ĐHGL toàn quốc lần 3 - Bài thuyết trình 1b: Giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng
Theo tài liệu chuẩn bị của Đại hội Giáo lý Toàn quốc (ĐHGLTQ) lần thứ III khẳng định và nêu rõ bối cảnh, ý nghĩa và mục đích của đại hội lẫn này "… là cơ hội thuận tiện để khai mở cho cuộc canh tân huấn giáo tại Việt Nam hầu góp phần nâng cao trình độ giáo lý và trưởng thành đức tin của Dân Chúa. Đây là lúc chúng ta cùng nhau nhìn vào thực tại của đời sống và hoàn cảnh hiện tại của đức tin người Kitô hữu Việt Nam để khám phá ra ý nghĩa cũng như những thách đố của việc dạy giáo lý. Đây cũng là lúc chúng ta khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý bằng cách đặt nó vào khung cảnh của việc Rao giảng Tin Mừng (evangelization). Từ đó, xác định rõ những đối tượng và phương pháp cần phải có của việc dạy giáo lý cũng như vai trò và trách nhiệm của cộng đoàn tín hữu trong việc dạy giáo lý."
Trong khuôn khổ của buổi thuyết trình sáng nay, trong bài tham luận đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã cho chúng ta hiểu thế nào là LBTM, Ngài cũng đã nêu ra những khó khăn thách thức của hoàn cảnh xã hội hiện tại và đưa ra tiến trình gợi mở cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam. Tiếp theo dòng suy tư đó, với chủ đề của đại hội, cũng là chủ đề trao phó cho tôi chia sẻ, tôi xin được đưa ra vài nhận định tập trung trên định hướng: "Giáo lý trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng”.
Vậy chúng ta đặt câu hỏi tại sao Hội Thánh xác định vị trí việc dạy giáo lý nằm trong viễn tượng của công cuộc loan báo Tin Mừng? việc xác định như vậy có giúp cho sứ vụ rao giảng Lời của Hội Thánh đúng theo căn tính và có làm cho đời sống con người được thăng tiến? Giáo lý trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng là gì? Bắt nguồn từ đâu, từ lý do nào mà Huấn quyền đã đưa ra định hướng cho việc dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng?
1- Bối cảnh
Đời sống con người đương đại thay đổi nhịp sống cách sâu rộng, nhất là từ sau thế chiến lần thứ II. Ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần thực hành, chủ thuyết tương đối, sự thờ ơ với tôn giáo, cũng như tiến bộ khoa học xã hội, làm xuất hiện những biến đổi về văn hóa- kinh tế, biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo, tạo ra nhiều điểm qui chiếu mới cho đời sống con người và đời sống đức tin.
Con người đã thiết lập riêng cho mình cách thức hiện hữu, cách hành động, cách suy tư, cách diện hiện trong không gian, cách làm quen với thời gian, cách đọc, cách nói, cách viết, cách giải trí, cách làm việc, cũng như tạo nên một số những thành ngữ mới trong giao tiếp, đối thoại và truyền thông.
Những giá trị truyền thống bị coi nhẹ. Mối dây liên hệ con người với đức tin ngày càng cá vị hóa và tư nhân hóa cách mạnh mẽ. Việc dạy giáo lý đã bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng về truyền thông xã hội và đức tin. Các hình thức giáo lý truyền thống trở nên khô khan và thiếu sức sống.
Để trả lời những vấn nạn của thời đại và đáp lại khát vọng đi tìm hạnh phúc của con người, Hội Thánh đã nỗ lực đưa ra những tài liệu quí giá nhằm đưa chỉ dẫn về thần học, mục vụ và định hướng cho công cuộc loan báo Tin Mừng, cũng như việc dạy giáo lý.
