Đâu mới là một xã hội học tôn giáo đúng nghĩa?
Có những nhà xã hội học cho rằng tôn giáo sinh ra từ sự ngu dốt của cổ nhân : hoảng sợ trước những hiện tượng tự nhiên gớm ghê như sấm sét, người ta đã biến chúng thành thần : thần sấm, thần sét, sóng thần, v.v… Nay thì với khoa học, con người đã giải thích được tất cả, nên quỷ thần cũng hết chỗ đứng luôn. Ngược lại, 1oài người như một tổng thể, bằng hiểu biết và khả năng kiến tạo của mình, sẽ trở thành toàn tri và toàn năng như Thiên Chúa, sẽ trở thành chính Thiên Chúa.
Thế nhưng rồi khoa học lớn mạnh lên và phổ cập rộng rãi, mà quỷ thần và tôn giáo vẫn không lui bước. Và tại những nước tiên tiến như Pháp, người ta tiếp tục chi ra hằng triệu triệu eurô mỗi năm cho cả những điều mê tín như bói toán chẳng hạn.
Tín ngưỡng là một hiện tượng nhân bản và xã hội, nó sinh ra với loài người và sẽ tồn tại bao lâu còn giống người. Vì thế, các khoa học nhân văn không thể không đếm xỉa đến nó, không thể không tìm hiểu về nó một cách nghiêm túc. Nhất là khi ngày nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan nổi lên khắp nơi, cuốn cả thế giới vào một cơn lốc xoáy như không lối thoát. Làm sao cả ngàn vạn chàng trai, dù bị lừa dối chăng nữa, có thể dễ liều thân đánh bom tự sát như vậy? Vâng, cần phải đào sâu đến nền tảng của cái sức mạnh ấy, cũng là nền tảng thực của tôn giáo nơi chính bản chất con người.
Xã hội học tôn giáo hôm nay
Xã hội học vừa khai sinh đã tập trung ngay vào hiện tượng tôn giáo. Đầy phấn khởi khi ấy trước sức mạnh như vô biên của khoa học, những người như Auguste Comte cho rằng khoa học có thể lý giải mọi vấn đề, đồng thời coi tôn giáo chỉ như một cố gắng giải thích tiền khoa học về các sức mạnh thiên nhiên.
Đề cao khoa học, các nhà xã hội học thời ấy cũng đề cao vai trò của loài người như một tổng thể. Theo Émile Durkheim, cái tổng thể người hay xã hội đó có những đặc điểm riêng, chúng không chỉ là tổng số đặc điểm của các cá nhân gom lại. Vâng, ý thức tập thể liên kết những cá nhân thành một khối chắc nịch, thành một thứ bản thể (substrat, substance) nó không chỉ là tổng số những cá thể. Và xã hội ấy, theo E. Durkheim cũng như theo A. Comte, tự nó có một sức mạnh không giới hạn. Ngay tín ngưỡng cũng là do xã hội cổ thời tạo nên, nhằm bảo vệ truyền thống của mình. Quả thế, cái gì là tục, là thiêng, đều do xã hội thiết định mà thành như thế cả.
Lúc ra đời của khoa học cũng là lúc thế quyền tách khỏi giáo quyền, và các nhà xã hội học tiên báo : Tôn giáo đang trên đà suy vong, sự suy vong nó mang tên Thế tục hóa (sécularisation), và đây là tiến trình bất khả hồi phản! Quả thế, tôn giáo đã thuộc quá khứ, và không cần bận tâm về nó nữa.
Thế nhưng rồi tôn giáo vẫn tồn tại, dù giữa lòng Châu Âu văn minh. Riêng Kytô giáo thì đã bành trướng sang cả Châu Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Á. Nên ngày nay các nhà xã hội học Anh Mỹ, trở nên thực tế hơn, bắt đầu nghiên cứu tôn giáo một cách nghiêm túc khi đã nhìn tôn giáo bằng cặp mắt khác: người thì đưa ra những nhận định tổng quan về tôn giáo, kẻ lại tìm hiểu tách lẻ về một tôn giáo hay giáo phái nào đó. Rodney Stark chẳng hạn cho rằng tôn giáo đã tái xuất giang hồ. Thay vì coi tôn giáo như một hiện tượng ngoại lý như Châu Âu xưa, trường phái của ông cố giải thích sự hưng suy của mỗi tôn giáo hay giáo phái bằng những nguyên nhân hợp lý. Quả thế, Rodney Stark đã mang các phạm trù kinh tế vào giải thích. Và đây là luật cung cầu cùng với sự chọn lựa hợp lý của khách hàng. Đây cũng là sự cạnh tranh giữa các nhóm (tôn giáo) khi họ cố đưa ra những món hàng đa dạng và có chất lượng hơn.
