Độc thân tận hiến: hồng ân và trách nhiệm
Trong những tháng gần đây, đời sống độc thân của linh mục lại trở thành đề tài nóng. Một nhóm linh mục ở Áo ra tuyên ngôn kêu gọi bất tuân phục Đức giáo hoàng trong một số vấn đề, trong đó có luật độc thân linh mục. Mới đây, một giám mục ở Úc đưa ra nhận định: luật độc thân linh mục đang xiết cổ, bóp chết Giáo Hội. Nhận định này được một số người phụ họa, ví dụ linh mục phụ trách UCAN.
Tại sao luật độc thân linh mục lại giết chết đời sống Giáo Hội? Vì luật ấy làm cho người trẻ sợ hãi, không dám bước vào đời sống linh mục nữa. Tình trạng thiếu vắng ơn gọi tại nhiều Giáo hội địa phương trên thế giới là điều hiển nhiên và chưa thấy tín hiệu lạc quan nào cho tương lai. Không có linh mục thì không có Thánh Lễ, không có bí tích Thánh Thể, đang khi Thánh Thể là suối nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu. Thế là đời sống Giáo Hội ngày càng sa sút và cạn kiệt sinh lực. Ấy là chưa nói đến luật độc thân đã đẩy nhiều linh mục đến lối sống hai mặt, tệ hơn nữa là rơi vào tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Cho nên vì lòng yêu mến Giáo Hội Chúa Kitô, các vị lãnh đạo, trên hết là Đức giáo hoàng, cần thay đổi luật liên quan đến đời sống độc thân của linh mục.
Lập luận nghe không những thuyết phục mà còn đạo đức nữa vì phát xuất từ lòng yêu mến Giáo Hội. Nhưng trước hết phải trở lại với câu hỏi: Có thực sự luật độc thân là nguyên nhân duy nhất và chính yếu đưa đến tình trạng thiếu vắng ơn gọi linh mục không? Trong bài trả lời phỏng vấn của thông tấn xã Zenit mới đây, Đức hồng y Maura Piacenza, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, cho biết: Trong các Giáo hội Kitô khác, vốn không nhìn nhận chức linh mục cũng không có luật độc thân, thì họ vẫn gặp khủng hoảng về “ơn gọi” theo nghĩa là thiếu những người lãnh đạo cộng đoàn. Cả bí tích hôn nhân với đòi hỏi bất khả phân ly cũng đang gặp khủng hoảng. Sự vi phạm luật độc thân trong hàng linh mục cũng không thể trở thành tiêu chuẩn để phán xét về luật độc thân. Thống kê cho biết hơn 40% các cặp vợ chồng thất bại trong đời sống hôn nhân, đang khi chỉ có 2% linh mục vi phạm luật độc thân.
Như thế, nguyên nhân chính yếu của tình trạng thiếu vắng ơn gọi linh mục nằm ở chỗ khác, đó là sự khủng hoảng đức tin, cách riêng trong các nước phương Tây. Tình trạng duy tục hóa ngày nay dẫn đến chỗ người ta đánh mất cảm thức đức tin, thể hiện qua việc giảm sút số tín hữu dự lễ Chúa nhật và lãnh nhận bí tích giao hòa, cũng như khủng hoảng trong đời sống hôn nhân. Đây cũng là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng thiếu vắng ơn gọi linh mục. Ngoài ra cũng nên quan tâm đến những yếu tố khác về mặt xã hội, chẳng hạn tỷ lệ sinh sản giảm sút đáng kể, và điều này cũng dẫn đến việc thiếu vắng ơn gọi.
Thật ra, độc thân linh mục không chỉ là lề luật, mà đúng hơn là một ơn ban từ phía Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người. Khi bàn về việc tự nguyện sống khiết tịnh, Chúa Giêsu nói: “Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời”. Rồi Người kết luận: “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12). Lời này vọng lại một lời khác ngay trước đó: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (Mt 19,11). Một ơn ban! Chính vì thế, người ta chỉ có thể hiểu và sống ‘luật’ độc thân – nghĩa là đáp trả lại ơn ban của Thiên Chúa – khi đi sâu vào mối quan hệ sống động và thân tình với Chúa Giêsu.
Cũng vì thế, để có thể sống độc thân trọn vẹn, linh mục phải cầu nguyện không ngừng. Cầu nguyện để xin cho mình mở lòng đón nhận và sống được ơn ban của Thiên Chúa. Cầu nguyện để đi vào mối thân tình với Thiên Chúa. Các nhà linh đạo nhận xét rằng, điều mà con người khao khát không chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục, nhưng là cái gì ẩn bên trong quan hệ đó, tức là sự thân tình (intimacy). Thế nên không ít đôi vợ chồng có quan hệ tình dục bình thường nhưng vẫn đổ vỡ. Có những người suốt đời đi tìm quan hệ tình dục với nhiều người mà vẫn thấy thiếu vắng. Đi vào sự thân tình với Chúa Giêsu là đòi hỏi cần thiết cho linh mục để sống sự độc thân đúng nghĩa. Cũng vì đi sâu vào mối thân tình với Chúa Giêsu nên linh mục – cách riêng linh mục giáo phận – đón nhận cộng đoàn mình được sai đến phục vụ như người bạn đời của mình, dành trọn thời giờ, năng lực, tình yêu, cho cộng đoàn đó.
Tại Việt Nam, nếu có cuộc thăm dò ý kiến của Dân Chúa về vấn đề này, chắc là 90% người công giáo yêu cầu các linh mục sống độc thân vì nhiều lý do khác nhau. Bầu khí đó nâng đỡ các linh mục rất nhiều trong đời sống độc thân tận hiến. Dù vậy chăng nữa, linh mục không chỉ sống độc thân vì mong ước của người khác mà sâu xa hơn, vì chính xác tín nội tâm của mình. Rất nhiều anh em linh mục trong các nước phương Tây đang sống xác tín đó, ngay giữa lòng môi trường xã hội và bầu khí văn hóa đối nghịch với lời mời gọi của Tin Mừng.
25-9-2011
bài liên quan mới nhất
- Một lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục
-
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đi tu để hiến thân hay tiến thân? -
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi 2018: Đức Thánh Cha Phanxicô phong chức linh mục cho 16 phó tế -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi” lần thứ 55 (năm 2018) -
Sứ điệp cho “Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi” lần thứ 55 -
Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ noi gương Đức Maria là người môn đệ thừa sai, can đảm đáp lại ơn gọi của mình -
Ban Mục vụ ơn gọi thông báo tuyển sinh 2017 -
Thư mục vụ ngày cầu nguyện cho ơn gọi 2017 -
Pakistan: Bùng nổ ơn gọi linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Một lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục -
Đời tu là hạnh phúc -
Đi tu để hiến thân hay tiến thân? -
Hành trình ơn gọi -
Nghĩ về ơn gọi linh mục nhân dịp lễ phong chức -
Huyền nhiệm một ơn gọi -
Huynh trưởng, sao anh đi tu?