2- Xuất xứ của định hướng
Tiếp tục giáo huấn và ý hướng của Công đồng Vat II đẩy mạnh nỗ lực truyền giáo : qua việc mở ra với thế giới và canh tân Giáo hội theo tinh thần Phúc Âm, qua việc ý thức Giáo Hội là “ Bí Tích cứu độ phổ quát” (x. GH 48), có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, nối dài sứ mạng của Ba Ngôi (x. GH 2), và mệnh lệnh của Đấng sáng lập (Mt 16,15), do đòi hỏi của công giáo tính, cũng như căn tính của Giáo Hội là truyền giáo. Ý thức được sứ mạng truyền giáo không chỉ cho những con người ở những châu lục xa xôi, mà cần tái truyền giáo cho những con người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa tội. Giáo Hội muốn chu toàn những sứ mệnh đó thì một trong những việc đầu tiên đáng quan tâm là dạy giáo lý.
Mười năm sau Công Đồng, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (1975) đã đề nghị một trong những nguyên tắc cần được nhấn mạnh, đó là việc dạy giáo lý là một hoạt động loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ sứ mạng lớn lao của Hội Thánh. Từ nay trở đi, hoạt động giáo lý phải luôn luôn được coi là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và những ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo cho thời đại chúng ta. (x. HD TQ DGL 4). Tông Huấn khẳng định rõ ràng : “Một hình thức khác không được xem thường trong việc Phúc Âm hóa là việc dạy giáo lý”. ( s. 44).
Ý hướng này lại được Tông huấn Dạy Giáo Lý, năm 1979, làm thành một tổng thể hòa hợp với Tông huấn Loan Báo Tin Mừng và xác định lại vị trí của việc dạy giáo lý trong khuôn khổ của công cuộc rao giảng Tin Mừng. ( HD TQ DGL 5).
Trong số 13, nhấn mạnh tới vai trò của giáo lý: “Việc dạy Giáo Lý liên kết chặt chẽ với toàn thể đời sống Hội Thánh. Không những chỉ phạm vi địa dư của Hội Thánh được tăng trưởng, mà hơn nữa, sự tăng trưởng nội tâm và sự phù hợp với chương trình Thiên Chúa của Hội Thánh cũng tùy thuộc rất nhiều vào việc dạy Giáo Lý.”
Định hướng dạy Giáo lý trong viễn tượng này đã chính thức được huấn quyền công bố, nhưng còn xuất phát từ chính những đòi hỏi thực tế của sứ vụ truyền giáo và công việc mục vụ giáo lý.
2- Lý do
1. Mục vụ và truyền giáo
Lời công bố Tiên khởi và dạy giáo lý là hai hình thức bổ túc cho nhau trong sứ vụ Lời. Lời công bố Tiên khởi dẫn con người tới sự hoán cải, và hình thức thứ hai đưa sự hoán dẫn đến sự trưởng thành đức tin kitô giáo. “Việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, với mục đích khơi dậy nơi người chưa có đức tin ước muốn gia nhập đạo; việc dạy giáo lý hay huấn giáo, là việc đào sâu, có mục đích giúp hiểu cặn kẽ và rút ra những hệ quả cho cuộc sống từ trọng tâm sứ điệp Tin Mừng…” (Tài liệu chuẩn bị ĐHGL lần III, Giáo lý và nỗ lực tìm lại căn tính).
Tông huấn Dạy Giáo Lý nêu rõ trong số 18 Việc dạy giáo lý trong hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh, nó như Một Giai Đoạn của Phúc Âm Hoá.
Vì thế, việc dạy Giáo Lý không thể được tách rời khỏi hoạt động mục vụ và truyền giáo của Hội Thánh cách chung.
2. Truyền giáo
Với sự soi dẫn của giáo huấn cho chúng ta thấy quan niệm và cách thức truyền giáo cũng chuyển biến. Quan niệm cũ, mục đích của việc truyền giáo là đem người ta theo đạo, là đem vào Giáo Hội những thành viên mới. Ngày nay, mục đích của rao giảng Tin Mừng là đem Nước Thiên Chúa, đem Tin Mừng đến mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi và đổi mới nhân loại từ bên trong.
