Đi tìm nhà thiết kế vĩ đại: một cái nhìn về Stephen Hawking

Đi tìm nhà thiết kế vĩ đại: một cái nhìn về Stephen Hawking

Stephen Hawking là một khoa học gia nổi tiếng, điều đó chẳng ai phủ nhận. Ông ngồi ghế giáo sư Toán ứng dụng và Vật lý lý thuyết suốt 30 năm ở đại học Cambridge. Ông cũng là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học Giáo Hoàng. Ông viết nhiều sách về vũ trụ, được dịch và được đọc nhiều ở Việt Nam. Cuốn A Brief History of Time (Lược Sử Thời Gian, nxb Trẻ) được dịch và in lần thứ 20, cuốn The Grand Design (Bản Thiết Kế Vĩ Đại, nxb Trẻ) đã được in đến lần thứ 7. Ông được coi như nhà vật lý đương đại nổi tiếng ngang với Newton và Einstein. Điều đặc biệt nơi ông là sức mạnh tinh thần khiến ông lạc quan trước căn bệnh hiểm nghèo mà ông phải chịu. Việc ông bị liệt, phải ngồi xe lăn, cổ ngoẹo qua một bên, không nói rõ được, nhưng vẫn có cách để viết sách và tham dự hội thảo, đã làm cho những cuốn sách của ông có giá trị hơn. Chúng xuất hiện như những lời chứng hấp dẫn của một người đáng tin cậy.

Nếu Hawking chỉ nghiên cứu về vũ trụ mà thôi, thì chẳng có chuyện. Nếu ông cứ ở trong phạm vi khoa học mà thôi, thì chẳng có vấn đề gì, cùng lắm chỉ là vấn đề lý thuyết của ông đúng hay sai thôi về mặt khoa học. Xin mở một dấu ngoặc, đó là trong thực tế, Hawking đã từng sai về mặt khoa học. Ông đã tranh cãi quyết liệt và chối bỏ sự hiện hữu của một hạt do Peter Higgs đề xuất từ năm 1964. Mãi đến tháng 3 năm 2013, hạt Higgs mới được chính thức công nhận là có thật và ông Higgs đã được giải Nobel vật lý, còn Hawking đã phải nhận mình sai. Có người bảo Hawking không được giải Nobel vì lý thuyết của ông về lỗ đen chưa kiểm chứng được.

Nhưng điều chúng ta muốn bàn ở đây là mối quan tâm của ông. Ngay trang đầu của Bản Thiết Kế Vĩ Đại, ông đã đặt nhiều câu hỏi lớn: “Làm sao chúng ta có thể hiểu được thế giới, nơi chúng ta tìm thấy chính mình? Vũ trụ vận hành ra sao? Bản chất của thực tại là gì? Tất cả những thứ ấy đến từ đâu? Vũ trụ có cần một Đấng tạo hóa không?” [1] Và ông đã đúng khi cho rằng đa số chúng ta đều có lúc hỏi như thế. Tiếc là ngay sau đó ông lại bảo những câu hỏi này “dành cho triết học” và vội vã khẳng định “triết học đã chết… vì không tiến kịp với sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý học” [2] Có thật như thế không? Vật lý học có trả lời được những câu hỏi “triết học” đó của kiếp nhân sinh không? Hawking nghĩ là có. Thế là nhà vật lý Hawking, sau khi khẳng định triết học đã chết, lại tiếp tục viết cuốn Bản Thiết Kế Vĩ Đại của mình với những suy tư triết học và siêu hình, để cố trả lời những câu hỏi trên! Ta gặp lại những câu hỏi lớn của triết học nằm ở cuối chương 1 của cuốn sách trên! [3]

Thật ra, chúng ta vẫn đau đáu về những câu hỏi như: Tại sao tôi có mặt trên đời? Đâu là mục đích đời tôi? Rồi tôi sẽ đi đâu? Ngoài vũ trụ hữu hình này, còn có gì khác nữa không? Hawking cũng vậy. Nhưng ông gây sốc lớn vì đã tuyên bố: “Bởi vì có một định luật như định luật hấp dẫn, nên vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra từ hư không (nothing)” [4]. Ông cũng tuyên bố trên truyền hình rằng: “Không có Thiên Chúa. Không ai tạo nên vũ trụ và không ai định vận mệnh của chúng ta. Điều này dẫn tôi đến một nhận thức sâu sắc rằng chắc hẳn cũng không có cả thiên đường lẫn thế giới bên kia.”

Một số người, nhất là các bạn trẻ, có thể bị lôi cuốn bởi những tuyên bố trên, vì họ tưởng mọi câu nói của các khoa học gia nổi tiếng đều đúng. Tuy nhiên, thời nào cũng có những khoa học gia hữu thần và những khoa học gia vô thần. Thái độ hữu thần hay vô thần không đến từ khoa học. Nó đến từ người làm khoa học. Hơn nữa, một khoa học gia nổi tiếng có thể sai lầm khi khẳng định một điều không thuộc phạm vi khoa học của mình, cũng như một nhà thần học sẽ sai lầm khi đưa ra những khẳng định về khoa học.

John C. Lennox cho rằng có ba sự tự mâu thuẫn (self-contradiction) trong khẳng định sau đây của Hawking: “Vì có luật về lực hấp dẫn, nên vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra chính nó từ nothing[5]. Sự tự mâu thuẫn đầu tiên, đó là Hawking khẳng định vũ trụ tạo ra chính mình từ nothing.Thật ra đối với các nhà vật lý, khi nói về nothing, họ thường muốn nói đến một chân không lượng tử (a quantum vacuum). Dĩ nhiên chân không này thật là một hiện hữu, chứ không phải là hư vô. Hawking cũng hiểu như vậy khi ông viết: “Chúng ta là một sản phẩm của những thăng giáng lượng tử trong vũ trụ lúc rất sớm” [6]. Bởi đó nothing của Hawking không thật là nothing theo nghĩa là hư vô tuyệt đối như ta thường nghĩ (le néant, absolute nothingness).

