ĐGM Giuse Vũ Duy Thống: nhịp cầu duyên nợ Sài Gòn – Phan Thiết

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống: nhịp cầu duyên nợ Sài Gòn – Phan Thiết

WGPSG -- Cách đây 34 năm, vào năm 1975, một Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận TP.HCM đã trở thành Giám mục chánh toà thứ hai của giáo phận Phan Thiết. Đó là Đức Cha Nicôla Huỳnh văn Nghi, kế nhiệm Đức Cha Phao lô Nguyễn Văn Hoà (Giám mục tiên khởi Phan Thiết)

Ba mươi bốn năm sau, lịch sử được lập lại. Đức Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận TP.HCM Giuse Vũ Duy Thống đã nhận chức Giám mục chánh toà (thứ tư) của Giáo phận Phan Thiết vào ngày 3-9-2009, kế nhiệm Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan (2005-2009)

Trước đó 3 ngày, lúc 5:00 sáng thứ hai 31-8-2009, một phái đoàn đông đảo gồm có ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, các linh mục của Toà Tổng Giám mục và Đại Chủng viện TGP.TPHCM, một số linh mục, tu sĩ và giáo dân đã cùng Đức Cha Giuse lên đường đi Phan Thiết.

Đến ngôi giáo đường đầu tiên của giáo phận Phan Thiết là Nhà Thờ Mẹ Thiên Chúa (Căn Cứ 6) vào lúc 9 giờ, hai phái đoàn, một đưa (Sài Gòn) một đón (Phan Thiết) đã gặp nhau trong tiếng nhạc hân hoan của đội kèn Thanh Xuân. Đức Cha Giuse đã vào nhà thờ viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, kính chào Đức Mẹ Chúa Trời, và thân chào đại diện phái đoàn Giáo phận Phan Thiết.

Đoàn “đưa” và đoàn “đón” bên nhau, cùng lên xe, hướng về Nhà thờ Chánh toà. Trên đường đi, giáo dân các giáo xứ hai bên đường vui mừng vẫy chào với các biểu ngữ khác nhau. Một đoàn xe gắn máy xuất hiện từ Suối Cát, đón rước phái đoàn, dẫn đường đi trước, cờ phướn tung bay.

Tới Tòa Giám mục Phan Thiết, phái đoàn bước vào giữa một hàng rào danh dự gồm các linh mục, tu sĩ và giới hiền mẫu, lạc vào giữa vang lừng nhạc khúc hoan ca và tiếng vỗ tay reo vui. Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Đức Ông GB Lê Xuân Hoa cùng linh mục đoàn và đại diện các thành phần Dân Chúa phấn khởi chào đón Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Đức Cha Giuse cùng phái đoàn Sài Gòn.

Ba ngày sau là lễ nhậm chức. Lúc 9 giờ sáng, đoàn đồng tế, gồm ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, 11 Giám mục, Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, các cha bề trên và khoảng 150 linh mục, tiến vào Nhà thờ Chánh toà. Tại sân Nhà thờ, ĐHY Gioan B. đã long trọng giới thiệu Đức Cha Giuse với cộng đoàn. Đức Cha Giuse đã rảy nước thánh khi đoàn đồng tế từ cửa nhà thờ tiến lên cung thánh.

Sau đó, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan thân ái dẫn Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đến ngai tòa Giám mục; ĐHY Gioan B. nói lên ý nghĩa của Thánh lễ; Cha Bí thư Giáo phận Phan thiết, Giuse Hồ Sĩ Hữu, đọc Sắc Lệnh và Tông Sắc bổ nhiệm của Tòa Thánh; Đại diện cộng đoàn Dân Chúa tiến lên trước Đức Cha Giuse để tỏ lòng tùng phục; và Thánh lễ bắt đầu.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse đã nói lên niềm vui cảm tạ vì Giáo phận Phan Thiết luôn có các chủ chăn tiếp nối, có gia tài quý giá là linh mục đoàn, và có Mẹ Maria luôn đồng hành trợ giúp.

Cuối Thánh lễ, ĐHY GB. phát biểu: “Trước khi bỏ Đức Cha Giuse ở lại đây (!) với Giáo phận Phan Thiết, tôi muốn có mấy lời…” Lời ĐHY muốn nói, tựa như một niềm lưu luyến: Đức Cha Giuse sẽ phải luôn hiện diện với Phan Thiết, vì đơn giản, ngài đã là người Phan Thiết; nhưng ngài vẫn còn rất nhiều duyên nợ với đất Sài Gòn, vì với tư cách là Chủ tịch Uỷ Ban Văn Hoá của HĐGMVN, ngài sẽ còn phải thường xuyên đến làm việc tại Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo, toạ lạc tại TP.HCM.

Vâng, Sài Gòn và Phan Thiết quả là có duyên nợ với nhau khá đậm. Sài Gòn đã tặng cho Phan Thiết hai người con ưu tú, cũng là hai mục tử kính mến của mình: Đức Cha Nicôla và Đức Cha Giuse. Hai vị này đã ý thức về bản thân như một tiền định: “đã là người Sài Gòn, nay đơn giản, tôi là người…Phan Thiết!” Là người Phan Thiết, nhưng Đức Cha Nicôla sau đó cũng đã từng là Đức Giám mục giám quản TGP.TPHCM. Và Đức Cha Giuse sẽ làm việc thường xuyên tại Nhà Truyền Thống của TGP.TPHCM

Nhịp cầu duyên nợ Sài Gòn – Phan Thiết đã mở ra một cách hết sức đặc biệt với Đức Cha Nicôla, nay lại càng thêm vững chắc đậm đà với bóng dáng mục tử tài hoa: Đức Giám mục Thông Vi Vu. Người Sài Gòn ra Phan Thiết tắm biển sẽ thấy biển Phan Thiết chẳng phải là nơi xa lạ. Và người Phan Thiết về thăm viếng Sài Gòn sẽ nói rằng: chao ôi, nơi đây có lạ lẫm gì đâu! Thân thương và thân quen làm sao, như người cùng một nhà! Và phải chăng đấy chính là ý nghĩa của những từ “liên đới, nối kết” được nhắc tới nhiều lần trong các Giáo huấn của Hội Thánh?

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top