- Trước Vat II : Truyền giáo là đón nhận mệnh lệnh từ Chúa, ( Mc 16, 15; Mt 28, 18-20).
- Sau Vat II : Dân Chúa được mời gọi dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng vì tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo (x.TG 2).
Hội Thánh hiện hữu để rao giảng Tin Mừng, “Loan báo Tin Mừng là hồng ân và là ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (x. TG 6, LBTM 14).
Làm sao Giáo Hội thể hiện căn tính của mình, trong cuộc nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, giáo dân nhân ngày Truyền Giáo 19.10.2003, Đức Giám Mục Giáo Phận Đàlạt đã phát biểu như sau : “Nếu Hội Thánh là Hội Thánh của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì Hội Thánh phải lên đường truyền giáo. Hội Thánh không thể là gì khác ngoài loan báo Đức Kitô, loan báo Tình Yêu Thiên Chúa. Hội Thánh được thành lập là để sai đi, vì không ai trong chúng ta được rửa tội để lãnh phần rỗi riêng cho mình… Hội Thánh mà không truyền giáo, không lên đường loan báo Tin Mừng, thì chỉ là một tổ hợp, một hội gì đó, chứ không còn là Hội Thánh của Chúa Kitô nữa…loan báo Tin Mừng là một diễm phúc, đừng đánh mất diễm phúc ấy”.
3. Giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng
Trong tài liệu chuẩn bị đại hội, bài “ Mục đích của việc dạy giáo lý: Giáo dục hướng đến một Giáo Hội trưởng thành” đã trình bày : Việc đặt huấn giáo vào trong công cuộc rao giảng Tin Mừng có liên hệ đến cách chúng ta nhận thức và tham gia hoạt động giáo lý.
Trước hết, nhận ra mối liên hệ căn bản giữa rao giảng Tin Mừng và việc dạy giáo lý có nghĩa là đưa việc giáo dục giáo lý vào tâm điểm của đời sống Giáo Hội và coi việc dạy giáo lý là thiết yếu để Giáo Hội có thể sống sứ vụ của mình.
Thứ hai, tương quan giữa việc dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng cũng làm sáng tỏ nhiệm vụ của việc dạy giáo lý. Việc dạy giáo lý như là việc chuyển một người từ chỗ nghe Tin Mừng lần đầu tiên đến ước muốn trở về với Đức Giêsu Kitô, trở thành môn đệ Ngài, mà nhờ đó người đã được rao giảng Tin Mừng trở thành người rao giảng Tin Mừng. Sự chuyển động lúc đó không đơn thuần là chuyển động từ rao giảng Tin Mừng đến giáo lý, nhưng cũng là chuyển động từ giáo lý đến rao giảng Tin Mừng.
Thứ ba, theo ý hướng đó, nhìn giáo lý qua lăng kính rao giảng Tin Mừng cho thấy rõ chúng ta phải tập trung vào hoạt động giáo lý. Giáo lý cho người trưởng thành, nhất là giáo lý cho người dự tòng, coi là hình thức giáo lý chính yếu khuôn mẫu cho những hình thức giáo lý khác. Từ những tiến triển về quan niệm rao giảng Tin Mừng đến việc dạy giáo lý mang tính truyền giáo đã giúp cho việc dạy giáo lý tìm ra căn tính của mình trong bản chất và nhiệm vụ.
3- Căn tính của giáo lý
Giáo Hội hiện thời vẫn thống nhất ý kiến trong việc nhận ra căn tính của giáo lý xoay quanh 3 trục chính: Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội. Bản chất và ý nghĩa của việc dạy giáo lý được xác định trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng cũng như trong khuôn khổ sứ vụ của Giáo Hội, tức thừa tác vụ Lời Chúa.
Nhiệm vụ dạy giáo lý là trình bày Mạc khải của Thiên Chúa, qua sứ mạng công bố Lời của Giáo Hội, mời gọi mọi người sống giao ước với Thiên Chúa.