Sự tự mâu thuẫn thứ hai, đó là khẳng định vũ trụ tạo ra chính nó, nghĩa là vũ trụ tạo ra vũ trụ. Như thế hàm ý phải có một vũ trụ trước, rồi từ vũ trụ đó sinh ra vũ trụ sau. Hawking đã giả thiết sự hiện hữu của một vũ trụ có trước để giải thích về sự hiện hữu của vũ trụ ngày nay. Nhưng câu hỏi là vũ trụ có trước đó ở đâu ra.

Sự tự mâu thuẫn thứ ba đó là việc Hawking coi luật về lực hấp dẫn (law of gravity) có thể giải thích được “tại sao” có vũ trụ này. Luật này cho thấy sức hút của những vật thể trong không gian, và xác định xem chúng bị thu hút lại với nhau như thế nào. Như thế luật này giả thiết là đã có vũ trụ với những vật thể trong không gian rồi. Nó hoàn toàn không giải thích được tại sao lại có vũ trụ này như Hawking nghĩ.

Tóm lại, theo tôi, Hawking đã đi quá giới hạn của một nhà khoa học. Khoa học chỉ nghiên cứu về những gì đã hay đang có, chứ không có khả năng nghiên cứu về “hư vô”. Khoa học chỉ tìm hiểu về sự biến đổi từ vật thể này sang vật thể kia, chứ không tìm hiểu về sự biến đổi từ hư vô tuyệt đối sang một vật thể khác. Khoa học chỉ nghiên cứu về cái “thế nào” (how) của sự biến đổi vật chất, chứ không giải thích được cái “tại sao” (why): tại sao lại có một vật thể thay vì không có gì cả? Nhà khoa học cũng chỉ tìm ra những định luật chi phối vật chất, chứ không làm ra những định luật ấy [7]. Mà dù có tìm ra được những định luật và diễn tả chúng bằng những phương trình toán học uyên bác, thì cũng chẳng trả lời được câu hỏi tại sao một vật hiện hữu. Để một vật hiện hữu cần có nguyên nhân tác thành (efficient cause). Tiếc thay nguyên nhân này lại không được nhắc đến trong khoa vật lý hay vũ trụ học [8].

Hawking đã mất nhiều năm để xây dựng lý thuyết cho rằng những dao động lượng tử trong một chân không nguyên thủy có thể cung ứng một bối cảnh mà tự nó, do tình cờ, có thể sản sinh một điểm kỳ dị (singularity) trong không-thời gian. Nhưng Hawking lại không cho biết bởi đâu có sự hiện hữu của những “dao động lượng tử trong một chân không nguyên thủy”? Guy Consolmagno, giám đốc Đài Thiên Văn Vatican, nói: “Thiên Chúa là lý do khiến cho chính sự hiện hữu hiện hữu. Thiên Chúa là lý do làm cho không gian và thời gian và các định luật của thiên nhiên có mặt, để các lực mà Hawking nói đến mới có thể hoạt động được” [9]. Khi Isaac Newton khám phá ra luật về lực hấp dẫn, ông không nói: chẳng có Thiên Chúa. Trái lại, ông viết cuốn Principia Mathematica, cuốn sách nổi tiếng trong lịch sử khoa học, với hy vọng là “thuyết phục người biết suy tư” tin vào Thiên Chúa. Hy vọng những nghiên cứu sâu xa của Stephen Hawking về vũ trụ sẽ được bổ sung khi ông về với thế giới bên kia. Và hy vọng ông gặp được Đấng đã thiết kế Bản Thiết Kế Vĩ Đại.

(Nguồn: WHĐ)


[1] Stephen Hawking và  Leonard Mlodinow, Bản Thiết Kế Vĩ Đại, dịch giả Phạm văn Thiều và Tô bá Hạ, nxb Trẻ, in lần thứ 7, 2018, tr. 13.

[2] Sđd, tr. 13-14.

[3] Sđd, tr. 18. Xem thêm trang 174.

[4] “Because there is a law such as gravity, the Universe can and will create itself from nothing.”  Xem Bản Thiết Kế Vĩ Đại, trang 184.

[5] John C. Lennox, God and Stephen Hawking: Whose Design Is It anyway? Oxford, England: Lion Hudson, 2011. Bản pdf, tr. 19-20.

[6] Hawking, Bản Thiết Kế Vĩ Đại, tr. 144.

[7] Stephen Hawking, Lược Sử Thời Gian, dịch giả Cao Chi & Phạm văn Thiều, nxb Trẻ, 2005, tr. 180. Trong cuốn sách này Hawking có vẻ vẫn còn hữu thần khi viết: “Những định luật đó có thể là do Chúa ban hành, nhưng hình như sau đó Chúa đã để cho vũ trụ tự phát triển…theo những quy luật mà chúng ta có thể hiểu được” (tr. 180-81).

[8] Robert J. Spitzer, New Proofs for the Existence of God: Contribution of Contemporary Physics and Philosophy, (Grand Rapids, MI/Cambridge, U.K.: W.B. Eerdmans , 2010) p. 102-03.

[9] Guy Consolmagno, God is Dead; long live the Eternal God, The Tablet, Sept. 11, 2010, pp. 4-5.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top