Dạy học là một nghề thiên-nan-vạn-nan nhưng cần thiết

Dạy học là một nghề thiên-nan-vạn-nan nhưng cần thiết

Theo ZENIT – Thứ tư 23-09 vừa qua, trong cuộc tiếp xúc báo chí với tờ L'Osservatore Romano, linh mục Carlo Nanni, viện trưởng Đại học Giáo hoàng Salêdiêng, khi đề cập đến những khó khăn hiện nay của công việc dạy học, đã đưa ra nhận định: “Dạy học là một nghề thiên-nan-vạn-nan nhưng cần thiết.”

Cha nói: “Ngày nay, dạy học là một nghề phải đương đầu với nhiều khó khăn nhưng so với những thời kỳ khác, có lẽ là cần thiết hơn.”

Đề cập đến vai trò của gia đình trong quá trình giáo dục, linh mục viện trưởng cho rằng: “Hiện nay nhiều phương diện của giá trị gia đình bị bỏ trống.” Ngài lấy làm tiếc vì “Gia đình không còn giữ phần quan trọng làm một tế bào trong hoạt động kinh tế và thực hiện chức năng chuyển giao văn hóa.”

Ngài nói: “Gia đình chỉ còn giữ vai trò làm nơi liên lạc, còn mọi chức năng xã hội lớn lao đều đã bị chuyển giao cho những nơi khác” và nhấn mạnh: “Rốt cuộc giáo dục chỉ còn làm công việc huấn thị, dạy dỗ.”

Linh mục viện trưởng bày tỏ mối lo ngại: “Văn hóa chỉ còn là chuyện dạy dỗ, học hành. Điều này không chỉ xảy ra dưới các chế độ toàn trị (độc tài) mà cả trong não trạng chung nữa. Giáo dục chỉ còn là dạy học trò hội nhập xã hội, quan hệ được với người khác.”

Theo cha Nanni: “Từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã diễn ra cuộc cách mạng âm thầm về lối sống cá nhân và tập thể, đem lại những lợi ích mới mẻ cho chất lượng cuộc sống, bảo vệ những quyền của bản thân con người và đấu tranh cho các quyền về dân sự, đồng thời hướng vào những vấn đề lớn của thế giới như nạn đói, bệnh Sida….”

Cha cảnh giác: “Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có tác động tiêu cực, đó là nguy cơ khiến chúng ta không thể xích lại gần nhau, khiến cho triển vọng về một lợi ích chung trở nên mờ mịt.” Ngài đặc biệt nhấn mạnh: “Con người thì giá trị hơn thể chế; thời gian dành cho sinh hoạt tự do và nghỉ ngơi giải trí thì cần được lưu tâm hơn thời gian dành cho lao động và thực thi cam kết.”

Linh mục viện trưởng đại học Salêdiêng chia sẻ với các nhà giáo dục: “Tôi muốn nói với các nhà giáo dục: ‘medice, cura te ipsum’ [hỡi thầy thuốc, hãy chữa cho mình đi]; con người ngày nay nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, nếu họ nghe các thầy dạy là vì các thầy cũng là những chứng nhân, như Đức Phaolô VI đã từng nói.”

Đứng trước những thách thức hiện nay, cha viện trưởng kêu gọi các nhà giáo: “Chúng ta không đơn độc. Chúng ta đã có một mẫu gương để noi theo. Đó là Chúa Giêsu, một nhà giáo phi thường: Người sống gần gũi, Người đến gặp gỡ, Người đi bước trước, Người đích thân đón tiếp và đối thoại với những con người có những suy nghĩ khác Người, Người thấu hiểu và không lên án cũng không biện bạch cho một hành vi xấu. Tùy hoàn cảnh riêng của mỗi người, Người đề nghị “phải làm hơn,” nhưng cũng không quên những đòi hỏi của Nước Trời và thực tế của xã hội.”

Cha rút ra kết luận: “Công việc giáo dục vẫn luôn là một công việc đầy thách đố.”

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top