Theo họ, vào những thế kỷ XVII-XVIII bên Châu Âu, chuyển động cải cách (réforme) của Tin Lành đã sinh ra đối cải cách (contre-réforme) của Công giáo qua công đồng Tridentinum, đi đôi với những sáng kiến cá nhân hầu chiếm lại thị phần đã mất. Và đây là việc thành lập các chủng viện nhằm huấn luyện tốt đội ngũ cán bộ giáo sỹ. Đây còn là sự nở rộ các dòng tu, nhất là sự ra đời của những dòng hoạt động họ đi truyền giáo ở phương xa hay tái huấn luyện giáo dân ở những vùng đất cũ. Đồng thời với các dòng tu hoạt động, cũng xuất xưởng những phong trào giáo chúng như Công giáo tiến hành, Nghĩa binh Thánh Thể, Hiệp hội Thánh mẫu đi đôi với sự quảng bá phép Lần hạt Mân côi,v.v… Với một chợ trời nhiều mặt hàng và hàng hóa đa dạng đến thế, người dân có rất nhiều chọn lựa, khiến cho Kytô giáo La mã trở nên hấp dẫn hơn.
Sức mạnh nói trên của Công giáo cũng lộ rõ ngay cả bên các nước Hồi giáo khắt khe như An giê ri và Ả rập Xê út, ở đó, người ta muốn áp dụng luật Shari’a một cách nghiêm ngặt ngay trong thời đại dân chủ hôm nay, nó gồm điều khoản tử hình dành cho tội phản bội (tức cải đạo Hồi sang đạo khác, có ý nhắm KTG và Ba tư giáo). Cấm cải đạo sang Công giáo ngầm nói lên sức hấp dẫn mới của Công giáo!
Tôn giáo không phải là một thể tĩnh, nhưng động. Từ đạo Ba tư đã phát sinh Minh giáo bên Tàu, rồi đạo Ba hai gần đây; cũng như từ Do thái giáo đã nổi lên Kytô giáo, rồi Hồi giáo. Vừa mới ra đời, KTG đã phủ kín vùng Địa trung hải cùng với Trung đông và Châu Âu, lan sang tới Ấn Độ ngay vào thời tông đồ, tới Trung quốc vào khoảng thế kỷ V, để rồi phổ biến khắp Mỹ châu, Úc châu, Á châu, Phi châu với đợt truyền giáo mới được phát động vào thế kỷ XVI-XVII. Trong khi ấy, xuất phát từ Medina và Mekka vào thế kỷ VII, Hồi giáo đã sớm bành trướng khắp Vùng Vịnh, Phi Châu và Bắc Á, Đông Nam Á.
Đó là về mặt nổi, còn ở mặt chìm, tôn giáo đã biến đổi hẳn con người để làm nên văn minh KTG nơi các nước Âu Mỹ, văn minh Phật giáo bên Lào, Tây Tạng và Thái Lan,v.v…Nhất là khi tu hành ra đời, nó đã sản sinh rất nhiều bồ tát hay thánh sống từ những con người bằng xương, bằng thịt. Vâng, tôn giáo mang một sức năng động dị kỳ, khiến nó phải là đối tượng của một xã hội học động, một xã-sử học (historico-sociology). Thật ra, xã sử học đã manh nha phần nào trong cái nhìn xã hội học thời đầu, khi người ta đề ra một hướng tiến, -dù sai lệch-, cho tôn giáo, theo đó thì tôn giáo đã bắt đầu bằng đa thần, qua độc thần, để cuối cùng lấy tập thể loài người làm đối tượng chiêm bái.
Để tìm ra nguyên nhân của sức năng động tôn giáo dũng mãnh ấy, người ta cần đào sâu vào bản tính con người : làm sao con người lại sợ ma, và chỉ con người mới biết thần thánh hóa các sức mạnh thiên nhiên, chứ không phải con mèo hay con khỉ?
