Đại sứ Croatia nói về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Zagreb

Đại sứ Croatia nói về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Zagreb

WHĐ (4.06.2011) – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ viếng thăm Croatia trong hai ngày 4 và 5 tháng Sáu 2011, trong dịp Croatia cử hành Ngày Gia đình Công giáo toàn quốc lần đầu tiên. Nhân dịp này Tracey McClure thuộc Đài phát thanh Vatican đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Croatia bên cạnh Tòa Thánh, Filip Vucak.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

– Hỏi: Xin ông cho biết về quan hệ giữa Cộng hòa Croatia và Tòa Thánh?

– Đáp: Tòa Thánh đã có những quan hệ đặc biệt với Croatia trong suốt dòng lịch sử. Tòa Thánh đã chính thức công nhận nước Cộng hòa Croatia vài ngày trước khi các quốc gia khác đã làm như vậy, trong giai đoạn khó khăn của chiến tranh, và người Croatia đánh giá cao điều đó.

Ngày nay, quan hệ giữa hai nước rất tốt đẹp, bằng chứng là trong suốt 17 năm, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Croatia ba lần và chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến Croatia lần này là lần thứ tư.

Ít quốc gia nào được viếng thăm thường xuyên như Croatia. Các Tổng thống và Thủ tướng Croatia cũng đã thăm chính thức Tòa Thánh nhiều lần, gần đây nhất là vào tháng Mười năm 2010 và Thủ tướng Croatia hiện nay -bà Jadranka Kosor- đã tham dự lễ tôn phong chân phước Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước rất tốt đẹp là nhờ 4 thoả thuận: trả lại tài sản của Giáo hội bị chiếm đoạt trong thời gian Cộng sản nắm quyền, các vấn đề về giáo dục và giáo dục tôn giáo trong trường học, và các vấn đề liên quan đến giáo phận quân đội v.v…

Các thỏa thuận này đã được ký kết cách đây 12 năm và được giám sát bởi một ủy ban chung gồm các đại diện của chính phủ và Giáo Hội. Trong giai đoạn Cộng sản nắm quyền, ở Croatia không có trường học Công giáo, ngoại trừ các chủng viện, và trong những năm gần đây một số trường Công Giáo đã được thành lập, trong đó có Đại học Công giáo Zagreb.

– Như ông nói, đây không phải là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Giáo hoàng đến Croatia. Xin ông nói sơ qua về những chuyến viếng thăm trước đây. Croatia đã thay đổi ra sao từ khi có các chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II?

– Croatia đã thay đổi rất nhiều. Năm nay Croatia kỷ niệm hai mươi năm độc lập. Chuyến viếng thăm lần thứ nhất của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1994 rất đặc biệt bởi vì đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của một giáo hoàng đến Croatia, và còn hơn thế nữa, ngài là vị giáo hoàng đã giúp cho Croatia được công nhận (là một quốc gia), và mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt tình trạng xâm chiếm, một sự mạnh mẽ mà không chính khách nào có được.

Năm 1994, chiến tranh vẫn chưa kết thúc, và một phần tư đất nước vẫn còn bị chiếm đóng. Chiến tranh chỉ cách nơi Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ cho 800.000 tín hữu 40 dặm, tại trường đua ngựa ở Zagreb.

Chuyến viếng thăm lần thứ hai của ngài năm 1998 cũng quan trọng không kém, bởi vì Đức giáo hoàng tôn phong chân phước cho Đức hồng y Stepinac tại Đền thánh Đức Mẹ lớn nhất của Croatia, Marija Bistrica. Vị chân phước là một nạn nhân của cộng sản (bị tuyên án 18 năm tù, và đã chết trong thời gian 10 năm quản chế sau đó).

Chuyến viếng thăm lần thứ ba vào năm 2003, cũng là chuyến đi thứ 100 của Đức giáo hoàng, Croatia đã vinh dự được chọn cho chuyến đi này. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng đến thăm các thành phố trên bờ biển Adriatic: Rijeka, Zadar và Dubrovnik. Với cả ba chuyến đi tới Croatia, Đức giáo hoàng đã đến thăm tất cả các khu vực quan trọng nhất của Croatia.

– Người Croatia chờ đón Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ra sao?

