Đan Viện Cát Minh: 150 năm trên đất Sài Gòn

Đan Viện Cát Minh: 150 năm trên đất Sài Gòn

WGPSG -- Vào lúc 17g30 thứ bảy 19-3-2011, Đan Viện Cát Minh đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn Chúa để mừng kỷ niệm 150 năm Hội dòng hiện diện trên đất Sài Gòn. Thánh lễ do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận TP.HCM chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám mục Bắc Ninh, Đức cha phụ tá Xuân Lộc và 36 linh mục. Tham dự Thánh lễ có đại diện các dòng tu, các chủng sinh và giáo dân trong ngôi nhà nguyện cổ kính của Đan Viện.

Vào đầu Thánh lễ, người dẫn lễ đọc sắc lệnh Toà Thánh công bố Năm Thánh của Đan viện Cát Minh Sài Gòn. Thánh lễ sau đó thật sốt sắng trong lời kinh tiếng hát của cộng đoàn, và đặc biệt của ca đoàn Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres.

Trong Bài giảng, ĐHY nhắc nhở mọi người noi gương trẻ Giêsu sống đạo Hiếu, noi gương Thánh Giuse suy nghĩ và hành động theo ý Chúa để vươn tới con người thành toàn theo hình mẫu là Đức Giêsu.

Cộng đoàn dâng lễ đã hết lòng tạ ơn Chúa đã cho hiện diện giữa Thành phố Sài Gòn hoa lệ một “Nhà kín” rất thánh thiện. Cộng đoàn đặc biệt cầu xin Chúa ban mọi ơn lành cho các nữ tu của Đan viện Cát Minh Sài Gòn.

Đan viện Cát Minh Sài Gòn nằm dọc theo con đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM. Con đường này đã từng được lần lượt mang tên: Boulevard de la Citadelle, Boulevard Luro, Cường Để, Đinh Tiên Hoàng, và bây giờ là Tôn Đức Thắng. Đan viện là một trong ba cơ sở lớn của Giáo Phận cùng nằm trên đường Tôn Đức Thắng, cùng được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 18 dưới thời Đức Cha Dominique Lefèbvre (Giám Mục đại diện tông tòa của Điạ phận Tây Đàng Trong): Dòng Thánh Phaolô (1860), Đan Viện Cát Minh (1861) và Đại Chủng Viện Thánh Giuse (1863).

Việc thiết lập Đan viện Cát Minh trên đất Sài Gòn xuất phát từ giấc mơ của ĐGM Lefèbvre, khi ngài đang chịu tù đày tại Huế. Trong giấc mơ, Thánh Têrêsa Avila hiện đến và nói với Đức cha rằng: “Hãy thành lập Dòng Kín trên đất Annam, vì nhờ đó Thiên Chúa sẽ không ngừng được phụng sự và vinh quang”.

Năm 1849, sau khi ra khỏi tù, Đức cha Lefèbvre đã viết thư cho người em họ là nữ tu Philomène, bày tỏ ước muốn thành lập dòng Kín Cát Minh tại Sài Gòn. Khi bức thư của Đức cha đến Lisieux, mọi người trong Đan viện rất đỗi vui mừng. Mẹ Geneviève de Sainte Thérèse, bề trên của Dòng Kín Lisieux, đã truyền dạy chị Philomène viết thư hồi âm cho Đức cha Lefèbvre ngay lập tức và xác định với ngài rằng, ước nguyện của Đức cha hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng cần phải đợi cho việc bách hại đạo Chúa tạm lắng dịu tại “đất An Nam” này (Fondation du carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 18).

Đức cha Lefèbvre và các nữ tu Cát Minh tại Lisieux đã phải trải qua 10 năm (1849-1859) chờ đợi và lo lắng. Cho đến một hôm, nhận thấy tình hình bách hại đạo ở Đàng Trong đã lắng dịu, Đức cha Lefèbvre viết ngay một lá thư thông báo cho Dòng Kín Lisieux. Đức cha đề nghị các Nữ tu Thừa sai Cát Minh nhanh chóng chuẩn bị những gì cần thiết cho cuộc hành trình.

