mời gọi chúng ta cố gắng đáp trả cách xứng hợp. Ơn gọi sống đời thánh hiến không chỉ do chúng ta lựa chọn, nhưng tất cả là vì Thiên Chúa thương nhìn đến chúng ta.
b. Những yếu tố thuận lợi
Hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, số người khao khát sống đời dâng hiến đang giảm sút, thì tại Việt Nam, số lượng các bạn trẻ quảng đại dấn thân cho Chúa trong đời sống tu trì vẫn còn gia tăng. Đó là nhờ hạt giống đức tin đã được vun tưới bằng dòng máu tử đạo của các bậc tiền bối, nhờ truyền thống đạo đức của người tín hữu Việt Nam, nhờ giáo xứ và gia đình nuôi dưỡng ơn gọi sống đời thánh hiến.
c. Thách đố của ơn gọi
Bên cạnh niềm vui vì hoa trái ơn gọi phong phú, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của tinh thần thế tục trong đời sống thánh hiến. Vẫn còn đó những người đi tìm tiện nghi vật chất hơn là sống tinh thần từ bỏ của Tin Mừng, hoặc những người còn chạy theo danh lợi hơn là chấp nhận thập giá, thích phô trương hơn là sống trung thực.
Làm thế nào để trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian? Làm sao để đánh thức thế giới chứ không bị nó tục hoá? Làm thế nào để tình yêu Thiên Chúa được lan toả trong hoàn cảnh xã hội và thế giới ngày nay? Đó là điều mà bất cứ người tu sĩ nào cũng phải quan tâm.
2. Đáp lại tiếng gọi tình yêu
Lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa và lời đáp trả của chúng ta trước tình yêu ấy làm cho đời sống thánh hiến của chúng ta ngày càng triển nở và hạnh phúc, đồng thời làm lan toả niềm vui đến cho mọi loài. Đó là ý nghĩa lời Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và làm chứng rằng chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy mọi khát vọng của chúng ta. Vì vậy, mỗi lần nghĩ tưởng về ơn gọi sống đời thánh hiến, chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta niềm vui và làm cho chúng ta được trở nên chứng nhân tình yêu và lòng thương xót bao la của Chúa cho mọi người.
a. Trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu
Mỗi tu sĩ được mời gọi để ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn, khi đi theo Người và noi gương Người. Chúng ta phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người để có thể sống chết cho vinh quang Thiên Chúa. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không vì yêu thương chúng ta (x. Pl 2,6-11), thì chính người tu sĩ chúng ta cũng phải học lấy nơi Người cách sống tự hủy vì tình yêu ấy.
Đời tu của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa khi chúng ta không dám từ bỏ mình, không vác thập giá Chúa trao, không sống tự hủy và khiêm hạ, khó nghèo và cúi mình phục vụ. Tu sĩ là người có tâm hồn thật rộng lớn như Chúa Giêsu để có thể trao ban tình thương cho mọi người. Chúng ta sẽ không uổng phí một đời dâng hiến khi người khác nhìn thấy nơi chúng ta hình ảnh một Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhượng (x. Mt 11,29), hiến thân vì ơn cứu rỗi cho muôn loài.
b. Luôn mở ra với Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là tác giả của đời sống thánh hiến và là thầy dạy của mọi tu sĩ. Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần là điều kiện tiên quyết để người tu sĩ chúng ta được lớn lên và trưởng thành trong đời tu. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy luôn sẵn sàng tuân theo tác động của Chúa Thánh Thần để Người có thể canh tân tình yêu và sự sống nơi chúng ta, khơi lên trong chúng ta lòng nhiệt thành, can đảm để hiến thân cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội. Sống theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần là sống theo ánh sáng của Tin Mừng, bao hàm việc tuân giữ luật dòng, đặt mình dưới sự hướng dẫn của các vị hữu trách, luôn chạnh lòng trước những nhu cầu của tha nhân và nhận thức được các dấu chỉ của thời đại.