Hướng tổng quát nêu rõ: Việc dạy giáo lý là một hành vi chủ yếu mang tính Hội Thánh[1]. Hội Thánh là chủ thể thực sự của việc dạy giáo lý, tiếp tục sứ vụ của Thầy là Chúa Giêsu, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã được kêu gọi trở thành người giáo dục đức tin. Việc rao giảng Tin Mừng là một sinh hoạt sống động của truyền thống Hội Thánh.
Tông Huấn Dạy Giáo lý còn nhắc nhở: Bản chất của việc dạy Giáo Lý gắn liền với tất cả các hoạt động Phụng Vụ và các Bí Tích, vì chính các Bí Tích và nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Đức Ki-tô hoạt động một cách sung mãn để biến đổi nhân loại. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho việc lãnh nhận các Bí Tích ( TH DGL 23 ). Việc dạy giáo lý luôn đi hướng tới phụng vụ và các bí tích, nhưng lãnh nhận các bí tích không phải là đích điểm của huấn giáo, mà mục đích chính yếu là để kết hiệp với Thiên Chúa.
Từ đó Tông huấn đã chỉ ra chủ đích căn bản của việc dạy giáo lý là giúp cho con người không những gặp gỡ nhưng còn hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu Kitô, chỉ mình Ngài đưa ta đến tình yêu Chúa Cha, trong Thánh Thần và làm cho ta thông dự vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi. (TH DGL, 5 ; HDTQ DGL, 80).
Nhiệm vụ của Giáo lý : Trong những thế kỷ trước nếu như dạy giáo lý được coi như một việc giảng dạy về tôn giáo, mang tính cách lý thuyết của giáo lý dạy ở học đường, nên người ta chú trọng tới kiến thức tôn giáo và nhấn mạnh tới việc giữ gìn sự toàn vẹn của giáo thuyết.
Mục đích của việc dạy giáo lý đạt được qua các nhiệm vụ khác nhau nhưng bao hàm lẫn nhau. Những nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý: giúp nhận biết, cử hành và chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Kitô, gồm tóm trong 6 chức năng căn bản:
Giúp hiểu biết đức tin
Giáo dục phụng vụ
Huấn luyện luân lý
Dạy cầu nguyện
Giáo dục đời sống cộng đoàn
Khai tâm cho việc truyền giáo
Đặt việc dạy giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng cho ta thấy những điểm khac biệt giữa giáo lý truyền thống và giáo lý mang tính loan báo Tin Mừng. Dưới đây không phải là một bản so sánh giữa các chiều kích của giáo lý, nhưng chỉ là những gợi ý để xây dựng một tiến trình giáo lý phù hợp với từng hoàn cảnh địa phương.
STT | Chiều kích | Truyền thống | Viễn tượng LBTM |
Chủ đích | Lãnh nhận Bí tích | Hiệp thông với Thiên Chúa | |
Thần học | Qui thần, qui Kitô | Qui thần khí; Qui Kitô ba ngôi- (Christologie trinitaire) | |
Giáo hội học | Thân Thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, Dân Thiên Chúa | Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội hiệp thông tham gia | |
5 | Truyền giáo học | Mệnh lệnh | Căn tính của Giáo hội |
6 | Đức tin | Vâng phục | Thiên ân- đáp trả con người |
7 | Mạc khải | Lời phán truyền | Thiên Chúa tự thông ban chính mình : Lời Nhập Thể |
8 | Tương quan GL va Lời Chúa | Tham chiếu | Nguồn mạch- trung tâm |
9 | Tương quan GL và Phụng vụ | Công bố | Cử hành |
Nhân học | Phụ thuộc vào tập thể | Tự chủ- tự do | |
Xã hội | Truyền thống | Hiện đại- đa phức | |
Nội dung | Giáo thuyết | Đức tin | |
Phương pháp | Dạy dỗ | Khai tâm | |
Chức năng và nhiệm vụ | Truyền đạt giáo thuyết : giữ-tin-xin-chịu | Trưởng thành đức tin : 6 chức năng: | |
b. Cần phải đặt việc dạy Giáo Lý trên nền tảng của cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, có nghĩa là việc dạy Giáo Lý phải nhắc đến đến những kinh nghiệm và suy tư của Hội Thánh trong hai ngàn năm qua.