Lúc đó, Đan viện Lisieux được thành lập chỉ mới 12 năm (1838-1849). Cuộc sống của Đan viện Lisieux vẫn đang trong giai đoạn khai sinh. Việc đáp lại lời mời gọi của Đức cha Lefèbvre, để thiết lập một Đan viện mới tại Sài Gòn, quả là một hành động dũng cảm, vì Sài Gòn là một vùng đất xa xôi, nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt, lại vừa trải qua thời kỳ bách hại đẫm máu.

Ngày Chúa nhật 30-6-1861, Mẹ Geneviève chính thức sai bốn chị em đến Việt Nam, đó là: Philomène de l’Immaculée, Marie Baptiste, Emmanuel và Saint Xavier.

Sau hành trình kéo dài 4 tháng 9 ngày lênh đênh trên biển, các nữ tu đã đến Sài Gòn. Mẹ Philomène tâm sự: “Chiều ngày 8-10, tàu đến sông Sài gòn, nhưng vì gặp nước triều đang xuống, tàu Japon phải neo đậu lại ở cửa sông, chờ đến hôm sau khi nước lên mới có thể vào cảng Bến Nghé... Khoảng 10 giờ sáng ngày 9-10-1861, chúng tôi diễm phúc đặt chân lên mảnh đất An Nam, nơi đã được nhuộm thắm máu các anh hùng Tử đạo, đây là mảnh đất chúng tôi sẽ chọn làm quê hương và mến yêu hết lòng!” (Fondation du Carmel de Saigon par le Carmel de Lisieux, Imprierie Française d’Outre-Mer, 1951, trang 26-27)

Mẹ Philomène kể lại bước đầu tại Sài gòn như sau: “Khi ấy, cha Croc (được cử làm Tuyên úy Dòng Kín và Dòng thánh Phaolô thành Chartres tại Sài Gòn) và Mẹ Benjamin (bề trên tiên khởi Dòng Thánh Phao lô vùng Đông Nam Á) đi xuồng máy ra đến tận tàu lớn đón rước chúng tôi. Khi bước lên bờ, cha Poret, người được Đức cha cử đến bến cảng chờ đón chúng tôi cũng đã hiện diện”.

“Chúng tôi được đưa đến Tòa Giám mục, tại đây, Đức cha đang nóng lòng chờ đợi cuộc gặp mặt… Sau đó, chính Đức cha đã đưa chúng tôi đến ngôi nhà mà ngài đã chuẩn bị sẵn (nằm ở khu vực Chợ Cũ Bến Thành hiện nay)… Ngôi nhà rộng vừa đủ, ở giữa có đường đi phân chia ngôi nhà làm hai gian: một phần dành cho các Nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres dùng tạm làm nhà mồ côi, phần còn lại dành cho chị em chúng tôi.”

Vạn sự khởi đầu nan, các nữ tu tiên khởi đã trải qua bao thử thách và khó khăn, đặc biệt là sự khác biệt về ngôn ngữ.

Vài hôm sau khi đến Sài Gòn, Mẹ Philomène cùng nữ tu Cát Minh được đưa đi xem khu đất mà Đức cha chỉ định cho Dòng Cát Minh. Khu vực này nằm đối diện với Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn và Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Chính tại địa điểm này, Nhà Kín Cát Minh Sài Gòn được xây dựng và phát triển đến ngày nay.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được thiết lập, Đan viện Cát Minh Sài Gòn vui mừng đón nhận thành viên người bản xứ đầu tiên tên là Nam, cùng năm thiếu nữ khác. Các thiếu nữ này được chính thức gia nhập ngày 15-1-1862.

Khi Đan Viện Cát Minh đã hiện diện trên vùng đất Sài gòn được ba năm (1861-1864), thì Đức Cha Dominique Lefèbvre, tổ phụ của Đan viện Cát Minh Sài Gòn, được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức vì lý do sức khỏe. Rời Sài gòn vào cuối năm 1864, Đức Cha Lefèbvre xuống tàu đi Rôma để triều yết Đức Giáo Hoàng và báo cáo cho Tòa Thánh tình hình của Giáo Hội Việt Nam cũng như về Giáo Phận Tây Đàng Trong, là giáo phận đã được trao phó cho ngài coi sóc suốt 20 năm. Sau đó, Đức Cha trở về Pháp, đến trụ sở truyền giáo tại Marseille và qua đời tại đây vào ngày 30-4-1865.