Nguồn gốc tôn giáo nơi bản chất con người
Theo Auguste Comte, với khoa học phát triển, thì thần thánh cũng hết đất sống luôn. Thế nhưng rồi khoa học đã tiến tới ranh giới hoàn vũ bằng vật lý thiên văn, tới nền tảng vật chất bằng vật lý lượng tử, tới nguồn gốc sự sống bằng sinh học phân tử, mà tôn giáo vẫn trơ trơ ra đó. Đúng là vào khoảng thế kỷ XVI-XVIII, một khối KTG tách khỏi La Mã, nhưng họ lại làm nên các giáo phái Tin Lành. Đúng là có hiện tượng thế tục hóa, nhưng chính nhờ đó Công giáo cũng trở nên bớt thế tục hơn, nghĩa là đúng tôn giáo hơn. Và giữa lúc Công giáo bị điêu đứng về nhiều mặt, thì bên trong Giáo hội lại nở rộ nhiều dòng tu lớn và xuất hiện nhiều vị thánh lớn như Tiên sa Avila và Gioan Thánh giá, như Ignace de Loyola và Phan sinh Xaviê,v.v… Thế rồi giữa thế kỷ XX, ngay tại đất nước văn minh vào bậc nhất là Hoa kỳ, rất nhiều thanh niên, thiếu nữ lại hướng về đời sống chiêm niệm, thích giam mình sau bốn bức tường đan viện khắc khổ.
Thế nghĩa là không phải sự ngu dốt đã đẻ ra tôn giáo, mà học vấn cao chỉ khiến tôn giáo được thanh lọc để trở nên trong sáng, do đó cũng cao sâu hơn. Thế nghĩa là thiêng hay tục không phải do xã hội thiết định, vì nếu nơi người bán khai, thiêng là ngày rằm hay cây đa, thì nơi người hiểu biết, thờ Trời hay Phật lại cốt ở tâm, chứ không ở hình thức nữa. Vâng, thiêng hay tục nằm ở bản tính con người, con người ấy vừa hướng chân do khả năng phân biệt thật giả, vừa hướng thiện do khả năng phân biệt thiện ác, vừa hướng linh do khả năng phân biệt tục thiêng.
Quả đúng là do bản chất, con người có cảm thức tục thiêng, với tục thiêng như hai cái gì kỳ dị, lại hết sức đối nghịch nhau, nhờ đó mà ai nấy đều biết sợ ma, và người ta tìm thấy dấu vết tín ngưỡng dù sâu dưới những lớp đất tiền sử của giống người, như cái rìu nhỏ khoen lỗ để đeo làm bùa, như những đầu lâu đặt xung quanh để canh giữ trại, như hình vẽ gấu, cọp bị xiên đâm trên vách hang để yểm,v.v…
Theo F. Schleiermacher (1768-1834), cái thiêng tự nó mang một sức mạnh huyền kỳ, mà hễ tiếp xúc với nó là con người cảm thấy mình bị biến đổi ngay. Nghiền ngẫm về điều mà Schleiermacher phát hiện, giáo sư Rudolph Otto viết nên tập sách bất hủ Das heilige (1917) với bản dịch Anh văn là The idea of holy và bản dịch Pháp văn là Le sens du sacré (Cảm thức thần thiêng). Trong tập sách ngắn gọn này, ông phân tích tỉ mỉ về thứ cảm nghiệm mà chính Durkheim phải nhìn nhận là vô cùng khác lạ ấy. Vâng, cảm thức thần thiêng trước tiên là thứ cảm giác ớn lạnh, ớn bằng một thứ sợ không giống bất cứ thứ sợ nào khác. Và sợ một điều huyền bí không giống sự bí hiểm của một câu đố hay bài toán hóc búa, bởi dù hóc búa hay bí hiểm đến đâu, người ta vẫn tin có một giải đáp, chứ ở đây thì không. Cảm thức thần thiêng cũng mang theo nó một sức mạnh đến như mê hoặc, khả dĩ cuốn tôi vào một hành động liều lĩnh hay vào một tu luyện cam go, khắc nghiệt nhất.
Theo sau Rudolph Otto, giáo sư Mircea Éliade, chuyên gia về các tín ngưỡng bán khai hay cổ thời, quả quyết rằng tôn giáo tố, bằng huyền thoại và nghi lễ, đã cấu trúc lại thế giới này thành một thế giới thiêng liêng, nhờ đó hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Quả thật với loài người, thế giới không chỉ có bộ mặt hình lý (physique) được diễn tả bởi khoa học, mà nó còn là một trật tự thiêng liêng được nói lên bằng huyền thoại vốn là ngôn ngữ riêng của tín ngưỡng. Do đó, chỉ tôn giáo mới có thể cung cấp cho ta một gốc nguồn thần thánh mà, quy chiếu về đấy, con người có thể sống vững và có ý nghĩa cuộc sống hiện tại của mình.