c. Sống triệt để căn tính đời tu
Trong thế giới tục hoá, người tu sĩ được mời gọi sống triệt để Tin Mừng Nước Thiên Chúa, bằng cách trung thành tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Chúng ta không chỉ bằng lòng với việc chọn Đức Kitô làm ý nghĩa của đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi bản thân mình nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta vâng phục để phó thác hoàn toàn cho ý muốn của Chúa Cha, thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Khi bắt chước sự nghèo khó của Đức Kitô, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để nói lên giá trị tuyệt đối của Nước Trời. Khi sống lời khấn khiết tịnh, chúng ta kết hợp trọn vẹn với tình yêu Thiên Chúa và sống cho tha nhân bằng tình yêu vô vị lợi.
d. Nhu cầu đào tạo
Để sống đúng căn tính người tu sĩ, chúng ta cần quan tâm đến các giai đoạn đào tạo. Trong những năm vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn, các hội dòng vẫn dồn công sức vào các hoạt động đào tạo ở mọi cấp và lãnh vực khác nhau, nhất là việc đào tạo các nhà đào tạo, các vị lãnh đạo cộng đoàn. Tuy nhiên, ý thức về việc tự đào tạo đã không được nhấn mạnh đủ, khiến cho kết quả chưa được mỹ mãn. Tự đào tạo bao hàm ý thức, tự do và trách nhiệm của mỗi cá nhân trước tiến trình đào tạo do hội dòng sắp đặt. Vì thế, mỗi người chúng ta cần xem lại việc tự đào tạo nơi chính mình, và các hội dòng cần tìm ra những cơ chế thích hợp để thúc đẩy mọi người trong hội dòng tự đào tạo. Cùng với ý thức tự đào tạo, chúng ta cần có kế hoạch cụ thể cho việc thường huấn trong hội dòng.
3. Triển nở và hạnh phúc trong tình yêu
Từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta được gọi để sống đời thánh hiến. Do đó, chúng ta sẽ sống bình an và hạnh phúc khi cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương, được sống theo thánh ý Ngài.
a. Sống trọn vẹn Đoàn Sủng và Linh Đạo
Hơn ai hết, chính các Đấng Sáng Lập Dòng là những người đã cảm nghiệm sâu xa tình yêu và lời mời gọi Thiên Chúa dành cho mình. Các vị ấy đã luôn nhìn về Chúa Giêsu như gương mẫu tuyệt hảo. Chúng ta cần trở về nguồn để đào sâu linh đạo và trung thành với đoàn sủng đã lãnh nhận. Thế giới ngày nay đang thay đổi không ngừng, mỗi hội dòng cần có những sáng kiến để thích nghi với thời đại và để phát huy đoàn sủng, theo ơn soi sáng và sức mạnh thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đời sống thánh hiến của chúng ta phải trở nên “làn gió mới” của Chúa Thánh Thần cho toàn thể Giáo Hội.
b. Sống mầu nhiệm hiệp thông
Giữa lòng Giáo Hội, những người sống đời thánh hiến được mệnh danh là những chuyên viên của tình hiệp thông: hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, hiệp thông giữa những con người với nhau. Sự hiệp thông đích thực được khơi dậy và phát triển là nhờ kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa, được Chúa biến đổi để sống tình hiệp thông với tha nhân. Điều này mời gọi chúng ta thiết lập tương quan huynh đệ với anh chị em trong cộng đoàn, trong Giáo Hội, liên đới với các dòng tu, hợp tác với các thành phần trong xã hội, sống tinh thần đại kết, đối thoại liên tôn.