c. Cần phải luôn quy chiếu về mục đích của việc Dạy Giáo Lý là hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô, cho nên phải trình bày Đức Tin một cách trọn vẹn, nhất là toàn thể chân lý về mầu nhiệm Đức Kitô.
d. Cần phải nêu lên sự thiếu sót trong việc trình bày một số chân lý Đức Tin, thí dụ, chân lý về sự liên quan giữa Thiên Chúa và con người, về tội lỗi và ân sủng, về Cánh Chung. Cần phải chắc chắn rằng các sách giáo khoa về Giáo Lý không trình bày một chiều, làm tổn thương đến sự vẹn toàn của sự hiểu biết về Đức Tin.
e. Cần phải liên kết việc dạy Giáo Lý “với Phụng Vụ” cách hoàn toàn, để các cử chỉ, biểu tượng, nghi thức, và kinh đọc trong Phụng Vụ trở thành một phần của việc trình bày Đức Tin.
f. Cần phải vượt qua sự giằng co giả tạo giữa phương pháp và nội dung của môn Giáo Lý và tìm những phương pháp dạy Giáo Lý cho phù hợp với sự toàn vẹn củatín lý.
g. Cần phải trình bày Đức Tin cho phù hợp với nền văn hóa của học viên.
h. Cần phải coi việc đào luyện các tông đồ Giáo Lý cho việc truyền giáo là một công tác trọng yếu của việc dạy Giáo Lý. (HD TQ DGL 30)
Kết Luận
Dạy giáo lý hay huấn giáo là một giai đoạn hay một thời điểm của việc rao giảng Tin Mừng vì:
+ Huấn giáo thể hiện bản chất và căn tínhtruyền giáo của Giáo Hội;
+ Giáo Hội thấy nơi huấn giáo là cách căn bản để Hội Thánh chu toàn sứ vụ truyền giáo mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã ủy thác và trao phó.
Cho nên, nói đến việc dạy giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng là định vị việc dạy giáo lý ở tâm điểm sứ vụ của Giáo Hội. Điều này cho chúng ta thấy rõ phải đào tạo một cộng đoàn rao giảng Tin Mừng và trọng tâm của chúng ta phải là người trưởng thành, khi làm như vậy chúng ta hình thành một cộng đoàn năng động và đầy sức sống, có khả năng cổ võ và phong phú hóa đời sống đức tin của trẻ em cũng như giới trẻ.
--------------------------------------------------------------
[1] Xem cuốn Hướng dẫn đã chỉ rõ ở chương 1 “Sự truyền đạt Mạc khải bởi Hội Thánh, công trình của Chúa Thánh Thần”, và trong phần hai của chương 1, trong “Đặc tính Hội Thánh của sứ điệp Tin Mừng”. X. EN 60 đề cập đến đặc tính Hội Thánh trong mọi hành vi loan báo Tin Mừng.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 23/02: Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo
-
Ngày 22/02: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô -
Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục, tiến sĩ (1007-1072) -
Ngày 17/02: Bảy anh em lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ -
Ngày 14/02: Thánh Cyrillô, tu sĩ & Thánh Mêtôđiô, giám mục -
Ngày 11/02: Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức -
Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ -
Ngày 08/02: Thánh Giêrônimô Êmilianô -
Ngày 06/02: Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo -
Ngày 05/02: Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng các xứ truyền giáo -
Bảy sự đau đớn và vui mừng Thánh Giuse -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Ngày 04/08: Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục, bổn mạng các cha sở -
Ngày 03/05: Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, tông đồ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 27/08: Thánh nữ Monica -
Ngày 28/08: Thánh Augustinô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh