Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại phi trường Praha

Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại phi trường Praha

Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại phi trường Praha: Văn hóa và tôn giáo tại châu Âu

WHĐ (27.09.2009) / ESM – Ngày 26.09.2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rời Roma trước 9 giờ một chút để thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Cộng hòa Séc [Česká Republika] (chuyến đi mục vụ thứ mười ba của ngài). Máy bay của Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Praha hai giờ sau đó. Ngài đã được Tổng thống Cộng hòa Séc, ngài Václav Klaus, Hồng y Miloslav Vlk, Tổng giám mục Praha và Đức cha Jan Graubner, Tổng giám mục Olomouc và Chủ tịch Hội đồng Giám mục quốc gia, đón tiếp. Đức Thánh Cha đã đọc bài diễn văn đầu tiên của ngài:

“Nếu toàn bộ nền văn hóa châu Âu đã được nhào nặn một cách sâu đậm bởi kho tàng Kitô giáo của mình, sự kiện này đặc biệt đúng trên vùng đất Séc, bởi vì chính nhờ công việc thừa sai của hai thánh Cyrillô và Mêthodit, vào thế kỷ thứ VI, mà ngôn ngữ slavon cổ đã được ghi lại lần đầu tiên. Tông đồ của các dân tộc Slave và đấng sáng lập của nền văn hóa của các dân tộc này, các ngài đã được tôn kính với tính cách là những thánh bảo hộ của châu Âu”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Trong suốt lịch sử của mình, vùng đất nằm ở trung tâm của lục địa châu Âu, tại ngã tư của các con đường bắc – nam và đông – tây, đã là điểm gặp gỡ của nhiều dân tộc, nhiều truyền thống và văn hóa khác nhau. Dĩ nhiên, điều này đôi khi đã tạo nên những va chạm, tuy nhiên, sự gặp gỡ này đã được chứng tỏ là phong phú xét về lâu về dài. Từ đó vai trò đầy ý nghĩa của vùng lãnh thổ Séc trong lịch sử tư tưởng, văn hóa và tôn giáo của châu Âu, đôi khi với tính một trận địa, nhưng thường xuyên hơn vẫn là vai trò của chiếc cầu nối”.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng trong vài tháng nữa sẽ là kỷ niệm lần thứ hai mươi của cuộc cách mạng chấm dứt trong hòa bình một thời kỳ đặc biệt nghặt nghèo đối với xứ sở, “trong đó việc phổ biến tư tưởng và các luồng văn hóa bị kiểm soát một cách chặt chẽ”. Ngài nói ngài xin kết hợp với người Séc và người láng giềng của họ để “tạ ơn về sự giải thoát khỏi các chế độ áp bức. Nếu sự sụp đổ của bức tường Berlin đã đánh dấu một khúc ngoặt quyết định trong lịch sử thế giới, điều này còn đúng hơn nữa đối với các nước Trung và Đông Âu, cho phép họ có chỗ đứng thuộc về họ trong sự đồng thuận của các dân tộc, với tính cách là những tác nhân chủ chốt. Tuy nhiên, không được coi nhẹ cái giá của bốn mươi năm đàn áp chính trị. Một thảm kịch đặc biệt đối với đất nước này là âm mưu tàn nhẫn của Nhà nước thời đó muốn cướp đi tiếng nói của Giáo hội. Lịch sử của đất nước các bạn, trong suốt chiều dài của nó, từ thánh Venceslas, thánh nữ Ludmilla và thánh Adalbert cho tới thánh Jean Népomucène, đều được ghi dấu ấn của các vị tử đạo kiên cường và lòng trung tín của họ với Đức Kitô đã được minh chứng một cách mạnh mẽ và hùng hồn hơn cả tiếng gào thét của các đao phủ của các ngài”.

“Năm nay được đánh dấu bởi kỷ niệm lần thứ bốn mươi cái chết của vị Đầy tớ Chúa, hồng y Josef Beran, Tổng giám mục Praha. Tôi mong muốn tôn vinh ngài và người kế vị ngài, hồng y František Tomášek mà tôi đã được vinh hạnh biết đến qua chứng từ kitô hữu không gì làm lu mờ được của các ngài trước cuộc bách hại. Với vô số các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đàn ông, phụ nữ dũng cảm, các ngài đã duy trì ngọn lửa sống động của đức tin trong đất nước này. Giờ đây, sự tự do tôn giáo đã được tái thiết lập, tôi có lời kêu gọi mọi công dân của Cộng hòa hãy khám phá lại các truyền thống Kitô giáo đã nhào nặn nên nền văn hóa của họ và tôi mời gọi cộng đồng Kitô hữu tiếp tục nói lên tiếng nói của mình trong khi dân tộc đang phải đối đầu với những thách thức của thiên niên kỷ mới”. Trích dẫn thông điệp Caritas in Veritate, Đức Thánh Cha kết luận: “Không có Thiên Chúa, con người sẽ không biết đi đâu và đi tới chỗ chẳng còn biết mình là ai. Chân lý của Tin Mừng không thể thiếu đối với một xã hội lành mạnh, bởi vì chân lý mở ra trước niềm hy vọng và cho phép chúng ta khám phá ra phẩm giá không thể hoán chuyển của con cái Thiên Chúa”.

Sau nghi lễ tiếp đón, Đức Bênêđictô XVI đã tới nhà thờ Đức Bà toàn thắng ở Praha.

(Theo eucharistiemisericor.free.fr)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top