4. Chứng nhân và ngôn sứ cho thời đại ngày nay
Người tu sĩ luôn được mời gọi sống triệt để cho Thiên Chúa và tha nhân. Vai trò ngôn sứ của chúng ta là phải nói lời Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của mình, là phản kháng những ngẫu tượng mà thế giới ngày nay đang dựng lên và tôn thờ như chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ và những trào lưu gieo rắc hận thù chết chóc.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn về tương lai mà Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị. Người sẽ cùng với chúng ta thực hiện những công trình vĩ đại. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, anh chị em hãy cùng với hội dòng mình mạnh dạn mở rộng sứ mạng phục vụ ra những vùng biên cương mới.
a. Lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và con người qua các dấu chỉ của thời đại
Đời sống thánh hiến là dấu chỉ ngôn sứ khi tỏ lộ hữu hình và đáng tin vị trí tối thượng của Thiên Chúa. Để sống dấu chỉ này, chúng ta cần học biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong Kinh Thánh, trong các biến cố đời sống, trong lịch sử và trong “tiếng rên siết của muôn loài thụ tạo” (Rm 8,22). Chúng ta cần tránh thái độ vô cảm, nhưng luôn nhạy bén trước nhu cầu chính đáng của tha nhân, tiếng kêu than của người đau khổ.
b. Ra đi làm chứng cho thực tại Nước Trời
Mỗi người, mỗi cộng đoàn phải trở thành chứng tá cho niềm vui Nước Trời, niềm vui trọn vẹn của Thiên Chúa mà chúng ta đang nhận lãnh và muốn chia sẻ. Hơn nữa, trong một thế giới vẫn còn nghèo đói, hận thù và bất công, người tu sĩ chúng ta phải làm chứng cho Nước Trời đang đến với niềm tin và hy vọng hướng về một thế giới mới “không thuộc về thế gian này”. Vì thế, chúng ta phải ra khỏi chính mình, sẵn sàng để cho Hội Dòng sai đi tới bất cứ nơi nào để loan báo Tin Mừng, ưu tiên phục vụ người nghèo, dấn thân vào việc phát triển con người toàn diện, bảo vệ nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người.
Anh chị em tu sĩ thân mến,
Chúng tôi xin cầu chúc anh chị em luôn được triển nở trong ơn gọi và hạnh phúc trong đời sống thánh hiến. Nguyện xin Chúa ban cho anh chị em một tâm hồn luôn rộng mở trước tác động của Chúa Thánh Thần để biết hướng nhìn về Chúa Giêsu, với tâm tình yêu mến, với niềm say mê trong từng giây phút hiện tại của đời thánh hiến. Cùng với lời nguyện chúc chân thành, chúng tôi xin ký thác anh chị em cho Đức Trinh Nữ Maria. Nguyện xin Mẹ Maria, người môn đệ lý tưởng của Chúa Giêsu, luôn gìn giữ tất cả chúng ta trong đời sống thánh hiến bằng tình mẫu tử của Mẹ.
Toà Giám Mục Xuân Lộc, ngày 06 tháng 11 năm 2015
Tm. Ban Điều Hành Liên Hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Chủ tịch LHBTTCVN
Lm. Giuse Phan Trọng Quang
Tổng thư ký LHBTTCVN
bài liên quan mới nhất
- Ủy ban Giáo dục Công giáo: Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng sinh 2021
-
Bổ nhiệm Giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa -
Truyền hình trực tuyến dịp lễ tấn phong Giám mục Giuse Đỗ Quang Khang -
Nghi thức tuyên xứng đức tin của Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Giuse Đỗ Quang Khang -
Thư gởi anh chị em giáo chức Công giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2021 -
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo -
Học viện Công giáo Việt Nam: Thông báo mở lại các lớp Mục vụ, Đào tạo, Ngoại ngữ -
Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh -
Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch
bài liên quan đọc nhiều
- Bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn - TP.HCM
-
Thông báo khẩn về Thánh lễ cầu nguyện trong thời gian đại dịch -
Tòa Giám mục Bà Rịa: Thông báo khẩn về việc phòng tránh dịch bệnh -
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng Niên khóa 2019-2020 -
Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép -
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa (05-05-2020) -
Danh sách trang web và mạng xã hội chính thức của Hội đồng Giám mục và các giáo phận tại Việt Nam -
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Hà Tĩnh -
Cầu nguyện cho đôi trẻ song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi -
Vạ huyền chức đối với linh mục Đaminh Nguyễn Chu Truyền