Nói tóm lại, không phải tín điều và nghi lễ làm nên cái sườn của tôn giáo. Nền tảng căn yếu của tôn giáo là, và chỉ là cảm thức thần thiêng, khiến mất nó thì tôn giáo chỉ còn là cái xác không hồn hay cái khung rỗng làm nên bởi một mớ giáo lý và hình thức nhàm chán, trong khi có nó thì dù quốc gia cũng trở thành tổ quốc thiêng liêng, dù chủ nghĩa cũng nhuốm mùi tôn giáo khiến ngưới ta có thể chết vì nó.
Cảm thức thần thiêng khiến cho tôn giáo không còn là một hiện tượng thuần túy tự nhiên, do đó xã hội học tôn giáo xem ra cũng không thể là một khoa học đơn thuần được nữa. Nghiên cứu tôn giáo, nhà khoa học, vốn lấy quan sát và kinh nghiệm làm kim chỉ nam, không thể không đi vào bầu khí thực sự tôn giáo để nghiệm và hiểu cho đúng. Mà bầu khí thực sự tôn giáo luôn là bầu khí thiêng liêng, được cảm thức thần thiêng cấu trúc thành. Vậy, cũng như tâm lý gia không thể hiểu tâm lý con người nếu không nội quan chính mình, thì nhà xã hội học tôn giáo cũng không thể hiểu sâu tôn giáo nếu không tự thiêng liêng hóa tâm hồn mình bằng cách dấn thân vào chính môi trường thiêng liêng của tu luyện và cầu nguyện tập thể.
Những yếu tố vượt tự nhiên của tôn giáo
Dẫu sao, cảm thức thần thiêng, dầu với hương vị khác lạ của nó, cũng còn thuộc bản tính tự nhiên của con người. Chứ những hiện tượng như Cha Piô, với sự thấu thị khiến người đối diện phải ngỡ ngàng, với thân nhiệt làm nổ tung nhiệt kế bệnh viện quân y mà không chết, với năm dấu thánh đau đớn suốt nửa thế kỷ mà vẫn bình an, thì không thể giải thích chỉ bằng nguyên nhân tự nhiên được nữa[1]. Thế rồi còn huyền nghiệm, và những hiện tượng như xuất thần và khinh thân (lévitation) kèm theo đôi phen. Một nhà khoa học sống đúng tinh thần khoa học, không thể không nhìn nhận giới hạn của khoa học cũng như nhìn nhận có những nguyên nhân không tự nhiên cho những hiện tượng nói trên. Và do đó cần đến một xã hội học thiêng liêng cho xã hội học tôn giáo đúng nghĩa. Xã hội học thiêng liêng này trùng lẫn với thần học. Và như thế thần học phải mở ra một ngành chuyên nghiên cứu về xã hội (thiêng liêng), cũng như một ngành chuyên nghiên cứu về tâm lý (thiêng liêng) luôn.
Có điều nói đến thần học là phải nói đến niềm tin, mà niềm tin không thể như nhau trong những tôn giáo khác nhau. Thế có nghĩa là có một triết lý (hay thần học) về xã hội cho KTG và một triết lý về xã hội cho Phật giáo...
Thật ra trong Công giáo, đã có khoa thần học về Giáo hội hay Giáo hội học rồi. Có điều Giáo hội học còn đóng khung trong Giáo hội, mà một khoa xã hội học (theo) KTG đúng nghĩa thì phải hướng về toàn thế giới này.