– Đối với người Croatia, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vào đầu tháng Sáu là một sự kiện lớn. Ước tính hàng ngàn tín hữu sẽ lần lượt đến trường đua Zagreb. 40.000 người trẻ sẽ tham dự đêm canh thức 4 tháng Sáu tại quảng trường chính của Zagreb. Cùng ngày, các nhà chính trị, các đại biểu văn hóa của Zagreb và các nhà ngoại giao sẽ gặp Đức Thánh Cha tại Nhà hát quốc gia Croatia. Ngày 5 tháng Sáu Đức Thánh Cha sẽ gặp các giáo sĩ và đọc Kinh Chiều tại nhà thờ chính tòa Zagreb.

Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp Tổng thống và người đứng đầu Chính phủ. Một phần của bài diễn văn của Đức Thánh Cha nói với tôi vào ngày 11 tháng Tư, khi tôi trình ủy nhiệm thư, tập trung vào Liên minh châu Âu (EU). Tòa Thánh, cũng như Croatia, không muốn Croatia để mất bản sắc của mình sau khi trở thành thành viên EU. Ngay cả khi chỉ là một thành viên nhỏ bé, Croatia cũng mang lại một điều gì đó mới mẻ cho EU, và một cách đặc biệt là cội rễ Kitô giáo của mình.

– Ông mong đợi Croatia trở thành thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu vào lúc nào và Croatia sẽ mang lại cho EU điều gì?

– Các cuộc đàm phán giữa Croatia và Liên minh châu Âu đã diễn ra trong sáu năm. Các cuộc đàm phán gần như đã hoàn tất - 30 trong số 35 chương đã xong và chúng tôi tin rằng các cuộc đàm phán có thể kết thúc vào cuối tháng Sáu. Trong trường hợp này, hiệp ước cho việc gia nhập sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Sau đó, hiệp ước sẽ được trình cho Quốc hội phê chuẩn - quá trình này sẽ mất khoảng mười tám tháng. Và điều này có nghĩa rằng Croatia có thể trở thành thành viên của EU vào khoảng giữa năm 2013. Nhưng có một mối nguy là mọi chuyện có thể bị trì hoãn một vài tháng.

Vấn đề chính là Chương 23 về quyền con người và hệ thống tư pháp, và nhiều tiêu chuẩn khác phải được đáp ứng. Nếu chương này được ký kết, sẽ có một đề nghị giám sát lĩnh vực này ở Croatia, dẫn đến việc kết nạp…

– Khi ông được Đức Thánh Cha Bênêđictô tiếp, ngài đã nói về quyết định của Quốc hội Croatia công bố năm 2011 là “năm Boskovic”. Nhà khoa học Croatia thuộc Dòng Tên này đã có một mối quan hệ đặc biệt với Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma. Sự thể ra sao?

– Năm nay chúng tôi kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Boskovic. Boskovic sinh tại Dubrovnik, ông đã sống phần lớn cuộc đời tại Italia và được an táng trong một nhà thờ ở Milan. Khoảng giữa thế kỷ 18, nhà khoa học thiên tài này - cùng với hai nhà toán học Pháp và dưới sự bảo trợ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV - đã giúp khắc phục các vết nứt của mái vòm Đền thờ Thánh Phêrô. Ông đã giúp bảo vệ kiệt tác của Michelangelo. Một tập sách nhỏ 40 trang viết bằng tiếng Ý cho biết về công trình này... Trong đó, ông giải thích dự án cứu mái vòm, và sau đó, nhà toán học vĩ đại này đã cho biết trọng lượng chính xác của mái vòm Đền thờ.

– Nặng bao nhiêu?

– Bốn triệu tám mươi mốt ngàn bốn trăm sáu mươi mốt kilôgam. Vì thế, đến cuối năm nay, chúng tôi muốn tổ chức một hội nghị chuyên đề về Boskovic tại Đại học giáo hoàng Gregoriana, nơi chính ông đã giảng dạy. Chúng tôi cũng dự định tổ chức một cuộc triển lãm và hội nghị chuyên đề gồm người Croatia, người Công giáo và những người khác biết rõ công trình của Boskovic và nếu được, chúng tôi cũng muốn đặt một tấm bảng tưởng niệm ngay trên vòm nhà thờ hoặc ở Vatican, để kỷ niệm công trình của Boskovic và đặc biệt là nỗ lực của ông bảo vệ mái vòm.

(Nguồn: radiovaticana.org)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top