Được xây dựng từ số gạch và gỗ cũ, nên chỉ một thời gian ngắn, do mối mọt và mưa gió bão táp, ngôi nhà nguyện Dòng Cát Minh Sài gòn đã bị sập. Một phần vách rào bên ngoài cũng bị ngã đổ vì nhà nước khi ấy đang cho ủi đất làm đường sát chân bờ tường của Đan viện. Vào thời điểm này, Đô đốc Grandière đang làm Nguyên Soái Nam Kỳ. Nghe tin vách tường của Dòng Kín bị sập, chính ông đã đến hiện trường để xem xét và đồng ý bồi thường cho Nhà Dòng để sửa chữa lại tường rào. Sau đó, ông đã ký chi cho một số tiền khá lớn, đủ để xây dựng ngôi Nhà Nguyện mới. Cũng chính nhờ ông mà giấy tờ nhà đất của nhà Dòng Kín đã được Nhà nước cấp trao chủ quyền cách đầy đủ. Ông cũng cho phép Dòng Cát minh làm Đất thánh trong khu nội vi của Đan viện để làm nơi an nghỉ cho các nữ tu qua đời.

Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng mới được cử hành trọng thể do Đức cha Jean Claude Miche (tên Việt là Mịch) chủ sự ngày 8-10-1867. Công trình kéo dài nhiều năm, từ thời Đức cha Jean Claude Miche (qua đời ngày 1-12-1873) đến thời Đức cha Isidore Colombert, ngôi nhà mới của Đan viện đã được khánh thành vào ngày 9-12-1876. Mẹ Philomène kể lại: “Hai ngàn người chen chúc nhau trong nhà thờ, còn ở phía ngoài đại lộ, hơn 300 chiếc xe đậu chật hết đường đi. Đức cha Isidore Colombert Mỹ chủ sự Thánh lễ, ngài vào trong nội cấm làm phép và xức dầu trên các bức tường của Ca triều.”

Sau khi xây xong Đan viện Cát Minh Sai Gòn, Mẹ Philomène muốn cho đời sống và linh đạo Cát minh được lan rộng đến các xứ sở khác. Trước khi lìa đời, Mẹ đã toại nguyện khi thấy Đan Viện Cát Minh Hà Nội được thiết lập vào năm 1895.

Ngày 23-7-1895, Mẹ Philomène đã qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, sau 52 năm sống đời tu dòng, trong đó có 32 năm tại Đan Viện Cát Minh Sài Gòn. Mẹ được an táng tại nghĩa trang của Đan Viện.

Từ đó đến nay, đã có nhiều thế hệ nữ đan tu sống đời tận hiến trọn vẹn cho Chúa trên mảnh đất này. Và hôm nay, nhìn lại đôi dòng lịch sử của Đan Viện Cát Minh trong 150 năm đã qua để ghi nhớ công trình của các Đấng sáng lập và tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban cho Đan Viện, cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam, như lời cầu chúc của Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn: «Ước gì Năm Thánh kỷ niệm MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NĂM thành lập Đan Viện Cát Minh Sài Gòn trở nên phương tiện để nguồn ân sủng của Thiên Chúa được tuôn đổ dồi dào trên Giáo Hội và Quê hương Việt Nam, trên Giáo phận chúng ta và trên Đan Viện của Chị em. Ước gì, qua chứng từ của một đời sống toàn hiến cho Thiên Chúa để cầu nguyện cho Giáo Hội, cho thế giới, đặc biệt cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam, mọi người có thể nhận ra rằng: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 16). Chính Ngài là Đấng Toàn Năng. Chỉ mình Ngài có thể làm no thỏa khát vọng về chân lý, an bình, hạnh phúc và tình thương nơi tâm hồn mọi người."

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top