* * *
Với xã hội học KTG, loài người được sinh ra trong định mệnh siêu nhiên, có nghĩa là nếu sống thuận với lương tri mình trong cuộc đời hiện tại, thì linh hồn cũng được nâng lên trong ân sủng siêu nhiên để sau này chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Hơn thế, Thiên Chúa còn can thiệp vào lịch sử để hướng dẫn và cứu giúp loài người, và cuối cùng, can thiệp bằng chính mình khi Lời Thiên Chúa giáng thế làm nghười, và bằng cái chết, cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, đồng thời quy kết chúng ta thành một “xã hội” siêu nhiên của những người con Thiên Chúa, con nơi Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kytô. Và xã hội hay cộng đồng ấy không chỉ thành một thực thể mong manh do ý thức tập thể[2] làm nên như Durkheim nghĩ, mà còn thành một thứ Thân mình nối dài của Giêsu Con TC, một thứ bán bản thể (semi-substance) thiêng liêng nào đó gọi là Huyền thân Chúa Kytô, với Thánh Thần như linh hồn cách nào đó của Thân mình này. Và như vậy, đã có một Huyền nhiệm xã hội hay Huyền nhiệm cộng đồng (Mystique sociale, Mystique communautaire) rồi. Nhờ thế mà chúng ta thật sự hiệp thông thiêng liêng với nhau, ảnh hưởng thiêng liêng trực tiếp đến nhau và liên hệ vô cùng thân mật với nhau trong Đức Ái Chúa.
Con Thiên Chúa làm người không chỉ để cứu một nhóm người, mà cứu toàn loài người, để loài người trở nên Tân Eva hoàn hảo cho một Tân Adam là Giêsu Kytô toàn mãn. Nên khi Ngôi Lời giáng trần, thì xã hội bắt đầu có một hạt nhân : hạt nhân này trước hết là Đức Giêsu Kytô, rồi tiếp theo là Thân mình nối dài của Ngài : Giáo hội. Giáo hội này, tức cộng đồng Kytô hữu chúng ta, phải tiếp tục sứ mạng Chúa Kytô là vác thập giá, để mỗi người tùy phần ân tiếp nhận mà chung xây Thân mình Chúa Kytô cho đến hoàn chỉnh (Eph.4.12-13).
Như thế, cái nhìn xã hội học KTG mang tính cánh chung quan (eschatologique), nghĩa là Giáo hội được cuốn đi trong một cơn lốc về phía tròn đầy (plerôma) ở cuối đường lịch sử, và cả loài người cũng được cuốn theo trong cùng cơn lốc đó. Vâng, hướng cánh chung quan không chỉ áp dụng cho từng cá nhân, cho riêng nội bộ Hội thánh, mà còn cho toàn loài người nữa. Theo hướng tiến này, thì dù sự đa dạng tôn giáo có tiếp tục tồn tại trước tận thế, thì loài người nói chung và các tôn giáo vẫn được Kytô-hóa cách nào đó dần dần, để cuối cùng chỉ còn một Eva hoàn mỹ cho một Tân Ađam là Chúa Kytô.
Nói thế có phải là quá lạc quan hay không, khi mà chiến tranh vẫn khốc liệt và con người ngày càng trở nên tà quái? Quả là loài người vẫn tiếp tục chia đôi chánh, tà. Thế nhưng nếu con người ngày càng tinh quái hơn, thì khả năng thành đại thánh và tiến tới những huyền nghiệm cao sâu nhất cũng chỉ xuất hiện từ một hai ngàn năm nay thôi. Nếu số luợng là tính chất (tùy thể) căn bản của vật chất, thì phẩm chất mới là quan yếu nơi con người. Và tiến bộ về phẩm chất cũng vậy. Thế mà từ hai ngàn năm nay, con người ngày càng có khả năng nên thánh thật cao và đạt những huyền nghiệm cao sâu nhất như xuất thần và hôn nhân thiêng liêng. Vâng, các thánh thời Cựu ước không thể đạt tới trình độ ấy, cũng như các tế sư Veda không thể thoát tục và giác ngộ được như các bhiksu và muni của thời kỳ Phật giáo và Vedânta. Vâng, chỉ gần đây thôi, sự Thánh và sự Thiện mới đạt tới đỉnh cao nhất và độ sâu nhất của nó.
----------------------------------------------------------
[1] X. Hoành sơn, …Khổ nghiệm Cha Piô…, CGvDT, số 123.
[2] Cùng với sự tương tác giữa các cá nhân với nhau, cũng như giữa cá nhân với tập thể.
bài liên quan mới nhất
- Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XI ngày 27-10-2021
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Sứ Điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại Lễ Vesak 2021 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Tìm hiểu về Tôn giáo Bạn ngày 13-11-2020 -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019
-
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565 -
Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Sứ điệp gửi các Phật tử nhân Đại lễ Vesak 2019 - Phật lịch 2563 -
Hội ngộ Liên tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn: Buổi Gặp gỡ Đại kết lần thứ VIII ngày 25-1-2021 -
Cảm nghiệm sau buổi gặp gỡ tín hữu Islam tại Masjid Jamiul Islamiyah